Chúa nhật XXXII thường niên – năm B

Thứ năm - 07/11/2024 09:54
Chúa Giêsu đã không chú ý đến số lượng, bề ngoài, dáng vẻ đạo đức... mà Ngài nhìn đến tấm lòng, cử chỉ đẹp, ý nghĩa của đồng tiền và thái độ của người dâng cúng.
B32V copy
B32V copy

* Phúc Âm: Mc 12, 41- 44 

   Khi ấy, Chúa Giê-su phán cùng dân chúng trong khi giảng dạy rằng: “Các ngươi hãy coi chừng bọn luật sĩ. Họ thích đi lại trong bộ áo thụng, ưa được bái chào ngoài công trường, chiếm những ghế nhất trong hội đường và trong đám tiệc. Họ giả bộ đọc những kinh dài để nuốt hết tài sản của các bà góa: Họ sẽ bị kết án nghiêm ngặt hơn”.

    Chúa Giê-su ngồi đối diện với hòm tiền, quan sát dân chúng bỏ tiền vào hòm, và có lắm người giàu bỏ nhiều tiền. Chợt có một bà goá nghèo đến bỏ hai đồng tiền là một phần tư xu. Người liền gọi các môn đệ và bảo: “Thầy nói thật với các con: Trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết. Vì tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa, còn bà này đang túng thiếu, đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống mình”.
* Suy niệm

ĐỒNG TIỀN CÒM CỦA BÀ GÓA

      Đóng góp là điều quan trọng cho việc xây dựng chung. Đối với Giáo Hội, người Kitô hữu cũng có bổn phận sống bác ái, chia sẻ và góp sức xây dựng nhà Chúa, giáo họ, giáo xứ ngày càng khởi sắc, ngày càng đi lên, ngày càng tốt đẹp. Nói thì dễ, thực hiện nhiều khi cũng có những lấn cấn, khó nói, khó làm. Các Kinh sư, Biệt Phái, Pharisiêu là những con người tự hào là thông suốt luật lệ, nhưng họ chỉ sống bề ngoài, hô hào to mồm, lớn tiếng nhưng thực tế họ chẳng đóng góp, chẳng chia sẻ mà chỉ bắt người khác làm theo những điều luật họ bầy vẽ thêm ra. Chúa Giêsu hôm nay đã đưa ra trường hợp của một bà góa nghèo bỏ tiền vào hòm tiền trong đền thờ và Chúa đánh giá bà là người bỏ nhiều nhất vì bà đã đóng góp cả tài sản của bà vào đền thờ, vào nhà Chúa, vào Giáo Hội.
      Ở đây ta thấy: Vẫn là cái hì hợm, cái ngộ nghĩnh nực cười và hết sức lố bịch của những người Biệt Phái, những Kinh Sư những người Pharisiêu, những nhà thông luật theo cái nhìn của Chúa Giêsu:
      Tin Mừng của thánh Marcô 12, 38-44 chia ra làm hai phần thật rõ rệt: Chúa Giêsu ngay tại Giêrusalem, kinh đô tôn giáo của các Biệt Phái, Pharisiêu và các nhà thông luật quản lý, điều khiển, đã lên án gay gắt các hạng người này vì họ  chỉ lớn tiếng, to mồm, hô hoán đủ thứ và bầy biện ra đủ mọi thứ khoản luật xem ra rất chi li hòng chất lên vai người khác, chứ chính họ không đưa ngón tay lay thử.  Thánh Marcô rất dí dỏm khi viết về các Đấng, các Bậc này rằng: họ xúng xính trong bộ áo thụng, đeo thẻ kinh rỏng rẻng ở tua áo, ưa được bái chào người đường và thích ngồi chỗ nhất trong các đám tiệc tùng. Họ hám danh, hám lợi và lợi dụng chức vị để làm tiền những người nghèo khổ: họ giả bộ đọc kinh dài để nuốt tài sản các bà góa. Họ gài bẫy, giăng giây để kiếm cớ bắt bẻ, ám hại Chúa Giêsu nhân danh các tập tục, truyền thống họ tự nhận có quyền phải bảo vệ. Đi sâu vào tâm địa, vào cõi lòng ác độ của họ, nhiều lần Chúa Giêsu đã lột mặt nạ của họ. Thay vì bảo vệ các bà goá, những cô nhi, những kẻ nghèo hèn, thấp cổ bé họng,các kinh sư, biệt phái đã hùa nhau”nuốt hết tài sản của họ”, nên cuộc sống của những người càng lúc càng trở nên bi đát hơn, quả những người tự xưng bảo vệ tập tục,truyền thống, bảo vệ tôn giáo càng lúc càng trở nên bỉ ổi, đê tiện ! Do đó, Chúa Giêsu đã kết án bọn luật sĩ cách nặng nề và cảnh tỉnh mọi người lưu tâm, để ý, xa lánh bọn luật sĩ này vì họ là những mục tử thật gian ác, vô tâm, không có  lòng tốt.
       Trong phần hai của đoạn Tin Mừng, Chúa Giêsu đã đề cao cử chỉ đẹp của người đàn bà góa nghèo.Chúa Giêsu đã đi từ một sự quan sát thực tế khi Ngài để ý xem những người bỏ tiền vào thùng tiền trong nhà  thờ. Chúa đã thấy những cử chỉ, những điều mà kẻ khác không thể thấy vì vô tình hay do cõi lòng đã quen đánh giá sai lạc những sự kiện, những việc người khác làm.
     Đối với Chúa Giêsu, sự việc thực tế diễn ra ngay trong đền thờ là một bài học Ngài dạy các môn đệ và mọi người. Đây là một câu chuyện thực có tính tương phản, đối nghịch: một bên là những người giàu có, lắm của nhiều tiền, một bên là bà goá nghèo.Tính cách tương phản được hiện lên rõ nét: khi các người giàu bỏ nhiều tiền nhưng là của dư thừa vào hòm tiền; còn bà goá bỏ một phần tư xu, tức hai đồng “ tiền còm”, nhưng đó là tất cả gia tài chắt chiu cho cuộc sống của bà. Chúa Giêsu đã không chú ý đến số lượng, bề ngoài, dáng vẻ đạo đức, y phục, thẻ kinh, tua áo, sách kinh nặng trịch hay chỗ cao chỗ thấp trong Hội Đường, mà Ngài nhìn đến tấm lòng, cử chỉ đẹp, ý nghĩa của đồng tiền và thái độ của người dâng cúng. Chúa Giêsu đã chú ý đến thái độ âm thầm khiêm tốn của bà góa khi dâng cúng số tiền nhỏ, nhưng là gia tài dùng để nuôi thân, độ nhật của bà. Chúa Giêsu đã định giá trị của việc dâng cúng:” thiện căn ở tại lòng ta” và “ của ít lòng nhiều “.
 
Bài học được rút ra nữa là lòng quảng đại chia sẻ thì vô giới hạn. Điều Chúa nhắm tới là chia sẻ, chứ không phải làm phúc. Chia sẻ với người khác không những của dư thừa ta có mà còn cho đi cả những điều cần thiết ta có để khỏa lấp nỗi túng quẫn và đau khổ của con người, nhất là những người nghèo khổ, neo đơn, thất vọng Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con một trái tim nhạy cảm, quảng đại để chúng con luôn biết chia sẻ theo ý Chúa.

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
 


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây