Suy Niệm Chúa Nhật XXV Thường Niên - Năm A

Thứ năm - 21/09/2023 09:52
Chúng ta là những người được tuyển chọn trước để đem Tin Mừng đến cho lương dân là những người đến sau. Hãy coi chừng kẻo chúng ta lại trở thành người đến sau chót như người Do Thái. Để không rơi vào tình trạng ấy thì chúng ta phải yêu mến các tôn giáo bạn và phải cầu nguyện và tìm mọi cách để anh em lương dân được đón nhận Tin Mừng như chúng ta.
Suy Niệm Chúa Nhật XXV Thường Niên - Năm A
* Tin Mừng: Mt 20: 1-16
1 "Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình.2 Sau khi đã thoả thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc.3 Khoảng giờ thứ ba, ông lại trở ra, thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ.4 Ông cũng bảo họ: "Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng”.5 Họ liền đi. Khoảng giờ thứ Sáu, rồi giờ thứ chín, ông lại trở ra và cũng làm y như vậy.6 Khoảng giờ mười một, ông trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ: "Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết? "7 Họ đáp: "Vì không ai mướn chúng tôi”. Ông bảo họ: "Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho!"8 Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: "Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất”.9 Vậy những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại, và lãnh được mỗi người một quan tiền.10 Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền.11 Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn gia chủ:12 "Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt”.13 Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ: "Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao?14 Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó.15 Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức? "16 Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót. (Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít.)

* Suy niệm
Bài Tin Mừng hôm nay được kết thúc bằng một câu khó hiểu, đó là: “Những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót.” Người đứng đầu phải xuống hàng chót là ai? Người đứng chót lại lên hàng đầu là ai? Và tại sao lại có sự cố ngược đời như vậy?
Vào thế kỷ 18 trước công nguyên, Chúa chọn Ápraham làm tổ phụ một dân tộc, để từ đó muôn dân được chúc phúc. Dân tộc ấy là dân Do Thái.
Suốt 18 thế kỷ, họ chỉ biết Chúa là Chúa của họ. Họ cứ vơ Chúa vào cho mình, còn tất cả các dân tộc khác trên thế giới, họ gọi là chư dân. Họ khinh dể chư dân đến độ ai kết thân với chư dân thì bị mắc uế.
Từ thời vua Đavít vào thế kỷ thứ 10 trước công nguyên, mọi người Do Thái đều tin rằng sẽ có Đấng Cứu Thế ra đời. Đấng Cứu Thế sẽ nâng nước Do Thái lên hàng bá quyền. Hằng năm vàng bạc châu báu của chư dân sẽ chất trên lưng những con lạc đà một bướu trùng trùng điệp điệp chảy về Giêrusalem như thác vỡ bờ.
Khi Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế ra đời, Ngài đã không thực hiện những ước mơ ấy của người Do Thái. Thế là Chúa bị hắt hủi, bị đóng đinh vào khổ giá và phải trút hơi thở cuối cùng như một tên đạo tặc. Trong suốt ba năm truyền đạo, Đức Giêsu luôn luôn hướng về dân ngoại. Ngài đề cao người ngoại đến mức độ xém chết tại quê hương Nadarét. Ngài tuyên bố: vào thời sứ ngôn Êlia, trong nước Do Thái có biết bao bà góa nghèo đói, thế mà sứ ngôn không chiếu cố cứu đói. Ngài cứu đói một bà góa người ngoại ở Sarépta. Ngài lại còn nói thêm: Thời Êlisa, trong nước Do Thái có biết bao người cùi, thế mà không được sứ ngôn chiếu cố. Ngài cứu ông Naaman, một người cùi của dân ngoại Syria. Thế là đồng hương nổi giận và la lên: “Lôi cổ nó lên núi, rồi xô xuống cho nó chết đi.”
Còn rất nhiều lần khác, Chúa tiếp tục đề cao người ngoại, thậm chí trong dụ ngôn “Người Samari nhân từ” còn cho người ngoại đóng vai lý tưởng; còn ông tư tế và trợ tế thì cho đóng vai người ích kỷ. Hơn thế nữa, Chúa bảo ông Kinh sư rằng: “Ông hãy về và làm như thế.” Bảo một bậc thầy Do Thái phải bắt chước người ngoại là một xúc phạm lớn. Kệ. Chúa vẫn cứ nói như thế, vì đó là tâm và giáo lý mặc khải.
Ngay trong thời Công vụ Tông Đồ, người ngoại vẫn bị khinh dể khiến phong trào theo đạo Kitô bị rào chắn cực kỳ nghiêm khắc, khiến thánh Phêrô phải cho nổ một trái bom tấn: “Chúng ta không được quyền quàng trên cổ anh em tín hữu cái ách mà cả chúng ta và ông cha chúng ta không vác nổi”. Sau đó, ông thánh Giacôbê mới tuyên bố “Từ nay người ngoại trở lại không phải cắt bì, không phải giữ luật Môsê”.
Vào năm 70 khi nước Do Thái bị xóa trên bản đồ thế giới, Tin Mừng tuyệt đối không còn lệ thuộc, không còn bị vướng mắc luật Môsê. Thế là Tin Mừng được bung ra mãi cho tới khắp thế giới. Như vậy thì người Do Thái là người đầu tiên trở thành người sau chót. Còn chúng ta là những người đến sau chót lại nên người trước hết.
Hôm nay chúng ta là những người được tuyển chọn trước để đem Tin Mừng đến cho lương dân là những người đến sau. Hãy coi chừng kẻo chúng ta lại trở thành người đến sau chót như người Do Thái. Để không rơi vào tình trạng ấy thì chúng ta phải yêu mến các tôn giáo bạn và phải cầu nguyện và tìm mọi cách để anh em lương dân được đón nhận Tin Mừng như chúng ta.
Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu

Nguồn tin: www.giaophanhunghoa.org

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây