I. BÁC ÁI TRONG LỜI NÓI
A. Lỗi đức ái trong lời nói
Cổ nhân có câu: “Nhất ngôn xuất khẩu, tứ mã nan truy” – một lời nói ra, bốn ngựa đuổi theo không kịp.
Lời nói của con người có thể có hậu quả rất lớn và rất phức tạp; có thể ích lợi hay tai hại, xây dựng hay phá đổ. Chính vì thế, bác ái rất cần trong lời nói.
Muốn bác ái trong lời nói, trước hết phải tế nhị, tránh những lời nói làm thiệt hại hoặc gây buồn phiền. Có thể đó là những lời nói hữu ý hay vô tình:
1) Hữu ý
Đức ái đòi buộc chúng ta đừng bao giờ có ý xúc phạm hay làm phiền lòng người khác bằng lời lẽ của mình:
+ Lời nói “khó chịu” phản ảnh bản năng gây hấn của con người. Chúng ta không thể hoàn toàn chế ngự bản năng gây hấn, nhưng có thể làm cho dịu bớt.
+ Lời chọc tức có thể đưa tới những hậu quả xấu, trầm trọng hơn cả là làm cho tha nhân mất bình an nội tâm.
+ Lời nói sỉ nhục thì hoàn toàn đi ngược tinh thần Phúc âm, ngược với thái độ kính trọng mà mỗi người kitô hữu phải có đối với tha nhân (Mt 5,22).
2) Vô tình
Đôi khi những lời nói vô tình cũng gây thiệt hại trầm trọng cho kẻ khác.
Có những lời nói vô tình làm cho người khác phiền muộn lâu dài, nhất là những lời nói phản ảnh phán đoán tiêu cực của chúng ta. Chúng ta không thể tránh hết các lời nói vô tình gây thiệt hại cho người khác, nhưng đức ái đòi chúng ta phải cảnh giác tối đa để khỏi làm phiền lòng họ. Ăn nói tế nhị vừa là một bài học nhân bản tự nhiên, vừa là một bài học bác ái siêu nhiên. Những người hay va chạm với người khác trong lời nói, cần phải ở khiêm nhường, tập uốn nắn và điều chỉnh cách ăn nói của mình.
3) Lời nói đùa
Cần tránh những lời nói nửa đùa nửa thật để nhạo báng người khác. Vì là nửa đùa nửa thật, những lời nói này đã hàm ý đánh giá, biểu lộ một phần tâm tư người nói.
Những lời nói thuần túy bông đùa có thể tạo niềm vui cho kẻ khác, đánh tan bầu khí giá lạnh. Nhưng chúng cũng có giới hạn mà mỗi người phải nhận ra, để tránh gây thiệt hại uy tín cho người khác, khỏi làm phiền lòng người khác cách vô lý.
4) Lời nói sau lưng
Nói hành, nói xấu, làm thiệt hại uy tín và danh dự người khác, là điều lỗi đức ái nặng. Ganh tị là nguyên nhân chính gây ra nói hành nói xấu.
Có những người, do tính tự nhiên, nghiêng về việc nói xấu. Tính tình này là một nết xấu phải sửa đổi.
Chúng ta lỗi đức ái nặng nề nhất, khi lời nói sau lưng hoàn toàn đi ngược với lời nói trước mặt. Khuynh hướng này biểu lộ sự hèn nhát, không xứng với người kitô hữu là con cái sự thật.
5) Cử chỉ
Chúng ta cần lưu ý những cử chỉ đi ngược đức ái:
+ ẩu đả, vũ phu
+ những cử chỉ xua đuổi, xa lánh
+ những cử chỉ bực dọc quá đáng.
B. Xây dựng tình bác ái bằng lời nói
Chúng ta thường lỗi đức ái trong lời nói nhiều hơn cả, ngược lại cũng có thể xây dựng tình bác ái bằng lời nói nhiều hơn cả. Điều này đòi hỏi một ý thức mãnh liệt và thường xuyên. Nhờ ý thức mà chúng ta khám phá cơ hội thi hành bác ái bằng lời nói.
Bác ái trong lời nói không là ăn nói đưa đẩy hay tìm cách lấy lòng người khác bằng lời xu nịnh, cũng không là lời nói suông trên môi miệng, miễn trừ hành động thực tế. Nhưng là dùng lời nói như một yếu tố quan trọng để biểu lộ và xây dựng điều cốt yếu mà Đức Kitô dạy là tình yêu không giả dối.
Việc xây dựng tình bác ái bằng lời nói rất đa dạng, tùy người và tùy môi trường, nhưng cũng có những nét lớn căn bản:
1) Lời khích lệ
Lời nói khích lệ là lời nói tạo phấn khởi cho người khác, khi người ấy đang nỗ lực thi hành một công việc gì, hay đang cố gắng theo đuổi một chương trình gì.
Lời nói khích lệ có thể là lời khen chân thật, lời cổ võ, bày tỏ sự tin tưởng, lời biểu lộ cảm tình. (Những người đang gặp hoàn cảnh khó khăn cần lời khích lệ hơn cả).
Lời khích lệ thực sự phải là lời chuyên chở ý muốn thăng tiến người khác, không mang màu sắc mỉa mai hay ghen tị, là lời chứa đựng tình yêu và biểu lộ tình yêu đối với người được khích lệ.
2) Lời an ủi
Lời an ủi là lời thông cảm với người khác, xoa dịu nỗi buồn hay sự thất bại của người khác. Lời an ủi càng cần thiết khi người khác đang đau khổ. Trong một vài trường hợp, lời an ủi được thay thế bằng sự hiện diện, một sự hiện diện chứa đầy tình thương.
3) Lời thông cảm hay chia sẻ
Có những trường hợp con người cần sự thông cảm hơn những thứ khác. Thông cảm là biểu lộ sự rung động của mình trước nỗi khổ của người khác. Lời nói thông cảm biểu lộ tâm hồn mở rộng đón nhận đau khổ của tha nhân (vui với người vui, khóc với người khóc).
4) Lời nói làm vui lòng người khác
Người ta có thể làm vui lòng nhau bằng quà tặng, cử chỉ, hành vi hay lời nói. Trong thực tế, lời nói là điều con người dễ sử dụng nhất để làm vui lòng người khác. Phải lựa lời nói để đẹp lòng nhau (bộ mặt nhân bản của đức ái).
5) Lời nói xây dựng
Lời nói xây dựng là lời bày tỏ sự thật để góp ý thăng tiến người khác hay xây dựng lợi ích chung.
Tùy cương vị mỗi người mà lời nói xây dựng mang sắc thái khác nhau:
– Lời của người trên phải đầy tình thương (đừng phẫn nộ); khi lòng phẫn nộ, đừng nói, nên để lúc khác.
– Lời nói xây dựng của người dưới phải khiêm nhường: trình bày hay góp ý, chứ không dạy đời.
– Lời nói xây dựng của người ngang hàng phải là lời thân thiện (chia sẻ trong tình bạn).
6) Cử chỉ:
– thân thiện
– hòa giải
– phục vụ, giúp đỡ.
II. BÁC ÁI TRONG HÀNH ĐỘNG (Hành vi bác ái – 1 Ga 3,18)
Hành vi đức ái là bộ mặt thực tế của tình yêu Kitô giáo, nhờ đó sứ điệp Tin Mừng không còn thuần túy lý thuyết, hay là tình cảm suông, nhưng trở thành đời sống.
Hành vi đức ái có thể hiểu theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp.
A. Nghĩa rộng
Bất cứ hành vi nào có động lực là lòng bác ái yêu thương, đều là hành vi bác ái. Theo nghĩa này, mỗi người chúng ta đều được mời gọi sống đức ái tối đa. Đức ái dần dần phải trở nên linh hồn của mọi hành vi. Chúng ta luôn hành động vì yêu thương. Yêu thương trở thành hơi thở, sự sống, lương thực cần thiết cho người Kitô hữu. Con người thánh thiện là con người thấm nhuần yêu thương trong tư tưởng, lời nói, việc làm.
B. Nghĩa hẹp
Hành vi có nội dung bác ái, không những do động lực bác ái, mà còn biểu lộ lòng bác ái. Không phải lúc nào chúng ta cũng bó buộc làm những hành vi bác ái theo nghĩa hẹp, nhưng chắc chắn chúng ta bị đòi buộc phải làm khi có cơ hội. Những hành vi này bao gồm nhiều loại khác nhau, liên hệ tới cuộc sống thực tế và biểu lộ các khía cạnh khác nhau của đòi hỏi Tin Mừng.
1) Hành vi hòa giải
a. Hành vi hòa giải với tha nhân
Khi có xung đột với tha nhân, chúng ta phải tìm cách làm hòa với họ ; đức ái Kitô giáo đòi hỏi chúng ta đi bước trước (Mt 5,23-25).
b. Hành vì hòa giải người khác
Khi có xung đột giữa những người có quan hệ với chúng ta, Tin Mừng đòi hỏi chúng ta tìm cách hòa giải họ với nhau, vì Tin Mừng muốn cho người Kitô hữu trở nên khí cụ bình an (đem yêu thương vào nơi oán thù).
c. Hành vi tha thứ
Khi có người xúc phạm đến chúng ta, chúng ta phải tha thứ, dù người ấy có xin lỗi hay không (đừng để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn!).
2) Hành vi phục vụ
a. Hành vi giúp đỡ
Tùy trường hợp, tùy khả năng, chúng ta bị đòi buộc phải giúp đỡ những người thiếu thốn, hoạn nạn, những người cần đến chúng ta. Phải tập đức tính “hay giúp đỡ người khác”, vì đức tính này rất gần với Tin Mừng.
b. Hành vi phục vụ
Phục vụ là đòi hỏi của Tin Mừng, là ơn gọi của chúng ta. Đức Giêsu đã nêu gương phục vụ và đã yêu cầu theo gương Người (Ta đến để phục vụ). Công việc phục vụ có thể thuộc bình diện tinh thần hay vật chất.
3) Hành vi chia sẻ
Chia sẻ là hành vi đức ái có quan hệ tới tinh thần khó nghèo. Chỉ con người khó nghèo mới có thể từ bỏ một phần của cải để chia cho người khác (vật chất + tinh thần).
4) Các hành vi tốt
Các hành vi tốt nhằm làm vui lòng người khác là những hành vi bác ái tham gia vào tình yêu của Thiên Chúa, có thể làm nảy sinh tình yêu nơi người khác, có giá trị cứu thế, khi được thực hiện với tâm tình của Chúa.
Lm. Đa Minh Đinh Viết Tiên, OP
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn