Chúa Nhật V Phục Sinh – Năm B

Thứ sáu - 26/04/2024 22:46
Cầu nguyện, say mê đọc và sống lời Chúa, yêu mến sống với Thánh Thể là đáp lại tiếng yêu thương của Chúa: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong các con.”
CHUA NHAT 1 800x445
CHUA NHAT 1 800x445

Phúc Âm: Ga 15, 1-8

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào sinh trái thì Người tỉa sạch để nó sai trái hơn. Các con đã được tỉa sạch nhờ lời Thầy đã nói với các con. Các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Cũng như nhành nho tự nó không thể sinh trái được, nếu không dính liền với cây nho; các con cũng vậy, nếu không ở trong Thầy.

“Thầy là cây nho, các con là nhành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì. Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như ngành nho, và sẽ khô héo, người ta sẽ thu lại, quăng vào lửa cho nó cháy đi. Nếu các con ở trong Thầy, và lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn gì cứ xin, và sẽ được. Ðây là điều làm Cha Thầy được vinh hiển là các con sinh nhiều trái, và như thế các con trở nên môn đệ của Thầy”.

Suy niệm: 

HÃY Ở LẠI TRONG THẦY

        Tác phẩm “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” của nhà văn Colleen McMcullough nổi tiếng một thời dựa vào truyền thuyết về một loài chim. Có một loài chim chỉ hót một lần trong đời và chỉ hót được giữa bụi mận gai, nên bay tìm cho bằng được mận gai mới thôi. Khi tìm được, từ trên cao, chim kia đâm xuống giữa đám gai của bụi mận, lao ngực vào chiếc gai dài nhất, nhọn nhất, để cất lên tiếng hót ứ nghẹn trong lồng ngực suốt một đời. Vượt trên nỗi đau khôn tả, nó cất tiếng hót, tiếng hót từ trái tim, tiếng hót chỉ một lần trong đời, tiếng hót khiến sơn ca và họa mi phải ghen tỵ, tiếng hót duy nhất có một không hai phải đổi bằng cả mạng sống mới có được. Nhân loại mọi thời ước mơ được nghe tiếng hót của tình yêu ấy trong đời thực của mình.

            Chúa Giê-su không thể nén giữ trong lòng Ngài tiếng yêu thương dành cho con người. Cuộc nhập thể làm người, cuộc vượt qua: thương khó, chết và sống lại của Chúa cũng chỉ cốt nói lên lời yêu thương từ đáy trái tim của Ngài: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong các con” (Ga 15,4).

  1. Chúa khát khao tín hữu ở lại trong Ngài

            “Ở lại” trong Chúa không chỉ là tiếp xúc bên ngoài hay ở bên cạnh, mà là một tương quan mật thiết và sống còn như cành nho gắn liền và tiếp nhận nhựa sống từ thân nho. Chúa Giê-su dùng lối ẩn dụ ai cũng hiểu về cây nho và cành nho để nói về mối tương quan của Ngài là cây nho và tín hữu là cành nho. Thân nho là nguồn sự sống nuôi dưỡng cành nho. Cành nho không có sự lựa chọn nào khác nếu muốn sống và sinh hoa trái, nó phải gắn liền và sống nhờ sự sống của thân nho. Nhân loại, cách riêng Ki-tô hữu phải gắn kết mật thiết với Chúa Giê-su, bấy giờ Ki-tô hữu mới có sự sống của Thiên Chúa và sinh hoa trái thiêng liêng.

            “Ở lại” trong Chúa không mang tính tạm thời hay thời vụ, lúc buồn đến chơi, lúc vui rời xa. Dường như Giu-đa và nhiều môn đệ thuộc loại ngươi này, lúc Chúa đi rao giảng được nhiều người ca ngợi thì hăng hái đi với Chúa, nhưng khi Chúa đi vào con đường khổ nạn thì rút lui. “Ở lại” trong Chúa phải có tính cách bền vững và sâu xa của tình yêu chân thành đòi hỏi. Tình yêu dối lừa là tình yêu tạm thời, chờ thời để xa cách. Chúa Giê-su không hề muốn chúng ta dành cho Ngài thứ tương quan không đáng gọi là tình yêu đó, bởi vì Ngài là Tình Yêu, Ngài mong chờ chúng ta dành cho Ngài tình yêu trọn vẹn và đến cùng. Bản tính Ngài là thế và tình yêu của Ngài trở thành nguồn tình yêu trong chúng ta. Đó là lý do Chúa Giê-su van vỉ: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong các con.”

  1. Những dấu chứng ở lại trong Chúa

            Làm thế nào ở lại trong Chúa? Dấu chứng trước hết là yêu quý và tuân giữ lời Chúa. Chúa nói: “Nếu các ngươi ở lại trong lời Ta, thì các ngươi thật là môn đệ Ta” (Ga 8,31). Chúa Giê-su chính là Ngôi Lời của Chúa Cha. Mọi lời yêu thương Chúa Cha muốn ngỏ với con người, Ngài nói trọn vẹn trong Chúa Giê-su, Con Một yêu dấu của Ngài. Vì thế, một khi nghe lời Chúa trong Thánh Kinh với lòng xác tín đang nghe Chúa nói và đem ra thực hành, là lúc chúng ta đang ở lại trong tình yêu của Chúa.

            “Ở lại” trong Chúa là có đời sống liên kết với Chúa qua đời sống cầu nguyện. Cầu nguyện vừa là phương tiện, vừa là hoa trái của “ở lại” trong Chúa. Là phương tiện, vì tất cả niềm xác tín vào Chúa, lời nài xin lên Chúa, những khao khát sống thánh thiện với Chúa Giê-su, lòng thống hối chân thành đều được thốt ra trong lời cầu nguyện. Là hoa trái của việc “ở lại” trong Chúa, bởi nhờ cầu nguyện, tín hữu đắm mình trong tình yêu Chúa và kết hiệp mật thiết với Chúa, nhờ đó, tín hữu yêu quý đời sống thánh thiện hơn.

            Nhất là, “ở lại” trong Chúa được minh chứng rõ ràng trong sự kết hiệp với Chúa Giê-su Thánh Thể. Chúa Giê-su đã nói: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở lại trong Ta, và Ta ở lại trong người ấy” (Ga 6,56). Thánh Thể là Thịt Máu Chúa Giê-su, là chính Chúa Giê-su. Chúa Giê-su vẫn cứ ở với chúng ta trong bí tích Thánh Thể chỉ vì yêu thương chúng ta, vì vậy, Chúa muốn chúng ta rước lấy, ăn thịt Chúa và uống máu Chúa để Chúa ở trong chúng ta và chúng ta được ở trong Chúa. Thánh Cyrillo thành Alexandria nói, Con Thiên Chúa nghĩ ra phương kế kỳ diệu để thánh hóa và làm cho tín hữu trở nên một với Ngài là dùng Thân Mình Ngài làm của ăn cho tín hữu.

            Như vậy, cầu nguyện, say mê đọc và sống lời Chúa, yêu mến sống với Thánh Thể là đáp lại tiếng yêu thương của Chúa: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong các con.”

            Nói đến đây, chúng ta nhìn vào Chúa và trả lời: tôi đang là cành nho khô héo vì thiếu cầu nguyện, lơ là việc đọc và sống lời Chúa, dửng dưng với thánh lễ và rước Chúa; hay tôi đang là cành nho sống liên kết với Chúa Giê-su và đang sinh hoa trái bằng việc chống trả tội lỗi, có kế hoạch cho gia đình và giáo xứ hướng về Chúa và hăng say truyền giáo. Cành khô là cành chết, cành không có sự sống của Chúa, chỉ cần cơn gió, cành khô gãy rụng. Cành sinh hoa trái là những Ki-tô hữu đang miệt mài sống với Chúa, gắn kết với Chúa. Giáo Hội cần những cành nho sẵn lòng để Chúa cắt tỉa để sinh hoa trái thiêng liêng. Bạn trả lời sao với Chúa?

Lm. Giuse Nguyễn văn Thú

Nguồn tin: www.giaophandanang.org

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây