Dịch bệnh Covid kéo dài ảnh hưởng rất lớn trên mọi mặt đời sống của con người. Kinh tế kiệt quệ, chính trị mất an ninh, không biết bao nhiêu cảnh tang thương, chia cách. Hội Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ Nha Trang cũng không ngoại lệ. Hơn hai năm ròng rã không được gặp gỡ, tĩnh tâm chung tại nhà Mẹ Hội dòng. Mọi việc cứ qua Online, một sự gắn kết tạm thời không đủ để khỏa lấp mong đợi và ước ao gặp gỡ diện đối diện của chị em chúng con.
Tạ ơn Chúa, cơn dịch tạm lắng, chị em chúng con được Hội dòng sắp xếp và tạo điều kiện để chúng con được vui mừng tụ họp nơi “Ngôi Nhà Chung”, tham dự khóa thường huấn ngắn hạn từ ngày 19/06 – 24/ 06/2022 với đề tài “ TIN – CẬY – MẾN TRONG ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN DƯỚI CÁI NHÌN THẦN HỌC”, do cha Giuse Phạm Văn Trọng hướng dẫn. Niềm vui hai trong một, vừa được bồi dưỡng thêm kiến thức thần học Luân lý, vừa có cơ hội múc lấy nguồn sức sống mới nơi Mẹ Hội Dòng và nơi chị em.
Con rất vui mừng với thông báo được về Hội dòng, nhưng con suy tư không kém về khóa thường huấn, bởi đây là thần học Luân lý, một môn học nghe có vẻ rất khô khan và đòi hỏi cần có sự suy luận, phán đoán .v.v. trong khi bản thân con đã bỏ quên những việc học như thế này khá lâu rồi. Thế nhưng, trong niềm tin vững vàng “Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2 Cr 12, 9), con phó thác trọn vẹn nơi Thầy Chí Thánh và vui vẻ khăn gói về Nhà Dòng.
Khi nói đến nhân đức Tin – Cậy – Mến, những nhân đức đối thần mà ngay từ tấm bé con đã được dạy dỗ phải tin tưởng vào Thiên Chúa. Cậy trông vào niềm hy vọng “Ngày sau” và phải luôn biết mến Chúa, yêu người. Có cần thiết chăng phải đào sâu bồi dưỡng tri thức thần học về ba nhân đức đối thần: Tin – Cậy – Mến này không? Xin thưa, không những không cần thiết mà là rất cần thiết. Ngày nay ai cũng dễ dàng nhận ra đời sống đạo đức, đời sống đức tin con của con người ngày càng tụt dốc trầm trọng. Tin tức hàng ngày toàn những thông tin nghe mà “tức”, chiến tranh, cướp bóc, giết người, loạn luân,…bởi dường như người ta đã không còn đủ nhạy để nghe “tiếng chuông” thức tỉnh tiếng nói lương tâm nơi mình, Thiên Chúa dường như cũng “đã chết” nhường ngôi cho cái gọi là “chủ nghĩa cá nhân”. Hơn thế nữa, thực tế ngày nay chúng ta thấy sự hoạt động mạnh mẽ của khoa học, các tôn giáo khác nhau xâm nhập vào mọi khía cạnh đời sống hằng ngày, người ta đặt ra những câu hỏi, thắc mắc, chất vấn về niềm tin, về tôn giáo, về thần linh. Là người Kitô hữu nếu chúng ta không có nền tảng đức tin vững chắn thì sẽ dễ nghe theo các lạc thuyết, không biết phân định, bảo vệ đức tin Kitô giáo. Công đồng vatican II trong hiến chế mục vụ Gaudium et Spes đã nói đến: “Thật vậy, các cuộc nghiên cứu và những khám phá gần đây của khoa học cũng như của sử học và triết học đã khơi lên những vấn nạn mới, có ảnh hưởng đến chính cuộc sống, và đòi hỏi các nhà thần học phải nghiên cứu nhiều hơn nữa”(Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Gaudium et Spes, 62).
Không dừng lại ở việc bảo vệ đức tin ở khía cạnh là một Kitô hữu, chúng con được may mắn đào sâu về việc Thực hành Nhân đức Tin – Cậy – Mến trong đời sống Thánh hiến dưới cái nhìn thần học, những kiến thức mà trước đây chúng con đã học qua nhưng còn rất mơ hồ, nay chúng con được sáng tỏ hơn rất nhiều để nhận định được đâu là một hành vi nhân linh: hành vi gồm lý trí (mức độ tư duy) và ý chí. Để phán đoán một hành vi nhân linh cần phải dựa vào những yếu tố nào? Gồm ba yếu tố chính: 1. Đối tượng hành vi nhân linh; 2. Mục đích của hành vi nhân linh; 3. Hoàn cảnh. Cách đánh giá một hành vi nhân linh cùng bốn nguyên tắc căn bản: 1. Nguyên tắc vàng (nguyên tắc làm lành lánh dữ) ; 2. Nguyên tắc mục đích không biện minh cho phương tiện; 3. Nguyên tắc giảm khinh; 4. Nguyên tắc song hiệu bên cạnh bốn nguyên tắc này còn cần xét đến những vấn nạn đó có khiến ta cảm thông, cảm phục họ và họ buột phải thực hiện hành vi bị coi là TỘI vì đó là cách thức duy nhất mà họ không còn cách nào khác. Cùng với việc nắm vững những hiểu biết chung về hành vi nhân linh là cần đưa ra những tiêu chuẩn để phán đoán mang tính đúng đắn, thuyết phục và “hợp lý, hợp tình”, các tiêu chuẩn bao gồm: Kinh Thánh (Cựu Ước và Tân Ước); Luật tự nhiên (luật lý trí); Nhân luật gồm giáo huấn của Hội Thánh và quan điểm của các nhà thần học.
Rất nhiều tình huống, vấn nạn thực tế cuộc sống cha đưa ra: Mẹ mang thai bị ung thư tử cung có được phép chữa bệnh không? Có được phép nói dối? Có được phép ly thân, ly dị? Có được phép tử hình không? Có được phép nổ súng trong chiến tranh không?.... Và cả những câu hỏi mà trước giờ chúng con tự mặc định nó là như vậy: Hội Thánh dạy sao mình tin vậy, chẳng hạn như Maximiliano Kolbe có được phép nhận chết thay cho bạn tù không? Các Thánh Tử Đạo có phải tự tìm đến cái chết? Chúa Giêsu lật đổ bàn ghế của những người buôn bán trong đền Thờ có là tội? Còn cái chết của Chúa Giê-su thì sao? Đó có phải là tội?….Từng vấn nạn một được cha giáo hướng dẫn giải quyết một cách gọn nhẹ giúp chị em chúng con vỡ lẽ ra những điều mà bấy lâu nay cứ ngập ngừng, hoặc giải thích cho người khác cách chiếu lệ khi họ đề cập đến.
Những vấn nạn hỏi trong chính đời sống Thánh hiến của chúng con cũng được đưa ra. Những tưởng lâu nay với câu Kinh Thánh“Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9, 23) thì việc vác Thánh giá là điều chúng con cần hy sinh để đón nhận đau khổ cùng Chúa và chấp nhận hy sinh cái tôi của mình để đi theo Ngài. Thế nhưng, qua cách diễn giải mới mẻ của cha đã làm vực dậy không ít người trong chúng con một suy nghĩ tích cực và siêu nhiên hơn, đó là: Trước đây chúng ta thường dùng những từ ngữ mang tính tiêu cực, làm cho việc vác thánh giá, việc tu của chúng ta ngày càng nặng nề và đi vào bế tắc, thay vào đó chúng ta hãy suy nghĩ: Vì yêu mến Thiên Chúa nên tôi từ bỏ mình và vác thánh giá theo chân Chúa…Tuyệt vời.
Con nhớ mãi hình ảnh cha uống nước và kết luận : khi “tu chai nước” mà còn phải tập trung vào một điểm, phải chịu giới hạn, bó buộc,….huống chi là “Tu”, “Tu” là phải biết chấp nhận những giới hạn, những khó khăn. Một câu nói vui được cha giáo lặp đi lặp lại nhiều lần “Tu là chính”, chỉ ba từ thôi nhưng đủ gói trọn cả nhân đức: Đối nhân và đối thần. Con xin được mạo phép lấy câu nói nổi tiếng của Thánh Augustino: “Hãy yêu đi rồi muốn làm gì thì làm” để nói rằng “Cứ tu đi rồi muốn làm gì thì làm”, tu để bản thân được tốt hơn, được hạnh phúc hơn, tu để trái tim được “đầy ấp Đức Ki-tô” nhờ đó khi con nhìn ai, con phán đoán về ai con cũng nhìn thấy nơi họ đầy Đức Ki-tô (là phẩm giá của con người là hình ảnh của Thiên Chúa). Và tin chắc rằng trong mọi việc chúng con làm nếu để Chúa Ki-tô là trọng tâm của đời sống mình thì “Để trong mọi sự được Thiên Chúa hết lòng yêu mến” (Đức Cha Marcel Piquet Lợi)
Chúng con đã dành nhiều giờ học hành và suy nghĩ căng thẳng, nơ ron thần kinh tiêu tốn không biết bao nhiêu năng lượng, tổn hao bút mực, .. nhưng những điều đó không sánh ví với mối lợi tuyệt vời mà chúng con có được qua khóa học này. Bởi:
- Học thần học giúp chúng con củng cố và giữ vững đức tin của mình trong đời Thánh hiến.
Tin là một công trình vượt quá sức con người, tuyệt đối cần phải cậy vào ơn Chúa giúp. Sống trong một thế giới mà bao nhiêu ý kiến dị biệt đều được truyền bá rất dễ dàng và rộng rãi, người kitô hữu cách chung và những người sống đời thánh hiến cách riêng cần phải được đào tạo cho mình những xác tín sáng suốt hơn, mạnh mẽ hơn và làm chứng nhân cho niềm tin ấy. Ai hiến mình cho Thiên Chúa cách đặc biệt hơn, càng cần phải phát triển đức tin của mình, đến mức thấm nhập sâu xa hơn và trở nên nhân chứng đích thực hơn, hiệu quả hơn, nếu không thì sẽ thiếu sót đối với ơn gọi bản thân và sứ vụ tông đồ của mình.
- Học thần học giúp chúng con gặp gỡ Chúa và sống hạnh phúc.
Việc học thần học của người Kitô hữu gắn liền với những kinh nghiệm gặp gỡ Chúa, như Thông điệp của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong thánh lễ ban sáng ngày 28/11 tại Nguyện đường nhà trọ Thánh Marta: “ Đức tin Kitô không phải là một học thuyết hay triết lý mà là cuộc gặp gỡ với Chúa Giê-su”.
- Học thần học giúp chúng con biết phục vụ Nước Trời
Là người môn đệ của Chúa Ki-tô chúng con luôn ý thức về sứ vụ loan báo Tin mừng mà Người đã khởi sự và truyền lại. Trải qua hơn 20 thế kỉ, đức tin Kitô giáo không tránh khỏi những đe dọa bởi các học thuyết lạc giáo, sự ly khai khỏi giáo hội và những mối nguy đang đe dọa, chất vấn về đời sống đức tin, như Thánh Phêrô đã từng nhắc nhở “Hãy luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em”(1Pr 3,15). Như thế việc học thần học đã giúp chúng con đào sâu đức tin của mình, khám phá ra sự liên hệ giữa các chân lý đức tin, một khi đã hiểu rõ và xác tín về đức tin của mình tất nhiên chúng con cũng có khả năng để trình bày cho những ai muốn hiểu về Thiên Chúa. Đó là cũng là một cách phục vụ nước Trời trong thời đại hôm nay.
Lời kết: Tạ ơn Chúa đã quy tụ chị em chúng con nơi nhà Mẹ Hội Dòng, đã gửi cha giáo đến với chúng con đúng thời điểm, đúng những gì mà chúng con cần. Chúng con luôn tâm niệm rằng: “Tôi có là gì cũng là nhờ ơn Thiên Chúa” (1Cr 15,10). Con cám ơn Chúa đã hiện hiện trong cuộc đời con. Ngài hiện diện mọi nơi và nếu con ý thức con có thể nhận ra lời mời gọi gặp gỡ Ngài trong mọi khoẳng khắc của ngày sống. Con biết chính Ngài đã gieo vào lòng con một lương tâm trong sạch để cố gắng làm những điều tốt đẹp hướng về tha nhân chứ không chỉ vì mưu cầu lợi ích cho chính mình. Và con biết khi con chỉ chú trọng đến những vấn đề, những lo lắng và sợ hãi là con đang rời xa sự hướng dẫn của Ngài. Cùng xin cho chúng con luôn biết chạy đến Ngài là Thầy dạy, là cứu cánh duy nhất trong mọi cảnh huống của đời sống chúng con như lời dạy của Thánh Phaolo gửi giáo đoàn Thêxalônica: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu”(1Tx 5:16-18).
Sr. Anna Hiền Trang