Hội Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ

http://dongkhiettam.com


Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa - Năm A

Chiêm ngắm hình ảnh Chúa Kitô chịu phép rửa: Đấng rửa không cho mình nhưng sám hối tội chung của cả nhân loại để cho chúng ta trở nên con yêu dấu. Tôi và bạn khám phá lại bí tích Thánh Tẩy và soi mình lại dưới dòng sông Giođan để thấy hình ảnh chúng ta được cứu độ trong Đức Kitô: hình ảnh người con yêu dấu như Chúa Cha mong đợi… Vì thế, thánh Hilairiô đã khẳng định: “Chúng ta trở nên con Thiên Chúa”.
Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa - Năm A

Tin Mừng: Mt 3,13-17

13 Bấy giờ, Chúa Giê-su từ miền Ga-li-lê đến sông Gio-đan, gặp ông Gio-an để xin ông làm phép rửa cho mình. 14 Nhưng ông một mực can Người và nói: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi !” 15 Nhưng Chúa Giê-su trả lời: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính”. Bấy giờ ông Gio-an mới chiều theo ý Người.

16 Khi Chúa Giê-su chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. 17 Và có tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”.


Câu chuyện

Một họa sĩ vẽ chân dung đi khắp nơi để hành nghề và dừng chân tại một thị trấn nhỏ. Một trong những khách hàng của anh là người say xỉn, trong sự lè nhè và lôi thôi thường thấy ở người say, với khuôn mặt không cạo râu vẫn thể hiện một nét gì đó… Sau một thời gian cần thiết để làm việc, người họa sĩ vẽ xong, nhấc bức tranh ra khỏi giá và giới thiệu với khách hàng của mình.

Người khách say xỉn kinh ngạc, không nhận ra mình và nói lắp bắp từng chữ: “Đây… đây… không… phải là tôi”, bởi vì trong bức họa, anh cười thật tươi, râu ria gọn gàng với bộ quần áo lịch sự… Người họa sĩ trả lời một cách ân cần quan tâm: “Nhưng đó là người mà anh có thể là”. Người họa sĩ dưới ngôn ngữ dụ ngôn diễn đạt hình ảnh của Thiên Chúa, Ngài mời gọi tôi và bạn trở nên “người mà mình có thể là” - nên người mang tư cách của người con Thiên Chúa.

Suy niệm

Phép rửa của Gioan cho dân Chúa khi họ mang tâm tình sám hối, chuẩn bị đón nhận phép rửa nơi Đấng Thanh Tẩy bằng Thánh Thần (x. Mt 3,11). Đức Giêsu như bao nhiêu hối nhân khác đến để xin Gioan làm phép rửa nhưng “Nơi Người không có tội lỗi” (1Ga 3,5). Bằng việc nhận phép rửa nơi Gioan, Đức Giêsu nhìn nhận vai trò chuẩn bị của Gioan và hơn hết Ngài tự động hòa vào thân phận của tội nhân để đưa họ trở lại đời sống ân sủng…

Chính vì thế, Đức Kitô bước xuống dòng sông Giođan để Gioan làm phép rửa và kìa “các tầng trời mở ra” (Mt 3,16), bầu trời mở ra nơi Đức Kitô mà thánh Gioan Chrysostome đã suy niệm: “Các tầng trời mở ra để các bạn biết rằng, bởi phép rửa bầu trời mở cho các bạn và Thiên Chúa mời gọi bạn dự phần Thiên Quốc và bạn sẽ không còn vương vấn với trần gian”.

Bầu trời mở ra cho Thần Linh đổ xuống trên nhân loại như thuở ban đầu của tạo dựng: “Thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St 1,2). Dòng nước được thánh hóa khi Chúa Giêsu dìm mình xuống cũng như bởi Thần Linh xuất hiện, đó là một dạo khúc mở màn cho cuộc tân tạo. Cuộc tân tạo trở về với đời sống ân nghĩa Con Thiên Chúa.

Thánh Thần đã ngự xuống trên Đức Kitô nhằm thánh hóa nhân loại mà chính Ngôi Lời mặc lấy qua nhân tính, theo nhận định của thánh Athanasiô “Vì chúng ta, bởi vì chúng ta trong Đức Kitô mà Thánh Linh tỏa sáng trên Ngài lúc nhận phép rửa. Sự hiện xuống của Thánh Thần có mục đích không phải làm trở nên hoàn thiện - Đấng là Ngôi Lời, nhưng để thánh hiến chính chúng ta”. Cho nên, khi đến dìm mình trong dòng nước, Chúa Giêsu đã muốn thể hiện trọn vẹn ý nghĩa của mầu nhiệm nhập thể và cứu độ, Ngài muốn sống trọn thân phận con người, Ngài đón nhận cái chết để chuộc tội cho thế nhân như thể hiện tận cùng tình yêu của một vị Thiên Chúa cho nhân loại, Ngài đã chết cho chúng ta (x. Rm 5,8). Thật thế, “Thiên Chúa chết cho nhân loại được sống”, và cũng nơi cạnh sườn Ngài trên thập tự, Nước Hằng Sống của bí tích Thánh Tẩy tuôn trào cho nhân loại, qua sự chết và phục sinh của Đức Kitô, được trở nên con Thiên Chúa.

Chiêm ngắm hình ảnh Chúa Kitô chịu phép rửa: Đấng rửa không cho mình nhưng sám hối tội chung của cả nhân loại để cho chúng ta trở nên con yêu dấu. Tôi và bạn khám phá lại bí tích Thánh Tẩy và soi mình lại dưới dòng sông Giođan để thấy hình ảnh chúng ta được cứu độ trong Đức Kitô: hình ảnh người con yêu dấu như Chúa Cha mong đợi… Vì thế, thánh Hilairiô đã khẳng định: “Chúng ta trở nên con Thiên Chúa”.

Ý lực sống

“Trong lúc nước rửa bên ngoài, Thánh Thần như ngọn lửa thiêng thâm nhập trong chính bạn, lửa tiêu diệt những gì là xấu, bất xứng” (Thánh Gioan Kim Khẩu).

Nguồn tin: tgpsaigon.net

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây