Tôi đã giảng dạy trực tuyến được hơn hai tháng nay. Sinh viên, giáo viên và quản trị viên đều đang vất vả với nó. Và không ai trong số những người tôi đã nói chuyện đặc biệt ưa thích nó.
Có thể kể tên một vài hạn chế đáng chú ý được hình thành trong việc giáo dục trực tuyến là: thiếu sự tương tác cá nhân thực sự, nguy cơ lừa đảo và sự cách ly nguy hại đối với thanh thiếu niên.
Nhưng thay vì tập trung vào tất cả những hạn chế đó, tôi muốn mô tả một lợi ích tiềm năng của việc giáo dục này: đó là học sinh có thể chủ động sở hữu việc học tập của họ.
Việc học sinh chủ động học tập luôn là điều mong muốn của giáo viên: muốn trang bị cho học sinh niềm khao khát thu thập kiến thức và học tập theo cách thức riêng của mình. Mục tiêu này thật cao cả, và có lẽ là một tham vọng mà trường tiểu học hoặc trung học muốn đạt tới. Nhưng mục tiêu này không hề phi lý. Nó có thể đạt được. Bởi vì kiến thức là điều tốt đẹp: chúng ta yêu nó vì chính nó. Mọi người nên biết (và vui mừng khi biết) rằng Chúa là Thiên Chúa Ba Ngôi, rằng y = mx + b, hoặc rằng “I” thường đi trước “e”.
Ngay cả khi chúng ta không có mặt để thúc giục và khuyến khích các học sinh, họ vẫn có thể hiểu ra được điều gì đó về bản thân và những mong muốn của chính mình. Họ yêu những gì? Kiến thức hay những trò giải trí thụ động? Xuất sắc hay tầm thường? Những câu hỏi này được đặt ra không phải chỉ cho trẻ em mà còn cho cả người lớn nữa.
Chúng ta cũng đang trải qua những bài học đau đớn khi phải làm việc tại nhà của mình. Nhưng có lẽ, trong trường hợp của bọn trẻ, hình thức quản thúc tại nhà kỳ quặc này lại sẽ giúp chúng biết chủ động sở hữu việc học tập. Có lẽ, cũng chỉ có lẽ, chúng có thể học được một bài học mà chúng ta không bao giờ có thể dạy chúng tại trường lớp: giáo viên hỗ trợ việc học, nhưng chính học sinh phải thực sự muốn học. Đó mới là tác nhân chính trong quá trình học tập. Những hứa hẹn hay đe dọa cũng chỉ nhắm đến điều này.
Trước hết, tôi muốn lưu ý về việc chủ động sờ hữu việc học tập. Đã có rất nhiều sách, bài báo và các khóa học phát triển chuyên nghiệp được tổ chức xung quanh khái niệm này. Còn cái nhìn của tôi ở đây là của riêng tôi, được thu thập từ nền giáo dục của Dòng Đaminh. Tôi không chắc chúng có tiêu biểu cho nghề giáo hay không.
Việc chủ động sở hữu việc học tập gồm: hiểu biết, khao khát và ghi nhớ. Đầu tiên, học sinh phải thấu hiểu những gì một tác giả (nhà sinh học, tiểu thuyết gia, nhà thần học, v.v.) đang nói. Sau đó, khi đã vui hưởng sự thấu hiểu tài liệu, niềm khao khát tìm hiểu một chủ đề được khơi gợi lên. Cuối cùng, tài liệu trở thành một phần bản thân của họ (ghi nhớ).
Việc thấu hiểu nghe có vẻ đơn giản. Nhưng để có thể tán thành những gì một tác giả ‘thực sự muốn nói’ và những gì ‘thực sự không muốn nói’ thì đúng là một thách đố đầy khó khăn. Điều này đặc biệt đúng trong thần học, khi sinh viên đến học với những định kiến từ những văn hóa xung quanh. Thần học luân lý thường có nhiều cơ hội gây hiểu lầm như thế.
Tôi có thể dễ dàng đích thân làm rõ những loại hiểu lầm này. Khi phải ở một mình, một học sinh phải tập trung hết sức để tìm hiểu nhữn-g gì sách giáo khoa nói, ví dụ, về mục đích của hôn nhân. Lúc ấy họ có nhiều thời gian hơn để đọc đi đọc lại các câu chữ trong sách giáo khoa. Và việc vất vả nghiên cứu các tài liệu này sẽ tạo ra sự thấu hiểu.
Tôi đang rất muốn nói thật nhanh về quá trình này. Trong một lớp Vật lý, học sinh hỏi, và tôi trả lời. Sau khi tôi nói, học sinh tin đúng như thế, và mọi thứ thật tuyệt vời. Nhưng có khi điều đó không xảy ra. Thay vì vậy, học sinh đọc một cái gì đó, không hiểu, bèn hỏi để được giải thích, vì đang lo lắng về bài kiểm tra vào thứ Sáu, và sự không hiểu ban đầu của họ không còn nữa (đã đi vào quên lãng).
Bây giờ, trong giai đoạn cách ly, họ chỉ có tài liệu và bản thân họ mà thôi, không có nhiều sự giúp đỡ từ tôi nữa. Họ có thể khao khát đủ thứ, cao cả hoặc thấp hèn. Nhưng, về mặt trí tuệ, sự thành công sau khi vất vả nắm bắt những khái niệm khó sẽ dẫn đến niềm khao khát hiểu biết thêm.
Chúng tôi, những giáo viên, nhớ về lần đầu tiên mình tự lực chứng minh được một định lý, dịch được một đoạn văn, hay hiểu ra được nguyên nhân của một cuộc chiến. Chỉ sau thành công nho nhỏ đầu tiên đó, chúng tôi mới có thể khao khát và ưa thích tìm tòi nghiên cứu hình học, tiếng Tây Ban Nha hoặc lịch sử. Niềm vui, khao khát hoặc đam mê này nảy sinh từ những thành công thú vị nho nhỏ khi theo đuổi điều thú vị ấy. Những thành công này kết nối và xây dựng nên khối kiến thức thực sự. Đây là một sự thay đổi nơi học sinh, thay đổi từ sự thiếu hụt kiến thức thực sự vào tháng Chín. Và, sự nhàm chán hiện tại vì phải cách ly ở nhà, biết đâu được, lại khiến họ thích thú tìm hiểu về địa lý châu Âu hoặc vách tế bào.
Cuối cùng, sự đơn độc có thể xây dựng nên bộ nhớ (ký ức). Các Kitô hữu của thời trước đã rèn luyện ký ức của họ một cách gian khổ, còn chúng ta thì đôi khi vay mượn hoặc hoàn toàn bỏ bê ký ức của mình. Nhưng việc kéo dài thời gian đơn độc có thể giúp rèn luyện ký ức. Đây là một cơ hội để xây dựng kiến thức cho đến cuối cuộc đời.
Đây là cơ hội mà bọn trẻ đang có bây giờ. Bất chấp những nỗ lực của giáo viên, nhân viên và quản trị viên (giờ quản trị viên đặc biệt mệt mỏi), các học sinh gần như tự mình nắm bắt nguồn kiến thức. Cần phải làm cho kiến thức thoát ra khỏi trang giấy (hoặc màn hình) mà đi vào tâm hồn của họ. Nhưng họ có những món quà, thời gian và ân sủng để làm những điều đó ngay bây giờ. Học sinh của tôi để lại ấn tượng thực sự với tôi bởi sự siêng năng của họ. Có lẽ họ sẽ không bao giờ có nhiều thời gian nhàn rỗi như thế này một lần nữa trong cuộc đời. Tôi không ngây thơ, và tôi biết rằng họ có thể dành tất cả thời gian rảnh này cho ‘những điều lạ lùng’. Nhưng rồi, họ sẽ lại không làm như thế được nữa. Và có lẽ một số nhà trí thức vĩ đại trong tương lai sẽ được đánh thức trong thời gian cách ly này.
Lm. Edmund McCullough, O.P (Aleteia) / Thu Phượng chuyển ngữ / Nguồn: WGPSG
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn