Cha Gabriel không trốn tránh những người bị tất cả mọi người quay lưng lại do dáng vẻ của họ, và không sợ những người bị coi là phạm pháp hoặc nạn nhân lang thang của ma túy. Trái lại, cha ôm lấy họ, an ủi, trợ giúp họ vào giờ hấp hối và mang đến cho họ thức ăn và những lời khích lệ hỗ trợ để chịu đựng sự lạnh lẽo, cô đơn và từ chối của xã hội và gia đình họ.
Mối quan tâm lớn nhất của cha hiện nay là 15.000 người trải qua việc cách ly do virus corona trên các đường phố lạnh lẽo của thủ đô Colombia. Cha chia sẻ: “Tôi kêu gọi chính quyền, tôi muốn biết kế hoạch hỗ trợ 15.000 người sống trên đường phố này trong thời gian cách ly bắt buộc là gì. Các trung tâm chính phủ không có khả năng chứa tất cả, nhiều người bị bệnh và những người khác đã chết trong đơn độc. Không thể yêu cầu họ sử dụng khẩu trang hoặc rửa tay 4 hoặc 5 lần một ngày. "
Những người phong cùi của thời đại chúng ta
Hiện nay cha Gabriel sống với cộng đoàn của mình ở trung tâm thành phố Bogota, nhưng kể từ khi cha phát hiện ra ơn gọi của mình, những hàng rào của tu viện đã mở rộng đối với cha, và cha dấn thân làm việc trong các khu phố lân cận với những người trú ẩn trong các công viên và kênh rạch, hành lang nhà thờ và quảng trường, trong điều kiện dễ bị tổn thương, bị bóc lột và nghèo đói.
Cùng với các tình nguyện viên của “Quỹ những người lạc mất lòng thương xót” , cha đến đó để giúp đỡ mục vụ cho những người bán hàng rong, gái mại dâm, người di cư, nghệ sĩ đường phố, người Colombia gốc Phi châu, cộng đồng chuyển giới và tất cả những người bị buộc hoặc quyết định đi đến sống trên đường phố của khu vực đó của Bogota.
Ngày 30 tháng 7 năm nay là tròn 4 năm kể từ khi cha Gabriel phát hiện ra hiện tượng xã hội này và bi kịch bao trùm cuộc sống đường phố. Cha chia sẻ: "Năm 2016, lần đầu tiên tôi xuống bến tàu và tìm thấy vô số khuôn mặt phản ánh những khoảnh khắc tàn khốc trong cuộc sống. Ở đó, họ bắt đầu gọi tôi là tu huynh Ñero, có nghĩa là compañero, bạn đồng hành, đó là một vinh dự cho tôi với tư cách là một linh mục và là một tu sĩ Phanxicô." Tuy nhiên, nói chung, ñero là một từ ngữ khinh miệt, ám chỉ một người sống trên đường phố và làm hại, ăn mặc bê bối hoặc tỏa ra mùi hôi.
Cha Gabriel bắt đầu mang đến cho họ thực phẩm và thuốc men và có được lòng tin của họ. Cha bắt đầu nghiên cứu và hiểu hiện tượng này, và đưa ra một câu trả lời khởi đi từ Tin Mừng và từ suy tư của thánh Phanxicô đến thực tế rằng họ là "những người phong cùi của thời đại chúng ta".
“Quỹ những người lạc mất lòng thương xót” tổ chức ngày sức khỏe cho họ, tổ chức lễ Giáng sinh với họ, giúp họ liên lạc với gia đình, mang đến cho họ thức ăn, quần áo và Lời Chúa, hỗ trợ họ tái hội nhập, trợ giúp họ trong những nhu cầu đa dạng nhất và giúp họ chuẩn bị hòa nhập xã hội.
Một người “vô gia cư” không mệt mỏi
Theo cha Gabriela, họ trở thành người sống trên đường phố không chỉ vì ma túy, mà chính cấu trúc xã hội buộc nhiều người phải ở đó, vì thất nghiệp, các vấn đề gia đình, bệnh tâm thần và nghèo đói khiến nhiều người phải sống ở đó. Cha chỉ trích các chính sách của chính phủ đã khiến chính quyền thành phố Bogota giải tỏa một khu vực rộng lớn được gọi là Bronx, trung tâm tiêu thụ ma túy chính của thành phố. Cha nói: “Họ đã sở hữu lại các nơi chốn, nhưng không sở hữu con người. Nhà nước đã quyết định chấm dứt khu vực đó, nhưng không nghĩ về người dân. Họ đã không đến với chúng tôi với đôi mắt của lòng thương xót hoặc với một chiều kích nhân đạo, và mọi người đã bị di tản khắp thành phố.”
Ngày nay, bên cạnh những người vô gia cư địa phương, hàng ngàn người nhập cư đã đến Colombia để tìm kiếm cơ hội tốt hơn, và các gia đình bản địa chạy trốn bạo lực ở một số vùng đã đến Bogota. Trong số hơn hai ngàn người thường xuyên được cha Gabriel giúp đỡ, có những bà nội trợ, chuyên gia, thương nhân và nghệ sĩ, mọi người ở mọi lứa tuổi đã tìm nơi ẩn náu trên đường phố, như tướng Sandúa, một người già đáng yêu sống gần nhà thờ thánh Phanxicô, được nhiều người thương tiếc khi ông qua đời hồi tháng 6.
Không điều gì ngăn cản được công việc của cha Gabriel, mang bánh mì, đồ uống nóng và chăn mền được các tình nguyện viên tặng cho người nghèo, cũng như không có gì có thể ngăn lời kêu gọi của cha trên các mạng xã hội và phương tiện truyền thông để người ta có thể nhìn thấy những người vô gia cư và yêu cầu cho họ một khu vực nhân đạo, nơi họ có thể nhận được sự giúp đỡ và bảo vệ bản thân khỏi đại dịch, để không làm tăng mạnh số lượng 4.000 người vô gia cư bị sát hại và 27.000 người là đối tượng của các vụ sát thương cá nhân ở Colombia trong mười năm qua.
Với nụ cười, cha Gabriel sẽ tiếp tục là một sứ giả của đức tin và lòng thương xót, bởi vì cha tin rằng "quỳ trước bàn thờ có ý nghĩa khi chúng ta khám phá ra bàn thờ của thế giới, nơi có hàng ngàn con người cần được đón tiếp, giúp đỡ và hỗ trợ.” (Aleteia 29/07/2020)
Nguồn tin: www.vaticannews.va
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn