Hội Thánh là duy nhất, bởi vì, Đấng sáng lập Hội Thánh là Chúa Con nhập thể, đã dùng Thánh Giá mà giao hòa con người với Thiên Chúa, tái lập sự hiệp nhất mọi người trong một Dân Thánh và một Thân Thể. Hội Thánh là duy nhất, bởi vì, linh hồn của Hội Thánh là Chúa Thánh Thần, Đấng điều khiển toàn thể Hội Thánh, Đấng làm cho các tín hữu hiệp thông với nhau cách diệu kỳ và kết hợp tất cả trong Đức Kitô cách nhiệm mầu.
Hội Thánh là duy nhất, nhưng rất đa dạng, bởi vì, có rất nhiều ân huệ khác nhau xuất phát từ Thiên Chúa: những đa dạng của các dân tộc và của các nền văn hóa được quy tụ lại: thành sự duy nhất của Dân Thiên Chúa. Những phong phú lớn lao của sự đa dạng này, không nghịch lại tính duy nhất của Hội Thánh. Tuy nhiên, tội lỗi và những hậu quả nặng nề của nó không ngừng đe dọa sự duy nhất này. Ước gì chúng ta luôn nhớ lời thánh Phaolô khuyên dạy: Hãy duy trì sự hợp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hòa gắn bó với nhau (x. Ep 4,3).
Thật ra, trong Hội Thánh duy nhất của Thiên Chúa, ngay từ buổi sơ khai, cũng đã xuất hiện một số rạn nứt mà thánh Phaolô đã nặng lời khiển trách. Trong những thế kỷ sau đó, còn phát sinh những xung đột trầm trọng hơn, và có nhiều cộng đoàn đã tách biệt khỏi sự hiệp thông với Hội Thánh Công Giáo, những đoạn tuyệt này đã làm tổn thương sự duy nhất của Thân Thể Đức Kitô. Ước gì chúng ta luôn biết quý mến và tôn trọng các anh em ly khai, bởi vì, họ cũng đang sống đức tin vào Đức Kitô, nhờ phép Rửa Tội, họ được tháp nhập vào Đức Kitô, và vì vậy, họ cũng mang danh Kitô hữu như chúng ta.
Ước gì khi cầu cho các Kitô hữu hiệp nhất, chúng ta luôn biết tôn trọng những cộng đoàn giáo hội khác như Sắc Lệnh Unitatis Redintegratio mà Vaticanô II đã minh định: có nhiều yếu tố của sự thánh hóa và của chân lý, hiện hữu bên ngoài, những giới hạn hữu hình của Hội Thánh Công Giáo: Thần Khí của Đức Kitô dùng những cộng đoàn giáo hội đó, như những phương tiện, xuất phát từ sự sung mãn của ân sủng, và của chân lý, mà Đức Kitô đã giao phó cho Hội Thánh Công Giáo. Tất cả những điều thiện hảo đó, đều xuất phát từ Đức Kitô, và dẫn đến Người, tự chúng là lời kêu gọi: tiến đến “sự hiệp nhất phổ quát”.
Ước gì chúng ta luôn tin tưởng rằng: chính Đức Kitô ngay từ ban đầu, đã rộng ban cho Hội Thánh ơn hiệp nhất. Sự hiệp nhất ấy tồn tại mãi trong Hội Thánh Công Giáo và chúng ta hy vọng sự hiệp nhất này ngày càng phát triển cho đến ngày tận thế. Đức Kitô vẫn luôn luôn ban cho Hội Thánh ơn hiệp nhất, nhưng, Hội Thánh phải luôn luôn cầu nguyện và hành động để duy trì, tăng cường và hoàn chỉnh sự hiệp nhất như Đức Kitô mong muốn: “Để tất cả nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha để họ cũng ở trong Chúng Ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai Con” (Ga l7,2l). Do đó, lòng ao ước tái lập lại sự hiệp nhất của tất cả các Kitô hữu là hồng ân của Đức Kitô và là lời kêu gọi của Chúa Thánh Thần.
Để đáp lại lời kêu gọi hiệp nhất của Chúa Thánh Thần, ước gì Hội Thánh luôn biết canh tân, để ngày càng trung thành hơn với ơn gọi của mình, và biết dùng việc canh tân như động lực thúc đẩy phong trào hiệp nhất; ước gì Hội Thánh luôn biết hoán cải, để sống phù hợp hơn với Tin Mừng, bởi vì, chính sự bất trung với ân sủng của Đức Kitô: là nguyên nhân gây những chia rẽ giữa các chi thể; ước gì Hội Thánh không ngừng khơi dậy tinh thần cầu nguyện chung giữa các Kitô hữu, bởi vì, cầu nguyện là linh hồn của mọi phong trào đại kết và là mối dây liên kết các Kitô hữu trong tình hiệp thông huynh đệ; ước gì Hội Thánh biết quan tâm đào tạo tinh thần đại kết cho các tín hữu, nhất là, cho các mục tử, cũng như, biết mở ra: đối thoại với các nhà thần học thuộc các cộng đoàn giáo hội khác; ước gì Hội Thánh biết hợp tác với các cộng đoàn giáo hội khác trong các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống, để phục vụ con người ngày nay.
Trong Tuần lễ cầu cho các Kitô hữu hiệp nhất, ước gì toàn thể Hội Thánh: các tín hữu cũng như các mục tử, đều ý thức bổn phận của mình trong việc tái lập sự hiệp nhất. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần ý thức rằng: Ý nguyện thánh thiện: muốn hiệp nhất toàn thể các Kitô hữu trong một Hội Thánh duy nhất của Đức Kitô, đó là điều vượt quá sức lực và khả năng của loài người chúng ta. Chính vì thế, chúng ta phải biết: đặt hết hy vọng vào lời Đức Kitô cầu nguyện cho Hội Thánh, vào tình thương của Chúa Cha dành cho chúng ta, và vào quyền năng của Chúa Thánh Thần, Đấng hằng đốt lên trong lòng chúng ta: ngọn lửa yêu thương và hiệp nhất.
Bài: Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB (TGPSG)
Nguồn tin: tgpsaigon.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn