****
Đây đó chúng ta thường nghe xung đột giữa người trẻ và người lãnh đạo Hội Thánh. Đó là chuyện đau lòng mà lỗi dường như thuộc về cả hai. Không chỉ ở Việt Nam, trên thế giới hiện tượng này cũng thường xảy ra. Bởi đó khi gặp gỡ các bạn trẻ, Giáo Hội lắng nghe những xung đột này và cùng với người trẻ tìm hướng đi tốt đẹp hơn. Một thế hệ trẻ dám dấn thân phụng sự Thiên Chúa và một Hội Thánh sẵn sàng đổi mới là kết quả có thể đọc thấy trong Tông Huấn “Đức Kitô sống”.
Giáo Hội được Đức Giêsu, một người Thầy trẻ trung, thiết lập hơn 2000 năm trước. Chừng đó tuổi, Giáo Hội có thời kỳ rơi vào già nua, không muốn thay đổi. Trong bầu không khí “thủ cựu” đó, giới trẻ luôn nhạy cảm nhận ra “dấu chỉ của thời đại”[1]. Họ đòi Giáo Hội đổi mới và khiêm nhường trở về với con đường trẻ trung của Thầy Giêsu. Đến độ, Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi:
“Chúng ta hãy cầu xin Chúa giải thoát Hội Thánh khỏi những kẻ làm cho Hội Thánh già đi, giam cầm Hội Thánh trong quá khứ, giữ Hội Thánh lại hoặc giữ cho Hội Thánh ngừng lại.”[2]
Giam hãm mình trong sự già nua là đẩy mình đến chỗ lụi tàn. Người trẻ không muốn Hội Thánh của Chúa rơi vào thảm cảnh đó.
Trong khi nhiều người muốn Hội Thánh an toàn trong vỏ bọc của cơ cấu và giáo điều, thì “người trẻ có thể giúp giữ cho Hội Thánh trẻ trung. Các em có thể ngăn ngừa Hội Thánh khỏi rơi vào thối nát”. Trước nhiều gương mù, gương xấu trong Giáo Hội, người trẻ thường có hai thái cực:
Chắc chắn người trẻ mong muốn “Giáo Hội không được trở nên loại người lập dị. Mọi người phải cảm thấy chúng ta như bạn bè và hàng xóm, như các Tông Đồ, được sự ưu ái của tất cả mọi người.” (Đức Kitô Sống số 36). Thực tế đây đó, tiếc là khoảng cách của những vị lãnh đạo và người dân còn xa cách. Thật khó để gặp gỡ người mục tử, thật ngại ngùng để người trẻ chạy đến với những vị lãnh đạo trong Giáo Hội.
Một Giáo Hội ra đi, đến những vùng biên cương, đến với mọi người là hành trình Giáo Hội đang làm. Ước gì người trẻ cũng không quá xa lạ với Giáo Hội. Đó là nhà của người trẻ, là sân chơi để gặp gỡ nhau, là không gian thánh thiêng để lãnh nhận các bí tích. Người trẻ cần Giáo Hội “Welcome!” họ, dù họ là ai đi nữa.
Người trẻ rất vui khi Giáo Hội khẳng định rằng:
“Chúng ta phải dám khác biệt, nói lên những lý tưởng khác so với những lý tưởng của thế gian, làm chứng cho vẻ đẹp của lòng quảng đại, phục vụ, trong sạch, kiên trì, tha thứ, trung thành với ơn gọi cá nhân, cầu nguyện, theo đuổi công lý và công ích, tình yêu dành cho người nghèo và tình bằng hữu xã hội.” (Đức Kitô Sống số 36).
Lời xác tín trên đây là giá trị ngàn đời mà Hội Thánh giữ gìn và muốn trao cho mỗi người. Có khi vì những giá trị đó mà Giáo Hội thường bị người đời bắt bớ, loại trừ. Tuy vậy, chính trong năng động đó, chính trong căn tính đó, người trẻ thực sự nhận được sức mạnh để đi cùng với Giáo Hội. Họ thấy đó như những món quà thầy Giêsu trẻ trung trao cho họ. Trong con đường đó, cả người trẻ lẫn Giáo Hội làm chứng cho thế gian và dựng xây Giáo Hội, Xã Hội công bình, bác ái và yêu thương.
Tuổi trẻ luôn nhìn về phía trước, người già hoài niệm về quá khứ. Giáo Hội luôn cần cả hai để đứng vững trong hiện tại. Người lãnh đạo của Giáo Hội gìn giữ đức tin, truyền thống tinh tuyền từ thời Đức Giêsu. Họ muốn trao tất cả giá trị tốt đẹp ấy cho con cháu. Cũng vậy, người trẻ nhìn vào tương lai để thấy những thay đổi lớn lao. Họ muốn Giáo Hội có nhiều cách thế hữu hiệu để giúp người thời đại tìm về chân lý.
Sáng kiến, kế hoạch và chương trình là những điều đi liền với người trẻ. Họ muốn đẩy Giáo Hội đi về phía trước. Do đó thật quý biết bao khi trong giáo xứ, nơi giáo phận còn nhiều người trẻ tham gia vào mọi lãnh vực của Giáo Hội, để cùng Giáo Hội sống với thời đại, bắt nhịp được thời cuộc. Để làm được điều ấy, người trẻ cũng muốn Giáo Hội lắng nghe và cùng chuyện trò.
Cảm ơn nhiều cha xứ, nhiều vị hữu trách trong Giáo Hội luôn mở ra để lắng nghe người trẻ. Đón nhận những sáng kiến, ước mơ và kế hoạch của người trẻ. Cùng nhau nhận định thầy Giêsu muốn gì, và cùng nhau thực hiện. Đó là cách để con thuyền Giáo Hội ra khơi và chạy nhanh.
Vài lần tôi nghe bạn trẻ “tám chuyện” với nhau:
– “Ông cha xứ đó xài toàn hàng hiệu, đi xe sang và chơi với đại gia!”
Đúng hay sai tôi không biết. Nhưng đó là hiện tượng Giáo Hội nhìn nhận là có thật trong thời đại hôm nay. Bởi đó, Giáo Hội trân nhận người trẻ có thể “ngăn cản Hội Thánh khỏi kiêu căng và bè phái, giúp cho Hội Thánh nghèo hơn và làm chứng tốt hơn, đứng về phía những người nghèo và những người bị ruồng bỏ, đấu tranh cho công lý và khiêm tốn để cho mình được thử thách.” Với tâm hồn nhạy cảm trước những vấn đề, thiết tưởng Giáo Hội cần người trẻ chia sẻ với mình. Chính người trẻ có thể mang đến cho Giáo Hội những tiếng nói rất thật, để Giáo Hội nhìn lại mình.
Sau cùng, cả Giáo Hội chân thành cảm ơn những trăn trở của người trẻ dành cho mình. Đúng là người trẻ có những món quà thú vị đòi Giáo Hội trở nên trẻ trung hơn, nhưng không mất căn tính của mình. Người trẻ hạnh phúc khi Giáo Hội nhìn nhận vai trò của mình:
“Những người trẻ có thể mang đến cho Hội Thánh vẻ đẹp của tuổi trẻ khi các em kích thích khả năng của Hội Thánh để vui mừng với những khởi đầu mới, để hiến thân mà không quay đầu trở lại, để canh tân và bắt đầu những cuộc chinh phục mới.”[3]
Cùng nhau lên đường, cùng nhau bước đi, cùng nhau dựng xây và cùng nhau nhận lỗi lầm, để cùng nhau được Thầy Giêsu chúc lành!
Lạy Chúa Giêsu, có khi người trẻ chúng con không đủ kiên nhẫn để chờ Giáo Hội đổi thay. Chúng con muốn giáo Hội làm nhiều thứ, nhưng chính chúng con lại không cộng tác. Có người thích thuộc nhóm “NATO–No action, talk only”, hơn là tra tay cùng với Giáo Hội đổi mới. Xin giúp cho người trẻ chúng con biết cách chia sẻ với Giáo Hội. Xin đừng để chúng con đứng ngoài Giáo Hội. Ngược lại, dù trong hoàn cảnh nào, chúng con cùng chung chia một sứ mạng, những vui buồn của Giáo Hội. Vì nơi đó, Ngài đang hoạt động và chờ đợi chúng con cộng tác. Amen.
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
[1] Đây là cụm từ khá mới trong Giáo Hội. Trong giới trẻ lại càng lạ toanh. Theo từ điển Công giáo: Dấu chỉ thời đại là những sự kiện hay hiện tượng văn hóa xã hội, nói lên tính chất đặc thù của thời đại, cho thấy khát vọng và nhu cầu của con người, qua đó bày tỏ sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa.” Theo đó, Đức Phaolô VI, trong thông điệp đầu tiên của mình, Ecclesiam suam, ngài nói: “Phải kích thích trong Giáo Hội sự chờ đợi trong sự tỉnh thức kiên trì đối với những dấu chỉ thời đại. . . xác nhận tất cả những sự vật và gìn giữ điều gì là tốt trong mọi thời cũng như trong mọi hoàn cảnh.”
[2] Đức Kitô Sống, số 35.
[3] Đức Kitô Sống số 37.
Nguồn tin: dongten.net:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn