Chúa Nhật III Mùa Chay – Năm A

Thứ tư - 08/03/2023 03:42
Chúa Giêsu trả lời: “Ai uống nước giếng này sẽ còn khát, nhưng ai uống nước Ta sẽ cho thì không bao giờ còn khát nữa, vì nước Ta cho ai thì nơi người ấy sẽ trở thành mạch nước vọt đến sự sống đời đời”. Người đàn bà thưa: “Thưa Ngài, xin cho tôi nước đó để tôi chẳng còn khát, và khỏi phải đến đây xách nước nữa”.
Chúa Nhật III Mùa Chay – Năm A

 

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan Ga 4, 5-15. 19b-26. 39a. 40-42

Khi ấy, Chúa Giêsu tới một thành gọi là Sykar thuộc xứ Samaria, gần phần đất Giacóp đã cho con là Giuse, ở đó có giếng của Giacóp. Chúa Giêsu đi đường mệt, nên ngồi nghỉ trên miệng giếng, lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu.

Một người đàn bà xứ Samaria đến xách nước, Chúa Giêsu bảo: “Xin bà cho tôi uống nước” (lúc ấy, các môn đệ đã vào thành mua thức ăn). Người đàn bà Samaria thưa lại: “Sao thế! Ông là người Do-thái mà lại xin nước uống với tôi là người xứ Samaria?” (vì người Do-thái không giao thiệp gì với người Samaria).

Chúa Giêsu đáp: “Nếu bà nhận biết ơn của Thiên Chúa ban và ai là người đang nói với bà: “Xin cho tôi uống nước”, thì chắc bà sẽ xin Người, và Người sẽ cho bà nước hằng sống”.

Người đàn bà nói: “Thưa Ngài, Ngài không có gì để múc, mà giếng thì sâu, vậy Ngài lấy đâu ra nước? Phải chăng Ngài trọng hơn tổ phụ Giacóp chúng tôi, người đã cho chúng tôi giếng này, và chính người đã uống nước giếng này cũng như các con cái và đoàn súc vật của người?”

Chúa Giêsu trả lời: “Ai uống nước giếng này sẽ còn khát, nhưng ai uống nước Ta sẽ cho thì không bao giờ còn khát nữa, vì nước Ta cho ai thì nơi người ấy sẽ trở thành mạch nước vọt đến sự sống đời đời”. Người đàn bà thưa: “Thưa Ngài, xin cho tôi nước đó để tôi chẳng còn khát, và khỏi phải đến đây xách nước nữa”.

Và người đàn bà nói với Chúa Giêsu: “Thưa Ngài, tôi thấy rõ Ngài là một tiên tri. Cha ông chúng tôi đã thờ trên núi này, còn các ông, các ông lại bảo: phải thờ ở Giêrusalem”. Chúa Giêsu đáp: “Hỡi bà, hãy tin Ta, vì đã đến giờ người ta sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải ở trên núi này hay ở Giêrusalem. Các người thờ Ðấng mà các người không biết, còn chúng tôi thờ Ðấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ từ dân Do-thái mà đến. Nhưng đã đến giờ, và chính là lúc này, những kẻ tôn thờ đích thực, sẽ thờ Chúa Cha trong tinh thần và chân lý, đó chính là những người tôn thờ mà Chúa Cha muốn. Thiên Chúa là tinh thần, và những kẻ tôn thờ Người, phải tôn thờ trong tinh thần và trong chân lý”.

Người đàn bà thưa: “Tôi biết Ðấng Messia mà người ta gọi là Kitô sẽ đến, và khi đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự”. Chúa Giêsu bảo: “Ðấng ấy chính là Ta, là người đang nói với bà đây”.

Một số đông người Samaria ở thành đó đã tin Người vì lời người đàn bà làm chứng. Khi gặp Người, họ xin Người ở lại với họ. Và Người đã ở lại đó hai ngày, và vì nghe chính lời Người giảng dạy, số những kẻ tin ở Người thêm đông hẳn, họ bảo người đàn bà: “Giờ đây, không phải vì những lời chị kể mà chúng tôi tin, nhưng chính chúng tôi đã được nghe lời Người và chúng tôi biết Người thật là Ðấng Cứu Thế”.

Ðó là lời Chúa.

 

KHÁT VỌNG CHÂN LÝ

CHÚA NHẬT III MÙA CHAY – NĂM A

Ga 4, 5-42 

Con người mọi nơi mọi thời vẫn khao khát đi tìm Chân lý. Chân lý quan trọng đối với đời sống thiêng liêng, như nước cần cho sự sống hằng ngày. Trong cuộc tìm kiếm này, có những khi người ta lầm lạc, chỉ nhìn thấy Chân lý qua những bóng hình mờ nhạt, thậm chí là ảo ảnh hão huyền.

Cuộc tìm kiếm Chân lý của nhân loại đã được phác họa trong thời xuất hành. Dân Do Thái trong hành trình sa mạc đói khát khổ sở suốt 40 năm. Hành trình này vừa giải thoát họ khỏi ách nô lệ, vừa dẫn đưa họ về miền đất mà Thiên Chúa đã hứa cho tổ tiên. Việc thiếu nước dẫn tới sự kiện dân nổi loạn chống lại ông Môisê. Nhờ quyền năng của Chúa, ông Môisê đã lấy cây gập đập vào tảng đá và nước từ đó chảy ra (Bài đọc I). Bài đọc Cựu ước trong thánh lễ hôm nay muốn khẳng định với chúng ta: kiếm tìm Chân lý là một tiến trình lâu dài, đòi hỏi phải kiên nhẫn và vâng theo lệnh của Thiên Chúa.

Câu chuyện không chỉ nhắm tới nước cho dân khỏi khát, mà còn là giáo huấn về ân sủng sẽ được ban sau này qua Đức Giêsu Kitô, Đấng được tôn vinh là Đá. Chúa Giêsu đã đến trần gian để chỉ cho nhân loại con đường đạt tới Chân lý. Người đã tuyên bố: “Ta là Đường, là Sự thật và là Sự sống”.

Bài Tin Mừng là cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ xứ Samaria. Có rất nhiều chi tiết phong phú trong đoạn văn này. Đây là một cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và một con người; giữa một người Do Thái và một người Samaria; giữa một vị Ngôn sứ và một người đang khao khát tìm Chân lý.

Người phụ nữ Samaria là đại diện cho cả nhân loại đang tìm kiếm Chúa. Chị đã có năm đời chồng, và người đang chung sống hiện tại không phải là chồng chị. Chi tiết này muốn diễn tả, con người đi tìm kiếm Chúa, nhưng có những lúc lầm tưởng về Ngài. Họ tìm kiếm Ngài nơi lạc thú và nơi những ảo ảnh thế gian. Vì thế mà họ không cảm thấy no đầy, giống như một người phụ nữ đã năm đời chồng mà không thấy hạnh phúc. Chị vẫn tiếp tục đi tìm kiếm. Khi gặp gỡ Chúa Giêsu, người phụ nữ dần dần hiểu ra Ngài là vị Ngôn sứ, là Đấng có thể đem cho bản thân chị sự bình an, niềm vui và ơn cứu độ. Có nhà chú giải Kinh Thánh nghiên cứu văn hóa và tín ngưỡng của xứ Samaria và cho biết người xứ này thờ 5 vị thần. Có thể tác giả Gioan muốn nói tới việc thờ các ngẫu thần không đem cho con người sự giải thoát và không lấp đầy những khát vọng siêu nhiên của họ. Đức Giêsu đến trần gian để giải phóng con người khỏi những ngẫu thần, hướng tâm hồn họ về Thiên Chúa là Đấng mọi người phải yêu mến và tôn thờ. Sự tôn thờ đích thực không còn phụ thuộc vào không gian, nơi chốn, tức là phải đến chỗ này chỗ nọ (cụ thể là ở Giêrusalem hay đồi Garizim), nhưng bất cứ ai, bất cứ nơi nào, khi họ thực hiện việc tôn thờ “trong tinh thần và Chân lý”, thì đó là việc tôn thờ đẹp lòng Chúa và lời cầu nguyện của họ sẽ được Ngài chấp nhận.

Cuộc gặp gỡ này cũng là một cuộc đối thoại kiên nhẫn, dần dần từng bước. Chúa Giêsu đã chủ động phá tan mọi rào cản: đó là sự giao tiếp giữa người Do Thái và dân ngoại; Người nam và người nữ; Không gian là bờ giếng lãng mạn và thời gian là buổi trưa vắng vẻ. Điều này cho thấy, nếu muốn loan báo Chân lý, cần phải vượt qua mọi thành kiến, khiêm tốn chủ động đối thoại trong sự tôn trọng lẫn nhau. Chúng ta thấy Chúa Giêsu không một lời phê phán cuộc sống cá nhân của chị, cũng như cách thức thờ phượng trên núi Garizim của người Samaria.

Chúa Giêsu đã khởi đi từ nước thế gian tới nước hằng sống. Nước này là ân huệ Chúa ban nơi Đức Giêsu và là giáo huấn của Người. Giáo huấn đem lại cho con người niềm vui siêu nhiên và sự bình an trong tâm hồn. Nhờ nước hằng sống, con người không còn đi tìm kiếm một thần linh nào khác. Họ được gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng họ tôn thờ, không phải ở đây hay ở kia, nhưng trong tinh thần và chân lý. Thánh Phaolô đã khẳng định: “Nhờ Đức Kitô Chúa chúng ta, con người trở nên công chính và được bình an với Thiên Chúa” (Bài đọc II)

Cũng như dân Do Thái trong hành trình sa mạc cần có nước để tồn tại, trong cuộc lữ hành thiêng liêng, chúng ta cũng cần có nước nước hằng sống để lớn lên mỗi ngày. Mùa Chay giúp ta sống tinh thần sa mạc, phác họa 40 năm dân riêng trên đường về Đất hứa, 40 ngày Chúa Giêsu cầu nguyện trong hoang địa. Mùa Chay giúp ta định hướng cuộc đời, để tìm kiếm Chân lý, đón nhận dòng nước ân sủng Thiên Chúa ban qua Đức Giêsu. Một cách cụ thể, chúng ta đón nhận nước hằng sống qua các bí tích, nhất là bí tích Hòa giải và bí tích Thánh Thể. Nhờ hai bí tích này, chúng ta được đổi mới và được nuôi dưỡng bằng sức sống siêu nhiên.

Người phụ nữ Samaria sau khi gặp gỡ Chúa đã bỏ lại vò nước bên bờ giếng. Trước đó, mục đích của chị là đến giếng kín nước. Chị chạy vào thành, giới thiệu Chúa với những người trong thành. Chi tiết này gợi ý cho chúng ta, một khi sống tinh thần của Mùa Chay, chúng ta cũng có bổn phận đưa nhiều người khác đến với Chúa, giúp họ gặp gỡ Ngài và cùng với họ đón nhận nước trường sinh. Việc gặp gỡ Chúa phải dẫn chúng ta giao hòa với anh chị em xung quanh, mang cho họ niềm vui và an bình. Câu chuyện kết thúc với những hình ảnh tốt đẹp: những người dân trong thành Samaria (họ là những người dân ngoại!) đều tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Cứu độ trần gian. Không còn nghi kỵ do mối thù truyền kiếp, không còn thành kiến mặc cảm về dòng dõi sắc tộc. Tất cả đều là con cái của Thiên Chúa. Câu chuyện mở ra một chân trời mới. Đó là viễn cảnh tương lai, hình ảnh của Nước Trời nơi trần gian.

+TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây