Tình người thời dịch bệnh

Thứ tư - 04/08/2021 21:36
Chúng ta đang chống chọi với sự lây lan của con virus chứ không phải là xa lánh người bị nhiễm virus. Họ là nạn nhân của dịch bệnh chứ không phải là tội đồ gây nên hay phát tán dịch bệnh. Dù là ai đi nữa thì người bệnh cũng cần được chăm sóc điều trị chu đáo.
Tình người thời dịch bệnh

Tôi có ông anh quen biết ở Quảng Trị. Anh nhắn khi nào có dịp vào Huế sẽ ghé thăm ba mẹ tôi. Tuần trước anh vào tới làng bên nhà tôi rồi nhưng nhiều người khuyên ngăn là không nên ghé thăm, vì Quảng Trị đang có dịch. Anh đành quay trở về trong buồn phiền lẫn ấm ức. Chỉ một người trong tỉnh nhiễm virus là dân toàn tỉnh bị xa lánh. Dịch thì chưa tới nhưng mối quan hệ xã hội bắt đầu bị chia cắt. Đừng nói chi người từ tỉnh khác tới, người gần làng cũng ngại ghé thăm nhau. Mẹ tôi tính đi thăm ông cậu già yếu ở làng bên nhưng nghĩ lại sợ mình mắc bệnh rồi lây cho họ nên thôi không đi nữa.

Người Việt mình có câu “cẩn tắc vô ưu,” cứ đề phòng cho chắc ăn. Đúng là trong thời dịch bệnh này không ai biết được đâu là ranh giới an toàn. Càng để ý đề phòng thì càng giảm được nguy cơ lây lan. Tuy nhiên chúng ta đừng để dịch bệnh chia cắt tình người. Hơn lúc nào hết, lúc này người ta cần lời động viên, thăm hỏi, nhất là những người già yếu bệnh tật.

Chúng ta đang chống chọi với sự lây lan của con virus chứ không phải là xa lánh người bị nhiễm virus. Họ là nạn nhân của dịch bệnh chứ không phải là tội đồ gây nên hay phát tán dịch bệnh. Dù là ai đi nữa thì người bệnh cũng cần được chăm sóc điều trị chu đáo. Một xã hội loại trừ lẫn nhau không bao giờ là một xã hội lớn mạnh được. Bây giờ mình xa lánh người bệnh rồi lỡ mai này mắc bệnh thì mình có muốn bị xa lánh không? Chắc chắn là không rồi. Ai cũng cần được yêu thương, đón nhận. Nếu bạn quen gia đình nào có người bị nhiễm virus thì đây là lúc thích hợp nhất để nói những lời động viên, chia sẻ.

Tạ ơn Chúa là ngày nay nhờ phương tiện liên lạc hiện đại mà con người có thể dễ dàng kết nối với nhau hơn. Không tốn nhiều tiền để có được cuộc gọi nhìn thấy mặt nhau. Không mất nhiều thời gian để nhắn tin hỏi thăm sức khỏe bạn bè, người thân. Không có gì khó khăn để có thể liên lạc dò hỏi tình hình của một ai đó. Chúng ta đã có phương tiện thuận lợi, vấn đề là hãy biết sử dụng nó phục vụ mục đích tốt đẹp trong thời đại dịch này.

Những câu chuyện cảm động về tình người trong thời dịch bệnh được chia sẻ nhanh chóng trên mạng xã hội. Những hoàn cảnh khó khăn cũng dễ dàng được nhiều người biết đến qua truyền thông. Trong thời đại thông tin, chúng ta được kết nối với nhiều phận người đang chịu hậu quả của dịch bệnh. Nhờ đó chúng ta hiểu hơn về họ và bày tỏ tình liên đới với họ qua nhiều cách thức khác nhau. Có người gửi tiền bạc ủng hộ các quỹ thiện nguyện; có người thì giúp đỡ bằng hiện vật như gạo, rau củ quả, đồ khô… Trong dịch bệnh, con người cảm thấy cần liên đới và gần gũi với nhau hơn.

Có nhiều cách để thể hiện tình liên đới với người khác trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Đây là thời điểm đóng cửa nhà chứ không phải đóng cửa lòng. Đóng cửa nhà để ta hồi tỉnh lại, để nhận ra lòng mình cần rộng mở hơn. Từ trước đến nay ta đã quay cuồng với công việc và nhu cầu của bản thân hay gia đình mình. Bây giờ là lúc ta có thời gian để ý nhiều hơn đến hoàn cảnh của người khác. Lúc ta nhận được viện trợ nhiều hơn những gì ta cần, ta chợt nhớ ra người hàng xóm đang thiếu thốn cần được chia sẻ. Trước đây ta đã quen với việc dùng máy tính điện thoại cho mục đích giải trí thư giãn. Giờ đây ta hiểu rằng ta có thể dùng thời giờ đó để trò chuyện với bạn bè hay người thân ở xa. Trước đây ta ít khi nghĩ đến những người sống cảnh thiếu thốn cùng cực. Bây giờ ta đồng cảm hơn với người nghèo trong chính sự thiếu thốn của ta. Trước đây ta cố gắng kiếm tiền để cộng dồn vào tài khoản, càng nhiều càng tốt. Bây giờ ta thấy rằng chia sẻ một chút từ những gì mình kiếm được là điều làm cho cuộc đời ta giàu ý nghĩa hơn.

Tình người đúng là không biên giới theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Trong thời gian đại dịch này, khi mà cái chết rình rập gần hơn bao giờ hết, thì tình người lại càng quý hơn. Như có người nói: “Cuộc đời có bao lâu mà hững hỡ,” nếu ta từng sống hờ hững với cuộc đời hay với người khác thì đây chính là thời điểm phù hợp để thay đổi thái độ. Những mối thù dai dẳng, những cơn hận chưa nguôi, những ghen ghét ăn sâu vào tâm trí vốn từng gặm nhấm tình người trong ta bây giờ nhường chỗ cho thái độ cảm thông chia sẻ. Thái độ phân biệt vùng miền, nghề nghiệp, tôn giáo đã phải nhường chỗ cho hơi ấm tình người. Những tờ tiền 500 nghìn từng là mục tiêu quan trọng trong đời bây giờ có thể dễ dàng chìa ra phân phát cho người đi đường đang thiếu thốn. Nhu cầu thực phẩm đang tăng là cơ hội để nhiều người buôn bán kiếm lời nhưng họ sẵn sàng hy sinh lợi nhuận đó để chia sẻ với đồng loại đang đói ăn. Những người có chuyên môn y tế sẵn sàng chia sẻ thời gian quý báu của mình để đồng hành tư vấn cho ai gặp hoang mang. Nhiều nhân viên y tế và cả các tình nguyện viên đang xông pha trên tuyến đầu chăm sóc các bệnh nhân bị nhiễm virus.

Mỗi khi tai ương dịch họa ập đến, chúng ta thường cầu mong có phép lạ xảy ra giúp hóa giải tình hình. Phép lạ đó đã và đang diễn ra hàng ngày khắp nơi trên đất nước chúng ta: nơi các khu cách ly, nơi từng điểm phát hàng cứu trợ, nơi từng hộ gia đình và trong lòng những người thành tâm thiện chí. Con virus ngăn cản chúng ta tiếp xúc thể lý nhưng nó lại giúp gắn kết con người với nhau trong tình đồng loại, tình tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau. Nếu bạn cảm thấy lòng mình còn khép lại trong lạnh lùng sợ hãi thì hãy mở mắt để nhìn ra bao nhiều điều tốt đẹp đang lan tỏa trong xã hội này. Và rồi bạn được mời gọi đóng góp sức mình bằng những việc làm cụ thể để tình người tiếp tục được thắp sáng, trước hết là trong gia đình bạn, và sau đó có thể khu phố hay dãy trọ của bạn. Không một ai là ngôi sao cô đơn giữa bầu trời cuộc đời rộng lớn này. Nếu mỗi người biết tỏa sáng, dù chỉ là le lói thôi, thì cả thế giới này sẽ được chiếu sáng bằng ánh sáng tinh tuyền của tình nhân loại.

Giuse Lê Đắc Thắng, SJ

Tỉnh Dòng Phanxicô Xaviê - Dòng Tên Việt Nam - 19 đường 5 - Kp.2 - P.Linh Trung - Thủ Đức - Tp.HCM, thần học, triết học, tâm lý, kinh thánh, cầu nguyện, các vấn đề của cuộc sống, linh đạo, nhóm mục vụ, mục vụ...

 

Nguồn tin: dongten.net:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây