Suy Niệm Lễ Vọng Phục Sinh

Thứ bảy - 08/04/2023 04:19
Ánh sáng Đức Kitô phục sinh là ánh sáng cứu độ. Nhờ Ngài, con người được giải thoát khỏi bóng tối để bước đi trong ánh quang rạng ngời của Chúa phục sinh.Chúa Kitô đã phục sinh! Sự sáng đã bừng lên!
CN PS 6 1 495x278 (1)
CN PS 6 1 495x278 (1)
Tin Mừng: Mt 28, 1-10
           Qua chiều ngày Sabbat, khi ngày thứ nhất trong tuần      vừa tảng sáng, Maria Mađalêna và bà Maria khác đến thăm mồ. Bỗng chốc đất chuyển mạnh vì Thiên Thần Chúa từ trời xuống và đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên đó. Mặt Người sáng như chớp và áo Người trắng như tuyết. Vì thế những lính canh khiếp đảm run sợ và hầu như chết. Nhưng Thiên Thần lên tiếng và bảo các người nữ rằng: "Các bà đừng sợ. Ta biết các bà tìm Chúa Giêsu, Người đã chịu đóng đinh. Người không có ở đây vì Người đã sống lại như lời Người đã nói. Các bà hãy đến mà coi nơi đã đặt Người và đi ngay bảo các môn đệ Người rằng: Người đã sống lại, và kìa Người đến xứ Galilêa trước các ông: Ở đó các ông sẽ gặp Người. Ðây Ta đã báo trước cho các bà hay".
Hai bà vội ra khỏi mồ, vừa sợ lại vừa hớn hở vui mừng, chạy báo tin cho các môn đệ Người. Và này Chúa Giêsu đón gặp các bà, Người nói: "Chào các bà". Các bà liền lại gần ôm chân Người và phục lạy. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo: "Các bà đừng sợ. Hãy đi báo tin cho các anh em Ta phải trở về Galilêa, rồi ở đó, họ sẽ gặp Ta".

* Suy niệm:

        Thứ bảy tuần thánh, "phụng vụ" Hội Thánh mời gọi tín hữu ở bên cạnh mồ Chúa, để suy niệm việc Chúa chịu đóng đinh, chịu chết và xuống ngục tổ tông. Hội Thánh tin rằng, trong khi thân xác Chúa Giêsu-kể từ chiều thứ sáu- nằm lạnh lẽo, bất động trong huyệt đá thì linh hồn Ngài xuống ngục tổ tông ‘thăm’, và ‘an ủi’ linh hồn các tổ phụ và những người công chính đã chết.
        Ngục tổ tông vẫn được hiểu là ‘nơi tối tăm’, là ‘cõi của kẻ chết’. Qua việc Chúa Giêsu xuống ngục tổ tông, Hội Thánh không những khẳng định Ngài -trong thân phận Con Người- đã thực sự đi vào cõi chết mà còn xác tín -từ trong cõi chết ấy- Ngài đã khai mở sự sống và làm bừng lên  sự sáng.
   Trong ý nghĩa ấy, phụng vụ đêm vọng phục sinh trình bày sự tương phản giữa bóng tối và ánh sáng: Mở đầu phần nghi thức, nhà thờ chìm trong bóng tối. Bóng tối tượng trưng cho sự dữ thống trị thế giới. Nhân loại chìm ngập trong bóng tối sự chết.
Giữa màn đêm đen tối ấy, cây nến Phục sinh tượng trưng cho Đức Kitô sống lại bừng lên ánh sáng, xua tan bóng đêm đang ngự trị thế giới và lòng người.
      Từ khi nguyên tổ phạm tội, loài người chìm trong bóng tối sự dữ và sự chết.
     Ánh sáng Đức Kitô phục sinh là ánh sáng cứu độ. Nhờ Ngài, con người được giải thoát khỏi bóng tối để bước đi trong ánh quang rạng ngời của Chúa phục sinh.
    Chúa Kitô đã phục sinh! Sự sáng đã bừng lên!
     Tuy nhiên, nhiều mảng tối: ghen ghét, hận thù, khủng bố, đố kỵ, chiến tranh…vẫn bao trùm thế giới và lòng người vì người Kitô hữu chưa biết thắp lên ánh sáng đời mình và chưa lan truyền ánh sáng phục sinh cho toàn thế giới.
    Người ta kể rằng: Một bữa nọ, ông John Keller, một diễn giả nổi tiếng được mời thuyết trình trước khoảng 100 ngàn người tại sân vận động Los Angeles bên Hoa Kỳ. Đang diễn thuyết ông bỗng dừng lại và nói: "Bây giờ xin các bạn đừng sợ! Tôi sắp cho tắt tất cả đèn trong sân vận động này". Đèn tắt, sân vận động chìm trong bóng tối dày đặc, ông John Keller nói tiếp: "Bây giờ tôi đốt lên một que diêm. Những ai nhìn thấy ánh lửa của que diêm tôi đốt thì hãy kêu lớn lên: “Đã thấy!". Một que diêm được bật lên, cả sân vận động vang lên những tiếng hô: "Đã thấy!".
Sau khi đèn được bật sáng lên, ông John Keller giải thích: "Ánh sáng của một hành động nhân ái dù bé nhỏ như một que diêm sẽ chiếu sáng trong đêm tăm tối của nhân loại y như vậy".
Một lần nữa, tất cả đèn trong sân vận động lại tắt. Một giọng nói vang lên ra lệnh: "Tất cả những ai ở đây có mang theo diêm quẹt, xin hãy đốt cháy lên!". Bỗng chốc cả sân vận động rực sáng.
Ông John Keller kết luận: "Tất cả chúng ta hợp lực cùng nhau, có thể chiến thắng bóng tối, sự dữ và oán thù bằng những đóm sáng nhỏ của tình thương và lòng tốt của chúng ta".
Khi làm như thế, John Keller muốn gửi đến mọi người một sứ điệp: ‘Mỗi người là một cây đèn, cần được thắp sáng lên’.
       Một ngọn đèn cháy sáng, rồi hai, rồi ba, rồi hàng trăm, hàng ngàn ngọn đèn cháy sáng, thế giới tối tăm này sẽ bớt tối đi. Tất cả mọi người đều thắp sáng ngọn đèn của mình, cuộc đời này, thế giới này sẽ bừng sáng.
      Chúa Kitô là ánh sáng thế gian. Người Kitô hữu -hơn ai hết- phải là những cây đèn sáng đặt trên giá đèn để xua đuổi tối tăm và chiếu sáng cả nhà. (x. Mt 5,14). Có như thế, thì căn nhà mỗi gia đình, căn nhà Giáo Hội, căn nhà thế giới sẽ rực sáng yêu thương, chứa chan hạnh phúc, và tràn đầy hồng ân cứu độ. Amen.
Lm. Đa minh Tiến

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây