Chúa Nhật II mùa Chay – Năm C

Thứ tư - 09/03/2022 21:30
Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi cầu nguyện. Và đang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường và áo Người trở nên trắng tinh sáng láng.
Chúa Nhật II mùa Chay – Năm C

Phúc Âm: Lc 9, 28b-36

“Ðang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi cầu nguyện. Và đang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường và áo Người trở nên trắng tinh sáng láng. Bỗng có hai vị đàm đạo với Người, đó là Môsê và Êlia, hiện đến uy nghi, và nói về sự chết của Người sẽ thực hiện tại Giêrusalem. Phêrô và hai bạn ông đang ngủ mê, chợt tỉnh dậy, thấy vinh quang của Chúa và hai vị đang đứng với Người. Lúc hai vị từ biệt Chúa, Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm; chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”. Khi nói thế, Phêrô không rõ mình nói gì. Lúc ông còn đang nói, thì một đám mây bao phủ các Ngài và thấy các ngài biến vào trong đám mây, các môn đệ đều kinh hoàng. Bấy giờ từ đám mây có tiếng phán rằng: “Ðây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”. Và khi tiếng đang phán ra, thì chỉ thấy còn mình Chúa Giêsu. Suốt thời gian đó, các môn đệ giữ kín không nói với ai những điều mình đã chứng kiến.

Ðó là lời Chúa.

SUY NIỆM CHÚA NHẬT II MÙA CHAY – NĂM C

SỰ KHIÊM HẠ CỦA THIÊN CHÚA

(Lc 9, 28b-36)

Kinh Thánh là mạc khải của Thiên Chúa cho con người. Hành động mạc khải của Chúa giống như “vén một bức màn” để chúng ta là người trần mắt thịt có thể nhìn thấy Ngài. Trong Cựu ước, Thiên Chúa tỏ mình cho ông Abraham và cho dân tộc Do Thái, là dân riêng Ngài đã chọn. Trong Tân ước, chính Chúa Giêsu là Thiên Chúa Ngôi Hai đã xuống thế làm người, mặc lấy thân phận con người như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi, để tiếp tục ngỏ lời với con người và để cho con người được gặp gỡ Thiên Chúa. Việc tỏ mình trong Cựu ước và mầu nhiệm Nhập thể thời Tân ước đều nói lên sự khiêm hạ của Thiên Chúa.

Thiên Chúa khiêm hạ khi chấp nhận ký kết giao ước với con người. Thông thường, người ta ký kết những giao ước giữa hai người ngang hàng với nhau về quyền lực, về khả năng kinh tế hay về trình độ bằng cấp. Sách Sáng thế đã ghi lại giao ước giữa Thiên Chúa với Ông Abraham (Bài đọc I). Ông Abraham đại diện cho cả nhân loại để ký kết giao ước với Chúa. Nội dung của giao ước là lòng trung tín của cả hai bên. Nếu Abraham và con cháu giữ lời giao ước và sống ngay thẳng đẹp lòng Thiên Chúa, thì Ngài sẽ làm cho dòng dõi của ông “đông như sao trên trời và như cát dưới biển”. Qua việc ký kết này, Thiên Chúa khiêm nhường, đã hạ mình trở thành đối tác của con người. Thiên Chúa cũng tự giới hạn mình để chấp thuận những ràng buộc với con người trong giao ước với họ. Lời giao ước này được truyền cho các thế hệ, và đã trở thành một công thức quen thuộc: “Ta là Thiên Chúa của Abraham, của Isaac và của Giacóp….”

Sự khiêm nhường của Thiên Chúa được thể hiện một cách cụ thể qua chính Chúa Giêsu. Là Thiên Chúa cao sang, Người đã hạ mình để sống thân phận thụ tạo. Khi mặc lấy thân phận con người, Người đã “ẩn mình đi”, đã giấu vinh quang của mình để sống như người phàm nhân. Thánh Luca kể lại sự kiện Chúa Giêsu tỏ vinh quang đích thực của Người cho các môn đệ (Bài Tin Mừng). Sự kiện này được gọi là “biến hình”, vì Chúa thay đổi hình dạng, không giống như thường ngày. Qua sự kiện biến hình này, ba môn đệ là Phêrô Gioan và Giacôbê được thấy vinh quang của Chúa. Các ông ngất ngây chiêm ngắm và không muốn rời những giây phút huy hoàng đó. Chúa Giêsu tỏ vinh quang huy hoàng để giúp các ông có quan niệm chính xác hơn về sứ vụ thiên sai của Người. Trước đó, Chúa Giêsu loan báo cho các ông biết, Người sẽ phải chịu khổ nạn, phải loại bỏ và sẽ bị giết chết (x. Lc 9,22). Trước sự lo lắng đến mức hoảng loạn này, Chúa đã biến hình để an ủi và khích lệ các ông, đồng thời khẳng định rằng: Người là Đấng quyền năng, có quyền trên sự sống và sự chết.

Sứ vụ thiên sai của Chúa Giêsu được khẳng định với hai chứng nhân. Ông Môisen và ông Elia là hai nhân vật quan trọng của Cựu ước. Ông Môisen tượng trưng cho Lề luật, ông Elia đại diện cho truyền thống Ngôn sứ. Chi tiết các tông đồ được thấy hai vị này đàm đạo với Chúa Giêsu, vào lúc Người biến hình, giúp các ông vững tin hơn vào sứ mạng của Thày mình. Trong Cựu ước, ông Môisen và ông Elia cũng đã phải trải qua nhiều thử thách gian nan trong khi thi hành sứ mạng, nay các tông đồ cũng phải đối diện với những nghịch cảnh, nếu muốn trung thành với Chúa để thi hành sứ vụ Người trao. Sự hiện diện của hai nhân vật quan trọng trong Cựu ước giúp các ông vững niềm xác tín ấy, đồng thời tự chuẩn bị cho mình để sẵn sàng đón nhận biến cố thập giá của Thày, cũng như gian nan mà họ sẽ gặp.

Thiên Chúa là Đấng khiêm hạ. Sự khiêm hạ của Ngài thể hiện nơi Đức Giêsu. Hôm nay, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục khiêm nhường hiện diện âm thầm trong Bí tích Thánh Thể. Người cũng khiêm nhường hiện diện nơi những người nghèo khó và đau khổ, đến mức đồng hóa với họ, để rồi, ai giúp đỡ họ là giúp đỡ Chúa, ai xúc phạm họ là xúc phạm Chúa. Trong khi Thiên Chúa là Đấng cao cả tự nguyện hạ mình, thì con người vốn bản tính tội lỗi lại muốn kiêu ngạo. Câu chuyện ông Ađam bà Evà vẫn là câu chuyện của chúng ta hôm nay. Thánh Phaolô đã phê phán một số người tham lam, kiêu ngạo. Họ đam mê trần thế đến mức bỏ Chúa và coi cái bụng mình như một vị thần! Muốn trở nên môn đệ đích thực của Đức Kitô, mỗi chúng ta hãy tìm vinh quang Thiên Chúa chứ không phải vinh quang tạm thời. Sống giữa thế gian này, nhưng lòng chúng ta hướng về quê trời, để chờ đợi và đón chào Đức Giêsu Kitô trở lại. Sự kiện Đức Giêsu trở lại, cũng được gọi là ngày quang lâm, tức là Người sẽ đến trong vinh quang quyền uy, để xét xử kẻ sống và kẻ chết. Chính vì vậy, người tín hữu được mời gọi sống vững vàng, kiên trì trong gian nan, với xác tín rằng Chúa là Đấng quyền năng và nhân hậu (Bài đọc II).

Nếu vào thời Cựu ước, Thiên Chúa đã ký kết giao ước với ông Abraham bằng của lễ toàn thiêu gồm bò, dê, cừu, chim gáy và bồ câu; thì vào thời sau hết, Thiên Chúa lại ký kết giao ước mới (hay là Tân ước) bằng chính máu Chúa Giêsu đổ ra trên Thập giá. Vì vậy chúng ta tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Cứu độ nhân loại. Khi giới thiệu chân dung Đức Giêsu biến hình vinh quang, Phụng vụ Lời Chúa hôm nay vừa khuyên chúng ta hãy sống khiêm nhường, vừa kêu gọi chúng ta hãy biến đổi chính mình để xứng đáng hơn với danh hiệu Kitô hữu. Biến đổi canh tân, đó chính là mục đích của hành trình Mùa Chay.

“Tôi tin chắc rằng tình yêu thương và sự khiêm nhường là những thành tựu cao nhất trong trường học của Đức Kitô và là minh chứng rõ ràng nhất rằng Ngài thực sự là Giáo sư của chúng ta”  (John Newton).

+TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây