Nếu Chúa đang gọi bạn thì sao nhỉ?
Ơn gọi linh mục hay đời sống tu trì đột nhiên trở nên thực sự khả dĩ đối với bạn.
Và thế rồi, bạn cảm thấy thật ngạc nhiên.
Vâng, bạn được mời gọi để suy nghĩ.
Để phản tỉnh.
Và nếu trong khi thực hiện điều đó, bạn cảm nhận được một sự rung động nào đó thì thật tuyệt vời, bạn hãy tiếp tục lộ trình và tận hưởng cảm giác ấy nhé.
Hãy cứ rung động bạn nhé!
Hãy để cho ý tưởng đó chiếm lấy bạn.
Đó thật sự là bản chất của một lời mời gọi, của một ơn gọi: nó chiếm lấy cõi lòng, nó làm rung động con tim, nó làm cho tim bạn đập nhanh hơn.
Nó làm cho tâm trí bạn trào tràn một cảm giác mới lạ tuyệt vời.
Nó khiến bạn phải tự hỏi mình: Quả thật như vậy ư? Có thể được sao? Quả đúng là Thiên Chúa đang gọi tôi ư? Ngài đã có một kế hoạch dành sẵn cho tôi rồi sao?
Dành cho tôi thật ư? Wow… thật ngạc nhiên!
Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta, những người đã từng cảm thấy được một tiếng gọi như thế vang lên trong lòng mình, thì cũng vào thời khắc đó, chúng ta có thể đã thốt lên: WOW! (Thật ngạc nhiên!)
Bạn thân mến! Bạn hãy nghiệm xem điều ấy ngay bây giờ nhé!
Tôi muốn báo cho bạn biết rằng, bạn thực sự có thể tiến sâu hơn để khám phá tiếng gọi ấy.
Nếu bạn đã từng thốt lên: Wow! Và cũng ngay lúc ấy, bạn cảm thấy một nỗi khắc khoải êm ái và ngọt ngào đang chiếm trọn trái tim của bạn, thì đấy chính là tín hiệu đầu tiên của chuỗi đèn xanh, tiên báo con đường cao tốc thông thoáng phía trước bạn.
Nói cách khác.
Tiếng “WOW” đơn giản ấy có thể là dấu hiệu tích cực đầu tiên của một ơn gọi.
WOW!
Vì vâỵ, nếu bạn đủ can đảm, hãy tiếp tục tiến bước và khám phá.
Tiếp tục cầu nguyện để gặp được thật nhiều đèn xanh hơn nữa.
Duy chỉ những đèn xanh mà thôi.
Vì chính Thiên Chúa có thể đang đích thân chờ đợi bạn ở cuối chặng đường.
Trừ khi…
Trừ khi bạn nảy sinh một đôi chân hờ hững, bạn sử dụng đèn đỏ trong chốc lát, trì hoãn đôi chút, rồi bạn cảm thấy có một sự mệt mỏi hay một thứ gì khác làm bạn từ bỏ ý định của mình.
Trừ khi…
Trừ khi đột nhiên bạn nhìn thấy một trong số nhiều lối thoát dọc theo con đường đó, rồi dựa vào một quyết định bồng bột để kéo mình ra khỏi hành trình, và quên đi cuộc tìm kiếm của bạn.
(wow….)
Những bài suy niệm ngắn sau đây được viết ra để giúp bạn nhìn nhận sự việc một cách rõ ràng hơn.
Vì chỉ khi bạn nhìn thấy thấu suốt, bạn mới có thể quyết định một cách sáng suốt được.
Bạn đừng sợ! Nhưng hãy an tâm mà đọc cuốn sách nhỏ này.
Nếu Thiên Chúa không ban cho bạn ơn gọi tu trì, thì cuốn sách nhỏ này cũng không thể mang lại cho bạn ơn đó.
Chỉ Chúa Giê-su “lôi kéo” bạn vào trong ơn gọi mà thôi.
Vì bạn biết rằng cuốn sách này có thể xác nhận là bạn không có ơn gọi đó. Ít nhất ngay khi đọc xong cuốn sách, bạn sẽ thấu suốt được điều này, đó là bạn có thể quả quyết rằng mình không có ơn gọi làm linh mục hay tu sĩ.
Đến đây thì bạn có chú ý một từ mà tôi vừa sử dụng ở trên không?
Tôi đã viết: phản tỉnh
Mỗi ngày bạn chỉ nên đọc một bài suy niệm mà thôi!
Bạn đừng đọc tất cả một lúc.
Vì những trang sách này cũng giống như kẹo sing-gum, chúng cần được nghiền được ngẫm cách chậm rãi.
Nhờ đó mới cảm nhận được hương vị tuyệt vời của chúng.
Bạn hãy đọc đi đọc lại chừng nào những trang sách ấy còn mang lại cho bạn chút thi vị nào đó.
Chỉ có kẻ ngốc mới nuốt chửng cả một thanh sing-gum.
Và cũng chỉ có kẻ khờ mới đọc toàn bộ cuốn sách này một lúc.
Và tôi chắc chắn rằng bạn không phải là một…
Vì cuốn sách nhỏ này không dành để đọc, cũng không dành để nuốt giống như cách một chú gà tây nuốt lấy nuốt để miếng thức ăn.
Cuốn sách nhỏ này dành để suy tới nghĩ lui, và để nghiền đi ngẫm lại trong mối tương quan mật thiết giữa bạn và Chúa Giê-su.
Hay nói cách khác, cuốn sách này dành để cầu nguyện.
Lm. Santos G. Mena, S.J.
TẠI SAO LẠI LÀ TÔI?
LỜI CHÚA (Ga 6, 1-15)
1 Sau đó, Đức Giê-su sang bên kia biển hồ Ga-li-lê, cũng gọi là biển hồ Ti-bê-ri-a.2 Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm.3 Đức Giê-su lên núi và ngồi đó với các môn đệ.4 Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái.5 Ngước mắt lên, Đức Giê-su nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Phi-líp-phê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?”6 Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi.7 Ông Phi-líp-phê đáp: “Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút.”8 Một trong các môn đệ, là ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, thưa với Người:9 “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!”10 Đức Giê-su nói: “Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi.” Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn.11 Vậy, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý.12 Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ: “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi.”13 Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng.14 Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giê-su làm thì nói: “Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian ư!”15 Nhưng Đức Giê-su biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình.
SUY NIỆM
Bạn đã quen với câu chuyện này rồi phải không nào?
Câu chuyện này là một trong số nhiều câu chuyện “đáng ngạc nhiên” trong Tin Mừng đấy bạn ạ.
“WOW!” Đó là lời mà hàng ngàn người được Chúa nuôi ăn tối hôm đó đã thốt lên khi họ được no thỏa sau một bữa ăn đầy bất ngờ.
Họ nhận ra Chúa Giê-su là một ai đó giống như một ngôn sứ vậy.
Ngài trở thành người hùng của họ.
Ngài cũng là người hùng của tôi nữa.
Còn ai khác nữa có thể là người hùng của tôi trong đoạn Tin Mừng này?
Trong câu chuyện này, tôi còn nhận ra một người hùng nhỏ bé của tôi.
Ai vậy?
Phải chăng là An-rê? Phi-líp-phê? Hay Phê-rô?
Uh! Uh!
“Ở đây có một cậu bé!”
(Bạn nhớ cậu bé này chứ?)
Và có lẽ cậu ta cũng kinh ngạc la lên “wow!”
Chắc phải hơn mười lần vào tối hôm đó.
Cậu là ai vậy?
Tên cậu ta là gì?
Lý do gì mà tên của cậu được ghi lại trong Tin Mừng?
Cậu chỉ là một bé trai bé bỏng.
Một bé trai lạc lõng giữa năm ngàn người.
“Không kể đàn bà và trẻ em,” Thánh Mát-thêu đã nói như thế khi chính ngài thuật lại câu chuyện ấy.
Vào thời đó, trẻ em và phụ nữ là những người không được kể đến trong xã hội. Nếu có chăng thì cũng chẳng đáng kể.
Chỉ là một cậu bé.
Một cậu bé rất đỗi bình thường.
Hãy suy nghĩ thấu suốt điều này: điều còn đọng lại đằng sau cả câu chuyện là “cậu ta là một đứa trẻ”.
Tôi muốn nói, một cậu bé thật sự.
Và cậu đã hiện diện ở đó, ở chính nơi mà cậu bé trở thành người quan trọng.
Một cậu bé đã trở thành một người hùng trong chốc lát.
Cậu đã cứu nguy chiều ngày hôm đó.
Cậu đã tự nguyện hay có vẻ miễn cưỡng khi trao cho Chúa Giê-su toàn bộ số bánh và cá nướng của mình?
Nếu số thức ăn đó là bữa tối của cậu, tôi chắc chắn rằng cậu đã không mấy hứng thú với ý tưởng trao chúng cho Chúa Giê-su.
Chắc chắn cậu không thể đoán được Chúa Giê-su sẽ làm gì với năm chiếc bánh và hai con cá của cậu.
Hãy tưởng tượng… Chỉ cần tưởng tượng…!
Chuyện gì xảy ra nếu cậu từ chối?
(Wow…)
Đó là tự do và quyền hạn của cậu bé.
Chắc chắn, Chúa Giê-su không ép buộc cậu bé trao cho Ngài năm chiếc bánh và hai con cá đúng không nào?
Đó không bao giờ là cách của Chúa Giê-su.
Ngài chỉ ngỏ lời đối với cậu ta. Ngài chỉ mời gọi cậu trao cho Ngài “năm chiếc bánh và hai con cá” ấy mà thôi.
Vâng! Nếu cậu ta từ chối, nếu cậu bé giữ lại “năm chiếc bánh và hai con cá” để dùng cho bữa tối, không nghi ngờ gì nữa, cậu sẽ có một bữa tối tuyệt vời. Chắc chắn cậu sẽ cảm thấy thật hạnh phúc và no đủ vào đêm hôm đó.
Nhưng, bạn ơi! Cậu ta sẽ bỏ lỡ một cơ may trong cuộc đời mình.
Đó là được trở nên nổi tiếng lừng lẫy (khắp bốn phương).
Hãy tưởng tượng cậu ta nói: “Tại sao lại là tôi? Tôi tin chắc rằng không phải chỉ một mình tôi mang theo bánh và cá. Chắc chắn nhiều người khác cũng có bánh và cá. Thậm chí có cả pho-mát, rượu, cùng nhiều thứ khác nữa. Tại sao lại là tôi chứ?”
Đúng ra thì cậu ta đã có thể nói như thế.
Nhưng cậu đã không nói.
Thực tế thì cậu đã dâng hết cho Chúa Giê-su.
Và vì thế, tối hôm đó, cậu cũng được một bữa ăn thỏa thuê thực sự.
Và không chỉ một mình cậu được hưởng như thế.
Nhờ cậu – nhờ sự quảng đại của cậu – mà năm ngàn người khác cũng có một bữa ăn no nê vào tối hôm đó.
“Không kể phụ nữ và trẻ em.”
(Tôi nghĩ rằng, kể từ đây, các cô cậu nhỏ đều phải được kể đến)
——
Vì thế, tại sao lại là bạn?
Bạn có lý đấy. Bạn chỉ là một bé trai. Bạn chỉ là một bé gái.
Chúa Giê-su cần bạn làm gì đây? Ngài và bạn có thể chinh phục được bao nhiêu “thế giới”? Chỉ với một cậu bé thôi ư? Chỉ với một cô bé thôi sao?
Bạn có là gì đâu mà Chúa Giê-su lại để ý đến?
Tôi tin rằng bạn có thể kể tên nhiều bạn học cùng lớp, và biết bao nhiêu người khác tài năng hơn bạn. Thậm chí còn đạo đức hơn bạn nữa kia.
Thế thì tại sao lại là tôi?
Chúa Giê-su có thể làm gì với những khả năng của tôi? Tôi chỉ có một chút khả năng thôi mà.
Đó chính là vấn đề, bạn thân mến! Bạn không bao giờ nói trước được điều Chúa Giê-su có thể đạt được cùng với bạn, sau khi bạn phó dâng chính mình trong tay Ngài, để Ngài tùy ý sử dụng bạn.
Đối với Chúa Giê-su, bạn thật có giá trị.
Cùng với Chúa Giê-su, bạn lại càng có giá trị gấp bội.
Thật sự, bạn chẳng là gì.
Nhưng được đặt trong tay Chúa Giê-su, thì bạn…
Thế thì tại sao lại là bạn?
Nhưng tại sao lại không phải chứ?
——
Ngay lúc này, chắc là bạn muốn nói với Chúa Giê-su về điều đó phải không? Tại sao bạn không nhắm mắt lại tâm sự với Ngài? Tại sao bạn không thưa chuyện với Ngài:
“Lạy Chúa, con sợ hãi.
Con do dự trao cho Chúa năm chiếc bánh và hai con cá đời con.
Hay bất cứ điều gì con có.
Con sẽ không bao giờ biết…
Chính Chúa có thể “ăn hết” năm chiếc bánh và hai con cá đó,
Và con chẳng còn gì cho bữa tối.
Vì Chúa thấy đó, con có thể có những kế hoạch cho riêng mình.
Con cũng dự định sử dụng tài năng của con.
Con cũng dự định sống cuộc sống của chính con.
Lạy Chúa, Chúa có đảm bảo rằng những kế hoạch Chúa dành cho con sẽ làm con hạnh phúc hay không?”
Hãy tiếp tục tâm sự với Chúa Giê-su bạn nhé!
Nguyên tác: 25 Gospel Meditations on Life and Vocation
Chuyển ngữ & Trình bày: Bạch Quang
Hiệu đính: Hữu Cường
Nguồn tin: dongten.net:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn