Sứ điệp Ngày Thế giới Cầu Nguyện Cho Ơn Gọi

Thứ ba - 28/04/2020 07:42
Đức Thánh Cha mời gọi toàn Dân Chúa khám phá với lòng biết ơn lời mời gọi của Chúa, tìm thấy sự can đảm để thưa “vâng”, vượt qua sự mệt mỏi và hiến dâng cuộc sống, như bài ca ngợi khen Thiên Chúa, vì anh chị em và cho toàn thế giới.
Sứ điệp ngày ơn gọi 2020
Sứ điệp ngày ơn gọi 2020

Hồng Thủy - Vatican

4 từ khóa của ơn gọi

Trong sứ điệp nhân lần thứ 57 Ngày Thế giới cầu nguyện cho ơn gọi, được công bố hôm qua 24/03, Đức Thánh Cha nhắc lại 4 từ khóa mà ngài đã đề cập đến trong thư gửi các linh mục vào tháng 8 năm ngoái; đó là: đau khổ, biết ơn, can đảm và ngợi khen.

Những từ này được Đức Thánh Cha suy tư từ đoạn Tin Mừng nói về kinh nghiệm của Chúa Giê-su và thánh Phê-rô trên hồ Ti-bê-ri-a, được thuật lại trong Tin mừng thánh Mát-thêu (x.14,22-33).

Biết ơn

Đức Thánh Cha nói từ đầu tiên của ơn gọi là lòng biết ơn, bởi vì “trên tất cả, nó là lời đáp lại tiếng gọi của Đấng Tối Cao.” Chính Thiên Chúa chỉ hướng, và trước đó nữa, Ngài ban cho chúng ta can đảm để bước lên con thuyền cuộc sống, Ngài đồng hành, chỉ đường.

Can đảm

Như các môn đệ, điều ngăn cản chúng ta bước đi chính là những bóng ma trong trái tim chúng ta, bóng ma của nghi ngờ. Ơn gọi này có dành cho tôi không? Tôi có đi đúng đường không? Chúa có muốn tôi đi con đường này không? Chúa biết những câu hỏi, những nghi ngờ và Ngài ban cho chúng ta sức mạnh để thực hiện những chọn lựa nền tảng của cuộc sống. Niềm tin vào sự hiện diện của Ngài đồng hành với chúng ta khi gặp song gió và nản chí.

Sự mệt mỏi

Từ khóa thứ ba Đức Thánh Cha đề cập đến là sự mệt mỏi. Mỗi ơn gọi đòi có sự dấn thân để phục vụ Tin Mừng và chúng ta có thể mệt mỏi sợ hãi. Ngay cả trong yếu đuối khốn khổ, đức tin cho phép chúng ta bước đi gặp Đấng Phục Sinh và chiến thắng những giông bão. Khi chúng ta mệt mỏi hay sợ hãi Ngài giơ tay nâng đỡ và ban cho chúng ta động lực cần thiết để sống ơn gọi vui tươi và nhiệt thành.

Ngợi khen

Cuối cùng, dù giữa những sóng gió, cuộc sống của chúng ta là lời ngợi khen, như thái độ nội tâm của Mẹ Maria: biết ơn Chúa đã nhìn đến thân phận của mình, Mẹ tin tưởng phó thác các sợ hãi bất an cho Chúa và với lòng can đảm, Mẹ đón nhận lời mời gọi và Mẹ đã biến cuộc đời thành lời ngợi khen Thiên Chúa. (REI 24/03/2020)

Nguyên văn Sứ điệp

Anh chị em thân mến!

Ngày 04 tháng 08 năm ngoái, kỷ niệm 160 năm Thánh Curato thành Ars qua đời, cha đã viết một Tông thư gởi các Linh Mục rằng mỗi ngày họ đã tiêu hao sự sống mình cho lời mời gọi mà Thiên Chúa đã gọi mời họ phục vụ Dân Thiên Chúa.

Trong dịp ấy, cha đã chọn bốn từ khóa - đau khổ, biết ơn, can đảm và chúc tụng – để cám ơn các linh mục và nâng đỡ sứ mạng của họ. Nhân ngày quốc tế cầu nguyện cho ơn gọi lần thứ 57, Cha lặp lại hôm nay những lời ấy và hướng về toàn thể Dân Chúa, dựa trên đoạn Tin Mừng kể về kinh nghiệm đã xảy ra với Chúa Giêsu và Phêrô trong đêm tối giông bão giữa biển hồ Tiberia (Mt 14, 22 – 33).

Sau lần hóa bánh ra nhiều, đám đông trở nên đầy nhiệt huyết, Chúa Giêsu bảo các môn đệ lên thuyền và chèo qua bờ bên kia, trong khi Ngài giải tán đám đông. Hình ảnh băng qua biển hồ, trong cách thức nào đó, gợi lên hành trình hiện hữu của chúng ta. Thật vậy, con thuyền cuộc đời chúng ta tiến lên cách chậm rãi, luôn luôn bồn chồn vì tìm kiếm một bến đỗ hạnh phúc, sẵn sàng đối diện với những rủi ro và những cơ hội của biển cả, nhưng cũng khao khát đón nhận từ nơi người cầm lái một lối rẽ cuối cùng đưa tới một nơi đúng đắn.   

Tuy nhiên, lắm khi, có thể xảy ra lạc lối, để mình bị sai lầm bởi những ảo tưởng, trái lại là đi theo ngọn hải đăng chiếu sáng, dẫn đưa đến bến cảng an toàn hoặc là bị thách thức bởi những luồng gió trái ngược của những khó khăn, của những nghi ngờ và của sợ hãi.

Cũng xảy ra như thế trong trái tim của những môn đệ, những người được mời gọi đi theo Người Thầy Nazareth, họ phải quyết định qua bờ bên kia, chọn lựa với sự can đảm bỏ lại những chắc chắn và bước theo Người. Cuộc mạo hiểm này không an lành: đêm đến, những cơn gió ngược, thuyền bị ném quay cuồng bởi sóng biển, nỗi sợ không thể làm gì được và không thể đứng vững trong lời mời gọi, những rủi ro áp đảo họ.

Tuy nhiên, Tin Mừng nói với chúng ta rằng trong cuộc mạo hiểm của hành trình không dễ dàng này, chúng ta không đơn độc. Thiên Chúa, hầu như buộc mặt trời mọc vào giữa đêm đen, Ngài bước đi trên mặt nước giông tố và đến với các môn đệ, Ngài mời Phêrô đến với Ngài trên sóng biển, Ngài đã cứu ông khi thấy ông gần chìm và cuối cùng cả hai leo lên thuyền và làm cho sóng gió yên lặng.

Lời đầu tiên của ơn gọi là biết ơn. Lướt sóng hướng về con đường đúng không phải là một bổn phận chỉ được trao cho những nỗ lực của chúng ta, cũng không chỉ phụ thuộc vào những quãng đường mà chúng ta đã chọn. Tương quan của chính chúng ta và của những chương trình cuộc đời chúng ta không là kết quả toán học của những điều mà chúng ta quyết định trong “cái tôi” đơn độc; ngược lại, trước hết là sự đáp trả lời mời gọi đến từ Đấng Tối Cao. Chính Thiên Chúa, Ngài chỉ cho chúng ta bờ biển mà chúng ta tiến về đó; trước đó nữa, Ngài ban cho chúng ta ơn can đảm để bước lên thuyền: chính Ngài, trong khi mời gọi chúng ta, Ngài cũng là người cầm lái của chúng để đồng hành với chúng ta, chỉ cho chúng ta hướng đi, Ngài cản trở để chúng ta khỏi vướng vào những tảng đá của sự do dự và làm cho chúng ta có khả năng bước đi trên những làn nước âu lo.

Mỗi ơn gọi được sinh ra từ cái nhìn yêu thương, với cái nhìn ấy Thiên Chúa đến gặp chúng ta, có lẽ khi chính con thuyền của chúng ta đang trong cơn bão tố. “Hơn hết sự lựa chọn của chúng ta là đáp trả lời mời gọi nhưng không của Thiên Chúa” (Thông thư gởi các Linh Mục, ngày 04 tháng 9 năm 2019); bởi đó chúng ta sẽ có khả năng khám phá lời mời gọi ấy và ủ ấp nó, khi trái tim chúng ta mở ra với lòng biết ơn và biết đón nhận Thiên Chúa đi ngang qua cuộc đời ta.
Khi các môn đệ thấy Chúa Giêsu đang đi trên mặt nước đến gần họ, họ nghĩ ngay đến ma và họ sợ hãi. Nhưng ngay tức khắc Chúa Giêsu củng cố họ với một lời, lời ấy phải luôn đồng hành với cuộc sống chúng ta và hành trình ơn gọi của chúng ta: “Can đảm lên, chính Thầy đây, các con đừng sợ hãi!” (c. 27). Đây chính là từ thứ hai cha muốn nói với các con: can đảm.

Điều thường cản trở chúng ta bước đi, lớn lên, chọn lựa con đường Thiên Chúa vạch ra cho chúng ta, đó là những bóng ma đang hành động trong trái tim chúng ta. Khi chúng ta được mời gọi bỏ lại bến bờ an toàn và ôm ấp một trạng thái của cuộc sống – như đời sống hôn nhân gia đình, như đời sống linh mục, đời sống thánh hiến -, phản ứng đầu tiên thường biểu hiện qua “bóng ma nghi ngờ”: ơn gọi này không thể dành cho tôi; Đó có thực sự là con đường đúng đắn? Thiên Chúa muốn điều này cho tôi ư?

Và, vâng, vâng, tất cả những cân nhắc này cứ lớn mạnh trong chúng ta, những biện minh và những cân nhắc làm cho chúng ta mất động lực, chúng làm chúng ta bối rối và bị tê liệt ở bờ biển khởi hành: chúng ta cho rằng chúng ta đã làm một sai lầm, đã không sống đúng, đã nhìn một cách đơn giản con ma cần phải xua đuổi đi.  

Thiên Chúa biết rằng sự lựa chọn căn bản của cuộc sống – như chọn đời sống hôn nhân gia đình hay chọn đời sống thánh hiến – cần sự can đảm. Ngài biết những câu hỏi, những nghi vấn và những nghi ngời ấy xoay vần con thuyền trái tim chúng ta và bởi vậy, Ngài trấn an chúng ta: “Các con đừng sợ, Ta ở với các con”. Tin vào sự hiện diện của Ngài, Ngài đến gặp chúng ta và đồng hành cùng chúng ta, ngay cả khi biển đầy bão tố, Ngài giải thoát chúng ta khỏi tính biếng nhác mà cha đã định nghĩa là “nỗi buồn ngọt ngào” (Tông thư gởi các Linh Mục, ngày 04 tháng 8 năm 2019), nghĩa là sự chán nản nội tâm, nó đóng băng chúng ta và không cho phép chúng ta cảm nếm vẻ đẹp của ơn gọi.

Trong Tông thư gởi cho các Linh Mục, cha cũng nói đến đau khổ, nhưng ở đây cha muốn giải thích một cách khác và muốn nói đến sự vất vả. Ơn gọi bao hàm sự dấn thân. Thiên Chúa mời gọi chúng ta bởi vì muốn làm cho chúng ta trở nên như Phêrô, có khả năng “đi trên mặt nước”, nghĩa là nắm lấy trong tay cuộc sống của chúng ta và dấn thân phục vụ Tin Mừng, trong những cách thức cụ thể và thường ngày mà Ngài trao cho chúng ta, và một cách đặc biệt trong nhiều hình thức của ơn gọi giáo dân, linh mục và thánh hiến. Nhưng chúng ta giống vị Tông Đồ: chúng ta có thao thức và động lực, đồng thời chúng ta cũng yếu đuối và sợ hãi.

Nếu chúng ta để mình bị áp đảo bởi những suy nghĩ về trách nhiệm đang chờ đợi chúng ta – trong đời sống hôn nhân gia đình và trong đời sống linh mục – hoặc những nghịch cảnh, thì chúng ta sẽ sớm rời khỏi ánh mắt của Chúa Giêsu, như Phêrô, có nguy cơ bị chìm. Ngược lại, ngay cả trong những yếu đuối và nghèo khó của chúng ta, đức tin cho phép chúng ta đi đến gặp gỡ Đấng Phục Sinh và chiến thắng ngay cả giông tố. Thật vậy, Ngài nắm tay chúng ta, khi vì mệt mỏi hay vì sợ hãi chúng ta có nguy cơ chìm và Ngài trao cho chúng ta động lực cần thiết để sống ơn gọi chúng ta với niềm vui và lòng hăng say.

Cuối cùng, khi Chúa Giêsu leo lên thuyền, gió ngừng và sóng biển dịu đi. Đó là hình ảnh thật đẹp về điều Thiên Chúa làm trong cuộc sống chúng ta và trong những hỗn hoạn của lịch sử, đặc biệt khi chúng ta ở giữa cơn bão tố: Ngài ra lệnh cho những cơn gió ngược im lặng và sức mạnh của sự dữ, của sợ hãi, của sự yếu nhược không còn quyền lực trong chúng ta.

Trong ơn gọi đặc biệt mà chúng ta được mời gọi sống, những cơn gió này làm chúng ta kiệt sức. Cha nghĩ đến những người, họ đang đảm nhận những công việc quan trọng trong xã hội, nghĩ đến những người kết hôn, không phải ngẫu nhiên mà cha thích định nghĩa họ là “những người can đảm”, và đặc biệt nghĩ đến những người sống đời thánh hiến và các linh mục. Cha biết những vất vả của họ, sự đơn độc lắm khi đè nặng trái tim họ, sự rủi ro của thói quen dần dần dập tắt ngọn lửa bừng cháy của lời mời gọi, gánh nặng của sự không chắc chắn và của sự bấp bênh của thời đại chúng ta, sự sợ hãi về tương lai. Can đảm lên, các con đừng sợ! Chúa Giêsu bên cạnh chúng ta, nếu chúng ta nhận biết Ngài là Thiên Chúa duy nhất của cuộc sống chúng ta, Ngài nắm lấy tay chúng ta, nắm lấy chúng ta để cứu chúng ta.

Và vì thế, ngay cả ở giữa cơn bão tố, cuộc sống chúng ta cũng mở ra với lời chúc tụng. Đó là lời cuối cùng của ơn gọi và cũng là lời mời gọi vun trồng thái độ nội tâm của Mẹ Maria Rất Thánh: biết ơn về ánh mắt của Thiên Chúa dành cho Mẹ, trao phó trong niềm tin những sợ hãi và bối rối, ôm ấp lời mời gọi với sự can đảm, Mẹ đã làm cho cuộc sống Mẹ trở thành bài ca bất tận ca tụng Thiên Chúa.

Anh chị em thân mến, đặc biệt trong Ngày này, nhưng cũng trong các hoạt động mục vụ hằng ngày của cộng đoàn, cha ao ước rằng Giáo Hội nên đi theo con đường này để phục vụ ơn gọi, mở ra những ngóc nghách trong trái tim của mỗi tín hữu, để mỗi người có thể khám phá ra với lòng biết ơn lời mời gọi của Thiên Chúa đang hướng về họ, tìm thấy sự can đảm để đáp tiếng “xin vâng”, chiến thắng những khó nhọc trong niềm tin vào Đức Kitô và cuối cùng họ dâng hiến đời sống họ như một bài ca ca tụng dành cho Thiên Chúa, dành cho anh chị em và cho toàn thế giới. Nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria đồng hành cùng chúng ta và cầu bầu cho chúng ta.

Roma, Đền Thánh Gioan Laterano, ngày 08 tháng 03 năm 2020, Chúa Nhật II Mùa Chay

Đức Thánh Cha Phanxico

Nguồn tin: www.vaticannews.va

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây