Ba điểm nhấn kinh nguyện của Tháng Sáu liên hệ đến trái tim: từ Trái Tim giầu thương xót của Chúa Giêsu, qua trái tim đầy trách nhiệm của bậc làm cha gia đình, đến trái tim quảng đại của những người dấn thân theo Chúa để phục vụ tha nhân. Mong rằng hình ảnh những trái tim này sẽ khơi lại trong anh chị em lòng sốt sắng yêu mến Chúa và lòng quảng đại phục vụ tha nhân.
Các bài đọc (Đnl 7,6-11; 1Ga 4,7-16; Mt 11,25-30)
Anh chị em thân mến,
Giữa lòng Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót, Tháng Sáu là một thời gian đặc biệt hướng mọi người đến Thánh Tâm Chúa Giêsu như minh họa đỉnh cao của lòng thương xót. Trong huấn dụ về việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu ban hành ngày 6/2/1965, dịp kỷ niệm 200 năm thiết lập lễ Thánh Tâm, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI (1963-1978) viết: “Lòng tôn sùng Thánh tâm Chúa Giêsu là việc rất cao quý và đặc biệt cần thiết cho thời đại này”. Vì thế trong Tháng Sáu này, tín hữu chúng ta được mời gọi thực hành việc tôn sùng Thánh Tâm với cả tâm tình của mình, đặc biệt bằng việc chiêm ngắm và đền tạ.
1. Thánh Tâm Chúa Giêsu: nguồn mạch xót thương cứu độ
Chiều ngày thứ sáu tuần thánh, khi Chúa Giêsu vừa tắt thở, một tên lính lấy ngọn giáo đâm vào cạnh sườn của Người, tức thì máu cùng nước chảy ra. Đâm vào cạnh sườn là đâm vào chính trái tim. Động thái ấy, đối với quân lính Rôma chỉ là một phép thử xem người tử tội đã chết thật chưa, nhưng đối với Giáo Hội công giáo, lại là một phép mầu rất giầu ý nghĩa thiêng liêng cho thấy Chúa Giêsu đã xót thương nhân loại đến cùng, đã trút hết cả máu mình ra, đã cho đi đến hết là chết trên thập giá thay cho mọi người để giải thoát con người khỏi án chết. Nếu trái tim là trung tâm của sự sống, là hình ảnh của tình yêu, thì trái tim với ngọn lửa bốc cháy như thường thấy trong ảnh Thánh Tâm Chúa Giêsu chính là minh họa sống động cho một tình yêu cứu độ đã tự hiến, tận hiến để thánh hiến nhân loại. Tình yêu ấy tự bản chất đã đồng hóa với lòng thương xót, bởi lẽ con người đâu có công lênh gì để chờ đợi tình Chúa thương ngoài tội lỗi bất xứng, và Chúa Giêsu đâu có tội lỗi gì để phải chết ngoài sự hạ cố xót thương đền thay cho nhân loại. “Ôi huyền nhiệm thay, lòng Chúa yêu trần thế chúng tôi. Tình thương yêu của Chúa không ai hiểu thấu: để cứu đầy tớ, Chúa đã nộp chính Con yêu” (x. Exultet).
Chiêm ngắm Thánh Tâm Chúa Giêsu một cách tổng quát là chiêm ngắm chính lòng thương xót của Chúa Cha dành cho nhân loại qua công cuộc nhập thể, khổ nạn và phục sinh ban ơn cứu độ của Chúa Giêsu; nhưng một cách thiết thực hơn, là tìm đến kín múc tận nguồn mạch xót thương cứu độ dư tràn, như nhãn giới của phụng vụ: “Từ cạnh sườn bị đâm thủng, Người đã để nước và máu chảy ra, hầu khơi nguồn các bí tích của Hội Thánh. Nhờ đó, khi mọi người chúng con được lôi kéo đến cùng trái tim rộng mở của Đấng Cứu Thế, thì luôn được vui mừng múc tận nguồn ơn cứu độ muôn đời” (Kinh Tiền Tụng lễ Thánh Tâm).
Ước mong mỗi tín hữu trong tháng Sáu này hãy dành nhiều thời giờ hơn để chiêm ngắm Thánh Tâm Chúa Giêsu, mong nhận thức lại lòng Chúa thương xót nhân loại mà sống tinh thần đền tạ, bù lại những tội lỗi người ta xúc phạm đến nguồn cội tình yêu này.
2. Ngày người cha và ngày của những người con
Trong Tháng Sáu, có một ngày giầu tính nhân văn và văn hóa, đó là ngày hiền phụ hay ngày người cha. Năm nay, ngày ấy rơi vào ngày Chúa Nhật 12/6. Dầu không phải là ngày kỷ niệm mang mầu tôn giáo, nhưng đối tượng được nhắm đến trong ngày ấy là người cha gia đình, và bổn phận được nêu cao rất gần gũi vơi giới luật thứ tư “thảo kính cha mẹ”, nên nhân tiện cũng hợp cùng xã hội mà vinh danh các gia trưởng công giáo giáo phận chúng ta, những người là rường cột và đang nắm giữ vai trò chủ chốt trong gia đình cả về mặt kinh tế lẫn đức tin. “Vị xứng kỳ đức”: đó là ước nguyện của chính các gia trưởng và cũng là kinh nguyện của dân Chúa dâng lên trong ngày đặc biệt này. Mong sao mọi kẻ làm cha gia đình có đủ sức khỏe để gánh vác nhiệm vụ dưỡng nuôi những kẻ thuộc về mình, có đủ nghị lực và ơn thánh để chu toàn trọng trách dưỡng dục con cái nên người hữu ích cho xã hội và Giáo Hội. Người ta vẫn dùng kiểu nói “Cha nào con nấy” để nói đến tầm ảnh hưởng của người cha trên con cái mình cả về mặt chủ động trong giáo dục hay thụ động trong mẫu gương cuộc sống. Mong sao các gia trưởng cũng sẽ nên những tượng đài bất khuất trong đức tin để cho con cái soi bóng noi gương.
Riêng tại giáo phận nhà, có hai tổ chức mang tên khác nhau là Giới gia trưởng và Gia đình Phạt Tạ Thánh Tâm, nhưng chỉ nhắm đến các người cha gia đình. Điều này chẳng những không gây bất tiện mà ngược lại, còn mở ra một linh đạo tuyệt vời, là mời gọi giới gia trưởng hãy chu toàn nhiệm vụ đời mình trong niềm tín thác vào Thánh Tâm Chúa.
Ngày người cha còn là cơ hội chúng ta nhắc đến các người con. Chính trong ngày hiền phụ năm nay, tại Tàpao sẽ diễn ra Đại Hội Thiếu Nhi Thánh Thể, quy tụ hơn 500 huynh trưởng và khoảng 4000 thiếu nhi các cấp từ các giáo xứ trong giáo phận. Đây là Đại Hội lần thứ XVI. Cám ơn các cha Tuyên Úy và các Huynh Trưởng đã yêu mến tuổi thiếu nhi và gắn bó sinh hoạt phong trào bền bỉ. Cám ơn các em Thiếu Nhi đã sống “cầu nguyện, rước lễ, hy sinh, và làm việc tông đồ” theo đúng khẩu hiệu của phong trào. Chúc tất cả được hạnh phúc với lứa tuổi đời mình.
3. Mùa dâng hiến
Tháng Sáu, đối với những ai gắn bó ít nhiều với niềm vui Tin Mừng, còn là tháng đậm đà tâm tình dâng hiến. Thật vậy, như kết thúc tích cực của một niên học, Tháng Sáu ngoài đời đi liền với những nghi lễ bế giảng, tốt nghiệp hoặc ra trường mà hầu như gia đình nào cũng có người liên hệ tùy theo cấp độ giáo dục; còn trong đạo lại đi liền với những nghi thức chịu chức trong hàng giáo sĩ hay tuyên khấn theo linh đạo của Dòng Tu nam nữ. Cụ thể tại giáo phận nhà, Tháng Sáu năm nay có đầy đủ lễ nghi truyền chức phó tế và linh mục cho một số thầy đại chủng sinh đã theo đuổi lý tưởng linh mục từ lâu và đã thỏa đáp những điều kiện đào tạo theo giáo luật. Xin anh chị em chung lời cầu nguyện cho các tân chức này được chuẩn bị sẵn sàng và đón nhận thánh chức sốt sắng, mong trở nên những tông đồ nhiệt thành và những mục tử như lòng Chúa mong ước. Về phía ơn gọi nữ, Tháng Sáu năm nay cũng có nhiều chị em đáp lại lời gọi của Chúa nơi các Hội Dòng để dấn thân trong các lời tiên khấn hoặc vĩnh khấn. Chỉ nguyên Hội Dòng Mến Thánh Giá Phan Thiết thôi, năm nay con số các chị em vĩnh khấn đã lên tới mức kỷ lục là 30 người. Quả là ngoạn mục! Con số từ khi thành lập dòng đến nay mới có. Xin cám ơn các gia đình đã quảng đại dâng những phần tử yêu dấu trong vòng tay thân thiết của mình để hiến thân phụng sự Chúa và phục vụ Giáo Hội.
“Cầu cho các chủng sinh và các tập sinh gặp được những nhà đào tạo sống niềm vui Tin Mừng và chuẩn bị cách khôn ngoan cho sứ mạng của họ”. Anh chị em thấy ý cầu nguyện truyền giáo của Tháng Sáu trực tiếp nhắm đến các chủng sinh và tập sinh, là những người đang cần được đào tạo uốn nắn, mong ngày nay chuyên cần học tập tích lũy, ngày mai sẽ có đầy đủ vốn liếng để giúp Giáo Hội một cách trung thành và phong phú; nhưng một cách gián tiếp cũng nhắm đến các nhà đào tạo, là những người đã dấn thân vào trọng trách giáo dục, chuẩn bị nhân sự cho thế hệ tương lai. Xin cám ơn quý cha và mọi người đã cách này cách khác góp phần xa gần vào công cuộc đào tạo giáo sĩ và tu sĩ trong giáo phận. Trách vụ không nhẹ nhàng nhưng thật cao đẹp.
Anh chị em thân mến,
Đó là ba điểm nhấn kinh nguyện của Tháng Sáu. Điểm nhấn nào cũng liên hệ đến trái tim: từ Trái Tim giầu thương xót của Chúa Giêsu, qua trái tim đầy trách nhiệm của bậc làm cha gia đình, đến trái tim quảng đại của những người dấn thân theo Chúa để phục vụ tha nhân. Mong rằng hình ảnh những trái tim này sẽ khơi lại trong anh chị em lòng sốt sắng yêu mến Chúa và lòng quảng đại phục vụ tha nhân.