Hành Trình Mùa Chay Thánh 2025 Trao Yêu Thương tại Làng Kon KơTu trên đại ngàn Kontum của Ban Bác Ái Khiết Tâm Đức Mẹ Nha Trang
Thứ bảy - 05/04/2025 20:28
Đây là lần đầu tiên quý sơ Ban Bác Ái thuộc Hội dòng Khiết Tâm Đức Mẹ Nha Trang đến thăm làng. Giáo họ Kon Kơtu thuộc giáo phận Kontum là một bản làng nằm yên bình bên dòng sông Đắk Bla hiền hòa và êm dịu. Nơi đây có ngôi nhà thờ cổ, ngôi nhà Krông cao vút, với những người con cái Chúa sống đạo cách sốt mến trong nếp sống đơn sơ của người Ba Na đậm bản sắc vùng Cao Nguyên.
Ban Bác Ái thuộc Hội dòng Khiết Tâm Đức Mẹ Nha Trang đến thăm làng Làng Kon KơTu
Hồng Hương
Hành Trình Yêu Thương Từ Nha Trang đến Kontum
Chúa Nhật IV Mùa Chay ngày 30/3/2025, các sơ dòng Khiết Tâm Đức Mẹ đã tổ chức một chuyến thăm viếng đầy ý nghĩa đến với bà con dân tộc thiểu số Ba Na nghèo trên núi Kontum. Hành trình này không chỉ đơn thuần là một chuyến đi từ thiện, thực hiện lời dạy của Chúa về tình yêu thương và chia sẻ với người nghèo như trong sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô “Chúng ta được kêu gọi trong mọi hoàn cảnh trở thành bạn của người nghèo, theo bước chân Chúa Giêsu, Đấng đầu tiên thể hiện tình liên đới với những người bé mọn nhất”, đây còn là một cơ hội để các sơ đến thăm quê hương của một người em tập sinh trong Hội dòng mang tên Ánh Xuân, và đây cũng là người con gái của làng Kon Kơ Tu với tên tộc là Y Siu.
Hành Trình Đầy Khó Khăn Nhưng Tràn Đầy Niềm Vui Mong Đợi Gặp Gỡ
Hành trình bắt đầu từ Hội dòng Khiết Tâm Đức Mẹ tại Bình Cang lúc 4g00 sáng thứ Bảy 29/3/2025. Sau 8 tiếng đồng hồ với quãng đường 350 km, chiếc xe 16 chỗ chất đầy đồ chơi cho đám trẻ con trong làng. Đường lên núi đến với làng không hề dễ dàng, với những đoạn đường gồ ghề, khúc khuỷu. Thời tiết cũng không mấy thuận lợi khi trời mưa phùn, làm con đường thêm trơn trượt.
Các sơ dù đi đường vất vả, nhưng với tình yêu thương dành cho bà con đồng bào và niềm vui háo hức được đến thăm quê của người em Y Siu và các chị em ở Kontum giúp mọi người như quên hết mệt nhọc.
Tình Yêu Thương Được Trao Gửi Trong Ngôi Nhà Chúa Khi đến nơi, các sơ Khiết Tâm tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật IV Mùa Chay được cử hành vào chiều thứ Bảy thật trang trọng và ấm cúng trong ngôi nhà thờ cổ. Tất cả nội dung thánh lễ đều sử dụng tiếng Ba Na. Cha sở cho biết vì ngài phụ trách nhiều giáo họ trong xứ, nên sáng Chúa Nhật phải dâng lễ ở một nơi khác. Trong tuần cha cũng chia ra làm lễ một vài ngày cho giáo họ Kon Kơ Tu. Sau lễ, các sơ đã gặp gỡ bà con làng Kon Kơrtu trong sự chào đón ấm áp và chân thành trong tiếng cồng chiêng âm vang.
Họ đạo Kon Kơtu tòng giáo vào tháng 1 năm 1889, do cha Poyet phụ trách. Hiện nay, người dân nơi đây dù đang sống trong những điều kiện thiếu thốn vật chất sau dãy núi khuất giữa đại ngàn, nhưng đời sống giữ đức tin vào Chúa của bà vẫn vững vàng như cây cổ thụ trong rừng, như vách đá sững sững trên đỉnh núi Kong Muk sừng sững ở phía Đông. Ánh mắt họ ánh lên niềm vui khi được các sơ từ xa đến thăm.
Sáng Chúa Nhật 30/3, các sơ Khiết Tâm đã trao tặng 156 gói thực phẩm cho các hộ gia đình, 50 xe đạp cho học sinh nghèo hiếu học và 500 phần quà cho toàn trẻ em trong làng. Học Giáo Lý xong, trẻ em được nhận quà trước. Sau khi vui vẻ nhận tràng hạt từ tay các sơ tặng, đám trẻ con ngoan ngoãn cũng các sơ đọc kinh Mân Côi, tiếng đọc kinh bằng tiếng Ba Na êm đềm như dòng Đắk Bla hiền hòa và trầm mặc. Sau đó, bọn trẻ hào hứng nhận các phần quà của các sơ Quán Cơm từ thiện Nụ Cười Khiết Tâm tặng gồm sữa hộp, đồ chơi, nước ngọt, mì tôm và bánh mì.
Tiếp đến, 156 các gói thực phẩm được trao tận tay từng gia đình, kèm theo những lời động viên, chia sẻ từ lòng chân thành nhất. Với những cụ già neo đơn không thể đến nhận, chị Y Siu và các sơ đã đến tận nhà trao quà. Các sơ không chỉ mang đến vật chất thiết yếu, mà còn lan tỏa tình yêu thương và hy vọng.
Sơ Maria Thiên Phúc, Trưởng Ban Bác Ái Hội dòng Khiết Tâm Đức Mẹ, thay mặt các chị em trong đoàn chào thăm, cảm ơn bà con đã đón tiếp và vui nhận những chia sẻ Mùa Chay của Hội dòng và Quý Ân Nhân. Sơ bày tỏ lòng thán phục với sự kiên cường gìn giữ, bảo tồn và sống đức tin vào đạo Chúa qua hơn 150 năm dù chịu nhiều thử thách. Chị em còn học được nhiều điều quý báu từ sự lạc quan của bà con Bana qua các câu chuyện được nghe từ bà con. Sơ cũng chúc mừng bà con đã làm nên nét đẹp đạo Công Giáo hòa vào các nét văn hóa độc đáo Ba Na mang đậm văn hóa bản địa Tây Nguyên. Sau cùng, sơ Thiên Phúc động viên bà con cố gắng vượt qua khó khăn với hy vọng ngày mai cuộc sống sẽ tốt hơn vì Chúa luôn yêu thương quan phòng trên cuộc sống làng Kon Kơtu. Với những chiếc xe đạp từ các ân nhân gửi tặng, các sơ là xin bà con chú trọng đến việc học hành của con cháu trong làng.
Vài nét về giáo họ cổ Làng Kon Kơtu (nguồn tổng hợp)
Giáo họ Làng Kon Kơtu, xã Đắk Rơ Wa, Thành phố Kon Tum hiện nay có 156 hộ dân sinh sống đa phần là người Ba Na. Làng khá đông trẻ con với tổng cộng khoảng 500 cháu. Theo ngôn ngữ của người Ba Na, Kon Kơtu có nghĩa là nguyên sơ. Ý chỉ ngôi làng này đã được hình thành từ thuở nguyên sơ, xưa cũ. Chính vì thế, làng Kon Kơtu mang trong mình nét đẹp cổ kính, nhuốm màu sắc của thời gian, lại mang lấy hình ảnh đặc sắc của cộng đồng người Ba Na. Họ đạo Kon Kơtu tòng giáo vào tháng 1 năm 1889, do cha Poyet phụ trách, nay thuộc giáo phận Kontum.
Làng Kon Kơtu là ngôi làng cổ còn giữ lại tính dân tộc nhất của người Ba Na với những căn nhà cổ sừng sững và các nét văn hóa độc đáo. Theo lời kể của người làng, trước năm 1920, làng khá đông vui, người dân nơi đây sống đầm ấm và cùng nhau trải qua những thăng trầm trong cuộc sống. Một ngày nọ, khi dịch đậu mùa bùng phát, trong làng khá nhiều người mắc bệnh và không may qua khỏi. Những người trẻ chứng kiến sự việc cũng sợ hãi mà đau lòng chọn cách bỏ làng ra đi. Cho đến thời điểm trận đại dịch lắng xuống, một bộ phận cư dân bắt đầu quay lại làng để sinh sống. Lúc này, làng chỉ còn vỏn vẹn vài gia đình nhỏ bám trụ cho qua cơn đại dịch. Mãi đến sau này, làng mới bắt đầu đông đúc trở lại và trở thành một trong những làng cộng đồng dân tộc ít người đông dân nhất tại tỉnh Kon Tum.
Điểm chấm phá rõ nét nhất cho khung cảnh của làng Kon Kơtu chính là ngôi nhà Krông cao vút che phủ cả một vùng trời. Nhà Krông là ngôi nhà dùng để phục vụ những sinh hoạt cộng đồng cho người làng. Một số hoạt động có thể tổ chức ở nhà Krông có thể kể đến như hội họp, tổ chức lễ hội hay những dịp đón tiếp khách quý đến chơi.
Bên phải nhà Krông là ngôi nhà nguyện của những đồng bào giáo dân Công Giáo, bên trái là hệ thống các nhà sàn cổ bao bọc chung quanh. Trong các nhà sàn, những người phụ nữ Ba Na quây quần lại đây để ngồi dệt nên những mảnh sản phẩm thổ cẩm tỉ mỉ. Xung quanh nhà Krông là khu vực dành cho trẻ em tập trung vui chơi.
Đây thực sự là chuyến đi hành hương Mùa Chay Thánh 2025 ý nghĩa, tràn đầy tình yêu và sự chia sẻ để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng mỗi sơ Hội dòng Khiết Tâm Đức Mẹ tham gia. Chuyến thăm viếng này là một minh chứng sống động cho tình yêu thương và lòng nhân ái mà các sơ dòng Khiết Tâm Đức Mẹ đã và đang thực hiện với sự đóng góp tài chính của quý ân nhân. Chúng ta đang thực hiện đúng như lời Chúa dạy, “Hãy yêu thương người lân cận như chính mình”.
Trước khi chia tay, đứng ở hàng hiên nhà thờ ở làng Kon Kơtu, các sơ có thể nhìn thấy đỉnh núi Kong Muk sừng sững ở phía Đông, ngọn núi này hùng vĩ và sừng sững, ngã bóng mình soi xuống dòng Đắk Bla hiền hòa và trầm mặc. Chiếc xe 16 chỗ khi đến chở đầy quà bánh, thì khi về chất đầy các buồng chuối mà dân làng cố gắng nhét vào dù các sơ đã cố từ chối. Xe lăn bánh trong sự bịn rịn chia tay của dân làng và gia đình chị Y Siu. Thinh lặng, các sơ dâng lời cầu nguyện với Chúa cho họ đạo Kon Kơ tu. Đường xuống núi chạy dọc theo bờ sông Đắk Bla, con sông như vòng tay yêu thương của núi rừng ôm ấp lấy hình hài của ngôi làng cổ Kon Kơtu đã băng qua dấu ấn thời gian.
Quý Vị quảng đại muốn hỗ trợ các sơ giúp người nghèo, xin liên hệ với: Ban Bác Ái – Hội dòng Khiết Tâm Đức Mẹ Nha Trang Nữ tu Maria Thiên Phúc. Đt: 097 447 6446. Email: mariathienphuc@gmail.com
Tác giả bài viết: Hồng Hương
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://dongkhiettam.com là vi phạm bản quyền