Tình nguyện viên Hội Thừa sai Paris cử hành 20 năm phục vụ tại châu Á

Thứ ba - 19/07/2022 06:23
Trong 20 năm qua, Hội thừa sai Paris (MEP) đã gửi các nhà truyền giáo trẻ đến các nước châu Á và Ấn Độ Dương để tham gia vào các hoạt động loan báo Tin Mừng. Vào ngày 02/7/2022 vừa qua, tại khu vườn nằm trên đường Rue du Bac, khoảng 800 người đã cùng nhau cử hành cột mốc quan trọng này.
Một linh mục của Hội Thừa sai Paris truyền giáo ở châu Á
Một linh mục của Hội Thừa sai Paris truyền giáo ở châu Á

 

Ngọc Yến - Vatican News

Bên trong nhà nguyện Hiển Linh, giám đốc hội tình nguyện viên của Hội Thừa sai tự hào nói với lòng biết ơn: “Trong 20 năm qua, những người trẻ Pháp và một số các bạn trẻ ở các nơi khác đã được sai đi để phục vụ Chúa Kitô và Giáo hội Người với khả năng và lòng quảng đại”.

Hiện diện tại buổi lễ có hơn 250 cựu tình nguyện viên, nghĩa là khoảng 8% tổng số người trẻ đã từng được sai đi kể từ khi sứ vụ này được thành lập vào năm 2002. Tổng cộng có khoảng 2.500 tình nguyện viên của Hội Thừa sai Paris đã đi đến 20 quốc gia để sống trải nghiệm cuộc phiêu lưu sứ vụ. Ngoài 250 cựu tình nguyện viên, còn có khoảng 600 người tham gia buổi cử hành, đó là những người thân, bạn bè của các cựu tình nguyện viên, những người quan tâm đến công cuộc truyền giáo.

Vào cuối Thánh lễ, tất cả cùng rước kiệu thánh tích của ba nhà truyền giáo vĩ đại: Thánh Têphanô Vérand, Thánh Têrêsa thành Lisieux, và Mẹ Têrêsa Calcútta. Đối với nhiều người, đây là một khoảnh khắc đầy ý nghĩa. Bertille, một thiếu nữ vừa trở về từ Madagascar, đặc biệt thích những giây phút cầu nguyện bình yên trong khu vườn này, đã bày tỏ: “Trong cuộc rước này tôi đã có thể đặt tất cả những gì tôi đã trải qua đối với sứ vụ trong tay Chúa”. Là một y tá chuyên nghiệp, Bertille vừa trải qua 15 tháng tại một trường đại học để giúp dạy tiếng Pháp. Đối với cô, đây là một trải nghiệm khó quên. Và mặc dù đây là lần đầu nhưng cô không lo sợ vì cô cùng đi với những người đã có kinh nghiệm. Cô chia sẻ: “Ra đi cùng với các nhà truyền giáo khác, chúng tôi bước vào một lịch sử loan báo Tin Mừng đã hơn 360 năm. Chúng tôi là một phần nhỏ của di sản tinh thần đáng ngạc nhiên này. Ra đi truyền giáo có nghĩa là biết cách mở lòng ra để phục vụ những người yếu đuối. Đó là tham gia vào công trình của Chúa, để cho nền văn hoá mới làm bản thân được đánh động”.

Đối với Bertille cũng như nhiều tình nguyện viên khác, ngày này cũng là dịp để nhìn lại hoạt động tình nguyện, một công việc không phải lúc nào cũng rõ ràng. Bertille mơ ước: “Tôi muốn tiếp tục tham gia nhưng tôi chưa biết làm thế nào. Không nghi ngờ gì nữa, tôi sẽ tham gia vào một trong những hiệp hội của các cựu tình nguyện viên Hội thừa sai Pais”.

Một loạt các tổ chức nhỏ liên quan đến các nước truyền giáo của Hội thừa sai Pais, trong thực tế, đã xuất hiện trong những năm qua. Thibaut, một người đã lên miền núi phía Nam Việt Nam vào năm 2016, hiện đang đứng đầu một trong số các cơ sở đó, Hiệp hội Coup de Pouce-Pousse. Được thành lập cách đây 11 năm, hiệp hội này có mục tiêu hỗ trợ các dự án phát triển tại Việt Nam bằng cách tổ chức các sự kiện công ích.

Thibaut nói: “Ngoài việc gây quỹ, ngày kỷ niệm này còn cho phép chúng tôi làm quen với các tình nguyện viên mới. Chúng tôi hy vọng rằng chúng tôi sẽ có những lực lượng quan trọng mới vào đầu năm". Đối với Thibaut, không có chuyện xếp sứ vụ của Hội thừa sai Pais vào một ký ức xa xăm. Việc dấn thân ở Việt Nam đã thay đổi cuộc sống của anh, anh muốn phát triển hoa trái này. Do đó, kỷ niệm 20 năm là cơ hội để đổi mới động lực của sứ vụ. Anh khẳng định: “Dịp cử hành này phục hồi năng lượng thực sự cho sứ vụ ở Pháp. Tôi tin rằng đó cũng là mục tiêu của sự kiện này. Chúng ta cần nhớ rằng sứ vụ không kết thúc khi chúng ta trở về từ châu Á nhưng sứ vụ vẫn tiếp tục trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta".

Giống như Thibaut, Jean đã đi truyền giáo ở Mauritius cách đây 15 năm, và khi trở về với những trải nghiệm ở nơi truyền giáo, đã không thể bằng lòng với sự an toàn cho chính mình. Anh cho biết, anh không muốn ra đi nhưng rồi anh đã bị chính người bạn đời thúc đẩy anh tham gia cuộc phiêu lưu mà theo anh là điên rồ. Tuy nhiên sau hai năm truyền giáo, anh đã được biến đổi một cách sâu sắc nhờ tương quan của hai vợ chồng với những người nghèo nhất, những người nghiện ma tuý, nghiện rượu. Anh đến với họ và dạy họ cách sử dụng máy tính. Anh nhớ lại: “Đó là một khám phá khi ra đi gặp gỡ những người đang đau khổ và chào đón họ như họ là”. Khi trở về Pháp anh đã được biến đổi và quyết định tham gia như một tình nguyện viên vào Phong trào Hành động vì Nhân phẩm của Thế giới Thứ Tư, một tổ chức hiện diện và hoạt động tại 32 quốc gia cho người nghèo. Phong trào hoạt động được là nhờ sự dấn thân cộng tác của các tình nguyện viên.

Jean cho biết kinh nghiệm làm tình nguyện viên cho Hội Thừa sai Paris đã giúp anh hoà nhập dễ dàng khi trở thành thành viên của Phong trào Hành động vì Nhân phẩm của Thế giới Thứ Tư. Có mặt tại lễ kỷ niệm 20 năm của Hội Thừa sai Paris là để hâm nóng lại nhiệt tình loan báo Tin Mừng trong bất cứ môi trường nào anh hiện diện.

Nguồn tin: www.vaticannews.va

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây