Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
Trả lời:
Bạn thân mến,
Câu hỏi của bạn thật thú vị. Tiếng Việt mình rất hay khi dùng chữ cám dỗ. “Cám” nghĩa là gây xúc động, “dỗ” là nói để người khác làm theo. Như thế, cám dỗ là xúi dục, nói người khác làm theo[1]. Thường chúng ta hiểu cám dỗ liên quan đến những điều xấu xa, tội lỗi. Phải nói ngay rằng cám dỗ chỉ là con đường đưa đến tội lỗi, chứ chưa phải là tội. Chỉ khi nào đương sự chấp nhận làm theo những cám dỗ mới xét đến chiều kích tội lỗi. Điều thú vị là cám dỗ có khi là cơ hội để rèn luyện nhân đức. (GLHTCG 2847).
Chúng ta không tránh được cám dỗ. Chính Đức Giêsu cũng nhiều lần bị ma quỷ cám dỗ. Kinh Thánh coi Satan là kẻ cám dỗ. Nó như con rắn thủ thỉ với bà Eva ăn trái cấm. Chỉ khi Eva ăn trái ấy, bà mới mang tội lỗi. Sau này, chính Đức Giêsu dạy cho chúng ta phải tỉnh thức và cầu nguyện để thoát khỏi những cơn cám dỗ. Từng là người khí phách tuyên xưng đức tin, vậy mà thánh Phêrô phải thú nhận rằng: “Hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé.” (1 Pr 5,8–9).
Cám dỗ lúc đầu bao giờ cũng đẹp. Ma quỷ không ngu ngốc đến nỗi bày ra những chuyện xấu xa ngay từ đầu. Nó như con rắn biết đối thoại có lớp lang. Lúc đầu nó thường nói lời ngon ngọt, kể cả đúng đắn. Chẳng hạn nó hỏi Eva: “Các người không được ăn hết mọi trái cây trong vườn phải không?” Eva: "Các trái cây thì được ăn, trừ cây ở giữa vườn." Eva đưa ra lý do: “Vì Thiên Chúa bảo không được ăn, kẻo phải chết.” Con rắn bồi thêm: “Chẳng chết chóc gì đâu?”
Vậy là họ đã đối thoại qua lại. Dĩ nhiên hậu kỳ câu chuyện, Eva đã bị con rắn thuyết phục. Vài lần Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho biết: “Chẳng có điều gì thuyết phục tôi để phải đối thoại với Satan cả!” Sau đó ngài đưa ra lý do: "Vì Satan thông minh hơn chúng ta nhiều. Nếu chúng ta bắt đầu đối thoại với nó, nó sẽ quay chúng ta vòng vòng và sau cùng là chúng ta lạc hướng. Bản chất của Satan là dối trá lừa bịp chúng ta, thậm chí với cả giám mục và linh mục nữa. Ngược lại, khi chúng ta cương quyết đuổi nó đi, chúng ta sẽ chiến thắng. Đừng đối thoại với nó!"
Trong đời dâng hiến, các tu sĩ rất dễ gặp phải những “cám dỗ” tình cảm thật nhẹ nhàng nhưng tinh vi, do đó, các tu sĩ thường có những người đồng hành, hướng dẫn thiêng liêng. Họ thường có bề trên và bằng hữu để chia sẻ buồn vui của đời dâng hiến. Nhất là khi gặp khó khăn, người ấy được mời gọi chạy đến với họ để được an ủi và giúp đỡ. Thực tế đã có nhiều người vượt qua được những cám dỗ, kể cả chuyện tình cảm.
Đúng là những chuyện tình cảm giữa người nam và người nữ luôn có sức hút mãnh liệt khiến người tu sĩ nhiều khi mệt nhoài. Kể cả giáo dân cũng thế. Người đời cũng vẫn thường gào lên: “Hỡi thế gian tình là chi?”[2] đấy thôi. Tạ ơn Thiên Chúa đã đặt để trong mỗi con người bản năng yêu thương và cần được thương yêu. Chính món quà giới tính mà người nam và người nữ có thể đến được với nhau và nên nghĩa vợ chồng. Với người tu sĩ, họ có một mối tình đặc biệt với Thầy Giêsu. Hy vọng họ có đủ sức để vượt qua những cám dỗ vốn thường có trên bước đường ơn gọi.
Là tu sĩ trẻ, tôi hiểu chuyện tình cảm ấy khiến người tu sĩ vất vả để đương đầu. Có lần vị linh hướng chia sẻ rằng thay vì cứ chú tâm vào những cám dỗ, những rung động tình cảm ấy, thật hữu ích để tập trung vào những điều cao quý hơn. Nghĩa là, đời sống của người tu sĩ còn nhiều điều thú vị khác cần khám phá: cộng đoàn, sứ vụ, học tập, cầu nguyện, chia sẻ, v.v. Tôi tin những môi trường ấy có thể giúp cho người tu sĩ nhận ra những giá trị đích thực mà họ đang theo đuổi.
Trong đó, người tu sĩ sống hạnh phúc với những đòi hỏi độc thân vì Nước Trời. Bởi: “Những ai theo Chúa Giêsu sát hơn tất nhiên họ hiểu rằng Người phải được yêu mến với một trái tim không chia sẻ, và mình phải dâng hiến cho Người tất cả cuộc sống chứ không phải chỉ vài cử chỉ, vài mảnh thời gian hay vài công việc.”[3]
Nếu cần một lời khuyên: “Có nên chủ động yêu người đã thuộc về Chúa không? Thì tôi cần nói là không! Xin cầu nguyện cho họ trung thành theo Chúa đến cùng. Dẫu biết chuyện tình cảm, những cám dỗ có khi xảy đến; nhưng trên hết, hãy để Thiên Chúa chi phối các tương quan ấy. Khi đó, chắc cám dỗ sẽ nhẹ gánh hơn nhiều. Còn những ai đang yêu người có ơn gọi dâng hiến, chỉ có họ mới biết mình cố tình hoặc vô ý cám dỗ người tu sĩ hay không mà thôi!
Nhân đây, thay vì “cám dỗ” người tu sĩ, xin cầu nguyện cho họ thật nhiều:
Lạy Chúa Giêsu – người tình đặc biệt của người tu sĩ, xin tiếp tục thắp lên ngọn lửa tình của Ngài để nung nấu trái tim của những người sống đời hiến dâng. Nhờ đó, mỗi tu sĩ có thể luôn rạng ngời niềm vui, ngập tràn tình yêu vì được bén rễ sâu trong tình thương của Đấng họ đang bước theo. Nếu lúc nào đó tình yêu trong họ vơi đi, sức hấp dẫn của đời tu yếu dần, xin Chúa mau đến và ở lại trong trái tim họ. Kể cả những lúc chuyện tình cảm nam nữ bủa vây người tu sĩ, xin Chúa đến giúp họ biết đâu là ơn gọi đích thực để họ được hạnh phúc. Ước mong từ đó, các tu sĩ của Chúa được hồi sinh và tiếp tục yêu hết mình và tu hết tình. Amen.
Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 5, Nxb Tôn Giáo, 05/2021)
Theo Nguyễn Lân: “Cám dỗ là tìm mọi cách quyến rũ làm việc gì không hay”.
“Hỡi thế gian tình là chi, mà đôi lứa hẹn thề sống chết” thường gợi nhớ đến nhân vật Lý Mạc Sầu trong phim Thần Điều Đại Hiệp, tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung (1924–2018).
Tông Huấn Vita Consecrata, số 104.