Chúa Nhật II Phục Sinh Năm B- Tình thương và lòng thương xót

Thứ tư - 03/04/2024 00:16
Hôm nay Giáo Hội cử hành lễ Chúa Nhật Thứ II Phục Sinh, Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót Chúa. Ngày lễ này ra đời vào năm 2000, nhân ngày lễ phong hiển thánh cho nữ tu Faustina, người đã tận hiến đời mình để rao truyền Lòng Thương Xót Chúa, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị đã công bố quyết định dành riêng ngày Chúa Nhật Thứ Hai của Mùa Phục Sinh là ngày Chúa Nhật kính nhớ Lòng Thương Xót Chúa.
Chúa Nhật II Phục Sinh Năm B- Tình thương và lòng thương xót


(Bài Ðọc I: Cv 2,42-47; Bài Ðọc II: 1 Pr 1,3-9; Phúc âm: Ga 20,19-31)

 

Dưới ánh sáng Lời Chúa của các bài đọc hôm nay và những sự kiện đã diễn ra trong thời gian vừa qua đã cho tôi một cơ hội tốt để cảm nghiệm về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Cách đặc biệt điều này đến từ câu chuyện của bài Tin Mừng, đó là sự kiện Đức Giêsu hiện ra với ông Tôma.

Vì thế với bài chia sẻ hôm nay, tôi xin được nêu lên ba điểm nổi bật mà tôi thấy rất được đánh động để nói về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.

Thứ nhất, Chúa thương xót toàn thế giới và cách riêng cá nhân từng người: câu chuyện Đức Giêsu hiện đến với các tông đồ sau khi phục sinh cho thấy điều ấy. Các tông đồ đã thuật lại với ông Tôma rằng, Chúa đã hiện ra với các ông và cho họ xem các thương tích của Ngài, thì Tôma vẫn không tin. Tuy điều này chỉ có các ông biết với nhau, thế nhưng rồi Chúa cũng biết về sự nghi ngờ ấy của Tôma và Chúa hiện ra lần nữa để “chất vấn” Tôma về đức tin của ông, nhưng đó cũng là để tỏ tình thương của Ngài dành cho ông. Điểm này cho thấy là Chúa biết những sự “kín đáo” đang có nơi cộng đoàn của các tông đồ, cách riêng là thái độ của Tôma.

Chi tiết thứ hai là “trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: bình an cho các con” (Ga 20, 26). Cửa đóng kín mà Chúa vẫn hiện đến giữa các ông. Qua hai chi tiết nhỏ này tôi có cảm nhận rằng, Chúa có muôn ngàn cách để đến với từng cá nhân và từng cộng đoàn. Giờ đây thân xác phục sinh của Ngài không còn bị trói buộc bởi không gian và thời gian nữa, nhưng đã trở nên thiêng liêng và Ngài hiện diện ở mọi nơi. Vì thế, Ngài cũng có thể ở đây ngay lúc này giữa những khủng hoảng của từng cá nhân hay cộng đoàn.

Chúa đã đi vào trong cộng đoàn các tông đồ để củng cố đức tin và ban bình an cho các ông. Đây là một chiều kích lòng thương xót của Chúa dành cho những kẻ đã từng đi theo Ngài. Chúa Phục Sinh cũng sẽ tìm cách để đi vào trong cuộc đời của từng người và Ngài muốn chia sẻ “những điều thầm kín” của mỗi người, đó có thể là một khó khăn nội tâm, một mặc cảm tội lỗi hay một điều gì ấy chỉ có người ấy với Chúa biết.

Chúa Giêsu phục sinh sẽ giúp tháo gỡ những “khúc mắc” nơi mỗi cá nhân, mang lại bình an cho tâm hồn. Đấy là cách Ngài tỏ lộ lòng thương xót cho từng cá nhân. Sự hiện diện của Ngài trong phòng với các môn đệ chính đó đã là một sự bình an cho các ông rồi. Nên điều này mời gọi tôi chạy đến với Chúa mỗi khi tôi gặp bất cứ thử thách hay khủng hoảng nào trong cuộc sống.

Hãy đến với lòng chúa thương xót và tín thác nơi Ngài, chắc hẳn Ngài sẽ ban cho ơn bình an như Ngài đã ban ơn bình an phục sinh của Ngài cho các tông đồ khi các ông đã đang lo lắng ẩn nấp, chốn chạy người Do Thái.

Thứ hai, Chúa thể hiện lòng thương xót khi đón nhận những vết thương. Trong bài Tin Mừng hai lần Chúa đã tỏ lộ các vết thương của Ngài, lần thứ nhất cho các tông đồ và vắng mặt Tôma và lần thứ hai có đầy đủ các ông. Đặc biệt lần thứ hai Chúa còn nói với Tôma rằng “hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin” (Ga 20,27).

Hình ảnh các vết thương nơi chân tay và cạnh sườn của Đức Giêsu gợi lên cho tôi về những “vết sẹo” tình thương của một tình yêu hiến tế. Chúa đã phục sinh, nên các vết thương này cũng đã phục sinh với thân xác của Ngài. Giờ đây nó không còn là những vết thương nguy hại gây chảy máu, đau đớn hay nhiễm trùng nữa, mà đã trở nên những “vết sẹo”, dấu vết của một tình yêu tự hiến mà Ngài dành cho con người. Vì lòng thương xót và vì tình thương nhân loại cho nên Chúa chấp nhận để cho mình bị tổn thương thậm chí cho đến cả cái chết.

Nhìn vào những gì đang diễn ra trong thế giới, tôi thấy đã có những hình ảnh phản ánh lòng thương xót của Thiên Chúa ngay trong cuộc sống của chúng ta. Điều này được thấy cách rõ cách, đặc biệt nơi những người tuyến đầu chống dịch virus đang diễn ra. Các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế, các người lính, chính trị gia vv… tất cả đều vào cuộc để dành dật lại sự sống cho người khác. Các y bác sĩ đã chấp nhận để cho mình bị tổn thương khi tham gia cứu chữa các bệnh nhận.

Đó có thể là những tổn thương về mặt thể lý, có thể xem thấy như tổn thương trên những khuôn mặt xinh đẹp do phải đeo khẩu trang liên tục, hay có những tổn thương không thấy, là có nguy cơ bị nhiễm virus và cũng có thể phải chấp nhận cái chết. Hoặc những người này phải hy sinh rời xa con cái, cha mẹ, người thân trong gia đình dài ngày để phục vụ bệnh nhân trong bệnh viện. Họ đón nhận những tổn thương cả thể lý lẫn tinh thần chỉ vì dành lại sự sống cho người khác. Thực sự là đã có hàng trăm nhân viên y tế cũng đã hy sinh mạng sống của mình trong đại dịch này. Hoặc hằng trăm các linh mục tại Ý đã thiệt mạng vì thi hành sứ vụ mục tử, vì không muốn bệnh nhân chết trong cô đơn mà không được lãnh nhận bí tích hay an táng mà không có phép đạo. Các linh mục ấy cũng sẵn sàng đón nhận sự tổn thương cho chính bản thân mình vì phục vụ tha nhân.

Tất cả chỉ vì tình thương. Lòng thương xót và tình yêu thương thì không có biên giới giàu nghèo, thể chế chính trị, tôn giáo, màu da hay sắc tộc. Lời Chúa trong Tin Mừng Gioan đã soi sáng vào những hoàn cảnh này, để tôi cảm nghiệm sâu xa hơn về tình yêu của Chúa và lòng thương xót của Ngài dành cho con người, “không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình (Ga 15,13). Những con người ấy đã thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa nơi tha nhân, qua những tổn thương nơi thân thể và tâm hồn của họ.

Trong cuộc sống đôi lúc chúng ta cũng phải đón nhận những tổn thương để thể hiện một thông điệp của tình yêu. Có thể, có nhiều lần và nhiều cách người ta đã làm tổn thương nhau, giữa những người anh chị em trong một cộng đoàn dòng tu hay giữa vợ với chồng, con cái với cha mẹ, anh chị em với nhau trong đời sống gia đình. Nhưng những tổn thương này Chúa mời gọi hãy cố gắng biến nó trở thành dấu chỉ của tình thương, bình an, chứ đừng giữ nó là những tổn thương của thù hận, cay cú, ghen tức. Như khi hiện ra với các môn đệ, Chúa Giêsu đã nói “bình an cho các con và trong khi ấy Ngài cho họ xem tay và cạnh sườn Ngài.” Những vết thương đã được phục sinh đó đã trở nên dấu chỉ của sự bình an.

Mọi người cũng được mời gọi hãy biến đổi những tổn thương nơi tâm hồn thành dấu chỉ của sự bình an cho chính mình và cho người khác. Sự tha thứ cho người khác vì những tổn thương cũng là cách thực thi lòng thương xót của Chúa trong cuộc sống, cả nơi đời sống cộng đoàn dòng tu cũng như trong đời sống gia đình.

Và cuối cùng, Lòng Thương Xót của Chúa được thực thi nơi một cộng đoàn tin tưởng lẫn nhau. Tôma đã không tin những lời nói của anh em mình. Ông khăng khăng giữ quan điểm của mình và đòi phải được “thực nghiệm” rồi mới tin “nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20,25).

Điều này xem ra trái ngược với cộng đoàn của các Kitô hữu tiên khởi được nói đến trong bài đọc I, sách Công Vụ Tông Đồ. Cộng đoàn các Kitô hữu tiên khởi là một cộng đoàn của những người tin tưởng nhau “tất cả mọi kẻ tin đều sống hoà hợp với nhau và để mọi sự làm của chung” (Cv 2,44). Người Việt Nam có câu ngạn ngữ “đồng tiền đi liền khúc ruột”, nếu các Kitô hữu không tin tưởng các tông đồ và các thừa tác viên trong cộng đoàn đức tin của mình, thì làm sao họ dám đưa của cải tài sản của họ để làm của chung và để chăm lo cho các anh chị em thiếu thốn khác được.

Niềm tin tưởng lẫn nhau là vô cùng quan trọng trong bất cứ tập thể hay cộng đoàn đức tin nào dù là trong các cộng đoàn dòng tu hay trong đời sống gia đình. Nếu mỗi thành viên của cộng đoàn dòng tu hay gia đình mà biết tin tưởng lẫn nhau, người ta sẽ dễ dàng làm việc chung và điều quan trọng là nó sẽ dẫn đến sự hiệp nhất.

Anh chủ ATM gạo ở Tân Phú trong thời gian vừa qua đã minh họa cho tôi về cộng đoàn tín hữu tiên khởi. Vì anh đã làm cho mọi người tin tưởng nơi việc anh làm trong cách phục vụ người nghèo, nên người ta đã ùn ùn chở gạo đến cộng tác với anh để chia sẻ những khó khăn với những người nghèo trong mùa dịch. Anh đã xây dựng được một tập thể xã hội tin tưởng lẫn nhau và kết quả thì quá tuyệt vời như mọi người đều thấy.

Do đó, việc tin tưởng lẫn nhau trong đời sống tu trì hay đời sống gia đình cũng là một chiều kích sống lòng thương xót Chúa nơi cộng đoàn, nơi hoàn cảnh mà mình đang sống. Và qua đó mọi người sẽ xây dựng nên một cộng đoàn hiệp nhất chan hòa tình thương “họ dùng bữa cách vui vẻ đơn sơ; họ ca tụng Thiên Chúa và được toàn dân mến chuộng” (Cv 2,45). Và từ sự hiệp nhất ấy, chúng ta sẽ có sức mạnh để thực thi lòng thương xót Chúa cho tất cả anh chị em nghèo khổ.

Xin kết thúc bài chia sẻ này bằng những lời mà thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị đã nói trong bài giảng lễ phong thánh cho nữ tu Faustina: “chị Faustina thân mến, chị là một quà tặng mà Thiên Chúa đã ban cho thời đại chúng tôi, một quà tặng từ đất nước Ba Lan cho toàn thể Giáo Hội, xin cho chúng tôi biết được chiều sâu của Lòng Thương Xót Chúa. Xin cho chúng tôi có một kinh nghiệm sống động và làm chứng về Lòng Thương Xót ấy cho anh chị em chúng tôi. Ước gì sứ điệp về ánh sáng và niềm hy vọng của chị lan toả khắp thế giới, bằng cách thúc đẩy người tội lỗi hoán cải, xoá bỏ mọi tranh chấp, hận thù cùng dẫn đưa mọi cá nhân và quốc gia đến việc thực thi tình huynh đệ. Hôm nay, khi cùng chị hướng nhìn lên khuôn mặt của Đức Kitô sống lại, ước gì chúng tôi cũng cùng chung lời cầu nguyện tin tưởng phó thác của chị và nói lên với niềm hy vọng vững vàng: Lạy Chúa Giêsu Con Tín Thác Vào Chúa.

Pt Phêrô Phạm Minh Triều CM.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây