Bài viết của Cha John Flader (Mỹ)
Thực ra tôi không thể đưa lời khuyên cho bạn biết nên hoặc không nên để con cái của bạn tham gia vào lễ hội Halloween, nhưng tôi xin cung cấp một số nền tảng để làm sáng tỏ vấn đề.
Trước hết, tên gọi “Halloween” có nguồn gốc từ Kitô giáo. Nó có nghĩa đơn giản là “đêm của các vị thánh” (trong tiếng Anh cổ chữ “Hallows” nghĩa là các vị thánh) nhằm nhắc nhở tín hữu rằng sáng hôm sau là Lễ Các Thánh được tổ chức vào ngày 1 tháng 11.
Lễ Các Thánh được cử hành vào ngày 1 tháng 11 kể từ thời Đức Giáo Hoàng Grêgôriô III (731-741). Quả vậy, năm 732, Đức Giáo Hoàng đã cung hiến một nhà nguyện trong Vương cung thánh đường Thánh Phêrô ở Rôma để dành riêng tôn kính các vị thánh Kitô giáo và ngài chọn ngày 1 tháng 11 hằng năm là ngày lễ mừng kỷ niệm sự kiện trọng đại này. Một thế kỷ sau, Đức Giáo Hoàng Grêgôriô IV (827-844) mới mở rộng ngày lễ kính các Thánh cho cả Giáo hội Hoàn vũ, cũng vào ngày 1 tháng 11 kể từ đó.
Ngày lễ này quan trọng đến mức ngay từ khởi đầu nó đã được cử hành với một buổi cầu nguyện và nghi thức phụng vụ vào đêm trước ngày lễ (vọng lễ). Đêm vọng lễ này được gọi là Hallowe’en (cách chơi chữ từ “hallows evening”), nghĩa là “đêm của các vị thánh”. Thậm chí cho đến ngày nay, nhiều nơi vẫn cử hành đêm vọng Lễ Các Thánh.
Nhưng tại sao lại có hình ảnh các phù thủy và yêu tinh; tại sao lại có đèn cầy thắp trong trái bí ngô, và tại sao có trò chơi “Cho kẹo hoặc bị ghẹo” (trick-or-treating)?
Để hiểu về những phong tục này, chúng ta phải quay trở lại thời kỳ cổ đại của người Celtic. Dân tộc Celtic vốn từng sinh sống trên lãnh thổ của Ireland, Scotland, xứ Wales và Brittany ngày nay. Họ đã chọn ngày 1 tháng 11 làm ngày đầu năm mới và cũng là ngày khởi điểm cho mùa đông sắp đến. Vào đêm trước năm mới, họ tổ chức lễ hội Samhain nghĩa là vị chúa tể của người chết.
Họ tin rằng trong đêm này, các linh hồn của người chết, cả thiện lẫn ác, với các hình dạng như ma quỷ, phù thủy và yêu tinh, sẽ trở lại lang thang trên Trái Đất. Để xua đuổi những linh hồn xấu xa đến quấy phá, họ sẽ đốt lửa và đeo mặt nạ. Như vậy, họ thực sự không mời gọi ma quỷ, phù thủy và yêu tinh đến mà chỉ cố gắng hù dọa để cho chúng bỏ đi.
Liên quan đến phong tục trẻ em đi từ nhà này sang nhà khác để xin kẹo và các loại thực phẩm khác, thường được gọi là trò chơi “cho kẹo hoặc bị ghẹo”, có thể nó có nguồn gốc từ một phong tục của người Ireland từ hàng trăm năm trước. Theo đó, các nhóm nông dân sẽ đi đến tận từng nhà để thu gom thực phẩm và các mặt hàng khác để cả làng tổ chức chung một bữa tiệc lửa trại. Những nhà nào hào phóng đóng góp thực phẩm sẽ được được chúc phúc có của ăn dư đầy, còn nhà nào không chịu đóng góp sẽ bị nguyền rủa cho xui xẻo và đói kém. Thế rồi, những người Ireland di cư sang Hoa Kỳ vào thế kỷ 19 đã mang theo phong tục đó và vì vậy có trò chơi thú vị này kết hợp vào lễ hội Halloween.
Khi còn là một đứa trẻ, tôi lớn lên trong phong tục Mỹ, nơi mà trò chơi này hoàn toàn vô hại và tạo ra nhiều niềm vui cho mọi người. Nhưng sau này, khi quan sát và cảm nghiệm, tôi đã giật mình khi thấy một vài đứa trẻ đối xử với người lớn thế nào khi họ không cho chúng kẹo hoặc điều chúng muốn: chửi rủa, nghịch phá hoặc làm bẩn nhà của gia chủ.
Trò chơi vốn dĩ vui vẻ này đang bị biến tướng thành một trò bảo kê gieo vào đầu trẻ em khiến chúng biết vòi vĩnh, đe dọa người ta nếu họ không không hào phóng cho chúng một khoản tiền hay một điều gì đó. Tôi không muốn quan trọng hóa quá mức (bởi vì trẻ em vốn vô tội và chúng không hiểu đầy đủ ý nghĩa về những gì chúng đang làm) nhưng chỉ ra những tác hại có thể có của nó. Nếu trẻ em ngày nay không giở trò tai quái với những người không cho chúng kẹo thì càng tốt.
Về những quả bí ngô, một lần nữa chúng ta quay trở lại Irealand, ban đầu người ta sẽ thắp đèn cầy nhét vào củ cải để xua đuổi tà ma. Khi người Ireland đến Mỹ, họ nhận thấy quả bí ngô ở đây thì lớn hơn nhiều và đã chọn nó để thay thế.
Tóm lại, lễ hội Halloween có nguồn gốc từ ngoại giáo và Kitô giáo. Nếu trẻ em muốn sống theo phong tục này, bạn nên giải thích cho chúng hiểu phần khía cạnh Kitô giáo, tên và mối liên hệ giữa Lễ Các Thánh và Lễ Các Đẳng. Bạn cũng có thể đề nghị con cái mình hãy mang tặng một số món ăn mà chúng đã nhận được cho trẻ em nghèo, thông qua một tổ chức từ thiện, để chúng hiểu rằng ngày lễ hội này không phải là một cơ hội để chúng tự nuông chiều bản thân mà là để chia sẻ với người khác.
Uyên Nhi/UBMVGĐ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn