Bài huấn dụ của ĐTC trước Kinh Truyền Tin:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Với câu chuyện dụ ngôn tiệc cưới trong đoạn Tin Mừng hôm nay (x. Mt 22, 1-14), Chúa Giêsu đã chỉ ra kế hoạch mà Thiên Chúa đã nghĩ đến cho nhân loại. Đó là câu chuyện về vị vua “mở tiệc cưới cho con mình” (câu 2). Đó là hình ảnh của người Cha đã sắp đặt cho cả gia đình nhân loại một bữa tiệc tuyệt vời trong tình yêu và sự hiệp thông xung quanh Con Một của mình.
Hai lần vua sai gia nhân đi mời khách nhưng họ đều từ chối, không muốn đi dự tiệc vì họ nghĩ đến những việc khác: vì không quan tâm, vì tiệc tùng hoặc chỉ nghĩ đến ruộng đồng và việc làm ăn. Nhiều khi chúng ta cũng đặt những mối bận tâm và những thứ vật chất lên trước Chúa, là Đấng kêu mời chúng ta – Ngài mời chúng ta tham dự một bữa tiệc. Nhưng vị vua trong câu chuyện dụ ngôn không muốn phòng tiệc trống rỗng, bởi vì ông muốn trao tặng những kho báu của vương quốc của mình.
Sau đó, ông nói với các đầy tớ: “Vậy các ngươi đi ra các ngả đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới” (c.9). Đây là cung cách của Thiên Chúa: khi bị từ chối, thay vì từ bỏ, Ngài lại bắt đầu và mời gọi tất cả mọi người ở mọi ngả đường, không loại trừ ai. Không ai bị loại trừ khỏi nhà Thiên Chúa.
Thuật ngữ nguyên thuỷ thánh sử Matthêu dùng chỉ ra ranh giới của những con đường, tức là những điểm kết thúc của đường lộ để dẫn vào các làng mạc, vẫn bên ngoài thành thị, nơi bắt đầu cuộc sống bấp bênh. Vị vua trong dụ ngôn sai các đầy tớ của mình đến với những người ở những ngả đường này, để chắc chắn tìm được những người sẵn đang chờ bữa ăn. Vì vậy, phòng tiệc được lấp đầy bởi những người “bị loại trừ”, những người “ở ngoài”, những người dường như chưa bao giờ xứng đáng tham dự một bữa tiệc, một tiệc cưới.
Thật vậy, ông chủ, nhà vua, nói với các đầy tớ: “Hãy mời tất cả, cả tốt lẫn xấu. Tất cả!”. Chúa cũng gọi những người xấu. Tôi có thể nói: “Không, tôi xấu lắm, tôi đã làm nhiều điều...”. Không. Ngài gọi bạn: “Đến, hãy đến, cứ đến!”. Chúa Giêsu đã dùng bữa với những người thu thuế, họ là những người tội lỗi công khai, ở đó, họ là những người xấu… Chúa Giê-su, Thiên Chúa không sợ những thương tích trong tâm hồn của chúng ta bởi nhiều điều xấu, vì Ngài yêu chúng ta, Ngài mời gọi chúng ta.
Và chính Giáo hội cũng được mời gọi đến những ngã tư đường ngày nay, nghĩa là, những vùng ngoại vi địa lý và hiện sinh của nhân loại, những nơi bên lề, những hoàn cảnh mà họ thấy mình bị giam hãm và sống như những mảnh vụn của nhân loại không có hy vọng. Vấn đề không phải là ở lại trong sự thoải mái và những cách thức quen thuộc trong việc loan báo Tin Mừng và làm chứng cho đức ái, mà là mở rộng cánh cửa trái tim của chúng ta và của cộng đoàn chúng ta cho tất cả mọi người, bởi vì Tin Mừng không dành cho một số ít người được tuyển chọn.
Ngay cả những người bên lề, ngay cả những người bị từ chối, và những người bị xã hội khinh thường, đều được Thiên Chúa cho là xứng đáng với tình yêu của Ngài. Ngài chuẩn bị bữa tiệc cho mọi người: người công chính cũng như người tội lỗi, người tốt cũng như người xấu, người học thức cũng như người ít học.
Tối qua, tôi đã gọi điện cho một linh mục lớn tuổi người Ý, một nhà truyền giáo thời trẻ ở Brazil, nhưng luôn làm việc với những người bị loại trừ, với những người nghèo. Và ngài sống tuổi già trong bình an: ngài đã đốt cháy cuộc đời mình với những người nghèo. Đó chính là Giáo hội Mẹ chúng ta và vị linh mục này là sứ giả của Chúa đi đến các ngả đường.
Tuy nhiên, Chúa đặt ra một điều kiện: mặc áo cưới. Chúng ta hãy trở lại câu chuyện dụ ngôn. Khi phòng đã chật kín, nhà vua đi vào và chào đón những vị khách của giờ cuối, nhưng ông thấy một trong số họ không mặc y phục lễ cưới, loại áo mà mỗi khách được nhận như một món quà ở lối vào. Khi họ đến, họ ăn mặc thế nào, họ không ăn mặc kiểu lễ hội.
Nhưng họ được tặng một loại áo choàng ở lối vào, một món quà, một món quà miễn phí. Và người không mặc y phục là vì đã từ chối món quà, món quà miễn phí đó, đã tự mình loại trừ chính mình: vậy nhà vua không thể làm gì khác hơn là đuổi người ấy ra bên ngoài. Tại sao vậy? Bởi vì anh ấy không chấp nhận món quà. Bởi vì lời mời gọi của Chúa Giêsu, lời mời gọi của Thiên Chúa là một món quà. Là một ân sủng.
Người này đã đón nhận lời mời, nhưng sau đó lại quyết định rằng điều đó chẳng có ý nghĩa gì đối với anh ta: anh ta là người tự cho mình là đủ, anh không muốn thay đổi hoặc để Chúa thay đổi anh. Y phục lễ cưới - chiếc áo choàng này, là một món quà - tượng trưng cho lòng thương xót mà Thiên Chúa ban cho chúng ta một cách nhưng không, miễn phí. Đó là ân sủng. Lời mời của Chúa, ngay cả việc Chúa đưa bạn đến dự tiệc, cũng là một ân sủng. Không có ân sủng, bạn không thể tiến một bước trong đời sống Kitô hữu. Tất cả đều là ân sủng.
Nhận lời mời bước theo Chúa thôi chưa đủ, còn cần phải sẵn sàng một hành trình hoán cải, thay đổi con tim. Y phục của lòng thương xót, mà Thiên Chúa không ngừng trao ban cho chúng ta, là một món quà miễn phí của tình yêu của Ngài, đó chính là ân sủng. Và nó đòi phải được đón nhận với sự ngạc nhiên và vui mừng: “Cảm ơn Chúa đã ban cho con món quà này”.
Xin Mẹ Maria Rất Thánh giúp chúng ta noi gương những đầy tớ trong dụ ngôn để thoát khỏi những lối nhìn và khuôn khổ hạn hẹp của mình, để loan báo cho mọi người rằng Chúa mời chúng ta đến dự tiệc của Ngài, để ban cho chúng ta ân sủng cứu độ chúng ta.
Nguồn tin: www.vaticannews.va
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn