Suy Niệm Lễ Thánh Gia Thất – Năm B

Thứ năm - 28/12/2023 09:56
Khi tôn vinh Thánh Gia Na-gia-rét, chúng ta học được những bí quyết để gìn giữ gia đình bền vững và hạnh phúc. Những bí quyết đó là đức tin và tình yêu.
Suy Niệm  Lễ Thánh Gia Thất – Năm B

* PHÚC ÂM: Lc 2, 22 - 40 

Khi ấy, đủ ngày thanh tẩy theo luật Môsê, cha mẹ Chúa Giêsu liền đem Người lên Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Lề luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là người thánh thuộc về Chúa”. Và cũng để dâng lễ vật cho Chúa, như có nói trong Luật Chúa, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu con.

Và đây ở Giêrusalem có một người tên là Simêon, là người công chính, kính sợ Thiên Chúa, và đang đợi chờ niềm ủi an của Israel. Thánh Thần cũng ở trong ông. Ông đã được Thánh Thần trả lời rằng: Ông sẽ không chết trước khi thấy Đấng Kitô của Chúa. Được Thánh Thần thúc giục, ông vào đền thờ ngay lúc cha mẹ trẻ Giêsu đưa Người đến để thi hành cho Người những tục lệ của Lề luật. Ông bồng Người trên cánh tay mình, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:

“Lạy Chúa, bây giờ, Chúa để cho tôi tớ Chúa đi bình an theo như lời Chúa, vì chính mắt con đã thấy ơn cứu độ mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là ánh sáng chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel dân Chúa”.

Cha mẹ Người đều kinh ngạc về những điều đã nói về Người. Simêon chúc lành cho hai ông bà và nói với Maria mẹ Người rằng: “Đây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ!”

Lúc ấy, cũng có bà tiên tri Anna, con ông Phanuel, thuộc chi họ Asê, đã cao niên. Mãn thời trinh nữ, bà đã sống với chồng được bảy năm. Rồi thủ tiết cho đến nay đã tám mươi bốn tuổi. Bà không rời khỏi đền thờ, đêm ngày ăn chay cầu nguyện phụng sự Chúa. Chính giờ ấy, bà cũng đến, bà liền chúc tụng Chúa, và nói về trẻ Giêsu cho tất cả những người đang trông chờ ơn cứu chuộc Israel.

Khi hai ông bà hoàn tất mọi điều theo luật Chúa, thì trở lại xứ Galilêa, về thành mình là Nadarét. Và con trẻ lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Người. 

* Suy niệm

NƠI TRÚ ẨN BÌNH YÊN

Một tác giả đã viết: “Người ta có nhiều nơi để đến, nhưng chỉ có một chốn để về, đó là gia đình”. Quả vậy, con người lớn lên tung cánh vào đời, giống như chim phượng hoàng cất cánh bay xa. Bầu trời phía trước không còn biên giới như thời xưa nữa. Với khả năng tri thức và với ý chí kiên cường, ngày nay một người sinh ra và lớn lên tại Việt Nam có thể thành đạt và vẻ vang ở bất cứ chân trời nào. Tuy vậy, dù có bay cao bay xa, những phương trời ấy chỉ là nơi phát triển sự nghiệp. Con người vẫn cần có một nơi để về, đó là gia đình thân thương. Vai trò của gia đình không có gì thay thế được. Bởi lẽ gia đình là nơi trú ẩn bình yên giữa những bon chen và phong ba bão táp cuộc đời.

Nếu gia đình là nơi trú ẩn bình yên, thì chúng ta phải xót xa mà nhận định rằng, chốn trú ẩn ấy đang bị biến dạng, thậm chí trở thành nơi xung đột. Thực trạng gia đình ở Việt Nam cũng như trên thế giới cho thấy, nhiều bạn trẻ không thích gắn bó với nhau lâu dài. Họ chỉ muốn sống tạm, để có thể chia tay bất kỳ lúc nào. Những người đã kết hôn thì lại dễ dàng chia tay, và tỷ lệ ly hôn khá cao, theo kết quả thống kê của các nhà chuyên môn. Trong xã hội mà bạn trẻ quan niệm khá tự do và buông thả về tình yêu, tình dục, thì những chuẩn mực luân lý của truyền thống văn hóa Việt Nam cũng như của các tôn giáo thường bị coi nhẹ. Đó là chưa kể hiện tượng hôn nhân đồng tính, và thói quen sống thử và sống bầy đàn.

Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo nói về gia đình như sau: “Gia đình Ki-tô giáo là sự hiệp thông giữa các nhân vị, là dấu vết và hình ảnh của sự hiệp thông giữa Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần. Hoạt động sinh sản và giáo dục của gia đình là phản ánh công trình tạo dựng của Chúa Cha” (Số 2205). Điều khẳng định trên đây cho thấy tính chất linh thánh của gia đình, theo lăng kính Ki-tô giáo. Một người nam và một người nữ kết hôn với nhau, không chỉ theo đòi hỏi của bản năng và chỉ để thỏa mãn tính dục, nhưng còn phản ánh tình yêu của chính Thiên Chúa, là nguồn mạch của tình yêu. Vì tính linh thánh này, mà hôn nhân Ki-tô giáo có giá trị bền vững, và “điều mà Thiên Chúa đã liên kết thì con người không được phân ly” (Mc 10,9).

Hôm nay, Giáo hội giới thiệu với chúng ta một gia đình gương mẫu, đó là gia đình Chúa Giê-su, Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se. Các Ki-tô hữu tuyên dương gia đình này là Thánh Gia, vì các thành viên của gia đình này đều là thánh. Đừng nghĩ rằng thánh gia thì đời sống gia đình trơn tru nhẹ nhàng. Bài Tin Mừng thánh Lu-ca nói với chúng ta về lời tiên báo của ông Si-mê-ôn với Đức Trinh nữ Ma-ri-a. Đức Mẹ được diễm phúc cưu mang Ngôi Lời nhập thể, nhưng Mẹ cũng phải trải qua muôn vàn đau khổ, được diễn tả như “một lưỡi gươm đâm thấu tâm hồn”. Giữa những đau khổ bộn bề ấy, Mẹ vẫn trung kiên và phó thác nơi Chúa Quan phòng. Mẹ tin rằng, nếu Chúa đã khởi sự những điều tốt đẹp nơi Mẹ, thì Ngài ắt sẽ hoàn tất vào thời điểm Ngài muốn và theo cách Ngài muốn. Thánh Giu-se, người thợ mộc thành Na-gia-rét, cũng chung một niềm tín thác ấy. Sau này, khi phải thức dậy trong đêm để đưa Đức Giê-su và Mẹ Người trốn sang Ai-cập, rồi trong hành trình gian nan trở về Na-gia-rét, thánh Giuse vẫn âm thầm vâng phục, không một lời phàn nàn trách móc. Giu-se và Ma-ri-a là người cha, người mẹ gương mẫu cho mọi gia đình.

Khi tôn vinh Thánh Gia Na-gia-rét, chúng ta học được những bí quyết để gìn giữ gia đình bền vững và hạnh phúc. Những bí quyết đó là đức tin và tình yêu.

Trong mọi giây phút của cuộc đời, thánh Giu-se và Mẹ Ma-ri-a luôn vững tin vào Thiên Chúa. Nếu Mẹ Ma-ri-a đã trả lời sứ thần Ga-bri-en trong ngày Truyền tin: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1, 38), thì thánh Giu-se lại âm thầm vâng phục sứ thần, vui vẻ đón người bạn đã đính hôn về nhà mình (x. Mt 1,24). Cả hai vị thánh đều tin vào quyền năng của Chúa. Các Ngài giống như những dụng cụ trong tay người thợ, sẵn sàng tùy ý điều khiển của người thợ, và chắc chắn người thợ tài ba ấy sẽ làm nên những tác phẩm tuyệt vời. Đức tin có sức mạnh phi thường. Nó giúp ta vượt qua muôn vàn thử thách. Tác giả thư gửi tín hữu Híp-ri (Bài đọc II) đã nêu lên những nhân chứng đức tin điển hình trong Cựu ước để khích lệ chúng ta trong hành trình theo Đức Giê-su.

Gia đình ở Na-gia-rét là gia đình của tình yêu. Chắc chắn, khi làm việc cũng như khi nghỉ ngơi, Giu-se và Ma-ri-a cùng yêu nhau với tình yêu chân thành và sự trân trọng thẳm sâu. Cả hai cùng yêu mến Chúa Giê-su với một tình yêu khôn tả. Khi Chúa Giê-su ở lại trong Đền thờ nhân dịp đi lễ, hai ông bà đã vất vả ngược xuôi, và chỉ vui mừng an tâm khi thấy lại Chúa Giê-su (x. Lc 2,41-50).

Gia đình bền vững chính là một điều kiện cần thiết để xây dựng xã hội phát triển văn minh. Để gia đình thực sự là nơi trú ẩn bình yên, mọi thành viên của gia đình cần được liên kết với nhau bằng mối giây tình yêu, và đặt nền tảng trên đức tin vào Thiên Chúa. Chúng ta cầu nguyện cho các gia đình được bền vững, hạnh phúc và bình an, hầu trở nên một “Giáo hội tại gia”, có khả năng làm lan tỏa tình yêu và sức sống cho mọi người.

Gia đình là nơi cuộc sống bắt đầu và tình yêu không bao giờ kết thúc”“Gia đình chính là nơi con tìm về, khi mệt nhoài trên đường đầy rẫy chông gai” (Sưu tầm).

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

Nguồn tin: giaophanhatinh.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây