Chúa Nhật XIX Thường Niên – Năm A

Thứ năm - 10/08/2023 09:12
Khi thấy gió mạnh, ông sợ hãi và sắp chìm xuống nên la lên rằng: “Lạy Thầy, xin cứu con!” Lập tức, Chúa Giêsu giơ tay nắm lấy ông mà nói: “Người hèn tin, tại sao mà nghi ngờ?” Khi cả hai đã lên thuyền thì gió liền yên lặng. Những người ở trong thuyền đến lạy Người mà rằng: “Thật, Thầy là Con Thiên Chúa”.
Chúa Nhật XIX Thường Niên – Năm A

Phúc Âm: Mt 14, 22-33

“Xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi dân chúng đã ăn no, lập tức Chúa Giêsu giục môn đệ trở xuống thuyền mà qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi cầu nguyện một mình. Ðến chiều, Người vẫn ở đó một mình. Còn thuyền thì đã ra giữa biển, bị sóng đánh chập chờn vì ngược gió.

Canh tư đêm tối, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông. Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hồn mà nói rằng: “Ma kìa!”, và các ông sợ hãi kêu la lớn tiếng. Lập tức, Chúa Giêsu nói với các ông rằng: “Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ!” Phêrô thưa lại rằng: “Lạy Thầy, nếu quả là Thầy, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy”. Chúa phán: “Hãy đến!” Phêrô xuống khỏi thuyền, bước đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa Giêsu. Khi thấy gió mạnh, ông sợ hãi và sắp chìm xuống nên la lên rằng: “Lạy Thầy, xin cứu con!” Lập tức, Chúa Giêsu giơ tay nắm lấy ông mà nói: “Người hèn tin, tại sao mà nghi ngờ?” Khi cả hai đã lên thuyền thì gió liền yên lặng. Những người ở trong thuyền đến lạy Người mà rằng: “Thật, Thầy là Con Thiên Chúa”.

Ðó là lời Chúa.
 

“ĐỪNG SỢ!”

SUY NIỆM CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN – NĂM A

(Mt 14, 22-33)

Trong những ngày này, làn sóng thứ hai của đại dịch Covid-19 đang bùng phát và có nguy cơ lây lan nhanh chóng trong cộng đồng tại đất nước chúng ta. Mọi người đều lo lắng hoang mang, nhất là tại một số tỉnh thành có nhiều người nhiễm bệnh, được coi như ổ dịch. Những biện pháp phòng và chống dịch bệnh đã được triển khai với hy vọng dịch bệnh sẽ sớm bị khống chế. Giữa bối cảnh đầy lo âu và hoang mang lo lắng, Lời Chúa hôm nay nói với chúng ta: “Đừng sợ!”.

Mặc dù đã theo Chúa được một thời gian, quan niệm và niềm tin của các môn đệ vào thày mình vẫn còn non nớt và lệch lạc. Nhiều lần họ bị Chúa quở trách là yếu lòng tin, hoặc chỉ nhìn mọi việc theo quan niệm trần tục. Thánh Matthêu hôm nay kể lại, khi thấy Chúa Giêsu đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ, các ông tưởng là ma và sợ hãi kêu la. Chúa Giêsu trấn an các ông: “Cứ yên tâm, chính Thày đây, đừng sợ!”. Xem ra ông Phêrô vẫn chưa tin đó là Thày Giêsu, nên đưa ra một đề nghị đồng thời cũng là một thách thức: “Nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài”. Những gì được trình bày tiếp theo trong trình thuật cho chúng ta thấy: nếu Chúa sẵn sàng chấp nhận thách thức đó, thì con người lại không đủ can đảm và niềm tin. Phêrô cũng bước đi trên mặt biển, nhưng chẳng vững được bao lâu, vì đức tin của ông dao động, nên ông có nguy cơ chết đuối. Sự sợ hãi của con người khiến họ nghi ngờ quyền năng và tình thương của Thiên Chúa. Cũng vì sợ hãi, mà có nhiều người tín hữu mang một niềm tin hỗn tạp, tức là vừa tin vào Chúa và cũng tin vào các thần linh qua những thực hành mê tín dị đoan đi ngược lại với giáo huấn của Chúa. Như thế, niềm tín thác vào Chúa đòi hỏi vượt lên mọi nghi ngờ, đến mức chấp nhận mọi rủi ro, vì tin có Chúa luôn phù giúp.

Giữa cơn hoạn nạn do đại dịch Covid-19, có những câu hỏi được đặt ra: Thiên Chúa ở đâu mà không cứu giúp con người? Câu hỏi này không mới, nhưng nó được đặt ra ở mọi thời đại, giữa chiến tranh tàn khốc, giữa các cuộc diệt chủng, giữa nạn đói hoặc thiên tai. Thiên Chúa vẫn hiện diện giữa chúng ta. Đau khổ luôn là một huyền nhiệm. Con người cố gắng tìm hiểu mà không có câu trả lời thoả đáng. Tuy vậy, chúng ta xác quyết rằng: Thiên Chúa không bao giờ là nguyên nhân gây nên sự dữ, vì như thế là đối nghịch với bản tính của Ngài là tốt lành và nhân hậu bao dung. Đau khổ do chính con người tạo ra, bằng cách này hay cách khác, chủ quan hay khách quan. Thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, đói khát là do con người tàn phá thiên nhiên, làm mất đi sự quân bình sinh thái Chúa đã tạo dựng. Một số người giàu sống ích kỷ co cụm. Một số quốc gia độc tài không quan tâm đến công bằng xã hội và quyền lợi nhân phẩm của con người. Cũng phải kể đến sự lãng quên Thiên Chúa, thậm chí loại trừ Ngài ra khỏi gia đình và cuộc sống. Sự kiêu ngạo lớn nhất của con người thời nay là tự coi mình có khả năng giải quyết mọi vấn đề liên quan đến sinh mạng, cuộc sống, hiện tại và tương lai. Họ không cần đến Thiên Chúa. Họ coi Ngài như vật cản đà tiến của xã hội và hạn chế tự do của con người. Giữa một cuộc đời đầy bất ổn, Chúa vẫn nói với chúng ta: Đừng sợ!”.

“Đừng sợ!”, vì Chúa là Đấng quyền năng. Ngài tạo dựng nên vũ trụ và muôn vật muôn loài từ hư vô, đồng thời điều khiển vũ trụ trong trật tự kỳ diệu. Chúng ta gọi Chúa là Đấng Quan phòng, tức là Ngài yêu thương, che chở và hướng dẫn chúng ta là tạo vật của Ngài. Tin vào quyền năng của Chúa sẽ giúp con người tìm thấy bình an. Bài đọc I kể với chúng ta: ngôn sứ Elia đang gặp nguy hiểm trước sự truy đuổi của vua Akháp, sau khi thách thức với 450 tiên tri thờ thần Ba-an trên núi Carmen. Trong khi các tiên tri thần Baan kêu cầu, hô hoán, rạch mình mẩy mà không có hiệu quả, thì ông Elia đã chiến thắng khi cầu nguyện xin lửa từ trời xuống thiêu đốt của lễ. Sau cuộc đấu này, vua Akháp và hoàng hậu tìm giết ông. Ông tìm đến núi Khôrép để gặp Chúa. Cuộc gặp gỡ này giúp ông xác tín vào sứ mạng, đồng thời giúp ông lấy lại tinh thần và nghị lực để tiếp tục thi hành sứ mạng Chúa trao. Thiên Chúa không tỏ mình trong bạo lực, động đất, núi lửa, nhưng trong làm gió hiu hiu, tượng trưng cho sự thanh bình, khiêm tốn và an hoà.

“Đừng sợ!”, vì Chúa là Cha yêu thương. Đức Giêsu đã dùng nhiều câu chuyện dụ ngôn để diễn tả tình thương vô bờ của Thiên Chúa. Ngài là Cha nhân hậu, luôn muốn cho con cái mình những điều tốt lành. Ngài cũng luôn bao dung tha thứ những lầm lỗi của con người, với ước mong cho họ được hạnh phúc đời này cũng như đời sau. Tín thác vào tình thương của Chúa, chúng ta không còn sợ hãi, nhưng cảm nhận sự bình an trong cuộc đời, nhất là sự bình an nội tâm, “tâm bất biến giữa cuộc đời vạn biến”.

“Đừng sợ!”, vì Chúa là Đấng chữa lành những vết thương tinh thần và thể xác của con người. Chúa Giêsu là gương mặt dịu hiền đầy thương xót của Chúa Cha. Người đã chữa lành mọi thứ bệnh tật, kể cả sự chết và tội lỗi. Hãy đến với Chúa để được Ngài băng bó tâm hồn tổn thương của chúng ta. Hãy đến với Chúa để được Ngài chữa lành những bệnh tật thể xác và tâm hồn. “Đức tin đã cứu con!”, nhiều lần Chúa Giêsu đã tuyên bố như thế. Đến với Chúa mang theo niềm tín thác cậy trông, chúng ta sẽ được Chúa chữa lành.

“Đừng sợ!”, vì Chúa là Đấng Thẩm phán chí công. Cuộc sống hôm nay, thật giả lẫn lộn, nhiều người mất niềm tin nơi đồng loại. Hãy chuyên tâm làm việc thiện, không phải lấy tiếng khen của người đời, nhưng là để thực hiện lời Chúa dạy. “Đong đấu nào, sẽ nhận lại đấu ấy”, Chúa không để ai bị thiệt thòi và không để lòng quảng đại bị quên lãng. Thực tế đã chứng minh điều ấy. Mặc dù bị hiểu lầm, Tông đồ Phaolô vẫn không nản chí, vì ông tin có lương tâm và có Chúa Thánh Thần làm chứng cho sự trung tín ngay thẳng của mình (Bài đọc II).

“Đừng sợ!”, vì Chúa vẫn luôn hiện diện trong cuộc đời, dù nhiều khi ta không nhận ra Ngài. Đừng nghĩ là một “bóng ma” ám ảnh đời ta, nhưng là Ánh sáng, là Đấng soi đường về chân hạnh phúc. Hãy kêu cầu Chúa và hãy xác tín nơi Ngài. Trình thuật của Mátthêu cho thấy lòng tin của ông Phêrô các môn đệ đã được phục hồi sau khi Chúa nắm lấy tay Phêrô để kéo ông lên. Các ông bái lạy Người và thốt lên: “Quả thật Người là Con Thiên Chúa”. Các ông đã mạnh mẽ tuyên xưng Đức tin và đẩy lui nỗi sợ hãi.

Giữa cuộc đời bấp bênh và đầy nguy cơ này, chúng ta hãy đến với Chúa. Xin Người kéo chúng ta lên khỏi nỗi sợ hãi trước những hiểm nguy đang rình rập chúng ta. Có Chúa, cuộc đời chúng ta sẽ vui tươi và an bình.

+TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây