Chúa Nhật XXXIV Thường Niên Năm A – Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ

Thứ bảy - 25/11/2023 03:17
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhận ra đâu là chân giá trị đích thực của cuộc sống, đâu là vị Vua vĩnh cửu, đâu là quyền thế nhất thời nhờ ơn trên ban cho. Để từ đó, ta biết chọn cho mình một lẽ sống, một hướng đi, những hành động cụ thể để sự hiện hữu của chúng ta giữa cuộc đời này có giá trị và ý nghĩa trong cuộc sống hôm nay.
Chúa Nhật XXXIV Thường Niên Năm A – Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ

PHÚC ÂM:  Mt 25, 31- 46

Một hôm, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái. Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.” Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu?” Đức Vua sẽ đáp lại rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” Rồi Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng.” Bấy giờ những người ấy cũng sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu?” Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy.” Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời.”
* Suy niệm

CHÚA GIÊSU VUA VŨ TRỤ

Ngày 12.11.1927, Đức Giáo Hoàng Piô XI đã thiết lập Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ, trong bối cảnh thế giới đang sôi sục trong ngọn lửa chiến tranh. Hai cuộc thế chiến thứ nhất và thứ hai đã cướp đi sinh mạng của gần nửa tỷ người. Người La Mã xưa có câu: “Homo homini lupus”, người là lang sói cho người. Trong bối cảnh lịch sử như thế, Đức Giáo Hoàng Piô XI muốn công bố cho thế giới một thông điệp rằng: Con người hãy quẳng gươm, bỏ súng quay về phủ phục vị Vua của tình yêu trong vương quốc “tứ hải chi nội giai huynh đệ dã”, ‘bốn bể đều là anh em một nhà’, cùng sống trong tình yêu thương, bác ái, hiền hòa, vị tha, chia sẻ… Không còn cảnh cắn xé, tranh dành vì lợi ích danh vọng phù phiếm của trần gian.
Mặt khác, ý thức hệ chủ nghĩa duy vật vô thần Mácxít lên ngôi những năm đầu thế kỷ XX như muốn nuốt chửng cả thế giới tâm linh, đẩy thế giới dần dần rời bỏ Chúa, mất niềm tin; người ta muốn khai trừ Chúa ra khỏi mọi tâm hồn, gia đình, xã hội, và muốn xây xã hội trên nền tảng thuần túy vật chất nhân loại. Những nhà Mácxít đứng trên quan điểm đấu tranh bằng bạo lực cách mạng, bằng vũ khí, vũ trang để thống trị thế giới… Trong bối cảnh đó, Đức Giáo Hoàng muốn công bố những quyền bất khả xâm phạm của Chúa Kitô: Ngài là Vua vũ trụ, Vua các vua, Chúa các chúa, hữu hình và vô hình; Ngài là Đấng Toàn Năng, Toàn Thiện, Đấng Quyền thế vô cùng vô biên, Đấng Tự Hữu; ta có là nhờ Ngài, và bổn phận chính yếu nhất của người Kitô hữu là thờ lạy Ngài “trong tinh thần và chân lý” (x. Ga 4,23) để được sống hạnh phúc viên mãn.
Ngày lễ “Chúa Kitô Vua Vũ Trụ” là lời hiệu triệu con người quay về phủ phục tôn thờ một mình Thiên Chúa như Thánh Vịnh có viết: “Ngài là Chúa con thờ,ngoài Chúa ra, đâu là hạnh phúc?” (Tv 16,2). Chúng ta tìm hạnh phúc viên mãn ở đâu? Văn sĩ người Ailen, ông Oscar Quaide có viết câu chuyện có tựa đề: “Ông Hoàng Hạnh Phúc” nội dung như sau: Tại một trung tâm thành phố nọ có một pho tượng rất nổi tiếng; đó là pho tượng của “Ông Hoàng Hạnh Phúc”. Toàn thân ông được dát bằng những lá vàng hảo hạng, áo ông mặc được đính bằng ngọc trai, đôi mắt ông làm bằng hai viên ngọc bích trong veo và chuôi kiếm của ông có gắn một viên hồng ngọc lớn, khuôn mặt ông đẹp như thiên thần, tự nơi ông toát ra hạnh phúc, thanh bình, sung mãn.
Một ngày kia, có một chú chim én nhỏ bay về phương nam để tránh rét; chú bay tới đậu dưới chân một pho tượng giữa thành phố. Bỗng một giọt nước rơi xuống mình chú; tưởng là mưa, chú én định bay đi tìm chỗ khác, nhưng ngước nhìn lên nó hết sức ngạc nhiên bởi vì đó không phải là những giọt nước mưa mà là nước mắt của Ông Hoàng. Chú én hỏi: Ông được dân ca tụng là Ông Hoàng hạnh phúc, sao ông lại khóc? Ông Hoàng nói: Ngày xưa khi còn sống và mang trái tim con người, ta không hề biết nước mắt là gì; ban ngày ta vui chơi, tối đến ta khiêu vũ đến sáng, ta không màng đến những gì đau khổ đang xảy ra bên ngoài. Khi ta chết người ta dựng lên pho tượng này. Từ trên cao nhìn xuống, giờ đây ta mới thấy bao nhiêu thống khổ của người dân. Vì thế, tuy trái tim ta bằng đá, ta cũng không thể nào cầm được nước mắt khi thấy dân chúng lầm than khốn khổ. Chú én định bay đi cho kịp đàn, nhưng Ông Hoàng năn nỉ chú én. Bạn hãy giúp ta một việc, một lần này thôi, xong rồi bạn hãy đi. Nói xong, Ông Hoàng chỉ cho chim én thấy một căn nhàtồi tàn trong góc phố, nơi đó có một bà mẹ đang ôm một đứa bé; cả hai cùng khóc thảm thiết vì cháu bé bệnh nặng mà bà không có tiền mua thuốc cho con. Ông Hoàng nói tiếp: tiếng khóc than của họ làm cho lòng ta thổn thức khôn nguôi. Ta muốn đến với họ nhưng chân ta bị gắn chặt nơi đây; ta nhờ bạn gỡ lấy viên hồng ngọc lớn từ chuôi thanh gươm đem đến cho người đàn bà nghèo kia. Và từ đó, tiếng khóc không còn nữa, thay vào đó là tiếng cười của trẻ thơ, tiếng ầu ơ của người mẹ vọng lên trong bầu khí thanh bình khi màn đêm buông xuống. Ngày lại ngày, chú én bay từ pho tượng đến với những người vô gia cư, đến với trẻ em lang thang đầu đường xó chợ, đến với bà góa mù cô thế cô thân, đến với người nghèo khổ cơ bần không nơi nương tựa… tiếng than vãn trong thành phố giảm dần và dân chúng được sống hạnh phúc.
Mùa Đông trôi qua, người dân trong thành phố nhìn lên pho tượng thấy một con chim én chết khô dưới chân Ông Hoàng, còn Ông Hoàng và những đồ trang sức trên người ông biến mất, thân hình thê thảm;Ông Hoàng hạnh phúc ngày nào đã biến thành gã ăn mày xấu xí rêu phong!
Đức Kitô đang đứng trên cao, Ngài lắng nghe rất rõ tiếng thở than, ai oán của hết thảy dân chúng: “Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn” (Mt15,32). Ngài đang khóc những giọt lệ bằng máu. Ngài đang mời gọi tôi, quý vị và các bạn: này bạn, Ta muốn cho những người đói ăn, những người khát uống, tiếp rước những người khách lạ. Ta muốn cho những người trần truồng đồ mặc, đi thăm những người đau yếu, hỏi han những người ngồi tù…Nhưng chân tay Ta bị đóng đinh chặt vào cây thập giá, Ta muốn nhờ bạn cho Ta mượn đôi chân của bạn để đến với những người đau yếu, ngồi tù;cho Ta nhờ đôi tay của bạn để trao tấm áo cho người trần truồng được ấm thân;cho Ta mượn chìa khóa lòng bạn để mở cửa tiếp rước người khách lạ đến trọ nhà;cho Ta nhờ tấm lòng từ thiện của bạn để người đói được no, kẻ khát được thỏa lòng…
Lật lại những trang sử trong Giáo Hội,ta thấy biết bao gương thánh nhân đã cho Chúa sử dụng đời mình như khí cụ của Ngài. Ví như thánh Phaxicô đã trở nên nghèo khó để làm cho Thiên Chúa giàu lên trong lòng của nhiều người. Như mẹ thánh Têrêxa thành Calcutta đã hy sinh cuộc đời mình để tiếp rước những người khách lạ, cho những người đói ăn, khát uống và những người trần truồng có áo mặc. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã vào nhà tù thăm Mehmet Ali Agca, người đã từng ám sát mình… Và có biết bao người đã âm thầm hy sinh cả cuộc đời để làm cho đời bớt tiếng khóc, thêm tiếng cười, no cơm ấm áo, sống tự do và hạnh phúc, bình an. Song có những người âm thầm hy sinh phục vụ phải trả giá bằng tính mạng của mình là chết âm thầm như chú chim én kia mà chẳng mấy ai hay biết.
Vua Chí Thánh Tình Yêu đã, đang và sẽ mời gọi tôi, quý vị và các bạn hành động như thế, song chúng ta đáp lại lời mời gọi đó như thế nào?
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhận ra đâu là chân giá trị đích thực của cuộc sống, đâu là vị Vua vĩnh cửu, đâu là quyền thế nhất thời nhờ ơn trên ban cho. Để từ đó, ta biết chọn cho mình một lẽ sống, một hướng đi, những hành động cụ thể để sự hiện hữu của chúng ta giữa cuộc đời này có giá trị và ý nghĩa trong cuộc sống hôm nay. Đừng bao giờ đánh mất hướng đi của cuộc sống và nhất là đánh mất chính bản thân vì một chút lợi lộc hay danh vọng phù phiếm nhất thời. Chúng ta hãy tỉnh thức để nhận thấy tầng ý nghĩa thâm sâu của cùng đích của cuộc đời, đó chính là tìm lại được bản thân trong sự hiến thân phục vụ vô vị lợi cho tha nhân để cùng nhau hưởng hạnh phúc viên mãn muôn đời trong Đức Kitô, Vua vũ trụ.

Lm. Anphongsô Đinh Công Sáng, SVD
 

Nguồn tin: ngoiloivn.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây