I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 28,16-20
Mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến. Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”
II. SUY NIỆM
Trách nhiệm của chúng ta là Ki-tô hữu thì phải truyền giáo. Cũng giống như trong một gia đình có người con đi lạc, thì cha mẹ rất lo lắng, cần đến những đứa con trong gia đình phải đi tìm đứa con bị lạc trở về. Chúng ta được vinh dự làm con Chúa trong lòng Giáo hội, chúng ta cũng có bổn phận trong tình bác ái yêu thương mà đi tìm về cho Chúa những đứa con và là anh chị em của ta đang lạc bước.
Có người có điều kiện để bôn ba đây đó rao giảng Tin Mừng, có khả năng kiến thức và lợi khẩu để truyền bá Lời Chúa… Nhưng cũng có người âm thầm bằng những hy sinh và những kinh nguyện trước mặt Chúa, hoặc ngày ngày với tràng chuỗi mân côi cầu xin cho người lạc bước trở về với Chúa…
Bài Tin Mừng Khánh Nhật truyền giáo hôm nay là trích đoạn của thánh Mát-thêu về lệnh truyền của Chúa Giê-su:
1. Anh em hãy đi làm cho muôn dân trở thành môn đệ
Cũng như Chúa Giê-su đã quy tụ môn đệ, để cùng sống với nhau và với Người; coi nhau như bạn hữu, đồng bàn với nhau, hiểu biết và chia sẻ với nhau đời sống hằng ngày. Thì đây, Chúa Giê-su cũng muốn các môn đệ đồng hành trước cả việc rao giảng: Cần có việc chia sẻ giữa những con người với nhau trước, sau đó mới tính đến việc loan báo Tin Mừng. Rao giảng Tin Mừng cho ai là giúp người ấy đào sâu những kinh nghiệm bản thân đã trải qua trong quá khứ, cho đến ngày người ấy nhận ra nơi Chúa Ki-tô, trong cái chết và sự sống lại của Người, là chân lý làm cho cuộc đời họ rực sáng (x. GKPV).
Cùng với các môn đệ Chúa Giê-su, mọi người cũng được mời gọi sống sứ vụ rao giảng Tin Mừng bằng đời sống thanh bần đơn sơ phó thác, xây dựng sự hợp nhất bình an và làm cho Nước Chúa được lớn mạnh ngay trên quê hương trần thế, cách riêng, niềm tin, bác ái, hoan lạc và bình an thắm đầy trên quê hương mình.
2. Làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần
Nếu đem đối chiếu các trình thuật về làm Phép rửa trong sách Tông Đồ Công Vụ (x. Cv 19,5…) và các thư thánh Phaolô, có thể chúng ta không dám chắc là đã có một công thức đầy đủ về việc làm Phép rửa nhân danh Ba Ngôi như tường thuật Tin Mừng Mát-thêu, bởi ban đầu các Tông Đồ và môn đệ vẫn làm Phép rửa nhân danh Chúa Giê-su, còn việc nhân danh Ba Ngôi là sự tiến triển của thần học do Chúa Thánh Thần linh hứng về sau. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là khi muốn làm môn đệ Chúa Giê-su (gia nhập đạo) thì phải lãnh Phép rửa. Phép rửa trở thành một điều kiện bắt buộc để được hưởng ơn cứu độ, vì qua Phép rửa, tín hữu được tái sinh trong Chúa Giê-su Ki-tô tử nạn và phục sinh.
Sẽ khó trả lời khi nói điều này với người ngoài Ki-tô Giáo, nhưng hết những ai qua tôn giáo của họ hoặc qua tiếng lương tâm mà ăn ở tốt lành thánh thiện thì mặc nhiên ở trong Đức Ki-tô (được rửa tội “bằng lửa”). Cũng thế, những ai dám hy sinh tính mạng vì niềm tin hoặc vì Đức Ái, thì dù chưa được lãnh nhận Bí tích Rửa tội, thì cũng mặc nhiên ở trong Đức Ki-tô toàn thể (rửa tội “bằng máu”). Tóm lại, phải qua Phép rửa mới được cứu độ dù là minh nhiên hay mặc nhiên.
3. Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em
Những huấn lệnh của Chúa Giê-su chiếm vị thế hàng đầu và trải dài trong Tin Mừng thánh Mát-thêu, được phân bố trong năm bài diễn từ.
Và giờ đây, Chúa Giê-su truyền cho các môn đệ phải dạy cho muôn dân tuân giữ mọi điều mà Chúa Giê-su đã nói cho các môn đệ biết.
Như thế, sau khi bước theo Chúa và chịu Phép Rửa rồi, Ki-tô hữu không phải nhận Phép rửa gia nhập đạo rồi để đó, mà là phải tuân giữ lề luật của Chúa. Theo đạo thì phải giữ đạo và sống đạo, chứ không phải mang trên mình cái danh Ki-tô hữu vì đã chịu Phép rửa tội, mà sống như kẻ xa lạ.
4. Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế
Chúng ta lại một lần nữa nghe xác quyết điều mà danh xưng Emmanuel diễn đạt (Mt 1,23). Nghĩa là khởi đầu Tin Mừng, thánh sử Mát-thêu trích dẫn lời ngôn sứ Isaia: “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, thì nay, lời Chúa Giê-su hứa và cũng làm cho ứng nghiệm: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20b).
Thầy ở lại với anh em, nghĩa là sau khi Phục Sinh, trong một cách thế hiện diện mới, Chúa Giê-su không còn bị giới hạn trong không gian hay thời gian nữa, mà ở trong niềm tin, lòng mến và sự trông cậy của các Tông Đồ: Rao giảng một niềm tin duy nhất vào Chúa Giê-su Ki-tô, đặt tình yêu duy nhất vào Chúa Giê-su Ki-tô và đặt tất cả niềm hi vọng vào Chúa Giê-su Ki-tô; bởi, “chính nhờ Người, với Người và trong Người, và mọi chúc tụng và vinh quang đều quy về Chúa là Cha toàn năng, trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời”.
Từ đây, mỗi khi làm dấu thánh giá, Ki-tô hữu tuyên xưng sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trong chính mình.
Lạy Chúa Giê-su, xin giúp chúng con luôn hiệp nhất với nhau trong cùng một đức tin và một lòng mến, như Chúa luôn hiệp nhất trong Chúa Cha nhờ Thánh Thần Tình Yêu. Amen
Nguồn: tinmungmoingay.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn