Chúa Nhật III Phục Sinh – Năm B

Thứ tư - 10/04/2024 00:11
Chúng ta cũng được mời gọi đón nhận sự bình an nơi Chúa Ki-tô Phục Sinh, và can đảm ra đi chia san với hết muôn người trong mọi lĩnh vực, mọi thời, mọi nơi như Lời Chúa nhắn nhủ chúng ta: “Còn các con, các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy”
2021 04 17 ChuaNhat 3 PS (1)
2021 04 17 ChuaNhat 3 PS (1)

* Phúc Âm: Lc 24, 35 - 48

Khi ấy, hai môn đệ thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào.

Mọi người còn đang bàn chuyện thì Chúa Giêsu hiện ra đứng giữa họ và phán: “Bình an cho các con! Thầy đây, đừng sợ”. Nhưng mọi người bối rối tưởng mình thấy ma. Chúa lại phán: “Sao các con bối rối và lòng các con lo nghĩ như vậy? Hãy xem tay chân Thầy: chính Thầy đây! Hãy sờ mà xem: ma đâu có xương thịt như các con thấy Thầy có đây”. Nói xong, Người đưa tay chân cho họ xem. Thấy họ còn chưa tin, và vì vui mừng mà bỡ ngỡ, Chúa hỏi: “Ở đây các con có gì ăn không?” Họ dâng cho Người một mẩu cá nướng và một tảng mật ong. Người ăn trước mặt các ông và đưa phần còn lại cho họ. Ðoạn Người phán: “Ðúng như lời Thầy đã nói với các con, khi Thầy còn ở với các con, là cần phải ứng nghiệm hết mọi lời đã ghi chép về Thầy trong luật Môsê, trong sách tiên tri và thánh vịnh”. Rồi Người mở trí cho các ông am hiểu Kinh Thánh.

Người lại nói: “Có lời chép rằng: Ðấng Kitô sẽ phải chịu thương khó, và ngày thứ ba Người sẽ từ cõi chết sống lại. Rồi phải nhân danh Người rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân, bắt đầu từ thành Giêrusalem. Còn các con, các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy”.
* Suy niệm:

BÌNH AN CỦA CHÚA KI-TÔ PHỤC SINH

          Trong xã hội đầy chuyển biến, thế giới với biết bao nhiêu nhiễu nhương, mâu thuẫn giữa các quốc gia, giữa các châu lục, nhất là thời điểm dịch bệnh tai ương, chiến tranh xung đột, hơn ai hết, con người chúng ta cần đến sự bình an tâm hồn thật sự, cần đến tình yêu mến, lòng tương thân tương trợ, và tinh thần hiệp đoàn vượt qua cuộc khủng hoảng chung này.
        Đối với mỗi người, được bình an trong đời có thể khác nhau ở cách diễn tả, khác nhau cách biểu lộ, cũng như những biểu hiện của nó. Tuy nhiên, với người Công giáo chúng ta, sự bình an thật sự nơi tâm hồn không gì khác chính là được kết hợp mật thiết với Chúa Ki-tô Phục Sinh, và được cảm nghiệm niềm vui Phục Sinh mà chính Ngài đã mang lại cho chúng ta trong đời sống thường nhật, qua việc tham dự bàn tiệc Thánh, qua việc đọc-suy gẫm Lời Chúa, qua việc cầu nguyện không ngừng mỗi ngày, qua việc bác ái, tha thứ, chia sẻ với tất cả mọi người, nhất là những ai túng thiếu kể cả về vật chất cũng như tinh thần.
        Khi ngẫm suy các trình thuật Kinh Thánh về Chúa Phục Sinh, chúng ta biết rằng: sau khi từ cõi chết sống lại, Chúa Ki-tô thấu tỏ nỗi bất an trong tâm hồn, tâm trí của các môn đệ. Ngài biết rõ sự sợ hãi, e dè, nhút nhát sâu kín nơi họ. Ngài hiểu thấu các ông đang trong tình cảnh tinh thần sa sút, thái độ bỏ cuộc, tâm lý ‘nhắm mắt đưa chân’ thà về quê làm lụng vất vả còn hơn ở lại Giê-ru-sa-lem với tâm thế bị dằn xé, hồi tưởng thời khắc Thầy mình chịu khổ hình nhục nhã, rồi bị đóng đinh trên thập giá như một tên tử tù! Chính vì vậy, mỗi lần hiện ra với các ông, điều Ngài làm trước hết, chẳng phải nhắc lại chuyện cũ, hoặc than phiền trách móc vì sự bỏ mặc, chạy trốn của các ông, mà là trao ban bình an từ chính Ngài, Đấng đã chiến thắng sự chết, chiến thắng bức tường ngăn cách cuối cùng trên dương gian mà mỗi con người sớm muộn gì cũng phải đối mặt, “bình an cho các con, Thầy đây, đừng sợ! (Lc 24, 36). Nói cách khác, Chúa Giê-su rất ư tâm lý, Ngài chỉ muốn lấp đầy con tim, tâm trí các môn đệ với sự yên hàn, an bình thật sự mà thôi.
         Thế nhưng, với bản tính yếu đuối con người, các môn đệ chưa ra khỏi tình trạng bối rối, hoang mang, thậm chí mơ tưởng, nghi ngờ, không dám tin vào đôi mắt bản thân đang được nhìn thấy Thầy mình đã sống lại, hiện diện trước mặt. Sự bất an nơi tâm hồn kéo theo vô vàn hệ luỵ trong đời. Tương tự như các Tông đồ, mỗi lúc bất an, bất ổn, chúng ta thường rơi vào tình cảnh rối bời, lo âu, mất niềm tin, trở nên ngờ vực, đa nghi…, và nếu cứ để hoài như vậy, thì chúng ta sẽ chẳng thể nào cầu nguyện được, chẳng thể nào làm việc, hay sinh hoạt ở bất cứ bậc sống nào, kể cả đời sống tu trì, đời sống gia đình, cũng như đời sống thường ngày. Hiểu rõ điều này, nên sau khi chúc bình an cho các môn đệ, Chúa Ki-tô Phục Sinh cho họ tương tác thân tình như Ngài đã từng hiện diện trực tiếp, cùng đi, cùng sống với các ông trong ba năm ròng rã đó đây rao truyền Nước Trời, “hãy xem tay chân Thầy: chính Thầy đây! Hãy sờ mà xem: ma đâu có xương thịt như các con thấy Thầy có đây” (Lc 24, 38); ngoài ra, “Người ăn trước mặt các ông, và đưa phần còn lại cho họ” (Lc 24, 43). Người mà các ông kề cận, thân tình trước kia, giờ đây vẫn với thân hình ấy, với đôi mắt nhân ái ấy, với đôi tay, đôi chân bị đóng đinh ấy, người mà đã cùng ngồi chung, ăn uống với các ông…chứ đâu phải một người nào khác xa lạ. Thật sự, khi tảng băng bất an tan chảy, nhường cho sự tin tưởng, kết thân tình, tương tác mến thương, thì đây chính là kết quả của bình an đích thật chân chính, mà Chúa Ki-tô Phục Sinh trao ban.
        Kế đến, niềm bình an Chúa Ki-tô Phục Sinh được toả lan, sưởi ấm cái lạnh giá, khô cứng, đóng băng trong tâm hồn các môn đệ, và hơn hết, mở đôi mắt, mở đôi tai, mở lòng trí các ông ra, ngõ hầu biết đón nhận, am hiểu Kinh Thánh: “đúng như lời Thầy đã nói với các con, khi Thầy còn ở với các con, là cần phải ứng nghiệm hết mọi lời đã ghi chép về Thầy trong luật Mô-sê, trong sách tiên tri và thánh vịnh” (Lc 24, 44). Thế nên, dần dần tâm hồn các ông được tràn đầy sự bình an của Chúa Ki-tô, tâm trí các ông được khai sáng, hiểu ra sứ mệnh của Thầy mình, đó là: phải chịu tử nạn, nhưng ngày thứ ba sẽ từ cõi chết sống lại (x. Lc 24, 47). Và khi đã được thấm nhuần, các môn đệ can đảm ra đi làm chứng cho Thầy Giê-su. Điển hình, Thánh Phê-rô trở nên chứng tá cho Chúa Ki-tô Phục sinh: “Thiên Chúa đã hoàn tất việc Người dùng miệng các tiên tri mà báo trước. Đức Ki-tô của Ngài phải chịu khổ hình. Vy anh em hãy ăn năn hối cải, ngõ hầu tội lỗi anh em được xoá bỏ" (Cv 3, 18-19). Nói cách khác, khi được đón nhận sự bình an đích thật của Chúa Ki-tô Phục Sinh, các môn đệ ‘chiến thắng chính bản thân’, chiến thắng mọi nỗi sợ hãi, vì tin chắc: Chúa Ki-tô Phục Sinh đang hiện diện, đang cùng sống, đang cùng đi với các ngài, nên chẳng cần lo chi! Theo Thánh Gio-an, “…thì chúng ta có Đức Giê-su Ki-tô, Đấng công chính, làm trạng sư nơi Đức Chúa Cha. Chính Người là của lễ đền tội chúng ta; không nguyên đền tội chúng ta mà thôi, nhưng còn đền tội cho cả thế gian” (1Ga 2, 1-2)
      Sau cùng, chúng ta cũng được mời gọi đón nhận sự bình an nơi Chúa Ki-tô Phục Sinh, và can đảm ra đi chia san với hết muôn người trong mọi lĩnh vực, mọi thời, mọi nơi như Lời Chúa nhắn nhủ chúng ta: “Còn các con, các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy
(Lc 24, 48).
Chúa Ki-tô Phục Sinh
Trao an bình khắp nơi
Nào cùng nhau nhớ Lời:
Loan truyền hằng mãi liên. Alleluia. Amen!

 

Lm. Xuân Hy Vọng

Nguồn tin: giaophannhatrang.org

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây