Vatican News
Sinh ra và lớn lên ở Croatia, từ khi còn nhỏ, Sơ Ivančica Fulir đã mơ ước trở thành một nhà truyền giáo.
Sơ Ivančica kể: "Khi mới bảy tuổi, tôi đã bày tỏ mong muốn được đến Châu Phi một ngày nào đó và giúp đỡ trẻ em ở đó. Nhưng tôi là một đứa trẻ ốm yếu, và mẹ tôi nói rằng tôi sẽ không sống được ở Châu Phi hai ngày".
Bất chấp sự dè dặt của gia đình, một nữ tu đã trấn an Ivančica rằng Chúa bảo vệ những người Chúa gửi đến và nói rằng sẽ không có điều gì tồi tệ xảy ra với cô. Cùng ngày hôm đó, Ivančica đã quyết tâm rằng, với sự giúp đỡ của Chúa, cô sẽ cống hiến cuộc đời mình cho các hoạt động truyền giáo.
Ivančica đã tốt nghiệp ngành kinh tế và trong khi làm quản lý dự án, cô đã giúp gây quỹ xây dựng một trại trẻ mồ côi ở Benin.
Cơ hội đó đã đưa cô đến với hoạt động tình nguyện trong chín tháng ở Benin, nơi cô ở cùng với các Nữ tu dòng Đức Mẹ Ảnh Phép lạ.
Đó là một trải nghiệm thay đổi cuộc đời. Khi trở về Croatia, Ivančica đã gia nhập Hội dòng đó, nhưng trái tim cô vẫn ở lại Châu Phi. Sau nhiều lần yêu cầu, cuối cùng các bề trên đã cho phép Sơ Ivančica trở lại Benin vào năm 2020.
Phục vụ 3.800 trẻ em ở Benin
Hiện ở tại Porto Novo, Sơ Ivančica làm việc trong một chương trình đảm bảo tài trợ, mua sắm và phân phối thực phẩm, đồng thời giám sát việc chuẩn bị và phân phối bữa ăn nóng cho 3.800 trẻ em tại năm trường tiểu học.
Sơ cũng kết nối các nhà hảo tâm từ quê hương Croatia với các nữ tu ở Benin để giúp xây dựng phòng khám y tế thứ ba tại làng Banigbé-Gare. Một trong những sứ vụ khác của sơ là hỗ trợ tại một trại trẻ mồ côi dành cho trẻ nữ ở làng Affame, do các nữ tu điều hành.
Sơ chia sẻ: "Tại các cứ điểm truyền giáo không bao giờ thiếu việc làm. Nhưng khi chúng ta luôn mở lòng với trẻ em và mọi người xung quanh, Chúa sẽ ban cho chúng ta sức mạnh đáng kinh ngạc để hoàn thành những gì cần phải làm".
Những nhà truyền giáo phải kể câu chuyện của họ
Sơ Ivančica đã hiểu được tầm quan trọng của truyền thông đối với các nhà truyền giáo ngay từ khi còn làm tình nguyện ở Benin.
Sơ nói: "Tôi đã rất sốc khi thấy người dân Croatia biết rất ít về các nhà truyền giáo của họ. Rất nhiều việc tốt vẫn còn chưa được biết đến, và nếu mọi người biết về các việc này, họ sẽ được truyền cảm hứng để làm nhiều việc tốt hơn nữa. Như một nhà truyền giáo đã từng nói, 'Những gì không được kể sẽ vẫn mãi là ẩn số'".
Sơ tin rằng các nhà truyền giáo phải chia sẻ những gì họ trải nghiệm và cảm nhận trong trái tim mình. "Những câu chuyện này khuyến khích mọi người trở thành đôi tay nối dài của chúng ta vì chúng ta không thể làm điều này một mình. Như một câu tục ngữ châu Phi đã nói: 'Nếu bạn muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Nếu bạn muốn đi xa, hãy đi cùng nhau'”.
Tất cả những điều này đã thúc đẩy Sơ Ivančica viết về đời sống truyền giáo, đầu tiên là cho một tạp chí Công giáo và sau đó chia sẻ cuộc sống hàng ngày của mình trên phương tiện truyền thông xã hội.
Sơ giải thích: "Khi tôi đến Ucraina với tư cách là một nhà truyền giáo, tôi đã thấy có bao nhiêu tình nguyện viên được truyền cảm hứng đến đây trợ giúp chỉ vì họ đọc được những câu chuyện đó".
Phương tiện truyền thông xã hội: một công cụ mạnh mẽ cho các nhà truyền giáo
Theo Sơ Ivančica, những câu chuyện mà các nhà truyền giáo chia sẻ mang lại sự cân bằng rất cần thiết cho những tin tức tiêu cực tràn lan trên các phương tiện truyền thông. "Tin Mừng là thuốc giải cho nỗi buồn, sự tuyệt vọng và tiêu cực. Tôi cố gắng chia sẻ cuộc sống hàng ngày của chúng tôi theo góc nhìn tích cực, thể hiện sự hiện diện của Chúa trong những cuộc gặp gỡ và trải nghiệm của chúng tôi".
Mặc dù những câu chuyện về đời sống truyền giáo thường nêu bật sự đau khổ, nhưng sơ lại có cách tiếp cận khác. Sơ chia sẻ: "Trong mỗi đứa trẻ, mỗi người bệnh, Chúa Kitô hiện diện, và thường là một Chúa Kitô đau khổ, nhưng không nên tập trung vào chính sự đau khổ, nhưng là vào hành trình - với Chúa Giêsu - thoát khỏi khó khăn và hướng đến niềm vui Phục sinh".
Phương tiện truyền thông xã hội cũng cho phép hàng ngàn người kết nối với các nhà truyền giáo và cầu nguyện cho họ và những người họ phục vụ: "biết rằng có rất nhiều người đang ủng hộ chúng tôi trong lời cầu nguyện tạo nên sự khác biệt to lớn. Tôi biết mình không đơn độc".
Những thách đố khi chia sẻ trên phương tiện truyền thông xã hội
Truyền thông không phải là nhiệm vụ dễ dàng đối với các nhà truyền giáo, Sơ Ivančica nói. "Phải mất rất nhiều thời gian và đôi khi mọi người không hiểu, nhưng thành quả của nó khiến công việc trở nên xứng đáng".
Bắt đầu từ những thách thức về mặt kỹ thuật như thiết bị thường xuyên bị hỏng do điều kiện khí hậu, mất điện và kết nối internet không ổn định. Nhưng những thách thức lớn hơn nữa phát sinh từ sự khác biệt về văn hóa và truyền thống giữa Châu Phi và phương Tây.
Sơ Ivančica giải thích: "Đôi khi, khi tôi chia sẻ những góc nhìn thoáng qua về cuộc sống thường ngày ở Châu Phi, tôi đăng tải một điều gì đó mà khán giả phương Tây không hiểu - và họ có thể phán xét một cách khắc nghiệt. Cách làm việc, nuôi dạy con cái và lễ hội ở đây rất khác. Nếu những khác biệt đó không được giải thích cẩn thận, chúng có thể bị hiểu lầm và thậm chí phản tác dụng".
Bất chấp những thách thức này, Sơ Ivančica vẫn tiếp tục chia sẻ những câu chuyện về 'Châu Phi của sơ', cho thấy thực tế hàng ngày của các nhà truyền giáo trên toàn thế giới.
Sơ kết luận: “Nếu qua những câu chuyện tôi chia sẻ về cuộc sống truyền giáo có thể chạm đến một trái tim nào đó thì đó chính là món quà của Chúa”.
Nguồn tin: www.vaticannews.va
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn