Hội Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ

http://dongkhiettam.com


Tiếp kiến chung 10/8: Tuổi già, thời gian hướng về sự hoàn tất

Sáng thứ Tư 10/8, như thường lệ ĐTC đã có buổi tiếp kiến chung tại Đại thính đường Phaolô VI dành cho các tín hữu và khách hành hương. Đức Thánh Cha tiếp tục bài giáo lý về tuổi già, số 16 với tựa đề: “Thầy đi để chuẩn bị chỗ cho anh em” (Ga 14,2) - Tuổi già, thời gian hướng về sự hoàn tất.
Tiếp kiến chung 10/8: Tuổi già, thời gian hướng về sự hoàn tất

 

Bài đọc Sách Thánh trước bài giáo lý được trích từ Tin Mừng Gioan 14,1-3:

“Lòng anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó”.

Bài giáo lý của ĐTC:

Anh chị em thân mến,

Chúng ta đã đến những bài giáo lý cuối cùng về tuổi già. Hôm nay, chúng ta bước vào giây phút thân mật và cảm động trong cuộc chia tay của Đức Giêsu với các môn đệ trong tường thuật rất dài của Tin Mừng Gioan. Diễn từ ly biệt của Đức Giêsu bắt đầu với những lời an ủi và hứa hẹn: “Lòng anh em đừng xao xuyến!” (14:1). “Thầy đi dọn chỗ cho anh em và Thầy lại đến để đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu anh em cũng ở đó”. Những lời này của Chúa thật đẹp.

Vừa ngay trước đó, Đức Giêsu nói với Phê-rô: “Sau này anh sẽ theo Thầy” (13,36), nhắc nhở Phê-rô về hành trình mà vị Tông Đồng này sẽ phải đi, ngang qua sự yếu đuối trong đức tin của mình. Thời gian còn lại trong cuộc đời của các môn đệ là hành trình phải băng ngang qua sự yếu đuối trong việc làm chứng cho Thầy mình, phải băng ngang qua những thách đố trong đời sống huynh đệ. Nhưng đó cũng sẽ là hành trình trải nghiệm những phúc lành đầy sức mạnh của đức tin: “Ai tin vào Thầy, người ấy có thể làm được những việc Thầy đã làm, và còn làm những việc lớn lao hơn nữa”. Hãy nghĩ về tầm vóc đặc biệt của lời hứa này! Không biết chúng ta đã suy nghĩ thật sâu xa về điều này chưa, đã thật sự tin tưởng vào lời hứa này chưa?

Tuổi già là thời gian thuận tiện cho việc sống chứng tá cách vui mừng và có sức đánh động về niềm mong đợi này. Người già chờ đợi một cuộc gặp gỡ này. Trong tuổi già, những việc thực hành đức tin, là những điều có thể đưa chúng ta và những người khác đến gần với nước Thiên Chúa, giờ đây đã vượt quá sức lực, lời nói, cũng như sự nhiệt thành của tuổi trẻ và sự trưởng thành. Nhưng chính trong tình trạng ấy, chúng ta có thể cảm nghiệm rõ hơn lời hứa về đích đến chân thật của cuộc đời. Đâu là đích đến chân thật của cuộc đời? Đó là một chỗ trong bàn tiệc với Thiên Chúa, trong thế giới của Thiên Chúa. Sẽ thật đẹp nếu trong các Giáo Hội địa phương có một sự quan tâm đặc biệt dành cho việc thực hành thừa tác vụ đợi chờ Thiên Chúa, có thể phát huy những ơn riêng và những phẩm chất cộng đồng nơi người cao tuổi.

Một tuổi già bị tiêu hao trong sự mòn mỏi vì những gì đã qua sẽ mang đến sự tiêu hao mòn mỏi cho chính mình và cho những người khác. Ngược lại, một tuổi già được sống với sự ngọt ngào và trân trọng cuộc sống hiện thực sẽ xoá tan mọi phiền trách, để thấy tự đủ với chính mình và với những thành tựu mình đã đạt được. Tuổi già ấy thậm chí sẽ thôi phiền trách Giáo Hội, khi thấy Giáo Hội phải thích nghi với hoàn cảnh của thế giới. Khi chúng ta có thể giải phóng mình khỏi những giả định, hành trình của tuổi già mà Thiên Chúa ban cho chúng ta sẽ là một trong những công trình lớn lao, như Đức Giêsu đã nói. Quả vậy, tuổi già là công trình mà Đức Giêsu đã không có cơ hội để hoàn tất: cái chết, sự Phục Sinh và Lên Trời của Người đã cho chúng ta cơ hội để hoàn tất công trình tuổi già của đời mình. Chúng ta hãy nhớ rằng: “thời gian thì quan trọng hơn không gian”. Đây là quy luật ngay từ khỏi đầu. Cuộc sống của chúng ta không được tạo nên chỉ để đóng kín trên chính mình, trong một ảo tưởng thành toàn bản thân dưới thế này. Cuộc sống ấy có một đích đến xa hơn, vượt qua khỏi cái chết. Quả vậy, nơi chốn bền vững của chúng ta, nơi đến của chúng ta, không ở chốn này, nhưng ở gần Thiên Chúa, ở nơi mà Thiên Chúa cư ngụ vĩnh viễn.

Tại đây, trên mặt đất này, chúng ta chỉ mới khởi đầu hành trình “Nhà Tập”: chúng ta sống cuộc sống này ngang qua ngàn vạn khó khăn để học biết cách quý trọng ân huệ của Thiên Chúa, thấy vinh dự với trách nhiệm được chia sẻ ân huệ ấy và làm cho ân huệ ấy trổ sinh hoa quả cho tất cả mọi người. Thời gian được sống trên mặt đất này là ân huệ trên chuyến hành trình ấy. Khát vọng muốn thời gian dừng lại, muốn trẻ mãi không già, muốn mạnh khoẻ mãi mãi, muốn có quyền năng tuyệt đối… tất cả không chỉ là những điều không thể mà còn là ảo tưởng.

Cuộc hiện hữu của chúng ta trên mặt đất này là khởi đầu của sự sống. Sự sống ấy chỉ tìm thấy sự thành toàn viên mãn nơi Thiên Chúa. Chúng ta bất toàn ngay từ khởi đầu, và đi cho tới cùng chúng ta vẫn là những kẻ bất toàn. Khi đạt đến sự thành toàn như Thiên Chúa hứa, tương quan giữa không gian và thời gian sẽ bị đảo ngược: không gian của Thiên Chúa, nơi mà Đức Giêsu chuẩn bị kỹ lưỡng cho chúng ta, sẽ quan trọng hơn khoảng thời gian mà chúng ta đã trải qua trong cuộc đời phải chết của mình.

Như thế chúng ta thấy rằng tuổi già chính là giai đoạn đang tiến gần đến niềm hy vọng thành toàn này. Tuổi già hiểu biết cách chắc chắn về ý nghĩa của thời gian và của những giới hạn về nơi chốn mà chúng ta đã bắt đầu hành trình sự sống của mình. Tuổi già khôn ngoan về điều này. Do đó, tuổi già trở nên khả tín khi mời gọi chúng ta hãy vui mừng với sự chuyển vận của thời gian. Thời gian qua đi không phải là một đe doạ, nhưng đúng hơn là một lời hứa. Tuổi già khi được nhìn với cặp mắt sâu xa của đức tin sẽ không còn là một điều gì đó cô đọng cứng nhắc nữa, như người ta vẫn thường nói. Thế giới của thiên Chúa là một không gian vô tận, chẳng còn bị ảnh hưởng bởi sự chuyển vận của thời gian nữa.

Trong bữa Tiệc Ly, chính Đức Giêsu đã hướng về cùng đích này khi Người nói với các môn đệ: “Từ nay Thầy sẽ không còn uống rượu từ cây nho nữa, cho đến ngày Thầy lại uống cùng với anh em trong Nước của Cha Thầy” (Mt 26,29). Trong những lời rao giảng của chúng ta, chúng ta thường nói về Thiên Đàng đầy diễm phúc, đầy ánh sáng và tình yêu. Thế nhưng lối nói ấy có vẻ như còn thiếu một chút về sự sống. Trong các dụ ngôn của mình, Đức Giêsu luôn nói về Nước Thiên Chúa với đầy sự sống. Chẳng lẽ chúng ta lại không có khả năng để hiểu điều này sao?

Anh chị em thân mến,

Khi được sống như một giai đoạn chờ đợi Thiên Chúa, tuổi già làm cho đức tin của chúng ta trở nên hữu lý, làm cho niềm hy vọng của chúng ta trở nên hữu lý với tất cả mọi người (cf. 1Pr 3,15). Bởi vì tuổi già làm cho lời hứa của Chúa Giêsu trở nên rõ ràng hơn. Tuổi già vươn mình đến Thành Thánh Thiên Quốc như được nhắc đến trong sách Khải Huyền (cc.21-22). Tuổi già là giai đoạn thích hợp nhất của cuộc đời để loan báo tin vui rằng cuộc đời mà chúng ta đang sống chỉ là khởi đầu cho một sự thành toàn vĩnh viễn. Điều tốt đẹp nhất còn ở phía trước, còn đang đến. Ước gì Thiên Chúa ban cho chúng ta một tuổi già như thế!

Sau bài giáo lý, ĐTC chào các nhóm tín hữu hiện diện tại Đại thính đường. Ngài cùng đọc Kinh Lạy Cha với họ và ban phép lành kết thúc.

Nguồn tin: www.vaticannews.va

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây