Chứng tá đức tin của bác sĩ quân y Viktoria, người Ucraina

Thứ bảy - 12/04/2025 04:14
Bác sĩ quân y Viktoria, 30 tuổi, từ hai năm qua, phục vụ ở tiền tuyến trong cuộc chiến giữa Nga và Ucraina. Tham gia các hoạt động sơ tán các binh sĩ bị thương ngoài mặt trận, bác sĩ làm chứng “Giúp đỡ và an ủi những người bị thương vượt lên trên mọi nghi thức”.
Chứng tá đức tin của bác sĩ quân y Viktoria, người Ucraina

 

Vatican News

Bác sĩ nói với Báo Quan sát viên Roma của Toà Thánh: “Tôi chưa từng gặp người vô thần nào ở tiền tuyến. Chính đức tin giúp bạn tiếp tục tiến bước giữa sự hỗn loạn của chiến tranh, đau đớn, và có lẽ cả thất vọng nữa. Nhưng thật khó giải thích cách Thiên Chúa hành động: bạn cảm nhận Người trong tâm hồn. Tôi đã chứng kiến nhiều lần Chúa cứu không chỉ những người có đức tin mà cả những người không tin, như thể Người đang nói qua hoàn cảnh: ‘Ta ở đây, Ta không bỏ rơi con’”.

Trong thời gian nghỉ ngắn, nữ bác sĩ trẻ di chuyển từ miền Đông đất nước đến thủ đô Kyiv để thực hiện các kỳ thi, hiện cô đang học năm cuối đại học y. Trước khi vào đại học, cô đã tốt nghiệp một trường chuyên về y khoa và làm việc tại khoa điều trị nội trú của một bệnh viện ở Kyiv.

Khi chiến tranh toàn diện bắt đầu, cô đang ở thủ đô. Trong khi nhiều người rời khỏi thành phố, cô quyết định ở lại. Ở tiền tuyến, cô làm việc cùng một tài xế. Cô giải thích: “Chỉ có hai chúng tôi, vì thiếu bác sĩ. Các đội hồi sức cấp cứu cũng có bác sĩ gây mê. Thỉnh thoảng tôi làm việc cùng họ, nhưng công việc cực kỳ khó khăn vì rất nhiều việc nặng nhọc. Có khi chúng tôi phải đưa một bệnh nhân nặng đang thở máy và bất tỉnh đến bệnh viện, rồi trên đường quay về lại nhận được cuộc gọi khác. Đi và về mất 8 tiếng, nên rất mệt mỏi, vì vậy chúng tôi phải thay phiên nhau làm việc: lúc làm với đội hồi sức, lúc với bệnh nhân ổn định hơn. Dù vậy, trong chiến tranh chẳng có bệnh nhân nào được gọi là ‘ổn định’ cả, tất cả bệnh nhân đều có thể trở nên nguy kịch trong lúc di chuyển. Mỗi lần như vậy là một trách nhiệm lớn và cần nhiều nỗ lực, nếu không thì sẽ không thể cứu được mạng người”.

Viktoria nhớ rất rõ ngày đầu tiên cô phục vụ tại vùng chiến sự, và mô tả ngày đó bằng một câu đầy ý nghĩa: “Trong mắt của tử thần”. Cô thuộc đội hồi sức cấp cứu và được gọi đến Bakhmut, lúc đó chưa bị Nga chiếm đóng, để hỗ trợ một thanh niên đang lái xe cứu thương và gặp tai nạn cùng một y tá trên xe, vì – như thường xảy ra ở tiền tuyến – họ buộc phải chạy xe với tốc độ cao. Người lái xe là một tình nguyện viên nước ngoài đến giúp Ucraina. Viktoria kể “Chàng trai bị thương rất nặng. Chúng tôi đã cố gắng bằng mọi cách để cứu cậu ấy, vượt cả những gì quy trình yêu cầu. Nhưng rất tiếc, không thể cứu được. Tôi là người cuối cùng rời khỏi phòng cấp cứu. Tôi vuốt mắt cho bạn trẻ ấy và phó thác cho lòng thương xót Chúa… Tôi đã cầu nguyện cho cậu, xin Chúa đón nhận sau khi đã hy sinh quá nhiều: rời bỏ đất nước của mình để đến giúp chúng tôi. Tôi rất biết ơn cậu ấy”.

Đó là trải nghiệm đau thương lần đầu của nữ bác sĩ trẻ, nhưng không phải là lần cuối. Đức tin sâu sắc cùng niềm tin vào lời hứa của Thiên Chúa: “Ta ở đây, Ta không bỏ rơi con” giúp cô vượt qua những khoảnh khắc đó. Viktoria cảm nhận sâu sắc lời hứa của Chúa sau khi chính cô gặp tai nạn. Trước đó, cô trải qua một giai đoạn khô khan tâm linh, mệt mỏi vì công việc quá tải, đến mức không còn sức cầu nguyện. Trong lúc mệt mỏi cô chỉ đủ sức hỏi Chúa: “Chúa đang ở đâu?”

Một ngày nọ, khi trở về sau ca sơ tán một người bị thương nặng, chiếc xe cứu thương cô đang đi gặp tai nạn giao thông. Cô kể: “Tôi nhớ mọi thứ như quay vòng, và chiếc xe lật ngửa, nhưng tôi thì vẫn bình yên. Trên xe có một bình oxy có thể phát nổ, nhưng tôi và tài xế đều không bị thương. Tôi cảm thấy như các thiên thần đang nâng tôi lên. Khi người ta kéo tôi ra khỏi xe, tôi đã cầu nguyện như chưa từng cầu nguyện trước đây. Qua trải nghiệm ấy, Chúa như muốn nói với tôi: ‘Ta ở đây với con. Con thấy điều gì có thể xảy ra với con không?’ Việc đầu tiên tôi làm là đi đến một nhà thờ ở Kramatorsk để tạ ơn Chúa”.

Các bác sĩ và nhân viên y tế quân đội phải làm việc thật nhanh và hiệu quả, bởi họ không chỉ chiến đấu vì sự sống của người khác, mà còn đối mặt với nguy hiểm cho chính mình. Họ có quy trình cần tuân theo để cứu người, nhưng thường phải làm nhiều hơn thế.

Nữ bác sĩ người Ucraina chia sẻ: “Một ánh mắt, một nụ cười thân thiện, một lời động viên là những điều không nằm trong quy trình, nhưng là phần không thể thiếu trong công việc hằng ngày của tôi. Các bệnh nhân thường nắm tay tôi. Tôi nhớ một lần chúng tôi đưa một người lính bị thương ở mắt đến Dnipro. Chúng tôi lái xe gần 4 tiếng. Anh ấy cứ nắm tay tôi, và khi tôi buông ra để tiêm cho người bị thương khác trong xe, anh ấy bắt đầu lo lắng và hỏi: ‘Viktoria, bác sĩ đâu rồi? Tôi muốn cảm nhận bàn tay của bác sĩ’”.

Dù cố gắng nhìn nỗi đau qua lăng kính đức tin, nhưng đôi lúc cô Viktoria cũng không hiểu được ý Chúa. Cô nói: “Nhiều khi tôi không hiểu vì sao mọi chuyện lại như vậy. Khi đó, tôi cầu xin Chúa: ‘Xin ban cho con sự khôn ngoan, xin ban cho con sức mạnh để đón nhận tất cả những điều này’, và Ngài ban cho tôi sức mạnh”.

Với những người cô gặp và được cô cứu sống, bác sĩ Viktoria là một tia sáng. Còn với cô, ánh sáng hy vọng đến từ đâu? Trong một đất nước hơn ba năm qua mỗi ngày đều thức dậy giữa tiếng tên lửa, máy bay không người lái và bom đạn?

Cô nói: “Với tôi, tia hy vọng nằm trong đức tin của chúng ta. Tôi tin Chúa đã gieo một hạt giống và hy vọng của Người trong mỗi người. Và chính đức tin thúc đẩy chúng ta hành động: ví dụ như tôi, tôi tin đất nước chúng tôi sẽ kiên cường, vì vậy tôi ra tiền tuyến, góp phần cứu mạng người, và làm tất cả những gì có thể. Nếu tôi chỉ là một giọt nước nhỏ giữa đại dương, thì tôi cảm tạ Chúa vì điều đó”.

Nguồn tin: www.vaticannews.va

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây