Chúa Nhật V Mùa Chay năm B

Thứ sáu - 15/03/2024 00:30
Trong Tin Mừng Gioan, câu chuyện này xảy ra ngay sau bài tường thuật về việc Đức Giê-su khải hoàn tiến vào thành thánh Giê-ru-sa-lem vào lúc lễ Vượt Qua sắp đến gần.
Chúa Nhật V Mùa Chay năm B

Phúc Âm: Ga 12, 20-33

“Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, trong số những người lên dự lễ, có mấy người Hy-lạp. Họ đến gặp Philipphê quê ở Bêtania, xứ Galilêa, và nói với ông rằng: “Thưa ngài, chúng tôi muốn gặp Ðức Giêsu”. Philip-phê đi nói với Anrê, rồi Anrê và Philipphê đến thưa Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đáp: “Ðã đến giờ Con Người được tôn vinh. Quả thật, quả thật, Ta nói với các con: Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời. Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn vinh nó. Bây giờ linh hồn Ta xao xuyến, và biết nói gì? Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ này. Nhưng chính vì thế mà Con đã đến trong giờ này. Lạy Cha, xin hãy làm vinh danh Cha”. Lúc đó có tiếng từ trời phán: “Ta đã làm vinh danh Ta và Ta còn làm vinh danh Ta nữa”. Ðám đông đứng đó nghe thấy và nói đó là tiếng sấm. Kẻ khác lại rằng: “Một thiên thần nói với Ngài”. Chúa Giêsu đáp: “Tiếng đó phán ra không phải vì Ta, nhưng vì các ngươi. Chính bây giờ là lúc thế gian bị xét xử, bây giờ là lúc thủ lãnh thế gian bị khai trừ và khi nào Ta chịu đưa lên cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta”. Người nói thế để chỉ Người phải chết cách nào.

SUY NIỆM

Trong Tin Mừng Gioan, câu chuyện này xảy ra ngay sau bài tường thuật về việc Đức Giê-su khải hoàn tiến vào thành thánh Giê-ru-sa-lem vào lúc lễ Vượt Qua sắp đến gần.

Trong cùng một chuyển động, đến lượt mình, những người Hy-lạp, đại diện thế giới lương dân, bày tỏ ước nguyện “muốn được gặp” Đức Giê-su (12: 21). Trong Tin Mừng Gioan, diễn ngữ “muốn được gặp” bày tỏ dáng dấp của niềm tin rồi. Lời thỉnh cầu của họ đã gây xúc động sâu xa ở nơi Đức Giê-su: những người Hy lạp nầy đại diện thế giới lương dân mà cuộc Tử Nạn sắp đến của Ngài sẽ mở ra cho họ con đường cứu độ.

Câu chuyện nầy thật cảm động. Cuộc Tử Nạn sắp đến gần của Ngài làm cho Ngài xao xuyến. Dù thánh Gioan không ghi lại nỗi xao xuyến của Đức Giê-su ở vườn Ghết-sê-ma-ni, nhưng tình tiết được trình bày ở đây như tham dự trước nỗi xao xuyến nầy.

1.Niềm tin của những người Hy-lạp:

Những người Hy-lạp nầy lên Giê-ru-sa-lem để mừng lễ Vượt Qua, họ thuộc vào số những lương dân có thiện cảm với Độc Thần Giáo Do thái. Sách Công Vụ gọi họ “những người sùng mộ Thiên Chúa” hay “những người kính sợ Thiên Chúa”.

Họ ngỏ lời xin được gặp Đức Giê-su với ông Phi-líp-phê. Ông Phi-líp-phê nói lại với ông An-rê, đoạn cả hai đến thưa chuyện với Thầy mình. Đức Giê-su không trả lời trực tiếp với những người Hy-lạp đến xin gặp Ngài. Thời gian của những cuộc chuyện trò riêng tư đã qua, nay giờ thực hiện ơn cứu độ phổ quát đã điểm.

2.Giờ của Đức Giê-su:

Trước đây, Đức Giê-su đã từ chối mang sứ điệp của Ngài đến lương dân, nay Ngài biết rằng giờ của họ đã đến, Ngài sắp đổ máu mình ra cho tất cả họ. Trước đó vài ngày, Ngài đã nói: “Tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn nầy” (Ga 10: 15-16). Những chiên khác không thuộc ràn nầy, chính là những lương dân này, họ cầu xin được gặp Ngài. Xúc động tận đáy lòng, Đức Giê-su hân hoan nói: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh!” (12: 23).

Chúa Giê-su thích dùng tước hiệu “Con Người” để nói về mình. Tước hiệu nầy quy chiếu đến thị kiến của ngôn sứ Đa-ni-en, trong đó một nhân vật huyền nhiệm “như Con Người đến trên mây trời” nhận được danh dự, quyền năng và vinh quang (Đn 7: 13-14). Tước hiệu bí ẩn nầy cho phép Đức Giê-su diễn tả tính siêu việt của Ngài ở nơi nhân tính của Ngài, đồng thời vẫn giữ được mầu nhiệm con người Ngài.

Trong Tin Mừng Gioan, giờ tôn vinh bắt đầu ở đồi Sọ. Thật ra, việc tôn vinh bao gồm cuộc Phục Sinh và cuộc Thăng Thiên ngự bên hữu Chúa Cha, mà bước đầu tiên chính là Thập Giá. Chính ở nơi Thập Giá mà hành động cứu độ viên mãn của Đức Giê-su được thực hiện và ý định yêu thương vô hạn của Thiên Chúa được hiện thực. Chúa Giê-su diễn tả chân lý nầy bằng một sự so sánh rất giản dị: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (12: 24).

3.Lời mời gọi theo Ngài:

Chúng ta ghi nhận rằng mỗi lần Đức Giê-su loan báo cuộc Tử Nạn của Ngài, Ngài đều mời gọi bước theo Ngài trên con đường gian nan của sự từ bỏ: “Ai quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời nầy, thì sẽ giữ lại được cho cuộc sống đời đời” (x. Mt 16: 21-24; Mc 8: 31-35; Lc 9: 22-23). Chính đó là câu trả lời của Đức Giê-su cho những người Hy-lạp mong ước được gặp và biết Ngài. Một cách nào đó, Ngài cho họ một cuộc hẹn gặp: “Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó” (12: 26). Không ai có thể gặp gỡ Đức Giê-su, nếu không chung bước trên cùng con đường với Ngài.

Viễn cảnh con đường đau khổ nầy làm xao xuyến Đức Giê-su. Ba chuyển động nối tiếp nhau: xao xuyến tận đáy lòng, kêu cầu cùng Chúa Cha và chấp nhận dâng hiến mạng sống mình, mà các sách Tin Mừng Nhất Lãm dùng để mô tả con người của Đức Giê-su ở vườn Ghết-sê-ma-ni. Nhưng vào giây phút nầy, Đức Giê-su không để cho mình ngã quỵ dưới sức nặng của cuộc Tử Nạn, nhưng trấn tĩnh lại ngay: “Chính giờ này mà con đã đến!” (12: 27). Thêm nữa, một tiếng phán từ trời đem lại nguồn an ủi cho Ngài.

4.Tiếng phán từ trời:

Trong Tin Mừng Gioan, đây là cuộc Thần Hiển duy nhất. Thánh Gioan không tường thuật cuộc Biến Hình; thánh nhân tường thuật biến cố Phép Rửa chỉ gián tiếp và không có bất kỳ ám chỉ nào đến tiếng phán từ trời (x. Ga 1: 31-34). Đoạn văn nầy là đoạn văn duy nhất ám chỉ đến sự can thiệp từ trời: “Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa!” (12: 28). Trong Tin Mừng Gioan, Chúa Cha đã tôn vinh Ngài qua bảy dấu lạ mà Đức Giê-su đã thực hiện, nay Chúa Cha sẽ còn tôn vinh Ngài hơn nữa qua dấu lạ cuối cùng vĩ đại nhất, đó là Thập Giá. Điều đó nói lên sự hiệp nhất vinh quang giữa Chúa Cha và Chúa Con trong công trình cứu độ loài người.

Đây là dấu lạ sau cùng được ban cho đám đông. Phải chăng đây là dấu lạ mà người Biệt Phái đã đòi hỏi nhưng bị từ chối (x. Mt 16: 1-4)? Đức Giê-su chỉ ban dấu lạ nầy vào lúc quá muộn: án tử của Ngài đã được quyết định rồi.

5.Cuộc chiến thắng trên Xa-tan:

Ngay khi tâm hồn xao xuyến, Chúa Giê-su lấy lại niềm hưng phấn lúc ban đầu. Quả thật, ơn cứu độ mà Ngài đạt đến cho thế gian ở nơi Thập Giá sẽ đánh dấu sự thất bại của Xa-tan. Nhân loại sẽ thoát khỏi quyền thống trị của sự Dữ. Thập Giá sẽ là dấu chỉ của cuộc chiến thắng nầy: “Phần tôi, khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (12: 32). Động từ “giương cao lên” được dùng ở đây có nghĩa vừa “được nâng lên cao” vừa “được tôn vinh”, tức là được đưa lên trên Thập Giá và được siêu thăng bên cạnh Chúa Cha. Theo cùng một cách thức như vậy, Đức Giê-su đã trả lời cho ông Ni-cô-đê-mô: “Con Người cũng sẽ được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 3: 14-15) và với những lãnh đạo Do thái: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu” (Ga 8: 28).

Lm. Inhaxiô Hồ Thông

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây