14-8: Thánh Massimiliano-Maria Kolbe: Tình Yêu Tự Hiến
Thứ sáu - 13/08/2021 14:13
Khi tắt thở ngày 14-8-1941, Cha Massimiliano-Maria Kolbe hưởng dương 47 tuổi và là tù nhân với ký số 16.670. Tù nhân được Cha Kolbe hiến mạng chết thay là trung sĩ Franciszek Gajowniczek - tù nhân dưới ký số 5.659 - năm ấy đúng 40 tuổi, có vợ và hai con.
Thứ hai ngày 13-3-1995, cụ già Franciszek Gajowniczek trút hơi thở cuối cùng tại Brezeg, miền Nam nước Ba Lan, hưởng thọ 94 tuổi. Cụ là người được Cha thánh Massimiliano-Maria Kolbe (1894-1941) thế mạng để cứu sống trong thời thế chiến thứ hai 1939-1945. Câu chuyện xảy ra như sau.
Một ngày cuối tháng 7 năm 1941, nơi khu 14 của trại tù đức-quốc-xã ở Auschwitz, bên Ba Lan, một tù nhân trốn khỏi trại. Theo luật trại: ”Cứ một tù nhân vượt ngục, thì 10 tù nhân khác cùng khu phải chết thay”. 10 tù nhân này sẽ bị đưa vào hầm và bị bỏ đói đến chết.
10 tù nhân trong khu 14 bị gọi tên ”đền mạng”. Trong bầu khí im lặng hãi hùng, một tiếng khóc thất vọng não nề vang lên:
- Chúa ơi, con không bao giờ còn được trông thấy mặt vợ hiền và các con của con nữa! Tức khắc, trong đám tù nhân khu 14, một tù nhân rời khỏi hàng ngũ, tiến về phía viên chỉ huy người Đức tên Fritsch. Fritsch giơ cao họng súng vừa đe dọa vừa quát lớn:
Đứng lại! Ông muốn gì? Tù nhân thưa:
Tôi muốn chết thay cho một trong các tù nhân bị kết án tử này! Viên chỉ huy Đức kinh ngạc hất hàm hỏi:
Tại sao?
Vị tù nhân vừa giơ tay chỉ vào người đàn ông khóc lóc thảm thiết ban nãy vừa trả lời:
Bởi vì tôi độc thân, còn ông ta lập gia đình và có con cái! Viên chỉ huy người Đức hỏi thêm:
Ông là ai?
Tù nhân trả lời:
- Tôi là Linh Mục Công Giáo!
Mọi người im lặng nín thở. Viên chỉ huy Đức thật sự sững sờ, lúng túng. Ông tránh vội cái nhìn như bốc cháy ngọn lửa tình yêu của vị Linh Mục Công Giáo. Ông đáp cộc cốc:
- Được!
Vị Linh Mục Công Giáo đó chính là Cha Massimiliano-Maria Kolbe, dòng Phanxicô Viện-Tu, người Ba Lan.
Cha Kolbe còn là vị tông đồ nhiệt thành truyền bá lòng sùng kính Đức Nữ Trinh Rất Thánh MARIA, Vô Nhiễm Nguyên Tội và Vẹn Tuyền Chí Thánh. Lúc sinh thời, có lần Cha Kolbe nói tiên tri:
- Sẽ có một ngày quý vị trông thấy bức tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm đứng giữa trung tâm thủ đô Moscou, trên tường thành cao nhất của điện Cẩm Linh.
Khi tắt thở ngày 14-8-1941, Cha Massimiliano-Maria Kolbe hưởng dương 47 tuổi và là tù nhân với ký số 16.670. Tù nhân được Cha Kolbe hiến mạng chết thay là trung sĩ Franciszek Gajowniczek - tù nhân dưới ký số 5.659 - năm ấy đúng 40 tuổi, có vợ và hai con.
Ông Franciszek Gajowniczek sống sót, mặc dù phải chịu không biết bao nhiêu khốn cực của trại tập trung Auschwitz. Khi chiến tranh chấm dứt, ông trở lại gia đình, nhưng chỉ gặp được vợ hiền. Hai đứa con tử thương trong thời chiến.
Năm 1948, khi bắt đầu mở án phong chân phước cho Cha Massimiliano-Maria Kolbe - tử đạo vì tình yêu
- thì ông Franciszek Gajowniczek là một trong những nhân chứng hùng hồn nhất.
Ngày 17-10-1971, ông Franciszek Gajowniczek được diễm phúc tham dự Thánh Lễ tôn phong chân phước cho Cha Massimiliano-Maria Kolbe. 11 năm sau, Chúa nhật 10-10-1982, ông lại được hồng ân tham dự Thánh Lễ nâng Cha Massimiliano-Maria Kolbe lên hàng hiển thánh. Cha Kolbe là vị Linh Mục Công Giáo hiến mạng sống chết thay một người Cha gia đình.
Cụ già Franciszek Gajowniczek tận hưởng món quà sự sống Cha Massimiliano-Maria Kolbe trao tặng trong vòng 54 năm trời. Suốt trong vòng nửa thế kỷ, hằng năm cứ vào hai ngày 14 và 15 tháng 8, cụGajowniczek đều đặn đến tham dự Thánh Lễ tại Niepokalanow. Đây là thành phố nơi Cha thánh Kolbe khởi xướng phong trào ”Vô Nhiễm” - từ năm 1927 - chuyên cổ động việc sùng kính Đức Mẹ MARIA và loan báo Tin Mừng.
Ngày 15-3-1995, cụ Franciszek Gajowniczek được an táng nơi nghĩa trang trong tu viện Phanxicô Viện-Tu ở Niepokalanow, theo lời xin của cụ. Nơi nghĩa trang này có mộ của Cha Alfonso Kolbe, bào huynh Cha Massimiliano-Maria Kolbe cũng như có ”ngôi mộ tượng trưng”, tưởng nhớ Cha thánh Massimiliano- Maria Kolbe.
... ”Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy .. Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Gioan 15,9+12-13). (Radio Giornale 14-3-1995)