Nữ tu Jean Berchmans Minh Nguyệt trả lời phỏng vấn nhân dịp Chương Trình Việt Ngữ Vatican tròn 40 tuổi: 1981-2021

Thứ năm - 21/01/2021 20:46
Nữ tu Jean Berchmans Minh Nguyệt (Hội dòng Khiết Tâm Đức Mẹ Nha Trang) trả lời các câu hỏi của Cha Tađđêô Nguyễn Văn Yên, SJ, Trưởng Ban Việt Ngữ Đài Phát Thanh Vatican nhân dịp Kỉ niệm Chương Trình Việt Ngữ Vatican tròn 40 tuổi: 1981-2021
Chương Trình Việt Ngữ Vatican tròn 40 tuổi ( 1981 2021)
Chương Trình Việt Ngữ Vatican tròn 40 tuổi ( 1981 2021)

1/ Nhân duyên, cơ duyên làm việc tại Chương Trình Việt Ngữ Đài Phát Thanh Vatican?

Cám ơn Cha đã đặt câu hỏi để con có dịp trở về với quá khứ. Lời đầu tiên là lời Cảm Tạ, Tri Ân dâng lên Thiên Chúa Ba Ngôi. Chính Tình Yêu Thiên Chúa đã dẫn dắt đỡ nâng từng bước con đi.

Trong các năm sinh viên từ 1975-1978 con có dịp tham dự đều đặn các sinh hoạt của Liên Tu Sĩ Roma và quen biết Đức Ông Phêrô Nguyễn Văn Tài (1947-2015). Vào cuối niên học 1977-1978 Đức Ông có dự tính đi Manila, thủ đô Philippines, làm việc cho Chương Trình Việt Ngữ của Đài Chân Lý Á Châu (Radio Veritas Asia). Đức Ông ước muốn con hợp tác với Đức Ông trong dự tính này nên đã đến gặp Mẹ Monique de Saint Denys Bertrand (1922-2006) lúc ấy là Bề Trên Tổng Quyền dòng Thánh Phaolô thành Chartres. Mẹ là Vị Bảo Trợ từ khi con đặt chân đến Roma ngày 21-12-1974. Nhưng Mẹ từ chối. Mẹ không muốn con đi xa. Mẹ gởi con sang Pháp sống nơi Cộng đoàn các Nữ Tu Thánh Phaolô. Vào năm 1980 khi Hội Đồng Giám Mục Việt Nam thành hình, Các Đức Cha đã xin Tòa Thánh cho mở Chương Trình Việt Ngữ tại Đài Phát Thanh Vatican. Nguyện ước của Các Giám Mục Việt Nam được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II (1920-2005) chấp thuận. Lúc ấy Đài Phát Thanh Vatican được Tòa Thánh giao cho Dòng Tên điều hành. Cha Sesto Quercetti Hoàng Văn Lục, SJ, (1936-1991), người Ý, cựu Thừa Sai tại Việt Nam (1961-1976 ) đang truyền giáo tại Đài Loan (1977-1980), được Bề Trên thuyên chuyển về Roma và giao trách nhiệm thành lập Chương Trình Việt Ngữ Vatican cùng với Cha Micae Nguyễn Thế Minh, SJ, đang có mặt tại Roma … Khi nghe tin này, Đức Ông Nguyễn Văn Tài (Đặng Thế Dũng) liền giới thiệu con với Cha Lục và Cha Minh. Hai Cha đến gặp ngay Mẹ Monique và xin cho con được làm việc tại Đài Phát Thanh Vatican. Mẹ nhận lời và gọi con từ Pháp trở về Roma.

… Sở dĩ con dài dòng là để nói rằng: Thiên Chúa Quan Phòng – qua trung gian Đức Ông Tài, Mẹ Monique và Cha Lục – đã đưa con vào làm việc tại Đài Phát Thanh Vatican nơi Chương Trình Việt Ngữ. Cha Lục tiếp nhận con với tư cách nhân viên làm việc toàn thời gian (plein temp) sát cánh bên Cha và Cha Minh.
Đức Ông Phêrô Nguyễn Văn Tài, Mẹ Monique de Saint Denys Bertrand và Cha Sesto Quercetti Hoàng Văn Lục là ba Vị Ân Nhân kính yêu nhất của con trên lộ trình đi vào Đài Phát Thanh Vatican. Con làm việc tại đây từ ngày 21-12-1980 đến 27-2-2016: 35 năm 2 tháng.

Con xin phép bày tỏ lòng quý mến riêng đối với Cha Lục, Trưởng Ban tiên khởi của Chương Trình Việt Ngữ (1980-1982), sau đó làm Phó rồi Giám Đốc Các Chương Trình của Đài Phát Thanh Vatican (1982-1990). Cha ghi dấu nơi con hình ảnh vị Thừa Sai hết lòng yêu mến Việt Nam, vị Linh Mục thánh thiện với cung cách hành xử kín đáo, tế nhị và thấm đậm tình người… Ngoài tên Hoàng Văn Lục, Cha còn chọn thêm tên Lê Hoàng, trong các phóng sự gởi về Ban Việt Ngữ Vatican mỗi khi Cha có dịp tháp tùng các chuyến công du của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II.

2/ Thời gian làm việc bao lâu và những công việc hàng ngày tại Radio Vatican?

Ngay từ đầu, Cha Lục nhận con làm việc toàn thời gian tức là 6 giờ mỗi ngày và 6 ngày mỗi tuần. Giờ làm việc vào ban chiều từ 2 giờ đến 8 giờ để chuẩn bị cho chương trình sẽ phát sóng từ Roma lúc nửa đêm tức là 6 giờ sáng giờ Việt Nam.

Trong vòng 10 năm (1981-1991) Chương Trình dài 23 phút gồm có Tin Tức, Sinh Hoạt Giáo Hội, Gặp Đức Giáo Hoàng, Suy Niệm Lời Chúa, Bình Luận và Thánh Ca (mỗi tuần một lần). Phải chuẩn bị các bài viết để thu trước vào băng nhựa lúc 5 giờ chiều tại phòng thu âm (studio) có các nhân viên kỹ thuật người Ý đảm trách. Mỗi khi đọc sai phải ngừng lại để nhân viên kỹ thuật quay ngược băng tìm đúng chỗ phải sửa và đọc lại thu lại. Thật căng thẳng và thật nhiêu khê. Dở khóc dở cười. Ôi, đoạn trường ai có qua cầu mới hay!
Từ tháng 4 năm 1991 Chương Trình Việt Ngữ Vatican được tăng lên 42 phút với các chuyên mục phong phú hơn như Giải Đáp Thắc Mắc, Thần Học Kinh Thánh, Đức Tin Trong Đời, Tìm Hiểu Giáo Luật, Gương Chứng Nhân, Theo Gót Đức Giáo Hoàng, Câu Chuyện Trong Tuần, Phút Cầu Nguyện, v.v.

3/ Chia sẻ những kinh nghiệm đáng nhớ: niềm vui và các khó khăn trong thời gian làm việc?

Như con đã nói, chính Thiên Chúa Quan Phòng đưa con vào ngành truyền thông. Cá nhân con không có khả năng gì liên hệ đến nghề này. Tuyệt đối không. Công việc tại Chương Trình Việt Ngữ Vatican hoàn toàn mới lạ và muôn vàn khó khăn. Trong thời gian đầu có lần con chán nản và muốn bỏ cuộc, nhưng nhờ Ơn Chúa, con đã vượt qua để cuối cùng, thanh thản ra đi nghỉ hưu, khép lại một trang viết cuộc đời và lật sang trang khác.

Khi bước vào công việc, con học nơi Cha Nguyễn Thế Minh sự chu đáo và tính nghiêm túc. Sau khi một bài được đánh máy, trước khi ghi âm, Cha cẩn thận đọc đi đọc lại, sửa từng chữ, cân nhắc từng câu.

Con cũng học bài học từ Cha Pierre Moreau, SJ, Trưởng Ban Pháp Ngữ Vatican. Mỗi tối lúc 9 giờ, con thường nghe Chương Trình Pháp Ngữ để kín múc kiến thức tinh thần. Cha Moreau có giọng đọc hăng say, truyền đi những sứ điệp hy vọng, lạc quan. Cha luôn nhìn các sự kiện, biến cố, vấn đề dưới góc nhìn của một ký giả Linh Mục yêu nghề, yêu con người, yêu cuộc sống, yêu mến Đức Thánh Cha và thảo kính đối với Mẹ Giáo Hội … Từ đó, con tự nhủ: không nên tung tin dữ, luôn báo tin vui và nêu cao Các Gương Lành!

4/ Câu chuyện sau micro về các sự kiện lớn tại Roma liên quan đến Giáo Hội Công Giáo Việt Nam?

Trước khi trả lời câu hỏi, con xin nhắc đến 3 sự kiện trong năm 1981. Ngày 1-1-1981 Chương Trình Việt Ngữ Vatican chính thức khai trương với buổi phát trên 3 làn sóng ngắn hướng về Việt Nam lúc 6 giờ sáng giờ Việt Nam và được phát lại vào lúc 19 giờ 30 giờ Việt Nam trên 2 làn sóng ngắn .. Ngày 12-2-1981 Đài Phát Thanh Vatican mừng Kim Khánh thành lập 1931-1981 .. Và ngày 13-5-1981 Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bị mưu sát vào lúc 17 giờ 21 tại quảng trường Thánh Phêrô vào buổi chiều thứ tư có buổi tiếp kiến chung hàng tuần…Ngày và giờ cuộc mưu sát trùng khít với ngày giờ Đức Mẹ MARIA hiện ra với ba trẻ chăn chiên tại Fatima13-5-1917.

Bây giờ con xin nói đến 2 biến cố lớn tại Roma có liên hệ đến Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Trước tiên là đại lễ tôn phong hiển thánh 117 vị Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam.

Tất cả khởi đầu với tâm tình hiền phụ của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II dành cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam.

Ngày 6-5-1984 trong chuyến tông du Nam Hàn, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tôn phong hiển thánh 103 vị tử đạo Đại Hàn tại thủ đô Hán Thành (Séoul). Và Đức Thánh Cha đã bày tỏ ước nguyện cho Giáo Hội Việt Nam cũng được hồng phúc có các vị tử đạo được tôn phong hiển thánh. Thế là ngay sau đó, Cha Micae Nguyễn Thế Minh - trưởng ban Việt Ngữ Vatican (1982-1985) - giao cho con việc thu thập các tài liệu liên quan đến các Vị Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam. Con đến thư viện Đại Học Urbano tìm tài liệu, xin làm photocopy và đem về Chương Trình Việt Ngữ.

Sau đó một thời gian lại có tin Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II muốn có vị bí thư thứ hai là người Việt Nam để trợ giúp vị bí thư thứ nhất người Ba Lan là Đức Ông Stanislaw Jan Dziwisz (nay là Hồng Y nguyên Tổng Giám Mục Cracovia). Sau khi tìm hiểu, ngày 7-1-1988, Đức Thánh Cha đã chọn Đức Ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ (1918-2002) đang làm việc tại Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Và như mọi người còn nhớ như in là đại lễ tôn phong hiển thánh 117 Vị Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam diễn ra vào Chúa Nhật 19-6-1988.

Dĩ nhiên Ban Việt Ngữ Vatican sống biến cố trọng đại này với trọn tâm tình phấn khởi, cảm tạ THIÊN CHÚA và tri ân trìu mến Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Ngay buổi chiều 19-6, chúng con phải vào phòng thu để ghi âm làm băng Cassette C-90 tóm lược Thánh Lễ tôn phong hiển thánh. Cassette bán chạy như tôm tươi! Không có lời nào diễn đạt cho hết những vui tươi nhộn nhịp trên các con đường chung quanh Đền Thờ Thánh Phêrô vào những ngày trước và sau đại lễ 19-6-1988. Tối hôm trước 18-6 có buổi rước kiệu thánh tích tôn vinh các Anh hùng Tử Đạo Việt Nam tại quảng trường Thánh Phêrô. Chiều ngày 19-6 có buổi tiếp kiến Đức Thánh Cha dành riêng cho các tín hữu về Roma tham dự đại lễ, đặc biệt là các tín hữu Việt Nam.

Biến cố thứ hai là lễ tôn phong Thầy Giảng Anrê Phú Yên (1625-1644), Vị Tử Đạo tiên khởi của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, lên hàng Chân Phước. Thánh Lễ diễn ra trong bối cảnh Đại Năm Thánh 2000 vào Chúa Nhật 5-3-2000. Cùng được tôn phong Chân Phước có nhiều vị Tử Đạo khác, đặc biệt có giáo lý viên trẻ tuổi người Philippines là Pedro Calungsod (1654-1672). Chân Phước Pedro Calungsod đã được nâng lên hàng Hiển Thánh ngày 21-10-2012. Bao giờ thì đến lượt Chân Phúc Anrê Phú Yên yêu quý của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam được tôn phong hiển thánh? Mong lắm thay!
Nhân nhắc đến các vị Tử Đạo con xin nói thêm là Giáo Hội Công Giáo Trung Hoa có 120 Anh Hùng Tử Đạo được tôn phong hiển thánh ngày 1-10-2000 tại Roma. Ngoài ra Giáo Hội Công Giáo Nhật Bản có 188 vị Tử Đạo được nâng lên hàng Chân Phước ngày 24-11-2008 tại Nagasaki và Giáo Hội Công Giáo Triều Tiên có 124 Anh Hùng Tử Đạo được Đức Thánh Cha Phanxicô tôn phong Chân Phước ngày 16-8-2014 tại thủ đô Hán Thành (Séoul) trong chuyến công du nhân Ngày Giới Trẻ Á Châu. Giáo Hội Công Giáo Lào có 17 vị tử đạo được nâng lên hàng chân phước ngày 11-12-2016 tại thủ đô Vạn Tượng (Vientiane).

Giáo Hội Công Giáo Việt Nam cũng có một danh sách dài các Anh Hùng Tử Đạo đang mong mỏi đợi chờ ngày được tôn phong Chân Phước!

5/ Mong ước nhưng chưa thực hiện được? Nhắn gửi cho người đến sau?

Con ra đi không hối tiếc, không hối hận, không lưu luyến, mặc dầu rất mong muốn tiếp tục phục vụ quý thính giả và độc giả qua mục Gương Chứng Nhân. Con góp nhặt rồi chuyển ngữ Các Gương Chứng Nhân với trọn đam mê, trọn luơng tâm nghề nghiệp của một nữ tu và trọn tâm tình yêu mến ngôn ngữ cùng nét đẹp văn chương Việt Nam của một người phải sống xa quê hương.

Con chân thành ghi ơn Cuộc Phỏng Vấn cho phép con đơn sơ bày tỏ tâm tình. Những gì con vừa trình bày thật hạn hẹp và quá ngắn gọn so với lịch sử dài 40 năm của Chương Trình Việt Ngữ Vatican! Vì thế, có gì sơ suất xin thông cảm và tha thứ cho con.

Xin kính chúc Ban Việt Ngữ Radio Vatican nhiều may mắn trong bối cảnh dồi dào của các phương tiện truyền thông tân tiến để hăng say loan báo Tin Mừng Cứu Rỗi, cho Nước Chúa hiển trị và tôn vinh Tình Yêu Thiên Chúa Ba Ngôi Cha, Con và Thánh Thần.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây