* Tin Mừng: Ga 20, 1-9
Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ, bà liền chạy về tìm Simon-Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: "Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu".
Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước. Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong.
Vậy Simon-Phêrô theo sau cũng tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ. Bấy giờ môn đệ kia mới vào, dù ông đã tới mồ trước.
Ông thấy và ông tin, vì chưng các ông còn chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết.
* Suy niệm
CHÚA GIÊSU PHỤC SINH,
NGUỒN HY VỌNG CỦA CHÚNG TA
Mầu nhiệm Chúa Kitô phục sinh qủa là mầu nhiệm “sống còn” đối với niềm tin Kitô giáo chúng ta vì chưng việc Đức Kitô phục sinh chính là bảo chứng cho phần phúc và nguồn hy vọng của chúng ta. Cho nên, Sách giáo lý Hội Thánh công giáo dạy rằng việc sống lại của Đức Kitô mãi vẫn là mầu nhiệm đối với những người tin. Đức tin là ân sủng Thiên Chúa ban, nhưng cũng là sự đáp trả của con người không chỉ bằng ý chí mà con bằng cả lý trí và con tim. Đức tin của chúng ta tin vào Chúa Giêsu sống lại nhờ không chỉ ơn Chúa còn nhờ lời chứng của các Tông đồ và Thánh Kinh là nền tảng cho đức tin và nguồn hy vọng của chúng ta. Vâng đúng thế, bài đọc 1, Sách Công vụ tông đồ, Thánh Phêrô nói: “Chúng tôi đây xin làm chứng về mọi việc Người đã làm trong cả vùng dân Do-thái và tại chính Giê-ru-sa-lem. Họ đã treo Người lên cây gỗ mà giết đi. Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường, không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại. Người truyền cho chúng tôi phải rao giảng cho dân, và long trọng làm chứng rằng chính Người là Đấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán, để xét xử kẻ sống và kẻ chết” (Cv 10,40-41). Còn thánh Phaolô nói: “Nếu Đức Kitô không sống lại thì lời rao giảng của chúng ta ra uổng công và đức tin của anh em cũng ra vô ích” (1Cr 15,14).
Và đến bài Tin Mừng, Thánh Gioan thuật lại sự việc ông thấy và tin Chúa Giêsu đã sống lại. Chúng ta để ý trong câu chuyện có 3 người đều “chạy”: Madalêna chạy tìm Simon-Phêrô. Ông Phêrô và môn đệ kia liền chạy ông Phêrô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Ông Simon Phêrô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. Ông thấy cái gì? Ông thấy Thiên Chúa đặt sẵn những dấu chỉ giúp 3 người chạy tìm Chúa sống lại: đó là một ngôi mộ trống, những khăn vải liệm còn đó được xếp gọn gàng và những lời tiên báo việc Chúa Giêsu sống lại theo Thánh Kinh. Và nhất là ông Gioan vừa chạy vừa cố ôn lại những gì Thầy đã đôi ba lần nói trước kia rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại” (Mc 9,31). Vì vậy, khi nhìn ngôi mộ trống, khăn liệm, xếp gọn gàng, “môn đệ kia” đã đọc được ý nghĩa của những dấu chỉ ấy nên đã thấy và đã tin Chúa Giêsu đã sống lại.
Sống trong đời sống, chúng ta nuôi dưỡng nhiều niềm hy vọng khác nhau: sống lâu và bền bỉ hơn, mọi người trở thành người tốt, làm ăn thịnh vượng, hạnh phúc, mạnh khỏe, mau mắn, không có đau khổ…. Tất cả những điều này đều tốt nhưng chúng ta không thể chắc chắn rằng nó sẽ xảy ra hay không. Có thể là có nhưng cũng có thể là không. Vậy thì chúng ta có thể đặt niềm hy vọng vào điều gì sẽ không làm chúng ta thất vọng. Thánh Augustinô trả lời: “Chúa sống lại là niềm hy vọng của chúng ta” (Sermon:1). Cho nên, chúng ta đặt niềm hy vọng nơi Chúa Giêsu trỗi dậy từ trong kẻ chết thì chính con người và cuộc sống của chúng ta sẽ được cứu độ đời này và đời sau vì chưng Thánh Phaolô nói: “Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giê-su là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ” (Rm10,9). Vì thế, chúng ta không chỉ mong ước điều gì đó tốt đẹp sẽ đến và chúng ta tin tưởng hy vọng chắc chắn vào Chúa Giêsu phục sinh thì nói như Lời Chúa trong bài đọc 2 rằng: “Sự sống mới của chúng ta hiện đang tiềm tàng với Đức Ki-tô nơi Thiên Chúa. Khi Đức Ki-tô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, chúng ta sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang” (Cl 3,4).
Qua các bài Lời Chúa hôm nay, chúng ta tái khám phá niềm hy vọng của chúng ta vào Chúa Giêsu Phục Sinh. Đức Giáo Hoàng Bênêđictô thứ XVI đã từng nói: “Nếu chúng ta loại bỏ Đức Kitô và sự phục sinh của Người, con người chẳng còn lối thoát, và niềm hy vọng của mỗi người chúng ta cùng trở nên rỗng tuếch” (Sứ điệp Phục Sinh Urbri et Orbri 2009). Vì vậy, sự Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô giúp mỗi chúng ta biết hướng về Thiên đàng để được sống thay vì chỉ biết nhìn xuống và sống trong đau khổ và tội lỗi. Hướng về Thiên đàng để rồi từ nay mỗi chúng ta không sống trong sự thất vọng nhưng luôn sống trong tinh thần lạc quan và hy vọng. Vì từ con người phải chết và chết đời đời do tội, nay nhờ sự Phục Sinh, chúng ta sẽ được sống muôn đời. Cũng như Đức Giê-su đã phải trải qua đau khổ và Cái Chết mới được Sống Lại, chúng ta cũng được vững tin và hy vọng dẫu có những khó khăn, gian nan và thử thách vì biết rằng “Hạt giống có chết đi mới sinh ra bông hạt khác”(x.Ga 12,24). Chúa Giêsu Phục Sinh là nguồn hy vọng của chúng ta, vì thế, chúng ta cố gắng sống vươn lên, bình an và hy vọng mỗi ngày dù tội lỗi, có gặp những khó khăn, thử thách đau khổ vì phải trải qua thập giá mới đến vinh quang như Chúa Giêsu. Sự phục sinh của Chúa Giêsu mang đến cho chúng ta niềm hy vọng lớn lao vì chưng chúng ta có thể sống cuộc sống sung mãn Người ban cho ngay bây giờ trên mặt đất này cùng với lời hứa của Chúa Giêsu về cuộc sống vĩnh cửu trên Thiên Đàng, “Các con hãy can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33); “Các con đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi, Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban cho các con bình an của Thầy” (Ga 14,27); “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).
Nhiều lúc chúng ta sống không có niềm hy vọng, có lúc thất vọng, nhưng vì chúng ta là Kitô hữu, chúng ta đừng bao giờ mất hy vọng, mất đức tin và mất bình an vì chưng Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta và cứu chuộc trong mọi hoàn cảnh vì chưng chính Thiên Chúa đã trỗi dậy từ cõi chết, thì chúng ta cũng sẽ trỗi dậy và sống mật thiết với Ngài trong đức tin, đức hy vọng, bình an của Ngài. Cho nên, trong mùa Phục Sinh này, chúng ta hãy luôn sẵn sàng để nói với mọi người rằng chúng ta luôn đặt hy vọng vào sự Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô vì Ngài là Đấng Cứu độ chúng ta từng giây từng phút và từng hoàn cảnh trong đời. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang
Nguồn tin: www.giaophandanang.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn