Chuyện nếp nhà: Dạy con làm chồng

Thứ năm - 25/06/2020 22:32
Các bậc cha mẹ cần dạy con bằng chính đời sống hôn nhân của mình, rằng vợ chồng là cùng chia bùi sẻ ngọt với nhau, con gái là người bạn, người vợ, chứ không phải là người hầu của chồng mình, con trai “có hiếu” với vợ thì cháu của ông bà mới được nhờ.
Chuyện nếp nhà: Dạy con làm chồng

CHUYỆN NẾP NHÀ (62)

DẠY CON TRAI “LÀM CHỒNG”.?

Thạc sĩ Bác sĩ Nguyễn Lan Hải

Có lần tôi bị lôi vào “chuyện tay ba” của nhà kia. Cặp vợ chồng đã chia tay mấy năm, cô vợ cũ nuôi con trai, anh chồng gửi tiền chu cấp nuôi con và đã có người mới, vậy mà hàng tháng chị vợ cũ vẫn “nhờ” bố thằng bé sang nhà thay bóng đèn, sửa vòi nước, có tháng còn nhờ đến 3 lần!?

Cô người yêu khó chịu lắm và cấm “người của mình” dây dưa với người đàn bà không biết điều kia.

Anh chồng thấy cũng phải, liền nói thẳng với vợ cũ, chẳng ngờ chị ta đáp: “Thật ra em có thể nhờ người, đầy đàn ông sẵn sàng giúp nhưng em ngại thiên hạ đàm tiếu. Lúc này em chưa muốn có mối quan hệ nào hết. Còn việc tự làm hay thuê thợ thì em không thích. Bởi con mình là con trai, em muốn con được nhìn thấy một người đàn ông trong gia đình phải thế nào, muốn con học tập theo, sau này trở thành một người đàn ông đúng nghĩa. Nếu con luôn nhìn thấy mẹ tự tay làm hết cả những việc của đàn ông thì quan niệm, suy nghĩ của con sẽ bị sai lệch đi mất”.

*

Một người bạn tâm sự với tôi: Vào Sài Gòn thăm con gái mà thương rớt nước mắt!? Chứng kiến con tan sở về, tíu tít chào bố ngồi rồi vội chạy đi làm bếp. Lát sau con rể cũng về tới, chào hỏi cha vợ xong thì ngồi vào bàn, cởi áo vắt tay ghế, cầm remote bấm TV, hỏi vợ bao giờ có cơm. Con gái vừa trả lời chồng, vừa chạy đi chạy lại như con thoi nấu cơm, nhặt rau, làm cá,… rồi tranh thủ tắm con, bày bàn ăn. Trong khi chồng rôm rả bia bọt với “nhạc phụ đại nhân” thì nó lại quay cuồng với con nhỏ. Ăn xong, thằng rể thư thái dắt con xuống sân chung cư dạo mát, còn nó vẫn mặc nguyên đồ công sở tất bật dọn dẹp, rửa chén, gom đồ vào máy giặt.?

Bố xót xa: “Ngày nào đi làm về con cũng quần quật thế này à?”, con gái hồn nhiên đáp: “Có sao đâu bố, thì cũng như mẹ ở nhà thôi. Con quen rồi ạ!”. Lúc này ông bạn mới giật mình ngẫm lại, bà xã ở nhà cũng tất bật luôn tay luôn chân, còn ông cũng y như con rể của mình, về đến nhà là thư thả ngồi uống trà, ăn tối xong “bận” đi đánh cờ với mấy ông bạn, chẳng quan tâm vợ ở nhà làm gì.

Bạn tôi ngồi đó nhìn con mà chẳng thể dạy thằng rể “tinh tướng” một bài học, vì chính mình cũng đã và đang cư xử với vợ như vậy, mình đã “vỡ lòng” cho con rằng những bất công mà phụ nữ phải chịu là... chuyện nếp nhà.

**

Khá nhiều bậc cha chú ở Việt Nam dường như để mình thành “người vô hình”, không làm gương cho con cái trong đời sống gia đình thường nhật. Để rồi đôi ba chục năm sau, phải ngậm ngùi cay đắng thấy đứa con gái cưng lựa chọn một thằng vô tích sự làm bạn đời, thằng con quý tử của mình chỉ biết sinh ra trên đời để “gánh vác trọng trách” mà chẳng biết đụng tay đến việc nhỏ trong nhà.

Bởi vì, trong bao năm nuôi dạy con, họ đã không tự lo cho mình những việc cá nhân, vứt đồ bừa bãi rồi để mặc mẹ hoặc vợ hoặc con thu dọn?. Sau một ngày cùng làm việc vất vả như nhau ở ngoài xã hội, họ cho phép mình được ngồi nghỉ xả hơi và xem chuyện một mình vợ “xoay như chong chóng” với việc nhà là chuyện hiển nhiên của phụ nữ. Họ ngồi đó, chờ phục vụ từng bữa cơm, ly nước đến cái tăm xỉa răng, để vợ ủi cho từng cái áo cái quần, thu dọn từng mẩu thuốc lá tiện tay vứt bừa. Họ không dỗ con cho vợ ngủ, không trông con, kèm con học, đi họp phụ huynh ở trường,...

Mà người vợ cũng chấp nhận để chồng có quyền làm một đứa trẻ lớn xác, còn vợ có nghĩa vụ làm “bà mẹ” thứ hai của chồng. Hàng ngày “dạy” con rằng chồng có quyền hưởng thụ, còn vợ có nghĩa vụ phục vụ chồng.

Thật tiếc, nhiều gia đình chú ý dạy con gái các kỹ năng gia đình để sau này chu toàn bổn phận “làm vợ” nhưng lại bỏ qua việc dạy con trai học “làm chồng”. Nhiều phụ nữ chịu ấm ức với thân phận “như ô-sin” khi về làm dâu nhưng lại chẳng dạy con trai mình nấu nướng, làm việc nhà, thậm chí khó chịu, dằn hắt khi thấy con dâu “sai” chồng nó “hầu”.

Baden Powell (1857-1941) một vị tướng và là nhà văn, đúc kết: "Không có sự dạy dỗ nào để so sánh với sự làm gương". Vâng, các bậc cha mẹ cần dạy con bằng chính đời sống hôn nhân của mình, rằng vợ chồng là cùng chia bùi sẻ ngọt với nhau, con gái là người bạn, người vợ, chứ không phải là người hầu của chồng mình, con trai “có hiếu” với vợ thì cháu của ông bà mới được nhờ.

Bs Nguyễn Lan Hải.

Bài đăng trong tuần san Công giáo & Dân tộc (chưa qua biên tập)

*****

Hình minh họa "lụm" được trên mạng
 

day con lam chong


 

Nguồn tin: facebook.com/lanhaibs

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây