Chúa nhật kính trọng thể Đức Mẹ Mân Côi

Thứ sáu - 04/10/2024 09:48
Cùng với Mẹ, chúng ta chiêm ngắm các mầu nhiệm của Kinh Mân Côi, chiêm ngắm Mầu Nhiệm Vâng Lời của Đấng Vâng Phục.
Duc Me Man Coi min min
Duc Me Man Coi min min

* Phúc Âm: Lc 1, 26 - 38

Khi ấy, Thiên Thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào Trinh Nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ”. Nghe lời đó, Trinh Nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này Trinh Nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận.

Nhưng Maria thưa với thiên thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?”

Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế, Ðấng trinh nữ sinh ra sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được”.

Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Và thiên thần cáo biệt trinh nữ.
* Suy niệm
Qua Lời Tổng Nguyện của Lễ Đức Mẹ Mân Côi, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúa đã dùng lời thiên sứ truyền tin mà cho chúng ta biết: Đức Kitô, Con Chúa, đã xuống thế làm người, và chúng ta xin Chúa đổ ơn thánh đầy lòng chúng ta, để nhờ công ơn Con Chúa chịu khổ hình thập giá, và nhờ lời Mẹ chuyển cầu, chúng ta sẽ được sống lại hiển vinh. Qua Lời Tổng Nguyện, chúng ta thấy: các nhà phụng vụ muốn đưa dẫn chúng ta đi vào mầu nhiệm cứu độ: từ biến cố truyền tin, qua thập giá, và cuối cùng là phục sinh vinh hiển, đây cũng là tiến trình của các mầu nhiệm mà chúng ta hằng chiêm ngắm qua Kinh Mân Côi.
 Trong biến cố Truyền Tin, Mẹ đã thưa xin vâng, khi trao dâng cung lòng trinh trong để đón nhận Ngôi Lời Nhập Thể, và Mẹ đã được lãnh nhận: thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa. Trong biến cố Thập Giá, Mẹ cũng đã thưa xin vâng, khi trao dâng cõi lòng tan nát để đón nhận cả nhân loại, và Mẹ đã được lãnh nhận: thiên chức làm Mẹ toàn thể chúng sinh. Trong biến cố Mẹ được đưa về trời cả hồn lẫn xác, Mẹ đã thưa lời xin vâng cuối cùng khi hoàn tất sứ mạng, và Mẹ đã được lãnh nhận: thiên chức làm Nữ Hoàng Thiên Quốc, trở nên niềm hy vọng tràn trề cho chúng ta, là khởi đầu và là hình ảnh Hội Thánh sẽ được thành toàn trên Nước Trời mai sau.
 Ca Nhập Lễ và câu Tung Hô Tin Mừng của ngày lễ hôm nay cho thấy Mẹ là Đấng Đầy Ân Sủng, Mẹ được chúc phúc nhất, giữa những người phụ nữ. Mẹ luôn ý thức được đặc ân cao trọng mà Chúa đã dành cho Mẹ, và Mẹ đã luôn quảng đại đáp lại hồng ân cao cả đó bằng một tâm hồn đơn sơ, khiêm hạ, được diễn tả qua lời Kinh Magnificat của bài Đáp Ca mà các nhà phụng vụ đã cho cho ngày lễ hôm nay: Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả.
 
Tất cả những gì chúng ta tin về Mẹ đều quy hướng về đức tin của chúng ta đặt nơi Đức Giêsu, Con của Mẹ, bởi vì, hơn ai hết, Mẹ đã theo sát Đức Giêsu từ khi Ngôi Lời nhập thể trong cung lòng Mẹ cho đến tận chân thập giá. Lời “xin vâng” của Mẹ được lấy mẫu từ lời “xin vâng” của Đấng Vâng Phục, Đấng mà Mẹ hằng dõi bước theo, và liên lỉ bắt chước để trở nên đồng hình đồng dạng với Con của Mẹ trong vâng phục tuyệt đối thánh ý Chúa Cha. Bài đọc một được trích từ sách Công Vụ Tông Đồ đã cho thấy: Khi Chúa về trời, Mẹ vẫn tiếp tục sứ mạng “vâng lời” làm Mẹ của toàn thể chúng sinh, cùng đồng hành với Hội Thánh, chuyên cần cầu nguyện với các môn đệ trong khi chờ đợi Chúa Thánh Thần đến.
 Cùng với Mẹ, chúng ta chiêm ngắm các mầu nhiệm của Kinh Mân Côi, chiêm ngắm Mầu Nhiệm Vâng Lời của Đấng Vâng Phục. Trong bài đọc hai, thư gửi tín hữu Galát, thánh Phaolô đã cho thấy: Đấng Vâng Phục đã chấp nhận sinh vào trần gian làm con một người phụ nữ và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử, nghĩa là, đồng thừa kế với Đức Kitô.
 Cả cuộc đời Mẹ luôn kết hiệp khăng khít với Đấng Vâng Phục: Mở đầu bằng lời thưa “xin vâng” gián tiếp qua sứ thần để làm Mẹ Thiên Chúa trong Mầu Nhiệm Nhập Thể, và kết thúc bằng lời thưa “xin vâng” trực tiếp với Đấng Vâng Phục để làm Mẹ toàn thể nhân loại trong Mầu Nhiệm Thập Giá. Ước gì khi chiêm ngắm Mầu Nhiệm Vâng Lời của Đấng Vâng Phục qua các mầu nhiệm của Kinh Mân Côi, chúng ta cũng bắt chước Mẹ can đảm thưa “xin vâng”, như lời cuối cùng của bài Tin Mừng hôm nay: Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.
 Đấng Vâng Phục đã vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên thập giá để cứu độ chúng ta. Con đường vâng phục là con đường cứu độ, Đấng Vâng Phục đã đi con đường đó, và Mẹ của Đấng Vâng Phục cũng đã tiếp bước Con của Mẹ, đến lượt chúng ta, nếu chúng ta muốn được cứu độ, chúng ta cũng không có con đường nào khác, ngoài con đường vâng phục. Mẹ được gọi là Đấng Đầy Ân Sủng, Đấng Toàn Phúc, bởi vì, Mẹ hoàn toàn buông mình trong tay Thiên Chúa, như chiếc lá khô hoàn toàn bay theo làn gió Thánh Thần, hoàn toàn để Chúa làm cho Mẹ; còn chúng ta, nếu chúng ta cứ giành làm với Chúa, và không để Chúa làm cho chúng ta, thì đừng trách: sao cuộc đời chúng ta toàn là tai họa. Ước gì chúng ta biết ngoan ngùy như Mẹ, như cục đất sét trong tay người thợ gốm, để chúng ta cũng được như Mẹ, trở thành một kiệt tác tuyệt vời của Thiên Chúa. Ước gì được như thế!

 Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Nguồn tin: gpbuichu.org

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây