Từ lâu, vấn đề bạo hành và bóc lột phụ nữ đã được đưa ra thảo luận trong các hội nghị của các tổ chức xã hội và tôn giáo, nhưng dường như hiện tượng này vẫn không giảm. Theo bà Elisabetta Giordano, Chủ tịch Hiệp hội “TraLeDonne - Giữa các Phụ nữ”, thúc đẩy xã hội dành cho phụ nữ, được truyền cảm hứng từ câu Kinh Thánh “Em được chúc phúc hơn mọi người nữ” (Lc 1, 42), bạo hành phụ nữ không thể chấp nhận được, cần phải thay đổi văn hoá. Thực tế, phần lớn các vụ bạo hành diễn ra trong chính gia đình, vì thế không thể thống kê một cách chính xác.
Giáo hội Công giáo, cụ thể là Đức Thánh Cha rất thường xuyên lên án bạo hành và bóc lột phụ nữ, nhắc lại phẩm giá ngang bằng giữa phụ nữ với nam giới và quyền của nữ giới trong Giáo hội và xã hội.
Vào năm 2019, khi viết phần giới thiệu cho sách của cha Aldo Buonaiuto, thuộc cộng đoàn Gioan XXIII, tựa đề “Các phụ nữ bị đóng đinh. Nỗi hổ nhục của nạn buôn người được kể lại từ đường phố”, Đức Thánh Cha kể lại: “Vào một ngày thứ Sáu trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, tôi đã vào thăm một nhà tiếp đón của Cộng đoàn Gioan XXIII, tôi đã không nghĩ rằng mình tìm thấy trong đó các phụ nữ bị hạ nhục, bẻ gãy và thử thách đến như thế. Họ thực là các chị em bị đóng đinh. Trong căn phòng nơi tôi đã gặp gỡ các thiếu nữ được giải thoát khỏi nạn buôn người và bị bắt buộc mại dâm, tôi đã hít thở tất cả nỗi đớn đau, sự bất công và hậu quả của bạo lực đàn áp. Một dịp để sống trở lại các vết thương của Chúa Kitô. Sau khi lắng nghe các lời kể cảm động và vô cùng nhân bản của các chị em phụ nữ đáng thương này, có vài người bế con nhỏ trên tay, tôi đã cảm thấy ước muốn mạnh mẽ, hầu như là một đòi buộc phải xin lỗi họ vì những tra tấn họ đã phải chịu từ các khách, mà trong số đó nhiều người tự xác định mình là Kitô hữu. Đây là một thúc đẩy khác nữa phải cầu nguyện cho việc đón tiếp các nạn nhân của nạn buôn người cưỡng bách mại dâm và của bạo lực”.
Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa 13/4/2020 giữa đại dịch, Đức Thánh Cha lưu ý đến các phụ nữ đang ở trong nhà với gia đình, trẻ em, người già và người khuyết tật, đôi khi, họ có nguy cơ bị bạo hành vì hoàn cảnh sống mà trong đó họ phải mang một gánh nặng quá lớn.
Đức Thánh Cha đã dành ý cầu nguyện của ngài trong tháng 02/2021 cho các phụ nữ là nạn nhân của bạo hành: “Xin cho xã hội biết bảo vệ các phụ nữ nạn nhân của bạo hành, đồng thời quan tâm đến những đau khổ của họ và lắng nghe lời họ kêu cứu”.
Ngày 08/02/2022 vừa qua, Ngày Thế giới cầu nguyện và suy tư chống nạn buôn người lần thứ 8, với chủ đề “Sức mạnh của sự chăm sóc. Phụ nữ, kinh tế và nạn buôn người”, Đức Thánh Cha đã gửi sứ điệp video, trong đó ngài khen ngợi nhiều phụ nữ can đảm dám đứng lên chống lại bạo lực, và mời gọi tất cả mọi người cũng làm như vậy, nói không với mọi hình thức bạo lực. Ngài nói: “Hãy để cho sự phẫn nộ tiếp tục sống trong mỗi người. Không sợ khi đối diện với sự ngạo mạn của bạo lực, và không khuất phục trước nạn tham nhũng tiền bạc và quyền lực”.
Để giải quyết vấn đề đôi khi trở nên nghiêm trọng về bạo hành trong gia đình, trong Tông huấn Amoris Laetitia - Niềm vui của Tình yêu, ở số 241 Đức Thánh Cha viết: “Trong một vài trường hợp, xét thấy nhân phẩm của mình và thiện ích của con cái cần được bảo vệ yêu cầu ta phải đưa ra một giới hạn chắc chắn trước những đòi hỏi quá đáng của người kia, trước một bất công nghiêm trọng, trước sự bạo hành hoặc thường xuyên thiếu tôn trọng từ phía người kia. Cần phải nhìn nhận rằng có những trường hợp việc li thân là không thể tránh khỏi. Đôi khi điều đó trở nên thậm chí là cần thiết xét về mặt luân lý, khi đó là cách để giải thoát người phối ngẫu yếu thế hơn, hoặc tránh cho những đứa con nhỏ khỏi bị thương tổn nghiêm trọng nhất do sự chuyên chế và bạo hành, và do sự khinh khi và bóc lột, do sự thiếu quan tâm và thờ ơ”.
Trở lại với bà Elisabetta Giordano, Chủ tịch Hiệp hội “TraLeDonne-Giữa các Phụ nữ”. Hãng tin Công giáo Thuỵ Sĩ đã có một cuộc phỏng vấn dành cho bà về vấn đề này.
Thưa bà, “TraLeDonne” là một hiệp hội được truyền cảm hứng từ Kitô giáo, mới ra đời gần đây (2020) nhưng đã có nhiều sáng kiến. Bà là người sáng lập, tại sao bà lại được thôi thúc thành lập hiệp hội hỗ trợ phụ nữ là nạn nhân của bạo lực?
Ý tưởng xuất phát từ cuộc sống, kinh nghiệm bản thân và kiến thức sâu rộng, trong 23 năm qua, về những câu chuyện của những phụ nữ đang sống hoặc đã trải qua nỗi đau khổ lớn do không được yêu thương, bị bạo hành tâm lý hoặc thể xác, làm cho tâm hồn tôi rộng mở. Chúng ta biết rằng một phần ba phụ nữ ở châu Âu là nạn nhân của bạo hành, điều này có nghĩa là ở châu Phi hay châu Á, tình trạng phụ nữ bị bạo hành còn nghiêm trọng hơn.
Do đó, ở nguồn gốc, có một kinh nghiệm đau đớn được Lời Chúa soi sáng. Một ngày trong năm 2019, trong lúc cầu nguyện, lời Kinh Kính Mừng vang lên trong tôi theo một cách mới: Em được chúc phúc hơn mọi người nữ. Đó là một khám phá tuyệt vời: Đức Maria đã được tình yêu Thiên Chúa đặt một cách đặc biệt giữa những người phụ nữ chúng tôi. Và lúc đó bản văn sách Sáng thế cũng trở nên mới trong tôi, người phụ nữ nói: “con rắn đã lừa dối con”. Người phụ nữ không nói dối và vì lý do này, Thiên Chúa đã quay sang nguyền rủa con rắn: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy”. Ngày hôm đó, tôi cảm nhận được cái nhìn quý mến và tin cậy của Thiên Chúa dành cho phụ nữ: chiến thắng trước cái ác dưới mọi hình thức đã được đặt trong tay họ, trong tay chúng ta. Thật vậy, một pháo đài trong tôi cũng sụp đổ. Pháo đài được tạo từ những phán xét, định kiến được xây dựng qua nhiều thế kỷ đã làm đảo lộn hình ảnh người phụ nữ và phẩm giá cao quý của họ.
Thưa bà, Hiệp hội “TraLeDonne” cùng với các sáng kiến khác đã đưa ra một nơi lắng nghe đầu tiên cho phụ nữ nạn nhân của lạm dụng. Đã lắng nghe nhiều câu chuyện của các phụ nữ, bà có ý kiến gì về các hiện tượng này? Đâu là nguyên nhân gốc rễ của nó?
Đúng vậy, không gian lắng nghe và định hướng này ra đời bởi vì chúng tôi hiểu rằng bạo hành là phần nổi của tảng băng chìm mà nguồn gốc của nó là văn hóa từ ngàn năm, tiếc là vẫn còn dai dẳng, bị đánh dấu bởi sự ích kỷ, kiêu ngạo của những kẻ muốn thực hiện quyền lực, chiếm ưu thế - trong trường hợp này là của một số người nam đối với một số phụ nữ - để không cho phép người phụ nữ thể hiện chính mình. Trong nền văn hóa lâu đời này, phụ nữ bị xem là đồ sở hữu, thứ cần được khuất phục, chinh phục, thúc đẩy, dạy dỗ và uốn nắn theo sở thích của mỗi người. Đối với phụ nữ, những người nam này trút bỏ sự tức giận, lo lắng, thô lỗ, và hậu quả không thể tránh khỏi của một lương tâm không được huấn luyện, một nền đạo đức chưa phát triển. Chính vì văn hóa này mà các gia đình trở thành nhà tù. Nhưng để gieo những hạt giống cho một nền văn hóa mới, chúng ta không thể làm một mình. Đây là lý do tại sao sự liên kết, không gian lắng nghe và kết nối của chúng tôi với các mạng cục bộ.
Đâu là những yêu cầu của một nạn nhân bị lạm dụng cũng như sự phản kháng trong lúc trải qua bi kịch?
Sự phản kháng xảy ra thường là vì họ không muốn chấp nhận chứng kiến dự án cuộc sống và hạnh phúc của chính họ, của con cái và cả bạn đời của họ bị sụp đổ. Vì thế, có cả một hành trình phải làm và cần có sự đồng hành. Trong lúc đó, họ cần một người an ủi, một người tin tưởng để tìm được sức mạnh thoát ra khỏi bạo lực.
Bà nhấn mạnh nhiều đến vấn đề đào tạo những người đồng hành với các phụ nữ bị tổn thương, tại sao điều đó quan trọng?
Việc đào tạo rất cần thiết, không chỉ cho các nhân viên, nhưng quan trọng và không thể thiếu cho các chuyên gia trong lĩnh vực này, cho các nhà trị liệu, các luật sư, thẩm phán, nhân viên xã hội, các giáo viên. Ví dụ như cần phải biết Công ước quốc tế Istanbul quy định rằng trong trường hợp bạo lực gia đình, thì hoà giải sẽ không đem lại điều hữu ích cho vợ chồng, nếu bạo lực chưa được chấm dứt. Một ví dụ khác: Tại Ý, từ quan điểm điều tra, tội phạm bạo lực phụ nữ và mafia giống nhau, nghĩa là khi nhận được tố cáo liên quan đến bạo lực phụ nữ, cách thức xử lý của cảnh sát phải tiến hành giống như đối với tội phạm về mafia.
Theo bà, trong Giáo hội cần phải có sự đào tạo nhiều hơn để có thể gần gũi cụ thể với các khó khăn này không?
Chắc chắc là cần, bởi vì tất cả chúng ta là thực thể xã hội, và tất cả những gì tôi nói ở trên đều áp dụng đối với linh mục, tu sĩ và giáo dân, những người làm việc trong lĩnh vực gia đình. Chúng ta hãy tính xem có bao nhiêu bài giảng, bí tích Hoà giải và giáo xứ, phong trào Giáo hội, là những cơ cấu gần gũi về mặt địa lý, có thể can thiệp đến những đau khổ của bạo lực và là những nơi đầu tiên có thể ngăn chặn và hướng dẫn cho một phụ nữ đi đúng hướng. Các thực thể này không nhất thiết phải khuyên phụ nữ phải “cắn răng chịu đựng” và tiếp tục tha thứ, bởi vì những ưu tiên và cuộc sống của phụ nữ xét như là con người, là thánh thiêng, và vì không để cho những đứa trẻ phải bị bệnh tâm thần do những gì các em chứng kiến trong bầu khí bạo lực gia đình.
Tông huấn Amoris Laetitia quan tâm đến việc chỉ ra những con đường để đồng hành với các phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình. Trong số 241 nói về li thân như một giải pháp cuối cùng, tại sao đối với bà điều này cần phải biết đến và hiểu rõ?
Số 241 mở đầu bằng cách nói rằng cần phải “đưa ra một giới hạn chắc chắn trước những đòi hỏi quá đáng của người kia”. Và số này tiếp tục: “Cần phải nhìn nhận rằng có những trường hợp việc li thân là không thể tránh khỏi. Đôi khi điều đó trở nên thậm chí là cần thiết xét về mặt luân lý”. Điều này mang tính giáo dục nhưng cũng là sự giải thoát, bởi vì chúng ta không thể luôn lặp đi lặp lại rằng chúng ta phải tha thứ và không công bố công khai… Tất nhiên, chúng ta phải tha thứ, phải kín đáo, nhưng với một giới hạn. Khi chúng ta đã nỗ lực làm mọi cách hợp lý nhưng đều tỏ ra vô hiệu, lúc này cần đưa ra một giới hạn. Có một thuật ngữ chính trong số 241 của Tông huấn nói “một giới hạn chắc chắn trước những đòi hỏi quá đáng của người kia”. Điều này có nghĩa là chúng ta là những người nam và những người nữ, chúng ta muốn công bằng là biểu hiện đầu tiên của bác ái, đồng thời kiểm chứng và làm cho bác ái trở nên đáng tin. Ở đây, không có xung đột giữa công bằng và bác ái, nhưng tất cả điều này phải được hiểu rõ.
Nguồn tin: www.vaticannews.va
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn