Làm giàu tiếng Việt "giản thê" - Bs. Nguyễn Lan Hải

Thứ tư - 13/05/2020 06:13
Theo tôi, xu hướng lệch chuẩn ngôn ngữ không phải là cách để giới trẻ thể hiện cá tính, sự sáng tạo của mình, mà nếu có thì cũng phải “gạn đục khơi trong”, “đãi cát tìm vàng”. Đã gọi là cá tính và sáng tạo thì ngoài chuyện độc đáo, mới, chưa từng có thì nó phải đẹp hơn, tốt hơn, tinh tuyền hơn cái cũ chứ không hổ lốn, "tả pí lù".
Làm giàu tiếng Việt "giản thê" - Bs. Nguyễn Lan Hải

DÀNH CHO CON TRAI MỚI LỚN (35):

LÀM GIÀU TIẾNG VIỆT “GIẢN THỂ”

Facebook thật vi diệu! Nhờ vào mạng xã hội mà tình cờ con biết được ba con xin bác sĩ tư vấn vụ “đau đầu về ngôn ngữ teen code của con tôi”.

Thú thật, chính con cũng thấy từ “Trời đụ!”, “Á đù!” để chỉ sự bất ngờ, “vãi l*n”, "sml", "vãi ccc" để chỉ sự quá mức,... là khá thô và ghét bạn nào dùng nó.

Nhưng hiện nay không chỉ giới trẻ mà đa số cư dân mạng chấp nhận cách dùng loại tiếng Việt không chính thống này. Vậy con nên làm gì để vẫn theo xu thế nhưng không bị... củ chuối quá?

(Nguyễn Mạnh H. - Dĩ An)

Cháu nói đúng, ngay trên các phương tiện thông tin đại chúng và nhiều chương trình truyền hình cũng dùng những từ thông tục, “mật mã tuổi teen”; không đếm xuể các bài báo trực tuyến đang cổ súy cho sự lệch lạc ngôn ngữ qua việc “lạm dụng một cách có ý thức teen code” nhằm câu khách, gây ấn tượng với các độc giả trẻ. Thậm chí, trong buổi biểu diễn của một số ban nhạc, ca từ của bài hát còn có khả năng... gây shock cho người nghe.

Trào lưu sử dụng tiếng lóng, “ngôn ngữ @” trở thành 1 trong những cách tự khẳng định “đẳng cấp” của giới trẻ, lan tỏa từ "thế giới ảo" vào học đường.

Chuyện ấy ai cũng biết nhưng vẫn chấp nhận nó và dễ dãi trong cách thể hiện trên các trang mạng xã hội, khiến tiếng Việt ngày một khác xưa.

Nay thì trong giới trẻ đang có 2 hệ thống tiếng Việt song song:

• Loại truyền thống trong các văn bản hành chính, văn chương, sách giáo khoa, báo chí truyền thông, thư tín, đơn từ, giao tiếp trang trọng và lịch sự.

• Loại giản lược, thậm chí tối giản trong tốc ký, nhắn tin, chát chít, facebook.

Trong trào lưu, người dùng sẽ chọn cho mình loại tiếng Việt nào, tỷ lệ 2 loại ấy trong đời sống của mình bao nhiêu, qua đó tự xếp mình vào loại thượng lưu (đầu nguồn) hay hạ lưu (cuối nguồn), cháu ạ.

Đã gọi là "trào lưu" thì sẽ có lúc thoái trào, cái gì còn đọng lại sẽ là cái mà lớp người đi sau chấp nhận. Bởi vì cùng với thời gian, chỉ những gì chuẩn mực, có giá trị thực mới tồn tại, những gì tạp nham sẽ bị đào thải.

Theo tôi, xu hướng lệch chuẩn ngôn ngữ không phải là cách để giới trẻ thể hiện cá tính, sự sáng tạo của mình, mà nếu có thì cũng phải “gạn đục khơi trong”, “đãi cát tìm vàng”. Đã gọi là cá tính và sáng tạo thì ngoài chuyện độc đáo, mới, chưa từng có thì nó phải đẹp hơn, tốt hơn, tinh tuyền hơn cái cũ chứ không hổ lốn, "tả pí lù".

Để giữ được sự tinh tế, chuẩn xác của tiếng Việt, cháu nên có những hoạt động thú vị như đọc sách văn học để làm giàu vốn từ, học hỏi lổi diễn đạt và viết đúng chính tả. Viết nhật ký, suy tư nhiều hơn, trò chuyện nhiều hơn là chat. Nghe “tiếng người” nhiều hơn là “tiếng máy”, nắm tay nhau nhiều hơn gõ bàn phím, nhìn vào mắt nhau hơn là “gí mũi” vào màn hình. Viết thư cho chính mình 10 năm sau (tất nhiên là thư tay trên giấy thì mới không gặp các sự cố như vỡ font chữ, công nghệ lưu văn bản lỗi thời hoặc bị virus phá hủy tập tin,…).

Bất kỳ loại hình ngôn ngữ nào cũng đều có những bước đi thăng trầm của nó, sự biến tướng theo chiều hướng đáng lo của tiếng Việt thời nay không thuần tuý là sự cẩu thả trong giao tiếp mà còn ở lối sống. Nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn và quan đại thần triều Nguyễn - cụ Phạm Quỳnh đã viết: “Truyện Kiều còn tiếng ta còn, tiếng ta còn nước ta còn” (Tạp chí Nam Phong, số 86 - năm 1924), giữ được tinh hoa của tiếng mẹ đẻ là chống được xâm lăng văn hóa.

Nguồn: Facebook Bs Nguyễn Lan Hải.

Bài đã đăng trên Báo Công giáo & Dân tộc.

(Hình minh họa tìm trên mạng)
 

lam giau tieng viet gian the

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây