Chúa nhật 1 mùa Chay năm A

Thứ năm - 23/02/2023 03:43
“Chúa Giêsu nhịn ăn bốn mươi ngày đêm, và chịu cám dỗ”.
Chúa nhật 1 mùa Chay năm A

PHÚC ÂM: Mt 4, 1-11

“Chúa Giêsu nhịn ăn bốn mươi ngày đêm, và chịu cám dỗ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu được Thánh Thần hướng dẫn vào hoang địa để chịu ma quỷ cám dỗ. Khi Người đã nhịn ăn bốn mươi đêm ngày, Người cảm thấy đói. Và tên cám dỗ đến gần, nói với Người rằng: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy khiến những hòn đá này biến thành bánh”. Nhưng Chúa Giêsu đáp lại: “Có lời chép rằng: ‘Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra'”.

Bấy giờ ma quỷ đưa Người lên Thành thánh, và đặt Người trên góc tường Ðền thờ, rồi nói với Người rằng: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy gieo mình xuống đi, vì có lời chép rằng: Ngài đã ra lệnh cho các Thiên Thần đến với ông, và chư vị đó sẽ nâng đỡ ông trên tay, để ông khỏi vấp chân vào đá”. Chúa Giêsu đáp: “Cũng có lời chép rằng: “Ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi”.

Quỷ lại đưa Người lên núi rất cao, và chỉ cho Người xem thấy mọi nước thế gian và vinh quang của những nước đó, rồi nói với Người rằng: “Tôi sẽ cho ông tất cả những cái đó, nếu ông sấp mình xuống thờ lạy tôi”. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo nó rằng: “Hãy lui đi, hỡi Satan! Vì có lời đã chép: “Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi, và chỉ phụng sự một mình Ngài”. Bấy giờ ma quỷ bỏ Người. Và các thiên thần tiến lại, hầu hạ Người.

Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm - Lm GB Phạm Hồng Thái

Dưới sự thúc đẩy của Thánh Thần, Chúa Giêsu vào hoang địa ăn chay và đối diện với ba cơn cám dỗ. Cuộc chiến đấu và chiến thắng các cơn cám dỗ của Chúa Giêsu là mẫu mực cho cuộc sống của những ai tin theo Người.

Trước hết, khi Chúa Giêsu ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, Ngài cảm thấy đói và đây là thời điểm thích hợp cho cơn cám dỗ thứ nhất: dùng quyền năng để thỏa mãn sự đòi hỏi của thân xác, một đòi hỏi xem ra thích hợp và thực tế. Chúa Giêsu vừa khước từ dùng quyền năng để thỏa mãn nhu cầu thân xác trước mắt, vừa cho thấy nhu cầu về của ăn chỉ là phụ thuộc so với nhu cầu thiêng liêng là sống nhờ lời Thiên Chúa.

Sau nữa, quỷ biết Chúa Giêsu là “Con Thiên Chúa”, biết Người là Đấng luôn cậy trông nơi Thiên Chúa nên sẽ được Ngài che chở trong hoàn cảnh ngặt nghèo: “Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá” (x. Tv 91,11-12). Nhưng nếu Chúa Giêsu thỏa mãn yêu cầu của quỷ mà thực hiện một cú nhảy từ nóc đền thờ, thì Chúa Giêsu đã rơi vào cơn cám dỗ muốn tỏ cho thấy một Đấng Mêsia uy quyền theo kiểu thế gian. Khi vượt thắng cơn cám dỗ, Chúa Giêsu cho thấy Người thật là Đấng Mêsia, Con Thiên Chúa, nhưng không phải để chứng tỏ uy quyền theo kiểu thế gian mà là để cho thấy sức mạnh của tình yêu thương.

Cuối cùng, dù là Con Thiên Chúa nhưng trong thân phận con người, Chúa Giêsu cũng bị cám dỗ phục tùng và bái lạy ma quỷ để đổi lấy “tất cả các nước thế gian và vinh hoa, lợi lộc của các nước ấy”. Cơn cám dỗ này lôi kéo Chúa Giêsu từ bỏ địa vị của Con Thiên Chúa, từ bỏ sứ mạng cứu độ mà Người chuẩn bị khai mào. Chúa Giêsu đã hoàn toàn vượt thắng cơn cám dỗ của ma quỷ khi dùng chính lời Chúa để khẳng định rằng chỉ duy một mình Thiên Chúa là Đấng mà muôn loài phải bái lạy và thờ phượng (x. Đnl 6,13).

Vật chất, quyền lực và vinh hoa phú quý là những cám dỗ thường trực của con người mọi nơi, mọi thời. Chúa Giêsu đã chiến đấu và chiến thắng những thứ cám dỗ đó. Người chính là niềm hy vọng và sức mạnh của những ai đặt niềm tin nơi Người.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây