Tĩnh Tâm Tháng 11/2024:
Tu sĩ là người được mời gọi thể hiện
sự vui tươi, lòng can đảm và tình hiệp thông
Như chúng ta biết, đúng 10 năm trước, trong lễ khai mạc trọng thể năm Đời Sống Thánh Hiến do ĐHY Tổng Trưởng Bộ Tu Sĩ chủ tế tại Vương Cung Thánh Đường Phêrô, sáng ngày 30/11/2014, ngài mở đầu bằng câu nói của Đức Thánh Cha Phanxicô như sau: “Hãy lay động thế giới! Hãy chiếu sáng thế giới bằng chứng tá ngôn sứ của mình. Hãy chỉ cho họ thấy tình huynh đệ phổ quát không phải là sự ảo tưởng, nhưng là chính ước nguyện của Đức Giêsu đối với toàn thể nhân loại”.
Ngài đưa ra ba từ mấu chốt để sống cả cuộc đời tu sĩ chúng ta đó là: Sự vui tươi, lòng can đảm và tình hiệp thông: “Vui tươi là để cho thấy việc theo Chúa và thực hành những đòi hỏi của Tin mừng tràn ngập tâm hồn. Can đảm trong việc yêu mến Chúa và gửi gắm nơi Ngài tất cả niềm tin tưởng của mình, giống như các Đấng sáng lập dòng đã làm. Và hiệp thông là phải được bén rễ trong mối tương quan cá vị với Thiên Chúa, để trở nên những người xây dựng tình huynh đệ qua việc thực hành tình bác ái xuất phát từ Tin mừng đối với người nghèo khó”.
Thật vậy, Đức Thánh Cha Phanxicô mở ra những mục tiêu của đời sống thánh hiến: Nhìn về quá khứ với niềm tri ân. Ân cần sống giây phút hiện tại với niềm đam mê cháy bỏng. Và nhắm đến một tương lai xán lạn với niềm hy vọng dâng trào. Qua nội dung Tông Thư này, chúng ta cảm nhận được Đức Thánh Cha yêu thương, tin tưởng và kỳ vọng rất nhiều ở các tu sĩ, cho sứ mạng lớn lao của Giáo hội. Đồng thời, cũng cho thấy Giáo hội và Thế giới đang chờ đợi rất nhiều nơi chúng ta.
Nhận ra mục tiêu của đời sống thánh hiến: Nhìn về quá khứ với niềm tri ân. Ân cần sống giây phút hiện tại với niềm đam mê cháy bỏng. Và nhắm đến một tương lai xán lạn với niềm hy vọng dâng trào. Khiến tôi đọc lại tinh thần của Đấng sáng lập Dòng Khiết Tâm Đức Mẹ, và cho thấy những lời lẽ đầy xác tín. Ngày 06/06/1908, chàng thanh niên 20 tuổi dâng thư thỉnh nguyện cho Cha Giám Đốc Chủng Viện Thừa Sai với những lời lẽ tâm huyết: “Con là Paul Marcel Piquet, con sắp mãn lớp Terminal. Con không có những tài năng lớn lao, cũng không có những nhân đức cao cả. Nhưng con biết rằng, Chúa Nhân Lành gọi con trong Ơn gọi Truyền giáo. Con không mang theo những phẩm tính cao quí, nhưng những gì con có, con hiến dâng tất cả. Đó là thiện chí của con. Ước muốn quyết liệt của con là sau này trở nên một công cụ hữu dụng trong tay các Đấng Bề Trên".
Trong Tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm vui Tin mừng), Đức Thánh Cha Phanxicô đã nêu lên một thực trạng đáng buồn của thời đại chúng ta: “Nguy cơ lớn nhất trong thế giới ngày nay, với những cung cấp tràn ngập và đa dạng của chủ nghĩa tiêu thụ, là một nỗi buồn cá nhân đến từ tâm hồn tự mãn và tham lam, từ cơn sốt tìm kiếm những thú vui phù phiếm, và một lương tâm bị cô lập. Khi đời sống nội tâm bị đóng kín với những tư lợi, thì không còn chỗ cho người khác nữa, những người nghèo không thể vào được nữa, người ta không còn nghe được tiếng của Thiên Chúa, không còn được hưởng niềm vui ngọt ngào của tình yêu Ngài, tim họ không còn đập những nhịp nhiệt thành để làm việc thiện nữa” (EG số 2).
Kính thưa quý chị em,
Giữa một thế giới bi đát, thiếu niềm vui lành mạnh, người tu sĩ phải là người đem niềm vui đến cho nhân loại bằng chính bản thân mình: “Ở đâu có tu sĩ, ở đó có niềm vui” (Đức Phanxicô). Chúng ta đang sống giữa một xã hội đầy những nỗi buồn như thế, chắc hẳn cũng bị ảnh hưởng và mang trong lòng những buồn bã và chán nản. Vậy, làm sao chúng ta có được niềm vui và đem niềm vui cho mọi người? Chúng ta phải hoán cải theo lời mời gọi của Đức Giêsu. Hoán cải ở đây có nghĩa là suy nghĩ lại, xem xét lại, đặt vấn đề về lối sống của mình và cộng đoàn. Trong lối sống đó, Thiên Chúa có ý nghĩa gì, Ngài có phải là tiêu chuẩn, giá trị và là chọn lựa số một của tôi và cộng đoàn? Chúng ta phải hoán cải, phải quay về với Thiên Chúa, nghĩa là không sống như thế gian sống, không làm như thế gian làm, không cư xử như thế gian cư xử. Trái lại, bắt đầu nhìn cuộc sống bằng đôi mắt của Thiên Chúa, nghĩ như Thiên Chúa nghĩ, làm như Thiên Chúa làm, cư xử với nhau như Thiên Chúa hết lòng với chúng ta…
Sự hoán cải ở đây không chỉ mang tính cá nhân, mà còn cả cộng đoàn. Khi đó, tâm hồn mỗi người sẽ trở nên rộng mở trước tha nhân và Thiên Chúa: Chúng ta cần đến nhau và muốn thuộc về nhau, để niềm vui của chúng ta chan hòa vào nhau và làm cho niềm vui của nhau được nên trọn (x. Ga 15,11).
Thật vậy, khi được nghe sứ điệp hoán cải của Đức Giêsu: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mt 4,19), và đáp lại lời mời gọi ấy, bốn môn đệ đầu tiên đã bỏ lại tất cả và đi theo Ngài. Sau đó, Đức Giêsu đã lập Nhóm Mười Hai, “để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ” (Mc 3,14-15). Quả thật, sự hoán cải của chúng ta và Tin mừng của Đức Giêsu, đã làm phát sinh một cộng đoàn đức tin và ngôn sứ, sẽ phát sinh niềm vui lớn lao, niềm vui có sức thanh tẩy và biến đổi tận căn con người ích kỷ, khép kín của cái tôi nơi mình...
Cùng năm 2014, Đức Tổng Giám Mục, José Rodriguez Carballo, OFM, Thư Ký Bộ Đời Sống Thánh Hiến, gởi đến cho toàn thế giới bức tranh 3 D: Điều làm chúng ta đau buồn, băn khoăn và vui mừng.
1. Điều làm chúng ta đau buồn
- Một đời sống thánh hiến tự kỷ trung tâm, quy về mình, bận tâm về sự sống còn của mình hơn về sứ mạng loan báo Tin mừng “cho người ở gần và kẻ ở xa”.
- Một đời sống thánh hiến bận tâm về con số hơn là về ý nghĩa Tin mừng, bận tâm về những công trình phải duy trì, hơn là về tính ngôn sứ phải có trong mình.
- Một đời sống thánh hiến quan tâm tới sự an toàn xuất phát từ chỗ bám vào những cái xưa cũ, hơn là đi tới những ngoại biên hiện sinh của thời đại hôm nay.
- Một đời sống thánh hiến bị kềm hãm bởi những lo lắng, vì nó ngăn cản sống hiện tại với lòng say mê và nhìn về tương lai với niềm hy vọng.
- Một đời sống thánh hiến bị khống chế bởi sự nguội lạnh: “Một thứ bất mãn kinh niên, làm khô cạn tâm hồn”, làm “tê liệt” bất cứ nỗ lực nào của sự “trung thành sáng tạo”...
- Một đời sống thánh hiến không có tính thần bí, thiếu động lực và chán chường; sản sinh “cuộc sống cầm chừng”, chết ngộp vì sức ỳ của một trật tự bất di bất dịch và những truyền thống không được xét lại.
- Một đời sống thánh hiến chuyên nghiệp hóa, hơn là làm chứng về Thiên Chúa của sự sống, Đấng làm nảy sinh lòng say mê, niềm hy vọng và niềm vui, khơi dậy sự thu hút mãnh liệt, ơn sủng và thiện cảm, mời gọi, lôi kéo và hấp dẫn.
2. Điều làm chúng ta băn khoăn
- Sự dòn mỏng đang thấy trong một số Dòng tu với những biểu hiện khác nhau: con số thành viên giảm sút; vắng mặt khỏi nhà Dòng, sống ngoại vi, thải hồi… Sự dòn mỏng cũng nhận thấy trong việc sát nhập, liên kết và bỏ những thực thể...
- Khoảng cách giữa quy luật và khả năng thực tế của một số Dòng tu, kể cả việc quản trị tài chánh thiếu minh bạch của một số Dòng tu.
- Con số xuất tu lên cao mỗi năm và thiếu người trẻ thế chân người già.
- Cách thi hành việc phục vụ của quyền bính không thỏa đáng, khiến người ta bám lấy quyền hành và theo “thói đời” nhiều hơn là Tin mừng...
- Tính cách “thế tục” xuất hiện nơi một số không ít những người sống thánh hiến, qua “lối sống” chẳng phù hợp bao nhiêu với tinh thần của Đấng sáng lập.
- Một hoạt động chủ nghĩa làm tha hóa, lại còn làm giảm thiểu đời sống huynh đệ trong cộng đoàn, đời sống cầu nguyện và chính lý tưởng của đời tu.
- Sự tìm kiếm thành công cho bản thân, không quan tâm tới đời sống huynh đệ trong cộng đoàn và những đòi hỏi của Tin mừng, biểu lộ một cá nhân chủ nghĩa...
3. Điều làm chúng ta vui mừng
- Sự trung thực của số đông những người sống đời thánh hiến đang tích cực nỗ lực làm cho đời thánh hiến nhập thể vào hiện tại, với một chọn lựa rõ ràng là đi đến những vùng ngoại biên khác nhau của cuộc sống.
- Một đời sống thánh hiến được sinh động bởi một lòng khao khát mãnh liệt, sống đặc sủng tận căn hơn và một sự trung thành say mê sáng tạo.
- Một đời sống thánh hiến quan tâm cống hiến một nền huấn luyện phù hợp với thời hiện tại và chuẩn bị một nền huấn luyện toàn diện, thường xuyên, có đồng hành…
- Một đời sống thánh hiến biết nhìn thế giới không phải như một nguy cơ hay một đe dọa, nhưng như là “tu viện” và cánh đồng thích hợp cho sứ mạng;
- Một đời sống thánh hiến phóng vào thế giới tầm nhìn cởi mở, để đối thoại và hội nhập văn hóa.
Kính thưa quý chị em,
Nhìn lại nhân sự và những loại hình phục vụ đa dạng của chị em hôm nay, tôi nhận thấy quá tuyệt vời! Điều này, khiến tôi tạ ơn ơn Chúa với chị em. Hội Dòng hiện nay có gần 500 nữ tu phục vụ trong hơn 60 cộng đoàn tại các Giáo phận, trong nước và nước ngoài: Naha (Nhật), Newcastle (Úc). Điều đó làm cho chúng ta vui mừng chứ! Bởi lẽ, giữa lòng Giáo hội và Thế giới hôm nay, chị em nguyện mau mắn lên đường cùng với Đức Maria, thi hành Sứ mạng Thừa sai Khiết Tâm, với châm ngôn của Đấng sáng lập: “Để trong mọi sự, Thiên Chúa được hết lòng yêu mến”.
Quả thật, người tu sĩ say mê bước theo Chúa Kitô, sống cuộc đời hiện tại mà Chúa ban cho mình. Thánh Phaolô đã viết: “Mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi” (Pl 3,8). Người tu sĩ “coi tất cả như rác, để được Đức Kitô, được kết hợp với Người” (Pl 3,8). Tu sĩ muốn sống trọn vẹn ơn gọi phép rửa, trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, cùng chết với Chúa để cùng sống lại với Người.
Thánh Phaolô dạy chúng ta rằng: “Anh em hãy quên đi chặng đường đã qua mà lao mình về phía trước” (Pl 3,13). Thưa là quên đi quá khứ của mỗi người, chứ không quên lịch sử của Hội Dòng; Quên đi những lỗi lầm của chị em, nhưng không được phép quên nguồn gốc và đặc sủng của Hội Dòng… Ngài còn viết thêm: Lao mình về phía trước. Ôn cố tri tân: ôn lại điều cũ, để nhận ra điều mới; trở về nguồn, thì mới có thể khám phá ra những điều mới mẻ, chưa được khai thác. Cội nguồn đầu tiên và cơ bản nhất vẫn là Chúa Kitô, và xuất phát lại từ Chúa Kitô là điều hết sức cần thiết để đổi mới cuộc đời chúng ta.
Đức Thánh Cha Phanxicô mong ước tất cả chúng ta thực sự đóng vai trò ngôn sứ: “Các con hãy lay động thế giới”. Tính cách triệt để của Tin mừng là một đòi hỏi chung đối với mọi người, nhưng lại là một đòi hỏi đặc biệt hơn đối với chúng ta là tu sĩ. Các tu sĩ phải là những chứng nhân cho tình yêu của Thiên Chúa, được mạc khải trọn vẹn nơi Đức Kitô, nơi cuộc sống cộng đoàn, nơi cái chết khổ nhục và sự phục sinh vinh quang. Các tu sĩ là những người nói cho thế giới và nhân loại biết, bằng chính đời sống của mình về tình yêu của Thiên Chúa và sự quan phòng diệu vời của Người trong suốt cuộc đời chúng ta.
Tương lai thuộc về Thiên Chúa, và thuộc về những ai can đảm và kiên trì, như lời Đức Giêsu đã nói: “Kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát” (Mt 24,13). Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, cuộc đời tu sĩ là “một lời tuyên xưng liên lỉ Tình Yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa (Confessio Trinitatis), là “dấu chỉ của tình huynh đệ phổ quát” (signum fraternitatis), và giấc mơ của Đức Giêsu được thể hiện trong “cuộc đời phục vụ đầy tình bác ái” (servitium caritatis)…
Lm. Phaolô Vũ Xuân Quế, OFM