Thánh Lễ Tạ Ơn Tân Linh Mục tại Hội dòng Khiết Tâm Đức Mẹ

Thứ ba - 15/07/2025 15:54
Sáng thứ Ba ngày 15/7/2025, tại Nguyện đường Hội dòng Khiết Tâm Đức Mẹ Nha Trang, quý Tân Linh Mục đã đến dâng Thánh Lễ Tạ Ơn cầu nguyện cho Hội dòng. Nguyện xin Chúa gìn giữ quý linh mục sống hạnh phúc trong đời thánh hiến.
Thánh Lễ Tạ Ơn Tân Linh Mục tại Hội dòng Khiết Tâm Đức Mẹ

 
thánh lễ tạ ơn 2
 
thánh lễ tạ ơn 3

 
Bài Giảng của cha Gioan Bosco Cao Tấn Phúc trong Lễ Tạ Ơn 10 Tân Linh Mục

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan
 “Con có mến Thầy không?” (Ga 21, 15-19)

15 Khi các môn đệ ăn xong, Chúa Giêsu hỏi ông Simôn Phêrô: “Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không? ” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Chúa Giêsu nói với ông: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy.”16 Người lại hỏi: “Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có mến Thầy không? ” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Người nói: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy.” 17 Người hỏi lần thứ ba: “Này anh S-môn, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không? ” Ông Phêrô buồn vì Người hỏi tới ba lần: “Anh có yêu mến Thầy không? ” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy.” Chúa Giêsu bảo: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy. 18 Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.”19 Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: “Hãy theo Thầy.”
Đó là Lời Chúa
***

Theo sát diễn tiến của bài Tin mừng hôm nay, xin chia sẻ 2 điểm: tình yêu và lòng thương xót.

 
  1. Tình yêu
Sau khi dùng bữa, Chúa Kitô phục sinh muốn “tâm sự” với ông Phêrô. Ngài gọi ông bằng tên “cúng cơm”, có gốc có nguồn rõ ràng: “Simon, con ông Gioan”. Cách gọi này đã diễn tả lòng bao dung của Chúa rồi: Ngài đón nhận con người của ông cách trọn vẹn và tận gốc rễ, cho dù ông đã trải qua những thăng trầm hay những lỗi lầm nào.

Có thể hai người đã tách riêng ra khỏi nhóm để tâm sự, bởi vì sau đó, theo lời kể của thánh Gioan: “Ông Phêrô quay lại, thì thấy người môn đệ Chúa Giêsu thương mến đi theo sau”. Và có thể, hai người đã tâm sự với nhau một lúc, Chúa Kitô mới đặt những câu hỏi liên quan đến tình yêu của ông dành cho Ngài.

Chúng ta có thể hiểu ba lần Chúa hỏi/ ứng với ba lần Phêrô chối Thầy. Điều này quả thực đã đụng đến “vết thương lòng”, nên nghe hỏi lần thứ ba về cùng một điều, ông Phêrô “buồn” (c. 17). Ngoài ra, Chúa Giêsu còn kín đáo nhắc lại một chuyện khác, đó là ông Phêrô đã từng so sánh lòng gắn bó của mình đối với Chúa Giêsu hơn những anh em khác: “Dầu tất cả có vấp ngã đi nữa, thì con cũng nhất định là không.” (Mc 14, 29). Chúa Giêsu kín đáo nhắc lại chuyện ấy trong câu hỏi đầu tiên: “Này anh Simon, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” Ông Phêrô dường như đã nhận ra “thâm ý” của Thầy, nên trong câu trả lời, ông không còn dám so sánh tình yêu của mình với tình yêu của các anh em khác, nhưng trả lời cách khiêm tốn: “Thưa Thầy vâng, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Chúng ta được mời gọi đọc ra tâm tình sâu xa của ông Phêrô ẩn bên dưới câu trả lời này: “Thưa Thầy, Thầy biết tình yêu của con dành cho Thầy lúc này như thế nào, và Thầy cũng biết quá khứ nhiều thăng trầm và tương lai đầy bất trắc của tình yêu con dành cho Thầy. Thầy biết con ước ao yêu mến Thầy trên hết mọi sự, cho dù con giới hạn và yếu đuối”.

 
  1. Lòng thương xót
Nhưng tại sao Chúa lại khơi ra “vết thương” quá khứ làm đau lòng ông Phêrô, đúng vào lúc nên quên đi tất cả, xí xóa tất cả để hướng về tương lai? Bởi vì tình yêu của chúng ta đối với Chúa phải khởi đi từ chính những gì chúng ta là trong sự thật. Gợi lại quá khứ, gợi lại những gì chúng ta đã là, thật là đau lòng, nhưng đó lại là “liều thuốc đắng” có khả năng chữa lành chúng ta. Bởi vì tình yêu của chúng ta dành cho Chúa, việc chúng ta được gọi theo Chúa, việc chúng ta được trao sứ mạng, là hoàn toàn dựa vào lòng thương xót của Chúa, vào tình yêu nhưng không và bao dung của Chúa.

Như thế, Giáo Hội được xây dựng trên đá tảng Phêrô, nhưng đá tảng Phêrô lại gối đầu trên lòng thương xót. Điều này cũng hoàn toàn đúng cho tất cả chúng ta, những người đi theo Chúa Kitô trong ơn gọi giáo sĩ hay tu sĩ: chúng ta thuộc về Giáo Hội và được mời gọi phục vụ Giáo Hội và tham gia vào sứ mạng Chúa trao cho Giáo Hội, khởi đi từ kinh nghiệm được Chúa thương xót một cách đích thân. Quên đi kinh nghiệm nền tảng này, chúng ta sẽ không thể đứng vững và chu toàn được sứ mạng, hay ít nhất là không thể chu toàn theo cách mà Chúa Giêsu ước mong.

Vậy, chúng ta được mời gọi lắng nghe Chúa hỏi riêng mỗi người chúng ta: “con có mến Thầy không?” Ai cần bao nhiêu lần, Chúa cũng sẽ hỏi bấy nhiêu lần! Sau mỗi lần tuyên xưng lòng mến, Chúa mới trao sứ mạng, mỗi người một sứ mạng. Ở đây, Chúa cần tuyên xưng lòng mến khởi đi từ kinh nghiệm sâu xa về tình yêu và lòng thương xót của Chúa, hơn là nói Ngài là ai, trên bình diện kiến thức. Tại sao Chúa cần tuyên xưng lòng mến? Là bởi vì chúng ta chỉ có thể lãnh nhận và đảm nhận sứ mạng của Chúa/ bằng tình yêu chúng ta dành cho Chúa mà thôi, một tình yêu đã trải qua bao thăng trầm, một tình yêu chỉ biết cậy dựa vào lòng thương xót của Chúa, như tình yêu của thánh Phêrô.

Sau ba lần đặt câu hỏi về lòng mến đối với Người, Chúa Giêsu nói về số phận của thánh Phêrô: Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.

Và thánh sử Gioan giải thích lời này của Chúa Kitô: “Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa.” Như thế, Chúa biết hết về những gì ông Phêrô sẽ trải qua cũng như biết hết về những gì chúng ta cũng sẽ trải qua. Chúa biết, đơn giản là vì Chúa đã trải qua tất cả, đã mang lấy tất cả, vác lấy tất cả để tôn vinh Thiên Chúa, để làm cho con người nhận ra rằng Thiên Chúa là Tình Yêu và chỉ là Tình Yêu mà thôi. Và điều Ngài muốn mời gọi ông Phêrô cũng như mỗi người chúng ta bây giờ là:   “Hãy theo Thầy !”

Các tân linh mục thân mến,
Xin mượn những dòng sau đây của một vị linh mục có tên là Augutinô Mario Ninaji để nói lên những tâm tư nguyện vọng của người tín hữu dành cho linh mục nói chung. Có thể những lời này không trùng khớp với trường hợp của anh em, của chúng ta/ nhưng ít ra cũng cảnh giác chúng ta về một số những lối hành xử không xứng hợp.

Trước hết, nếu anh em nghĩ linh mục giống như một công chức hành chính, tắt điện thoại và phớt lờ những nhu cầu mục vụ của đàn chiên chỉ vì đã hết giờ làm việc/ và nửa đêm là lúc không thuận tiện để đi kẻ liệt chẳng hạn/ thì giáo dân chúng tôi không cần anh em/ vì chúng tôi đã có quá đủ những linh mục như thế.

Linh mục chúng tôi cần là những linh mục sống hết mình cho sứ mạng của Chúa Kitô, sống gắn bó với đàn chiên, coi đàn chiên của mình quan trọng chẳng khác chi bố mẹ và người ruột thịt. Chúng tôi cần những linh mục là những người “cha tinh thần” đúng nghĩa, hi sinh cho đàn con, đáp ứng những nhu cầu của tha nhân không phải vì bổn phận nhưng chỉ vì yêu thương.

Tiếp đến, nếu anh em nghĩ chỉ vì Giáo Hội đang thiếu linh mục và anh em đã dám dấn thân vào đời tu trì nên anh em có vai trò rất quan trọng; anh em sẽ cứu Giáo Hội và anh em đang làm ơn cho Giáo Hội. Nếu anh em nghĩ như thế thì chúng tôi không cần anh em, chúng tôi đã có quá đủ những linh mục như thế.

Chúng tôi cần những linh mục là những khí cụ tình yêu chứ không cần những đấng cứu tinh. Chúa Kitô là Đấng cứu thế duy nhất của nhân loại và sự thật là Ngài có thể biến những hòn đá cuội trở nên “con cháu của tổ phụ Ápraham.” Giáo hội chẳng phải là của ai cả nhưng Giáo hội thuộc về Chúa Kitô. Trong bài Tin mừng, sau 3 lần Chúa hỏi: Con có mến Thầy không? Và Phêrô đã trả lời: Thầy biết con yêu mến Thầy, thì Chúa bảo: Hãy chăn dắt chiên của Thầy. Chiên là của Chúa chứ không phải của bất cứ ai, lại càng không phải của linh mục; quên điều này, linh mục sẽ dễ biến chiên của Chúa thành chiên của mình/ và sẽ dễ sa vào nguy cơ “làm thịt” chiên thay vì chăn dắt, chăm sóc chiên như Đức Chúa đã cảnh báo các mục tử xấu qua lời của ngôn sứ Êdêkien.

Hơn nữa, nếu anh em muốn đi tu làm linh mục chỉ vì anh em mong muốn một nơi chốn bình yên để tìm sự an nhàn hay nhắm đến một thứ hưởng thụ nào đó; chúng tôi không cần những người như anh em, chúng tôi đã có quá đủ những linh mục như vậy.

Linh mục chúng tôi cần là những người biết yêu thương cuộc đời và muốn dùng những tài năng, ân huệ Chúa ban để cống hiến, để xây dựng cuộc đời tốt đẹp hơn. Đi tu không phải là để trốn đời. Đời tu không phải là nơi chốn của những kẻ ù lì/ nhưng là một lối sống giúp người ta dấn thân vào đời trọn vẹn hơn.

Và sau cùng, nếu anh em nghĩ mình biết nhiều hơn Đức Giáo hoàng, hơn Đức Giám mục của anh em và hơn cả lịch sử 2000 năm của Giáo hội, và nếu anh em tin rằng anh em có thể đặt ra những qui định cho riêng mình/ và sống theo tiêu chuẩn của cá nhân mà chẳng có đức vâng phục; chúng tôi thực sự không cần anh em đâu, chúng tôi đã có quá nhiều linh mục như thế rồi.

Linh mục chúng tôi cần là ai? Thưa, chúng tôi cần những người biết suy nghĩ thấu đáo, sống theo lương tâm nhưng luôn hiểu rõ họ đại diện cho một thực thể lớn hơn họ. Là linh mục nghĩa là phục vụ một cách khiêm nhu. Linh mục không phải là những ông quan tòa hay những ông vua con. Linh mục không chọn đối tượng, chọn thời gian, chọn địa điểm để phục vụ. Linh mục cần bỏ lại những ham muốn cá nhân và chỉ ước ao thi hành ý Chúa, trở nên đôi tay và đôi chân của Chúa Kitô nơi thế gian này.

Anh em tân linh mục thân mến,
Nhưng nếu anh em đặt Chúa Giêsu Mục tử nhân lành làm nền tảng cho cuộc đời anh em bằng một đời sống kết hiệp mật thiết với Ngài/ trong nỗ lực trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài mỗi ngày mỗi hơn; nếu anh em sẵn sàng trở nên những tôi tớ phục vụ người khác theo gương Thầy Giêsu, dám chịu gian khổ, dám chết đi cho dân Thiên Chúa, thì rõ ràng Thiên chức Linh mục dành cho anh em.

Hơn thế nữa, nếu thực sự anh em nhận ra ơn gọi dấn thân hi sinh đời sống của mình cho người khác, dâng hiến trọn cuộc đời nơi dương thế này, để loan báo Chúa Kitô cho mọi người, qua sự quảng đại, kiên nhẫn, yêu thương, hi sinh và khiêm nhu, thì chắc chắn, anh em là những người mà chúng tôi đang cần.

Chúa Giêsu đã gửi lời kêu gọi, anh em đã đáp lời, bằng chứng là anh em đã là linh mục của Ngài. Nhưng chắc chắn Ngài vẫn tiếp tục hỏi mỗi người trong anh em: “Con có yêu mến Thầy không?”. Câu trả lời nằm ở chính anh em. Và câu trả lời này không chỉ thưa một lần là xong, một lần là đủ/ nhưng là trong mọi giây phút của cuộc đời linh mục của anh em. Amen.


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây