Ngọc Yến - Vatican News
Trong cuộc phỏng vấn của Vatican News, ông Alessio Pecorario cho rằng, trong hai năm qua, với sự phức tạp, nếu đánh giá về tình hình thế giới so với lúc mới bắt đầu đại dịch, thì khó có thể nói tốt hơn hay tệ hơn. Nhưng đi vào cụ thể của các yếu tố tích cực và tiêu cực, chúng ta thấy rằng: Về mặt tiêu cực: theo Viện Nghiên cứu Hoà bình Quốc tế Stockholm, trong năm 2020 chi tiêu quân sự thế giới là 1.981 tỉ đô la, mức tăng cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế năm 2008-2009. Còn theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, năm 2020, tổng sản phẩm quốc nội thế giới giảm gần 5%.
Về mặt tích cực: Có một sự bùng nổ tình liên đới, chúng ta có thể thấy rõ “tính lây lan” của tình liên đới mạnh hơn sự lây lan của Covid. Điều này không có nghĩa đơn giản hoá tình hình thế giới ở những cụm từ “một nền chính trị xấu” và “một xã hội dân sự tốt”. Kinh nghiệm dạy chúng ta rằng công ích được sinh ra từ sự cộng tác của các bên có tiếng nói liên đới, và chính Uỷ ban Vatican về Covid-19 được Đức Thánh Cha xem là một thời điểm kết nối giữa các nhu cầu địa phương và sự điều hành thế giới, về một kế hoạch giữa khoa học và thần học, để cùng nhau thoát ra khỏi đại dịch trong một tình bạn xã hội.
Đối với Giáo hội, trong hai năm qua, Giáo hội cũng đã rút ra được bài học về các mô hình loan báo Tin Mừng mới. Đại dịch đã làm nổi bật sự cần thiết “hoán cải Giáo hội”, một “Giáo hội đi ra”, điều Đức Thánh Cha mong muốn. Vì thế, chúng ta phải tiếp tục hành động như thế, để Giáo hội trưởng thành trong sự hiệp thông năng động, một Giáo hội hiệp hành.
Với tình hình hiện nay, điều quan tâm nhất của Uỷ ban Vatican về Covid-19 vẫn là sự tiếp cận bình đẳng vắc-xin. Theo nghĩa này, trước hết, Uỷ ban đã cùng với Hàn lâm viện Toà Thánh về Sự sống đã đưa ra một tuyên bố chung có tên gọi “Vắc-xin cho tất cả”. Tiếp đến, về mặt chính trị, Uỷ ban đã triệu tập ngoại giao đoàn cạnh toà thánh để thảo luận và để giảm nhẹ những tác động của sự cạnh tranh xấu và phát triển một bầu khí bớt căng thẳng. Ngoài ra, để giúp mọi người nhận được thông tin đúng về tiêm chủng, Uỷ ban ủng hộ sáng kiến “các nữ tu đại sứ” cho các chương trình tiêm chủng. Thực tế, ở cấp địa phương các nữ tu là những người có thể trợ giúp vấn đề này.
Uỷ ban còn quan tâm đến các yếu tố khác nữa, như suy thoái kinh tế và nghèo đói, hệ sinh thái toàn diện, hoà bình và an ninh.
Theo ông Alessio Pecorario, với những kinh nghiệm của Uỷ ban, thì chìa khoá để thế giới có niềm hy vọng cho tương lai đó là việc cùng nhau bước đi của các tôn giáo, khoa học và chính trị, và cần đón nhận bài học giá trị nhất của đại dịch, đó là không ai được cứu một mình.
Nguồn tin: www.vaticannews.va
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn