* Tin Mừng: Lc 10, 25-37
Khi ấy, có một người thông luật đứng dậy hỏi thử Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời”. Người nói với ông: “Trong Lề luật đã chép như thế nào? Ông đọc thấy gì trong đó?” Ông trả lời: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh em như chính mình”. Chúa Giêsu nói: “Ông đã trả lời đúng, hãy làm như vậy và ông sẽ được sống”. Nhưng người đó muốn bào chữa mình, nên thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Nhưng ai là anh em của tôi?” Chúa Giêsu nói tiếp: “Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, và rơi vào tay bọn cướp; chúng bóc lột người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ một tư tế cũng đi qua đường đó, trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua. Cũng vậy, một trợ tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua. Nhưng một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương. Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa mình, đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau, lấy ra hai quan tiền, ông trao cho chủ quán mà bảo rằng: ‘Ông hãy săn sóc người ấy và ngoài ra, còn tốn phí hơn bao nhiêu, khi trở về, tôi sẽ trả lại ông’. Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?” Người thông luật trả lời: “Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy”. Và Chúa Giêsu bảo ông: “Ông cũng hãy đi và làm như vậy”.
* Suy niệm
Con người được dựng nên bởi Đấng là Tình Yêu, được khuôn đúc theo hình ảnh của Tình Yêu, nên con người hướng về Tình Yêu như hoa hướng dương quay về phía mặt trời. Con người chỉ thật là mình khi biết yêu thương. “Hãy yêu người thân cận như chính mình”.
1. Người thân cận của tôi là mọi người đang cần đến tôi, là người hôm nay tình cờ tôi gặp trên đường, là người gần tôi vì tôi đã đến gần người ấy, cúi xuống và phục vụ. Khi tôi đến gần bất cứ ai mà phục vụ, tôi biến mình thành người thân cận của họ. Chẳng ai là xa lạ với tôi, nếu tôi không tránh họ như hai thầy Lê-vi và Tư Tế.
2. Người thân cận với tôi không chỉ là người cùng nhà, cùng nhóm, cùng tôn giáo, cùng quê hương, cùng lý tưởng. Người thân cận với tôi không phải là một ý niệm trừu tượng nhưng là bà mẹ già gần bên, là người bạn chung phòng, là người hàng xóm mà tôi phải chịu đựng, là tất cả những ai đã và đang làm tôi đau khổ.
3. Tất cả đều có thể được tôi yêu thương và trở nên người thân cận của tôi. Tình yêu là một phép mầu chỉ cần tôi dám bước tới, xích lại và cúi xuống là người lạ nên quen, người xa nên gần, kẻ thù nên bạn. Khoảng cách được lấp đầy, những rào chắn phút chốc sụp đổ.
4. Nhưng yêu không phải là chuyện dễ. Lúc nào cũng có lý do để né tránh yêu thương. Thầy tư tế và Lêvi đều tránh qua một bên mà đi. Phải chăng họ sợ bị ô nhơ nếu đụng nhằm xác chết? Phải chăng họ sợ bọn cướp vẫn còn ở đâu đây? Những nỗi sợ làm người ta bỏ đi.
5. Chấp nhận là đến gần và cúi xuống, là liều lĩnh và trả giá. Cuộc hành trình bị chậm lại, chương trình phải thay đổi. Tiền bạc, thời giờ, công sức là những điều phải trao đi. Tất cả chỉ vì chạnh lòng thương, vì con tim biết nhói đau trước nỗi khổ của người khác.
Tình yêu thực sự bao giờ cũng cụ thể: chấp nhận cả tay và người bị dơ bẩn lấm lem, chấp nhận gặp rắc rối, xáo trộn và nguy hiểm, vì Tình Yêu đòi hiến trọn con người.
Cần đón lấy nguồn Tình Yêu Thiên Chúa đổ vào tim ta (x. Rm 5,5) để tim ta trở nên mênh mông và quảng đại, để ta thi hành được điều Chúa nói: “Ông hãy đi và cũng hãy làm như vậy”.
Lm. Sta-nít-la-ô Nguyễn Đức Vệ
Nguồn tin: tonggiaophanhue.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn