Chúa Giêsu chọn 12 tông đồ có mục đích như thánh Marcô nói là để các ông ở với Chúa và để Chúa sai các ông đi truyền giáo (Mc 3, 14).
Một thời gian khá lâu, các ông đã được ở với Chúa, được nghe Chúa giảng, được Chúa giải thích riêng cho những gì các ông chưa hiểu, cũng như được chứng kiến các phép lạ Chúa làm. Các ông đã đồng hành với Chúa cả khi Chúa trở về Nazaret, chứng kiến người đồng hương không đón nhận Chúa, bây giờ tới lúc Chúa sai các ông đi thực tập truyền giáo như sau này Chúa nói với các ông: " Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con (Ga 20, 4). Nhưng trước khi sai các ông đi, Chúa có những lời tâm huyết căn dặn các ông:
Trước hết về hành trang phải gọn nhẹ tối đa nói lên việc các ông phải sống khó nghèo, phó thác cho Chúa và sống nhờ vào lòng tốt cùng tinh thần hiếu khách của dân chúng. Điều này khiến các ông không vướng bận về vật chất, siêu thoát về của cải trần thế và có được tâm hồn nhẹ nhàng để chu toàn sứ vụ. Chúa cũng dạy các ông phải có tâm thế sẵn sàng nếu người ta khước từ không đón tiếp các ông.
Tin Mừng cũng nói rõ Chúa sai các ông từng hai người: hai người để nâng đỡ nhau và theo xã hội Do thái, chứng tá chỉ có giá trị khi cả hai người cùng nhất trí với nhau như lời sách Đnl 6, 19 : "Một lời chứng chỉ có giá trị nếu có hai nhân chứng". Hai người họp lại thành một cộng đoàn để có dịp tỏ lòng yêu thương hiệp nhất với nhau và đó cũng chính là lời rao giảng sống động. Sau này khi các môn đệ Chúa đi truyền giáo, ta thấy họ cũng chia thành từng cặp đôi như ông Phêrô với ông Gioan, ông Phaolô với ông Barnaba, ông Giuđa với Sila... Chúa cũng trao cho các ông : quyền rao giảng sự thống hối, quyền trừ quỉ và quyền xức dầu chữa lành bệnh nhân.
Chính vì các tông đồ đã Xức Dầu cho nhiều người đau ốm, nên sau này thánh Giacôbê viết trong thư của ngài như sau: "Ai trong anh em đau yếu ư? Người ấy hãy mời các linh mục của Hội Thánh đến; họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa. Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người bệnh ... và nếu người ấy đã phạm tội, thì sẽ được Chúa thứ tha" (Gc 5, 14-15). Chúa Giêsu khi đi rao giảng Tin Mừng đã chữa lành bệnh tật cho rất nhiều người, các tông đồ cũng được Chúa ban quyền ấy khi các ông xức dầu và chữa lành bệnh tật cho dân.
Các tông đồ cũng được Chúa ban cho quyền trừ quỉ như Tin Mừng nói các ông trừ được nhiều quỉ vì thế sau khi đi truyền giáo về, các ông vui mừng bá cáo cho Chúa: "Nhân danh Thầy thì ma quỉ cũng phải vâng phục chúng con (Lc 10,17)". Việc Chúa Giêsu và các tông đồ trừ quỉ nói lên dấu chỉ của Nước Thiên Chúa đến có quyền trên ma quỉ và sự dữ.
Chúa Giêsu cũng cho biết không phải mọi người đều hoan hỉ đón tiếp các ông, nhưng có những nơi họ không đón tiếp và còn khước từ sứ điệp, thì Chúa dạy hãy "Giũ bụi chân" trả lại họ, theo thói quen người Do thái khi từ vùng đất dân ngoại trở về, họ giũ bụi chân trả lại cho vùng dân ngoại trước khi về nhà vì thế "Giũ bụi chân" được coi như là dấu chỉ tuyệt giao tuy nhiên người môn đệ Chúa vẫn không bỏ rơi họ mà tiếp tục cầu nguyện cho họ để hi vọng có một ngày họ sẽ mở lòng đón nhận Tin Mừng để không bị phạt vì cứng lòng tin như lời Chúa: "Ai tin và chịu phép Rửa tội sẽ được cứu độ, còn ai không tin thì sẽ bị kết án" (Mc 16,16).
Chúa Giêsu dạy các tông đồ rao giảng sự thống hối cũng như chính Chúa đã rao giảng: "Anh em hãy thống hối và tin vào Tin Mừng" (Mc 1,15). Vậy chúng ta hãy đón nhận sứ điệp này của Chúa. Hiện nay tình hình dịch bệnh Covid đang lây lan mạnh phải chăng đó cũng là dấu chỉ nhắc nhở chúng ta phải ăn năn thống hối. Mệnh lệnh Đức Mẹ Fatima nhắc cho thời đại chúng ta: là ăn năn và cải thiện đời sống. Chúa đã cho các tông đồ được xức dầu chữa lành người đau ốm, Chúa cũng sẽ cho người tín hữu được ơn chữa lành, đặc biệt là thoát khỏi dịch bệnh nếu điều đầu tiên Chúa dạy là sám hối và tin vào Tin Mừng mà chúng ta đã quan tâm thực hiện.
Câu chuyện minh họa : Đức Hồng Y GB Phạm minh Mẫn đã thuật lại như sau: Khi Ngài đang ở chủng viện Cần Thơ thì nhận được sắc phong của Tòa Thánh chọn Ngài làm Giám mục Tổng Giáo Phận Sài Gòn, Ngài hết sức lo sợ và nói rằng: "Tôi chỉ là cây đước, cây bần ở vùng nước mặn Cà Mau, bây giờ bứng tôi lên trồng ở thành phố thì làm sao tôi có thể làm việc được? Trong lúc còn băn khoăn như thế, thì Ngài nhận được một lá thư từ một người bạn là một Sr gửi từ nước ngoài về và nói với Ngài rằng: "Ngày xưa khi Thiên Chúa cần một người cha cho dân riêng của Ngài thì Ngài đã chọn Apbraham, và Apbraham đã đứng lên; khi Thiên Chúa cần một vị lãnh đạo dân riêng của Ngài, Chúa đã gọi một anh chàng nói ngọng, và thế là Mosê đã đứng lên, và khi Chúa cần một người đứng đầu Giáo Hội của Ngài, Chúa đã chọn một anh thuyền chài và cũng là con người đã chối Chúa và thế là Phêrô đã đứng lên. Và bây giờ Chúa cũng muốn chọn cha để làm một người lãnh đạo và phục vụ Dân Chúa, chẳng lẽ Cha không đứng dậy hay sao?" Những lời này đã tiếp thêm sức mạnh cho Đức Hồng Y để Ngài sẵn sàng đón nhận nhiệm vụ mới.
Tiếp nối các tông đồ, chúng ta cũng ra đi rao giảng sự thống hối nhưng trước hết, mỗi người trong chúng ta phải thực hành sự thống hối này nơi bản thân mình để Nước Chúa trị đến thắng vượt được sự dữ và quyền lực ma quỉ đang hoành trong thời đại chúng ta. Amen
Lm GB Phạm Hồng Thái
Nguồn tin: giaophannhatrang.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn