Tin Mừng: Mt 5, 1-12a
Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ đông đảo, Người đi lên núi, và lúc Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần Người. Bấy giờ Người mở miệng dạy họ rằng:
“Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Ðất Nước làm cơ nghiệp. Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an. Phúc cho những ai đói khát điều công chính, vì họ sẽ được no thoả. Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương. Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa. Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc cho các con khi người ta ghen ghét, bách hại các con, và bởi ghét Thầy, họ vu khống cho các con mọi điều gian ác. Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời”.
* Suy niệm: LÒNG TÍN TRUNG
Bài Tin Mừng Chúa nhật thứ bốn thường niên thường được gọi là “Tám mối phúc thật”. Đây là phần mở đầu của “Bài giảng trên núi”, theo Tin Mừng thánh Matthêu. Có thể nói, bài giảng này tóm lược những nét chính trong toàn bộ giáo huấn của Chúa Giêsu. Bài giảng này cũng phác hoạ chân dung của Chúa, như mẫu mực để mọi tín hữu noi theo, nhờ đó mà đạt được hạnh phúc vĩnh cửu.
Trước hết, bài giảng “Tám mối phúc thật” phác họa chân dung của Chúa Giêsu. Đức Giêsu không chỉ giảng dạy bằng những công thức hoặc lý thuyết, nhưng bằng chính cuộc đời của Người. Tám mối phúc cũng là tám nét diễn tả cuộc đời và sứ mạng của Chúa: Chúa trở nên khó nghèo cho chúng ta được giàu sang; Chúa hiền lành và khiêm nhường trong lòng; Chúa rơi lệ trước nỗi thống khổ của nhân gian; Chúa khao khát sự công chính cho loài người; Chúa là Đấng diễn tả lòng thương xót của Chúa Cha; Chúa là Đấng có trái tim trong sạch; Chúa đến để thiết lập vương quốc hoà bình; Chúa bị bách hại và chấp nhận khổ hình thập giá để làm chứng cho Chân lý.
Tất cả những gì Chúa Giêsu làm và gánh chịu, đều vì nhân loại. “Vì loài người chúng ta, và để cứu rỗi chúng ta, Người đã từ trời xuống thế”. Đó chính là ý nghĩa và mục đích của những công việc Chúa Giêsu đã làm trong cuộc đời dương thế. Mở đầu “Bài giảng trên núi”, Chúa Giêsu kêu gọi những ai muốn theo Người, thì phải thực hiện những mối phúc mà Người rao giảng. Những mối phúc này cũng phác hoạ chân dung của người môn đệ đích thực. Không ai có thể mang danh Đức Kitô (Kitô hữu), mà lại khước từ những đề nghị của Người.
Chấp nhận làm môn đệ Đức Giêsu, đôi khi bị coi là điên dại dưới cái nhìn của người trần thế. Thánh Phaolô đã quảng diễn cho chúng ta thấy, sự “điên dại” của Thiên Chúa, đúng hơn là sự điên dại theo cái nhìn của loài người, lại khôn ngoan gấp trăm lần sự khôn ngoan theo lẽ thế gian. Quả vậy, thập giá đối với người Do Thái là sự hèn hạ, đáng khinh bỉ, nhưng đối với các Kitô hữu thì đó lại là trường dạy sự khôn ngoan và là niềm tự hào. Chính Chúa Kitô là sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa. Ai trung tín theo Người thì sẽ trở nên những người khôn ngoan. Bởi lẽ trong Người mà chúng ta được vinh quang. Người là niềm tự hào của chúng ta.
Hành trình đức tin là một hành trình dài. Đó cũng là một hành trình có nhiều gian nan khốn khó. Vì vậy, những ai theo Chúa, phải trung thành bền bỉ. Chúa Giêsu không phải là một “hiện tượng” hay một “nhân vật của công chúng” nổi lên nhất thời và được các “fan” hâm mộ tung hô, sau đó rơi vào quên lãng. Người là Đấng đang sống và là nguồn nghị lực cho mọi thời đại, mọi nền văn hoá và cho tất cả những ai thiện chí muốn nên hoàn thiện.
“Phúc cho những ai…”. Người Do Thái quan niệm rằng ơn Cứu độ chỉ dành cho dân tộc mình, tức là dân được tuyển lựa. Với lời tuyên bố của Chúa Giêsu, những ranh giới giữa các dân tộc không còn nữa. Quả vậy, mọi người bất kỳ thuộc nền văn hóa hay nguồn gốc nào, nếu thành tâm thực hiện những gì Chúa dạy trong bài giảng trên núi, thì sẽ được hạnh phúc. Hạnh phúc Chúa hứa không chỉ là ở tương lai đời sau, mà ngay ở đời này. Những phần thưởng Chúa ban là được Chúa ủi an; được Chúa cho thoả lòng; được Chúa xót thương; được nhìn thấy Thiên Chúa; được gọi là con Thiên Chúa và nhất là được Nước Trời làm gia nghiệp. Như thế, những ai nỗ lực cố gắng thực hiện các mối phúc, thì sẽ được những ơn lành Chúa ban ngay ở đời này, và sẽ được phần thưởng đời sau nơi Thiên quốc.
Theo quan niệm thông thường, những ai bé nhỏ nghèo hèn dễ bị khinh bỉ, thậm chí bị bạc đãi. Dưới cái nhìn của ngôn sứ Sôphônia, những người bé nhỏ nghèo hèn sẽ là “số sót lại” của Israel. Thành ngữ “số sót lại” trong truyền thống Kinh Thánh nhằm diễn tả những người trung thành với Chúa trong gian nan thử thách. Những kẻ bất trung sẽ nhanh chóng bỏ Chúa khi gặp khó khăn. Những ai trung thành với Ngài sẽ bền bỉ trong mọi hoàn cảnh. Như thế, người bé nhỏ nghèo hèn không chỉ là những người nghèo về vật chất. Họ cũng không phải là những người có địa vị hèn kém trong xã hội. Đó là những người tin tưởng và phó thác cuộc đời mình trong cánh tay quan phòng yêu thương của Chúa, với niềm xác tín rằng, Thiên Chúa là Đấng Tín trung. Hãy trung thành với Chúa, đó là lời mời gọi được gửi đến mỗi người chúng ta.
Chúng ta đang sống trong những ngày đầu xuân Quý Mão. Trong những ngày này, khi gặp gỡ nhau, chúng ta thường có thói quen cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp về sức khoẻ, học vấn, gia đình và sự nghiệp. Lời chúc của Chúa Giêsu có phần khác với những lời cầu chúc của chúng ta, nhưng chắc chắn chúng ta sẽ được muôn điều tốt đẹp khi cố gắng thực hiện những lời cầu chúc ấy.
TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Tác giả bài viết: TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn tin: www.tonggiaophanhanoi.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn