Đức Maria, Mẹ của Lòng Thương Xót

Thứ năm - 16/04/2020 21:47
Mẹ cũng đã trải nghiệm cả đêm tối đức tin hãi hùng nhất nơi thập giá mà Con của Mẹ mang vác. Mẹ không lẩn tránh cũng chẳng bỏ cuộc. Tin Mừng đã viết một cách tỏ tường rằng: “Mẹ đứng đó” (Stabat Mater iuxta crucem: Mẹ đứng gần thập giá) – Ga 19,25. Sau cùng, như đã được minh họa bởi vô số tác phẩm nghệ thuật mang tên Pietà, Mẹ đã ẵm lấy xác Con mình trên đôi tay – một trải nghiệm đau đớn nhất mà một người mẹ có thể trải qua.
Mẹ maria
Mẹ maria
Các Tin Mừng và Giáo hội không chỉ nói về lòng thương xót của Thiên Chúa một cách trừu tượng và lý thuyết. Thần học Kinh thánh cũng như thần học của các giáo phụ, là thần học của hình ảnh. Nơi  mẫu gương của Mẹ Maria, các tác giả quả thực đã giới thiệu cho chúng ta một hình ảnh rất cụ thể sống động, một tấm gương trong phản chiếu lòng thương xót thánh thiêng của Chúa và là khuôn mẫu cao cả của lòng thương xót Kitô giáo. Mẹ chính là khuôn mẫu cho Giáo hội, và vì thế, cũng là khuôn mẫu của lòng thương xót Kitô giáo. Niềm xác tín này thực sự đã cắm rễ trong lòng đạo đức thâm sâu của Giáo hội từ những thế kỷ đầu tiên cho đến ngày nay, kể cả Công giáo lẫn Chính thống giáo. Và rồi từng bước, niềm xác tín ấy cũng dần dần chiếm một vị thế lớn hơn trong nhận thức và tâm hồn của nhiều anh em Kitô hữu Tin Lành.

Quả thực, người ta có thể và thậm chí buộc phải phê phán nhiều nỗ lực sùng kính quá mức tượng ảnh Đức Mẹ, bởi vì theo chuẩn mực được minh chứng nơi Kinh Thánh, thì Chúa Giêsu phải là nền tảng và trung tâm điểm thường hằng của Đức Tin Kitô giáo. Tuy nhiên,  người ta cũng có thể đặt vấn đề tương tự rằng việc giảm thiểu tối đa vai trò của Đức Maria có phải là đã đặt mình vào vị trí chủ quan, kiêu căng và ngạo mạn chăng khi gạt phắt sang một bên bằng chứng hiển nhiên của vô số Kitô hữu thuộc mọi thời đại đã và đang kêu cầu Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Từ Bi, Mẹ của Lòng thương xót và đã cảm nhận được sự trợ giúp và ủi an của Mẹ trong những nỗi truân chuyên ngặt nghèo về thể xác cũng như tâm hồn? Phải chăng đó chỉ là thứ đạo đức tình cảm sướt mướt ủy mị, một thứ đạo đức mà lòng sùng kính Đức Mẹ luôn đứng hàng đầu trong đó?

Nhưng người ta phải công nhận rằng vượt xa tất cả những nhận thức đó: Đức Maria xuất hiện trong Tin Mừng và quả thật, Mẹ đứng ở một vị trí trổi vượt trong các Tin Mừng.

Có hai bản văn nổi bật hơn cả trong Tân Ước cấu tạo nên nền tảng vững chắc cho linh đạo Maria: quang cảnh truyền tin ở khởi đầu Tin Mừng (Lc 1, 26-38) và quang cảnh kết thúc, khi Mẹ đứng dưới chân thập giá (Ga 19,26t). Trình thuật thứ hai theo thánh Gioan lại gọi ta về với tiệc cưới Cana, lúc khởi đầu sứ vụ công khai của Chúa Giêsu (Ga 2,1-12). Vì vậy, những khung cảnh nổi bật dành cho nền thánh mẫu học, có thể nói như thế, nằm trong toàn bộ Tin Mừng, thậm chí có thể nói một cách mạnh mẽ hơn nữa là nằm ở vị trí quan trọng trong lịch sử cứu độ. Chỉ cần ít dòng ghi nhận về Đức Maria tìm thấy trong Kinh Thánh cũng đủ để làm sáng tỏ vị thế cao cả và độc nhất vô nhị của Mẹ trong suốt dòng lịch sử Thiên Chúa cứu chuộc loài người.

Biến cố truyền tin ở khởi đầu Phúc âm, được coi như toàn bộ khung cảnh lịch sử trước khi Chúa Giêsu xuất hiện công khai… Ở đây rõ ràng là ý nghĩa thần học quan trọng đều được quy về tính tiền lịch sử theo quan niệm của Tin Mừng Luca.  Trong thời kỳ tiền lịch sử, tất cả những yếu tố dự liệu quan trọng đã được nghe nói đến, như thể một khúc dạo đầu vậy. Vì thế, trong bài Magnificat, Mẹ Maria đã tóm lược toàn bộ lịch sử và đã diễn tả lịch sử ấy như là lịch sử của lòng thương xót Chúa: “Lòng thương xót Chúa trải dài từ đời nọ tới đời kia” (Lc 1,50). Với việc chọn gọi Đức Maria làm Mẹ Đấng Cứu Thế, lịch sử cứu độ đã đi đến giai đoạn dứt khoát và chung cuộc. Do lòng thương xót vô biên, giờ đây Thiên Chúa đã đưa ra một quyết định cuối cùng, dứt khoát và xác quyết để cứu chuộc dân của Ngài và toàn thể nhân loại.

Đức Maria đã được tuyển chọn để cộng tác vào công trình cứu chuộc vĩ đại ấy. Mẹ được “ơn nghĩa với Thiên Chúa” (Lc 1,30), nghĩa là tự mình, Mẹ hoàn toàn chẳng là gì, nhưng Mẹ là tất cả là nhờ ân sủng. Mẹ chỉ là “nữ tì của Chúa” (Lc 1,38). Mọi vinh quang danh dự không thuộc về Mẹ, nhưng thuộc về Chúa mà thôi, vì đối với Chúa “không có gì là không có thể” (Lc 1,37t). Do đó, Mẹ đã ca lên:

“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng trong Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ tôi… Vì Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều trọng đại, danh Ngài là thánh” (Lc 1,46-47,49).

Mẹ chỉ hoàn toàn là chiếc bình sành, là khí cụ khiêm mọn của lòng thương xót Chúa.  Martin Luther đã tỏ ra xuất sắc qua việc nhìn ra điểm này khi ông chú giải kinh Magnificat. Đối với ông, Đức Maria không có gì khác hơn là khuôn mẫu tuyệt vời của “sola gratia”: chỉ nhờ ân sủng mà thôi.

Bởi vì Đức Maria chỉ hiện hữu nhờ ân sủng, nên Mẹ cũng chỉ sống “nhờ đức tin” mà thôi. Mẹ là khí cụ của lòng thương xót Chúa nhờ lời “xin vâng” trung tín mà Mẹ đã đáp lại trước sứ điệp cao siêu của thiên thần, một sứ điệp thoạt đầu gây ngạc nhiên tò mò nhưng sau lại làm cho Mẹ choáng ngợp. Với lời thưa “vâng” của mình, Mẹ Maria đã tự nhận mình là nữ tì của Chúa, như là người tôi tớ hoàn toàn lệ thuộc vào Chủ của mình. Bằng lời ưng thuận “xin vâng” ấy, Mẹ đã phó dâng trọn vẹn con người mình cho Chúa, vừa đơn sơ ngoan ngùy cho Chúa sử dụng cuộc đời mình, vừa năng động xả thân để cộng tác vào công trình cứu độ. Mẹ đã mở cho Chúa một khoảng không cần thiết để Ngài thi hành điềm thiêng dấu lạ. Ngay cả khi thưa “vâng” với một điều vượt quá sức tưởng tượng của loài người như vậy, Mẹ đã cho thấy sở dĩ mình có thể đưa ra lời đáp trả ấy là vì Mẹ đã được Thiên Chúa chúc phúc.

Với lời thưa “xin vâng” cách tuân phục này, Mẹ đã để cho Chúa đi vào thế giới. Bằng cách thế ấy, Mẹ đã trở thành Eva mới. Nếu như Eva cũ đã mang đau khổ và nhọc nhằn đến cho nhân loại do sự bất tuân phục của bà, thì Mẹ Maria, nhờ sự vâng phục trung tín của mình, đã tháo cởi được nút thắt bất tuân mà Eva cũ đã buộc vào cổ toàn thể nhân loại. Vì thế, Mẹ trở thành Mẹ của tất cả chúng sinh. Nhờ sự vâng phục của mình, Mẹ Maria đã trở thành người nữ tì được Chúa tuyển chọn và chúc phúc, để trở nên tôi tới của lòng thương xót của Ngài. Quả thực, chính do hành động bởi lòng thương xót  mà Thiên Chúa đã ưu ái tuyển chọn Mẹ và làm cho Mẹ, một con người mỏng manh, một nữ nhi bình thường, được trở thành khí cụ của lòng thương xót của Ngài. Điều này tự nó diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa vượt xa mọi ước mong và nguyện vọng của con người.

Chính trong sự tuyển chọn đầy ân sủng của Thiên Chúa và lời thưa “vâng” đầy trung tín của Đức Maria mà Thiên Chúa đã tìm ra lối mở để bước vào thế giới và Đức Maria được trở nên người cưu mang Chúa Cứu Thế, hòm bia của giao ước mới và đền thờ của Chúa Thánh Thần. Như thế, Giáo hội được trở nên hiện thực nơi con người Đức Maria. Mẹ thâu tóm nơi mình lịch sử của Dân Thiên Chúa trong Cựu Ước và đồng thời, trở nên hạt giống đầu mùa của Dân Thiên Chúa trong thời Tân Ước. Điều này xảy ra trước khi các tông đồ được chọn gọi và khởi đầu hành trình theo Chúa. Mẹ trở thành đại diện cho những người nhỏ bé và không có tiếng nói trong xã hội, là “người nữ của dân chúng” như vẫn được ca tụng trong thánh thi của Giáo hội. Mẹ là giáo hội của lòng Chúa thương xót, ngay cả trước khi nền tảng của giáo hội cơ cấu phẩm trật được hình thành.  Ngay cả trước đó, Mẹ đã là hiện thân của Giáo hội trong chính những gì là sâu xa nhất, khi Mẹ hoàn toàn cậy dựa vào lòng Chúa thương xót và sẵn sàng trở nên khí cụ phục vụ của Chúa. Dưới ánh sáng của lòng suy tôn Mẹ Maria, chắc chắn không còn chỗ cho sự thất vọng của một ý thức hệ trọng nam khinh nữ mà người ta hay gán cho Giáo hội. Ngược lại, Thánh Mẫu Học chân chính là một lời phê bình tận căn nhất  đối với mô hình thần học về một giáo hội gia trưởng.

Đức Maria cũng đã phải bước đi trên hành trình đức tin. Trong cuộc đời mình, như đã được thuật lại trong các Tin Mừng, không hề có chuyện là toàn những điều ngoạn mục kỳ vĩ như các ngụy tin mừng và truyền thuyết mộ đạo muốn tô vẽ lên. Ngược lại, Đức Maria là một người nữ giữa muôn người bình thường, cũng đã phải mang vác và chịu đựng tất cả nhưng khó khăn gian khổ: sinh con trong một chiếc hang tạm trú, chạy trốn sang Ai Cập, tìm con bị thất lạc, thấp thỏm khi con đi rao giảng đó đây, đau đớn xé lòng khi con bị đóng đinh trên thập giá. Mẹ đã chẳng được tha miễn một niềm đau nỗi khổ nào.

Mẹ cũng đã trải nghiệm cả đêm tối đức tin hãi hùng nhất nơi thập giá mà Con của Mẹ mang vác. Mẹ không lẩn tránh cũng chẳng bỏ cuộc. Tin Mừng đã viết một cách tỏ tường rằng: “Mẹ đứng đó” (Stabat Mater iuxta crucem: Mẹ đứng gần thập giá) – Ga 19,25. Sau cùng, như đã được minh họa bởi vô số tác phẩm nghệ thuật mang tên Pietà, Mẹ đã ẵm lấy xác Con mình trên đôi tay – một trải nghiệm đau đớn nhất mà một người mẹ có thể trải qua. Vì vậy, trong bài Magnificat, Mẹ Maria không chỉ nếm trải trước phúc lành của những người nghèo khó, sầu khổ và bị bách hại được nhắc đến trong bài giảng trên Núi Bát Phúc (Mt 5,2-12; Lc 6,20-26), mà chính bản thân Mẹ đã còn trải qua tất cả những kinh nghiệm đau thương ấy.

Kết thúc Tin Mừng Thứ Tư, vòng tròn đã được hoàn tất. Đức Maria, người nữ xuất hiện ở khởi đầu lịch sử cứu độ Tân Ước, giờ đây đã đứng vào một vị trí quan trọng tuyệt đỉnh. Từ nơi thập giá, Chúa Giêsu đã giao phó cho Mẹ trọng trách làm Mẹ Gioan và trao gửi môn đệ Gioan như là con của Mẹ (Ga 19,26t). Quang cảnh này đầy ắp ý nghĩa. Gioan, môn đệ Chúa Giêsu thương mến (Ga 19,26); trong Tin Mừng Thứ Tư, ông được coi như là môn đệ tiêu biểu của Chúa Giêsu. Điều này có nghĩa là, nơi Gioan, Chúa Giêsu cũng trao phó tất cả các môn đệ của Ngài vào trong vòng tay từ mẫu của Mẹ Maria. Có thể hiểu rằng đây chính là những lời trăn trối của Chúa Giêsu, là ước nguyện cuối cùng và di ngôn của Ngài. Khi làm điều này, Chúa Giêsu đã nói lên những lời có tính quyết định và bảo bọc cho tương lai của Giáo hội.

Thật hữu ích khi đọc những lời viết trong Tin Mừng Thứ Tư một cách chính xác. Tin Mừng viết rằng sau đó Gioan đã đón Mẹ về nhà mình. Câu này có thể dịch sách nghĩa hơn: ông đã đón nhận bà “làm của riêng mình” (eis ta idia: “into his own”). Thánh Augustinô đã suy niệm kỹ lưỡng về ý nghĩa cụm từ “của riêng mình”. Theo ngài, điều này không có nghĩa là Gioan đón nhận Mẹ như là “sở hữu riêng của mình”, nhưng là đón rước Mẹ “vào trong khung trời hoạt động của mình”. Bởi vì Gioan được nói đến như là môn đệ sẽ ở lại cho tới khi Đức Kitô lại đến (Ga 21,22), nên Mẹ Maria đã được đón nhận vào trong “sự ở lại” ấy của Gioan và vào trong chứng từ của ông nữa. Vì thế, Mẹ Maria mãi mãi thuộc về Tin Mừng của Lòng Thương Xót Chúa. Mẹ mãi mãi là chứng nhân và khí cụ của Lòng Thương Xót vô biên ấy.

 

Tác giả bài viết: ĐCV Mẹ Vô Nhiễm

Nguồn tin: http://gpbuichu.org/ The Essence of the Gospel and the Key to Christian Life

 
[1] Dominic Trần trích dịch từ Wal-ter Kasper, Mercy: The Essence of the Gospel and the Key to Christian Life, Paulist Press, NY 2013, tr. 207-211. 
 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây