Nó đang cố gắng học tập để làm Simon cho đời. Đó cũng là cách để trở thành người môn đệ đích thật của Chúa Giêsu và là con của Mẹ Khiết Tâm.
Vào một ngày thứ sáu mùa chay, sau thánh lễ, Nó ở lại đi đàng Thánh giá cùng với cộng đoàn giáo xứ. Gẫm xong 14 chặng đàng Thánh giá rồi (đàng Thánh giá theo thủ bản sách kinh Địa phận Quy Nhơn) mà trong tâm trí Nó vẫn còn lẫn quẫn những câu kinh lạ tai cùng với những lỗi chính tả mắc cười.
Cộng đoàn giải tán, Nó cũng nhanh chân về nhà lao đầu vào công việc. Trong thâm tâm Nó vẫn còn hối tiếc về một giờ gẫm đàng Thánh giá đầy lo ra và không thu được cảm nhận gì.
Sau khi đã lo cho các bệnh nhân làm vệ sinh và điểm tâm xong, Nó khoác áo ra ngoài quét dọn và chăm sóc vườn nhà.Vừa làm việc, vừa miên man tưởng nghĩ đến chuyện đàng Thánh giá truyền thống, chợt Nó nghe có tiếng gọi ở phía trước. Nó phủi tay và nhanh chân chạy vào tiếp khách. Ông trưởng ban giáo họ xuống xe chào hỏi vài câu giao tiếp thường lệ rồi trao cho Nó một phong bì không có địa chỉ. Ông nói: có người nhờ chuyển đến cho Dì cái này để Dì lo cho các bệnh nhân. Họ nói: Dì không phải bận tâm gì cả, chỉ nhớ cầu nguyện cho họ là đủ rồi.
Ông trưởng họ ra về, Nó nhét gọn phong bì vào túi , quay trở lại nơi làm việc, lòng vừa rộn vui vừa băn khoăn. Sự kiện cái phong bì của người lạ khiến Nó thôi nghĩ đến các ý từ khó hiểu trong đàng Thánh giá truyền thống, để rồi dừng chân lại bên chặng đàng Thánh giá thứ 5. Đó là chặng nói về việc Ông Simon Ky-rê-nê vác thập giá đỡ cho Chúa.
Theo Mc 15, 20-22: Simon là một người từ một miền quê xa lạ. Ông tình cờ đi qua đường khổ nạn giữa lúc Chúa Giê-su đang tàn hơi kiệt sức. Ông đã chấp nhận yêu cầu của quân lính để vác thập giá đỡ cho Chúa. Từ đó ông trở thành bạn đồng hành của Chúa trên đường khổ nạn và là hình ảnh biểu tượng của người môn đệ Chúa. Với nghĩa cử của ông, đường thập giá của Chúa bớt nhọc nhằn và trở nên hữu tình hơn.
Khi theo sát dấu chân Chúa Giê-su, đường đời Nó đang đi cũng là đường thập giá. Đường thập giá đời Nó hôm nay không quá cam go, bi thảm như đường khổ nạn của Chúa xưa. Nhưng cũng đã làm cho nó hoang mang và tàn tạ.
Giữa những lúc chán nản, lo âu và dường như muốn bỏ cuộc thì “Simon” đã xuất hiện. Chúa Giê-su chỉ có Simon Ky-rê-nê. Còn Nó, cứ mỗi biến cố, mỗi bước ngoặt của cuộc đời, Nó lại được gặp những “Simon” khác nhau. Nếu quay lại cuốn phim đường thánh giá đời Nó hẳn người xem sẽ không khỏi xúc động trước những sáng kiến đầy nghĩa tình của các “Simon”. Đồng thời người xem cũng có thể thấy lại hình ảnh của mình trong vai “Simon” đang ẩn hiện đâu đó trong hành trình đời Nó:
Đây, một “Simon” đã quá bận lòng cho Nó nên mời gọi cộng đoàn cùng cầu nguyện và hy sinh cách cụ thể để chia sẻ gánh nặng vói Nó.
Có “Simon” đã đon đả vượt hàng trăm cây số đến thăm nom để thấu hiểu tình cảnh của Nó.
Có “Simon”đã lên kế hoạch nuôi heo đất để bồi thêm sức khoẻ cho Nó.
Có “Simon”đã kín đáo ép vào vở Nó những tâm tình mến thương, an ủi, động viên.
Lại có “Simon” đã tận tình kề vai sát cánh, tương trợ Nó trong những ngày lo hậu sự cho người thân.
Tình liên đới của những “Simon” đã là nguồn động lực giúp Nó bình tâm trải qua thời gian dài nhiều khó khăn mà không mất đi lý tưởng.
Khi tái hiện lại hình ảnh những Simon của mình, Nó mỉm cười và một lần nữa. Nó hết sức trân trọng ghi khắc hình ảnh họ vào ký ức. Nó dâng lên Chúa những Simon của đời Nó và mong Chúa luôn chúc lành cho họ. Nó tạ ơn Chúa vì một chặng đường thập không cô đơn, tuyệt vọng. Tạ ơn Chúa giúp Nó nhận ra rằng: “dù đời có cả trăm lý do để khóc thì cũng còn có cả ngàn lý do để cười”. Và một trong những lý do lớn để cười đó là đời còn có nhiều Simon.
Nghĩ đến vai trò của Simon, Nó hiểu rằng chắc chắn sẽ có mệt nhọc, vất vả, phiền toái nhưng nhờ đó cuộc sống mới thêm đẹp và ý nghĩa hơn. Và Nó đang cố gắng học tập để làm Simon cho đời. Đó cũng là cách để trở thành người môn đệ đích thật của Chúa Giêsu và là con của Mẹ Khiết Tâm.