PHÚC ÂM: Mt 1, 16. 18-21. 24a
“Giuse đã thực hiện như lời Thiên thần Chúa truyền”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Giacóp sinh Giuse là bạn của Maria, mẹ của Chúa Giêsu gọi là Ðức Kitô. Chúa Kitô giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây: Mẹ Người là Maria đính hôn với Giuse, trước khi về chung sống với nhau, đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giuse bạn của bà là người công chính, không muốn tố cáo bà, nên định tâm lìa bỏ bà cách kín đáo. Nhưng đang khi định tâm như vậy, thì Thiên thần hiện đến cùng ông trong giấc mơ và bảo: “Hỡi Giuse con vua Ðavít, đừng ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình, vì Maria mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần; bà sẽ sinh hạ một con trai mà ông đặt tên là Giêsu: vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội”. Khi tỉnh dậy, Giuse đã thực hiện như lời Thiên thần Chúa truyền.
Ðó là lời Chúa.
– – – – – – – – – – – – – –
Hoặc: Lc 2, 41-51a
“Kìa cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Hằng năm cha mẹ Chúa Giêsu có thói quen lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. Lúc bấy giờ Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, cha mẹ Người đã lên Giêrusalem, theo tục lệ mừng ngày lễ Vượt Qua. Và khi những ngày lễ đã hoàn tất, hai ông bà ra về, trẻ Giêsu đã ở lại Giêrusalem mà cha mẹ Người không hay biết. Tưởng rằng Người ở trong nhóm các khách đồng hành, hai ông bà đi được một ngày đàng, mới tìm kiếm Người trong nhóm bà con và những kẻ quen biết. Nhưng không gặp thấy Người, nên hai ông bà trở lại Giêrusalem để tìm Người.
Sau ba ngày, hai ông bà gặp thấy Người trong đền thờ đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ, nghe và hỏi các ông. Tất cả những ai nghe Người nói, đều ngạc nhiên trước sự hiểu biết và những câu Người đáp lại. Nhìn thấy Người, hai ông bà ngạc nhiên, và mẹ Người bảo Người rằng: “Con ơi, sao Con làm cho chúng ta như thế? Kìa cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con”. Người thưa với hai ông bà rằng: “Mà tại sao cha mẹ tìm con? Cha mẹ không biết rằng con phải lo công việc của Cha con ư?” Nhưng hai ông bà không hiểu lời Người nói. Bấy giờ Người theo hai ông bà trở về Nadarét, và Người vâng phục hai ông bà.
Ðó là lời Chúa.
SUY NIỆM LỄ THÁNH GIUSE 19.3
Giám mục GB. Bùi Tuần
A. Thánh Giuse thinh lặng
Đọc Phúc Âm để tìm hiểu thánh Giuse, tôi thấy một bầu khí âm thầm bao phủ Ngài. Có một chọn lựa khiêm nhường trong bầu khí đó. Khiêm nhường ấy đầy khó nghèo và khôn ngoan.
Ngắm nhìn các ảnh tượng thánh Giuse, tôi thấy lòng sùng kính các nơi dành cho thánh Giuse thực rất phong phú và đa dạng.
Nhưng năng lui tới thánh Giuse trong đời sống hằng ngày, nhất là qua các giờ phút cầu nguyện, gẫm suy, tôi thấy thánh Giuse rất gần gũi, rất sống động, nhất là rất dễ thương. Có một điểm dễ thương nơi Ngài đã gây ấn tượng sâu sắc nơi tôi, đó là sự thinh lặng của Ngài.
Sự thinh lặng của Ngài là trường dạy tôi về tu đức, mục vụ và truyền giáo. Tôi gọi đây là sự thinh lặng thánh. Bởi vì không phải thinh lặng nào cũng tốt cả. Ai cũng biết có vô số thứ thinh lặng tiêu cực. Như thinh lặng vì kiêu căng. Thinh lặng vì lập dị. Thinh lặng vì dốt nát. Thinh lặng vì sợ sệt. Thinh lặng vì bất cần. Thinh lặng vì dửng dưng. Thinh lặng vì hờn giận. Thinh lặng vì ích kỷ vv… Trái lại, sự thinh lặng của thánh Giuse là một hoạt động thường xuyên tích cực.
Ngài tin con trẻ mà thiên thần báo mộng sẽ sinh ra bởi Đức Maria, đúng thực là “Đấng Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1,23). Cho dù gặp muôn vàn thử thách, Ngài vẫn vững tin: Đấng Thiên Chúa ở cùng chúng ta đó chính là Con Thiên Chúa giáng trần. Con trẻ đó chính là Đấng cứu thế.
Ngài tin Thiên Chúa thương yêu Ngài một cách hết sức đặc biệt. Ngài biết tình thương đặc biệt Chúa dành cho Ngài là hoàn toàn nhưng không, chứ không phải do công phúc nào của Ngài.
Ngài tin vào sứ vụ Chúa trao phó cho Ngài là vô cùng lớn lao. Sứ vụ đó là bảo vệ Đức Mẹ Maria và Chúa Giêsu. Ngài biết Chúa Giêsu sẽ làm chuyện lớn, nhưng bề ngoài chưa thấy có gì là lớn. Thực nhiệm mầu. Ngài chỉ biết tin. Ngài chưa hiểu hết. Nhưng không thắc mắc. Một sự kín đáo trong niềm tin đầy khiêm tốn, với nhận thức sâu sắc về tình trạng khó nghèo, bất xứng của mình, đó là một sự thinh lặng đáng kính phục.
Bảo vệ Đức Mẹ và Chúa Giêsu trong hoàn cảnh thời đó nơi đó đầy khó khăn là một trách nhiệm rất nặng nề, đòi nhiều khôn ngoan sáng suốt và đức tin vững vàng. Ngài đã tin vững vàng và khôn ngoan sáng suốt trong thinh lặng. Thinh lặng đó không phải vì sợ. Nhưng vì vâng phục đức tin.
Tin Mừng là một mầu nhiệm “vốn được giữ kín từ ngàn xưa” (Rm 16,25) sẽ được biểu lộ, sẽ được thông báo cách nào, lúc nào, bởi ai, cho ai, thì phải tuỳ ở Thiên Chúa là Đấng khôn ngoan thượng trí mà thôi. Chúa muốn như vậy (Rm 16,27).
Tôi thiết nghĩ thánh Giuse đã có đức tin như thế, và đã vâng phục đức tin đó. Vì thế mà Ngài khiêm tốn thinh lặng, Ngài tin rằng: Sứ mạng Chúa trao cho Ngài không phải là loan báo, mà là bảo vệ và giữ kín.
Đọc Sách Thánh và chuyện các thánh, tôi thấy Thiên Chúa có một lối đào tạo độc đáo đối với các người của Ngài. Khi Thiên Chúa tính chuyện trao cho ai một sứ mệnh khó khăn, Ngài thường đưa họ vào sa mạc. Hoặc sa mạc địa lý là nơi vốn thanh vắng. Hoặc sa mạc tâm hồn là nơi phải thinh lặng.
– Ông Môisen vào sa mạc Madian.
– Thánh Gioan tiền hô vào sa mạc Giuđê.
– Thánh Phaolô vào sa mạc Syria.
– Thánh Benedictô lên núi Subiacô.
– Thánh Phanxicô khó khăn vào hang Assisi.
– Chính Chúa Giêsu vào sa mạc 40 đêm ngày.
Đối với thánh Giuse, sa mạc là tâm hồn thinh lặng của Ngài. Trong sự thinh lặng của sa mạc tâm hồn, Chúa đào tạo cho Ngài có một sự tự do mới. Đó là một sự tự do biết chọn Chúa là tất cả, chọn ý Chúa là trên hết. Một sự tự do sẵn sàng dứt bỏ ý riêng, để mau lẹ thực thi ý Chúa.
Đọc Phúc Âm, tôi gặp thấy một cách nói hay được dùng, khi thuật lại việc phục vụ của thánh Giuse, để vâng phục ý Chúa. Cách nói đó là sẵn sàng và mau lẹ. Ngài sẵn sàng đón Maria về nhà mình (Mt 1,24). Ngài mau lẹ đang đêm, đưa Hài Nhi và Mẹ Ngài trốn sang Ai Cập (Mt 2,14). Ngài liền vội vã chỗi dậy đem Hài Nhi và Mẹ Ngài về đất Israel (Mt 2,21). Những thái độ đó, được sự thinh lặng đào tạo, chứng tỏ thánh Giuse có một tâm hồn rất tự do. Không phải tự do đối với của cải và ý riêng, mà là tự do cho Chúa và cho những việc Chúa muốn.
Tôi có cảm tưởng là Chúa đôi khi cũng muốn bản thân tôi và những người thuộc về Ngài, phải bắt chước thánh Giuse xưa, có lúc phải vào sa mạc mà tế lễ Chúa. Tế lễ trong sa mạc là tế lễ trong tình trạng rất thiếu thốn: Không có nhà thờ, bàn thờ, đồ thờ. Không có những trang trọng vật chất. Không có cả những nhân đức cần có. Chỉ còn tập trung vào một mình Chúa đầy tình yêu thương xót. Chỉ còn chính bản thân mình là của lễ mà thôi. Thiếu tất cả, nhưng được tất cả. Chỉ còn thinh lặng tôn thờ và vâng phục với lửa thiêng của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn mình như tia hy vọng. Sẽ rất nghèo, nhưng cũng rất vui mừng. Vì thấy mình được thông công vào việc Chúa cứu độ.
Kinh nghiệm cho thấy: Nhiều khi sự hiện diện thinh lặng vẫn có sức gây được cảm tưởng tốt về Tin Mừng, hơn một sự hiện diện nhiều lời. Nhất là khi sự hiện diện đó có Chúa ở cùng. Tôi có cảm tưởng là thời nay tại Việt Nam này, dân chúng vẫn trân trọng và khát khao những người, tuy không nói, nhưng toả ra được ánh sáng tâm linh, lửa thiêng tâm hồn, hương thơm từ những giá trị nội tâm. Họ thinh lặng nhưng có chiều sâu tâm hồn, biết phân định, biết phấn đấu, biết sắp xếp, biết thanh luyện, biết ý tứ, biết tế nhị.
Điều đó không có nghĩa là thinh lặng luôn luôn có giá trị hơn nói. Tôi thiết nghĩ chọn thinh lặng hay chọn nói là một chọn lựa tuỳ ơn gọi. Các ơn gọi và các ơn thánh rất khác nhau. Con đường tốt hơn ta nên chọn là con đường mà sứ vụ Chúa trao cho ta, con đường mà hoàn cảnh chỉ cho ta, con đường mà ta thấy thích hợp cho tính tình và khả năng của ta, con đường mà ta cho rằng có thể thực hiện tốt hơn việc mến Chúa yêu người trong những hoàn cảnh cụ thể, đúng với yêu cầu của thời điểm.
Riêng tôi, trong năm Mân Côi này, tôi xin thánh Giuse cho tôi và mọi người chúng ta
– biết thinh lặng hơn để nghe ý Chúa,
– biết thinh lặng hơn để suy niệm các mầu nhiệm Mân Côi,
– biết thinh lặng hơn để đón nhận ơn cứu độ,
– biết thinh lặng hơn để cộng tác vào chương trình cứu độ,
– biết thinh lặng hơn để khám phá ra những kỳ diệu Chúa Thánh Thần đang làm trong các linh hồn,
– biết thinh lặng hơn, để đón nhận những bất ngờ Chúa gởi đến với đức tin sáng suốt.
Hình như nhiều linh hồn đang được ơn ấy. Họ là những người đơn sơ tỉnh thức và thinh lặng như thánh Giuse. Họ đang thinh lặng gieo rắc hạt giống Tin Mừng giữa xã hội Việt Nam hôm nay.
B. Vài suy nghĩ về sự thinh lặnh nơi thánh Giuse
Thánh Giuse là người thinh lặng. Tôi nghĩ là ngài cũng đã nói năng như mọi người bình thường. Nhưng, khi soi dẫn các thánh sử viết Phúc âm, Chúa Thánh Thần đã chủ ý không muốn ai ghi lại lời nói nào của thánh Giuse.
Sự kiện đó phải được coi là một lựa chọn tốt, đề cao sự thinh lặng của thánh Giuse như một vẻ đẹp. Hơn nữa đó cũng là một bài học đạo đức cho các thế hệ mai sau. Như vậy, thánh Giuse là một trường học dạy thinh lặng. Nói đứng ra thầy dậy ở trường này là Chúa thánh Linh. Vì thế mọi tài liệu bàn về sự thinh lặng của thánh Giuse, nhất là bài này, chỉ nên được coi là những gợi ý yếu ớt đọc thì cứ đọc, nhưng việc quan trọng cần làm để hiểu và để học, chính là cầu nguyện với Chúa Thánh Linh.
Riêng trong bài này, xin chia sẻ vài suy nghĩ riêng tư. Có nghĩa là những suy nghĩ này đã ảnh hưởng đến đời tôi, từ đó tôi có phần nào kinh nghiệm.
Điểm phát xuất những suy nghĩ sau đây của tôi là hình ảnh con trẻ Giêsu tại Nagiarét sống bên Đức Mẹ và thánh Giuse thinh lặng. “Con trẻ dần dần đã lớn lên đầy khôn ngoan và ân sủng, đẹp lòng Chúa và được người ta thương mến” (Lc 2,52). Theo cái nhìn đó, Thánh Gia là một cộng đoàn Hội Thánh cực nhỏ. Chúa Giêsu, tuy là con, nhưng là vai chính trong kế hoạch cứu độ, đổi mới con người. Đức Mẹ và thánh Giuse là những người cộng tác gần gũi nhất. Đây là những cộng tác viên đắc lực đưa lại kết quả cao. Bởi vì đã góp phần làm cho trẻ Giêsu được nổi tiếng là phát triển về khôn ngoan và ân sủng, đẹp lòng Chúa và được người ta mến thương.
Vậy, cộng tác đắc lực của thánh Giuse là gì? Thưa chính là sự cộng tác thinh lặng. Tất nhiên đây là sự thinh lặng tích cực. Thinh lặng tích cực đó được thể hiện như thế nào? Trước hết tôi nghĩ ngay tới sự thinh lặng tu thân.
Thinh lặng tu thân
Phong tục Á châu rất coi trọng việc tu thân. Những người muốn cải cách tôn giáo, chủ trương cứu độ, đổi mới con người và xã hội, thường phải xây dựng uy tín cho mình trước hết bằng việc tu thân. Thời này vẫn là thế. Thời xưa còn hơn bây giờ.
Thánh gia là một cộng đoàn đề cao tu thân. Một cách tu thân bình dân, phổ thông nhưng chất lượng cao. Trong cái ấy, thánh Giuse là một người tu tại gia. Nội dung tu thân của Thánh Gia nói chung và của thánh Giuse nói riêng là thực hiện trước những gì mà chúa Giêsu sẽ rao giảng sau này. Có thể tóm gọn lại là tu thân nhắm mục đích trở nên một tạo vật mới, dần dần nên giống Chúa là tình yêu và kết hợp với Ngài là Tình yêu. Muốn được thế phải thực thi thánh ý Chúa, hết tình yêu mến Ngài và chân thành yêu thương mọi người.
Như vậy, tu thân là hằng ngày vun tưới chăm sóc những hạt giống tình yêu Chúa đã gieo sẵn trong lòng mình. Tu thân là hằng ngày học hành tập luyện, để biết tự do chọn điều lành và tự do bỏ điều xấu. Lựa chọn tốt nhất và quan trọng nhất là chu toàn bổn phận phục vụ của mình.
Phục vụ tốt là đáp ứng đúng nhu cầu, bằng đúng việc, với đúng cách, vào đúng lúc. Tất cả trong tình mến Chúa và yêu người với mức cao nhất.
Nhìn thoáng qua tu thân là như thế, chúng ta có thể tưởng tu thân là việc đơn sơ. Đúng là đơn sơ, nhưng chính là một cuộc phấn đấu thinh lặng cam go và thường xuyên với chính mình. Bởi vì có một vấn đề gai góc đứng đàng sau việc tu thân đó là một sự thực phũ phàng mà thánh Phao lô đã thực thà thú nhật: “Vẫn biết rằng Lề luật là Thần Khí, nhưng tôi thì lại mang tính xác thịt, bị bán làm tôi cho tội lỗi. Thực vậy tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: Vì diều tôi muốn thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm… Tôi biết là sự thiện không có ở trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi… Theo con người nội tâm, tôi vui thích luật của Chúa, nhưng trong các chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác. Luật này chiến đấu chống lại luật của lý trí và giam tôi trong luật của tội là luật vẫn nằm sẵn trong các chi thể của tôi” (Rm 7,14-23).
Như thế, tu thân đòi phải học hành, tập luyện để biết phân định điều lành điều dữ. Biết rõ rồi, lại phải biết can đảm chọn lựa điều lành một cách tự do. Chọn rồi, lại phải kiên cường thực hành điều mình đã tự do chọn lựa. Để được thế phải phấn đấu nhiều lắm, phải từ bỏ mình nhiều lắm, phải cầu nguyện nhiều lắm.
Tôi dám chắc là Thánh gia nói chung và thánh Giuse nói riêng đã thực hiện việc tu thân một cách trọn vẹn từng ngày, từng tháng, từng năm. Suốt 30 năm tu thân trong thinh lặng, đúng là một hành trình phát triển ơn khôn ngoan và ân sủng, đẹp lòng Thiên Chúa và được người ta thương mến.
Suy nghĩ trên đây co phép tôi rút ra một kinh nghiệm về mục vụ và truyền giáo. Đó là người có chức vụ cộng tác với Chúa vào kế hoạch cứu độ, đổi mới con người và xã hội, sẽ phải quan tâm rất nhiều đến việc tu thân nơi chính mình. Tu thân một cách thinh lặng là một yếu tố quan trọng có sức cứu độ. Rất mong kinh nghiệm này của thánh Giuse được sống lại mạnh mẽ nơi mỗi người tín hữu, nhất là nơi các tông đồ ngày nay, bất kỳ là giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân.
Thinh lặng gặp gỡ Chúa trong cầu nguyện
Kinh nghiệm cho thấy: Sự khôn ngoan và ân sủng của Chúa được ban dồi dào cho những người thực sự tu thân. Và kinh nghiệm còn cho thấy: Sự khôn ngoan và ân sủng của Chúa còn được trao ban rất dồi dào cho những người gặp gỡ Chúa trong cầu nguyện.
Một nơi thuận lợi để Chúa gặp gỡ con người, chính là nơi thinh lặng: “Ta sẽ dẫn nó vào sa mạc và sẽ nói với lòng nó” (Ose 2,14). Sa mạc là biểu tượng nơi yên tĩnh. Nơi yên tĩnh là không gian thinh lặng, và nhất là tâm hồn thinh lặng.
Ai cầu nguyện suy gẫm và chiêm niệm trong thinh lặng sẽ dễ gặp được Chúa. Và khi Chúa đã đến với lòng họ, Chúa lại làm cho lòng họ càng thinh lặng hơn. Để rồi lúc đó sự thinh lặng trở nên đầy sự hiện diện của Thiên Chúa.
Trong gặp gỡ thinh lặng này, con người không còn tìm hiểu Chúa nữa, mà là có chính Chúa. Họ cảm nghiệm được Chúa là tình yêu, là hạnh phúc của mình. Lúc đó con người sẽ thấy mọi sự đều rất đơn giản. Bất cứ việc gì tốt mình làm mặc dù bề ngoài coi là rất bé nhỏ, rất âm thầm, nhưng nếu làm với một tình mến lớn lao, chỉ vì Chúa, thì sẽ là việc rất giá trị có sức cứu độ, đổi mới bản thân, đổi mới con người và xã hội.
Trong cuộc gặp gỡ ấy, con người cũng sẽ thấy rõ mình hơn. Mình chẳng là gì, chẳng thể làm gì có sức cứu độ nếu không có sự hỗ trợ của Chúa. Do đó mà phải chết đi cho chính mình để quyền năng Chúa ngự trị hoàn toàn trong con người của mình, từ lớp ý thức đến lớp tiềm thức và vô thức sâu thẳm, từ trí khôn cho đến ý chí và tình cảm, ký ức, trí vẽ và mọi tiềm năng sáng tạo.
Người học hành cần thinh lặng. Người nghiên cứu suy nghĩ cần thinh lặng. Người sáng tạo cần thinh lặng. Người tìm minh triết cần thinh lặng. Người hồi tâm cần thinh lặng. Phương chi người muốn gặp gỡ, lắng nghe Chúa càng cần phải thinh lặng. Bởi vì Chúa muốn được thờ phượng trong tinh thần và trong chân lý, chứ không hài lòng với những hình thức ồn ào. Và bởi vì Chúa chỉ nói nhỏ nhẹ với những tâm hồn thinh lặng. Và bởi vì ơn đổi mới con người cũng chỉ được thực hiện nơi những con người khiêm tốn, thinh lặng.
Thánh Giuse, cần cù, nhiệt thành, tâm hồn khát khao tuân phục thánh ý Chúa, không bị ràng buộc bởi bất cứ kiêu căng ích kỷ nào. Đoá là một thinh lặng thuận lợi co việc cầu nguyện sống thân mật với Chúa, lắng nghe được ý Chúa.
Thời gian thinh lặng cầu nguyện nơi thánh Giuse là suốt đời mình. Dài mấy chục năm. Đó là một cộng tác quí báu vào công trình cứu độ của Chúa. Đây là một gương sáng rất quan trọng ma mọi người đang cộng tác với Chúa tại Việt Nam hôm nay cần suy nghĩ và bắt chước.
Bởi vì tôi thấy hiện nay sự thinh lặng cầu nguyện đang có chiều hướng giảm dần, nhường chỗ cho những hình thức thờ phượng và hoạt động tôn giáo nhiều khi quá ồn ào, trình diễn, chiếu lệ, phô trương, cạnh tranh, lố lăng. Thinh lặng cảm thương thân phận con người đau khổ
Bất cứ ở đâu và ở thời điểm nào, lịch sử những người làm cách mạng chân chính đều làm chứng họ là những trái tim rực cháy lửa cảm thương số phận dân mình. Họï sống không những vì dân, cho dân, nhưng nhất là gân dân, giữa dân và như dân. Dân nói đây là lớp dân khổ đau. Họ đồng cảm nỗi lo nỗi khổ của lớp người đau khổ lo âu. Họ cùng trải quạ những hoàn cảnh khó khăn bế tắc như lớp người nghèo khổ nhất.
Trong ba năm đi rao giảng, Chúa Giêsu tỏ ra Ngài đã có những thương cảm đặc biệt sâu sắc đối với mọi thứ người đau khổ. Riêng đối với những người tội lỗi, Chúa Giêsu đã không ngại yêu thượng gần gũi, tìm đến, với tất cả tấm lòng cảm thương lạ lùng chưa từng thấy “Thầy không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn” (Lc 5,32).
Tôi nghĩ là trước đó thánh Giuse cũng đã âm thầm cộng tác với Chúa Giêsu trong lãnh vực cảm thương. Suốt mấy chục năm tại Nagiareth, thánh gai nói chung và thánh Giuse nói riêng đã được dân nghèo coi như những người thân thương của họ. Và nhất là những người tội lỗi đã coi các Ngài như những người hiểu họ, thương họ, cảm hoá được họ và lôi kéo họ về đàng lành.
Những cảm thương của thánh Giuse dành cho những người tội lỗi là rất sâu sắc. Bởi vì ngài được Đấng cứu độ chia sẻ cho sự thực về những nỗi kinh hoàng mà những kẻ tội lỗi sẽ phải gánh chịu. Nói cho đúng ra, thì không phải Chúa sẽ phạt họ, nhưng chính những việc xấu của họ sẽ kết án họ. An rất nặng nề, rất đáng sợ.
Vì cảm thương số phận người tội lỗi, thánh Giuse coi việc cứu con người khỏi xiềng xích tội lỗi là ưu tiên, hàng đầu. Xiềng xích do tính xấu xác thịt, xiềng xích do thói xấu thế gian, xiềng xích do ác quỉ Sa tan, tất cả làm nên một hệ thống mãnh lực ghê gớm nô lệ hoá con người tội lỗi.
Giải cứu họ là cả một thách đố lớn. Khuyên bảo dạy đỗ chỉ là một phương cách thô sơ nhất. Trừng trị, đe doạ cũng vẫn chỉ là một cách may ra sinh kết quả tạm thời. Sau cùng Chúa Giêsu đã hết sức cầu nguyện và tự hiến mình chịu chết để đền tội thay cho tội nhân.
Những tội nhân sẽ chỉ được cứu, nếu họ biết đón nhận ơn tha thứ và cộng tác vào việc cứu độ của họ. Thực tế cho thấy rất nhiều người đã không biết đón nhận ơn cứu độ, đã không cộng tác vào ơn cứu độ. Đây là một thảm hoạ kinh hoàng, mà thánh Giuse đã thinh lặng cảm nhận. Do đó ngài đã âm thầm hiến dâng đời mình để cam lòng chịu mọi hy sinh cùng với Chúa Giêsu dấn thân vào con đường cứu độ. Giai đoạn sau cùng của Chúa Giêsu là sự thinh lặng chịu chết trên cây thánh giá. Thánh giá là khí cụ cứu độ. Tôi nghĩ là thánh Giuse cũng đã phần nào chia sẻ tất cả những chặng đường cứu độ của Chúa Giêsu. Chia sẻ một cách thinh lặng nhưng đã gây được kết quả tốt cho nhân loại. Sám hối, sửa mình, đổi mới cách sống, trở về đàng lành, đó là những việc rất cần có ơn thánh giá mới thực hiện được
Thinh lặng bảo vệ kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa
Để cứu độ nhân loại, Thiên Chúa có kế hoạch riêng của Ngài. Trong kế hoạch đó, Thiên Chúa chọn một số người. Mỗi người được trao nhiệm vụ nhất định, để thi hành tại những nơi nhất định và trong thời điểm nhất định. Thánh Giuse được trao trách nhiệm bảo vệ Chúa Giêsu và Đức Mẹ. Chắc là ngài cũng biết nhiều chuyện về Chúa Giêsu và Đức mẹ Nhưng ngài thinh lặng. Ngài là người bảo mật tối đa. Ngài là người thận trọng tuyệt đối với trật tự mầu nhiệm mà Thiên Chúa đã phần nào soi sáng cho ngài. Đó là phải tuân phục thánh ý Cha trên trời, như con trẻ Giêsu đã mạc khải: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà Cha của con sao (Lc 2,49).
Với sự thinh lặng và thận trọng đó, thánh Giuse lùi vào bóng tối. Chính nhờ vậy mà tất cả Tin Mừng đều tập trung vào Chúa Giêsu. Tập trung vào Chúa Giêsu, đó là điểm căn bản của kế hoạch cứu độ. Điểm căn bản này đã được thánh Giuse thực hiện một cách triệt để, khi ngài khiêm tốn ẩn mình vào thinh lặng hoàn toàn.
Phải chăng đây cũng là gương để chúng ta chỉnh đốn lại cách sống đạo. Khi mà nhiều nơi mục vụ xem ra càng ngày càng bớt tập trung vào Đức Kitô để đến nỗi trên thực tế, nơi nhiều người và nhiều cộng đoàn, Chúa Giêsu thực sự trở nên mờ nhạt, cô đơn, giữa những sùng kính phụ thuộc càng ngày càng đua nhau phát triển tưng bừng.
Thiết tưởng một sự kiện như thế giữa một tình hình Hội Thánh đang có nhiều vấn đề phức tạp không là dấu chỉ của một lòng đạo phát triển khôn ngoan và ân sủng.
Khi tĩnh tâm tại các tu viện chiêm niệm, tôi cảm thấy thấm thía một nhu cầu khẩn cấp hiện nay của tu đức, mục vụ và truyền giáo. Nhu cầu khẩn thiết đó là sự thinh lặng mà tích cực tôi vừa trình bày ở trên. Thinh lặng tu thân, thinh lặng gặp gỡ Chúa trong cầu nguyện, thinh lặng cảm thương số phận những người khổ đau tội lỗi, thinh lặng bảo vệ kế hoạch cứu độ của Chúa. Những đấng hiện nay đang gây được ảnh hưởng rộng lớn trong việc đổi mới con người, xã hội và Hội Thánh như thánh nữ Têrêsa thành Lisieux, Mẹ Têrêsa Calcutta, Anh Charles de Foucauld, đều là những người đã thinh lặng nhưng tích cực trong bốn lãnh vực nói trên. Thiết tưởng các vị đó đã đi con đường thinh lặng của thánh Giuse. Thời nay, nhất là tại Việt Nam này, người ta quá nhàm chán với những thứ người ồn ào la lối về cái rác nơi mắt người khác, còn cái xà nơi mắt mình thì lại không thấy (Lc 6,41-42).
Con đường thinh lặng mà tích cực đang mở rộng. Chúa tha thiết mời gọi chúng ta đi vào. Nguyện xin thánh Giuse giúp đỡ chúng ta biết mộ mến con đường đó. Hy vọng bằng con đường đó, chúng ta chứng minh được chúng ta là những người thực sự có sự khôn ngoan và ân sủng của Chúa, đẹp lòng Chúa và đáng được người ta mến thương, tin cậy.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn