Chúa Nhật 31 Thường Niên B

Thứ sáu - 29/10/2021 15:52
Mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh
Chúa Nhật 31 Thường Niên B

Phúc Âm: Mc 12, 28b-34

“Ðó là giới răn thứ nhất, còn giới răn thứ hai cũng giống như giới răn thứ nhất”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, có người trong nhóm luật sĩ tiến đến Chúa Giêsu và hỏi Người rằng: “Trong các giới răn điều nào trọng nhất?” Chúa Giêsu đáp:

“Giới răn trọng nhất chính là: Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi. Còn đây là giới răn thứ hai: Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó”.

Luật sĩ thưa Ngài: “Thưa Thầy, đúng lắm! Thầy dạy phải lẽ khi nói Thiên Chúa là Chúa duy nhất và ngoài Người chẳng có Chúa nào khác nữa. Mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh”.

Thấy người ấy tỏ ý kiến khôn ngoan, Chúa Giêsu bảo: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu”. Và không ai dám hỏi Người thêm điều gì nữa.


Yêu mến Chúa hết lòng

(Suy niệm của Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty SDB)

Làm sao có thể yêu mến Thiên Chúa hết lòng?

Đề tài được đem ra đây thảo luận vẫn hoàn toàn nằm trong phạm trù Cựu Ước. Thầy kinh sư am tường Sách Thánh và luật Mô-sê đặt cho Đức Giêsu một câu hỏi mang tính lý thuyết liên quan tới hiểu biết suy luận nhiều hơn: “Trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?” Câu trả lời không khó, chỉ cần trích dẫn hầu như nguyên văn sách Đệ Nhị Luật chương 6 câu 4-5 là đã có được câu trả lời hoàn hảo: “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh, hết lòng, hết dạ, hết sức anh” (Đnl 6:4-5). Ngay cả điều răn thứ hai mà Đức Giêsu muốn nối kết với điều răn đứng đầu cũng không xa lạ gì. Nó được tìm thấy trong sách Lê-vi chương 19 câu 18b: “Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình”. Xét về mặt hiểu biết, ông kinh sư không thua kém gì Đức Giêsu, thậm chí ông còn xử dụng một đoạn Sách Thánh khác để bổ túc cho câu trả lời thêm rõ: “Ta là Đức Chúa, không còn Chúa nào khác; chẳng có ai là Thiên Chúa, ngoại trừ ta” (I-sai-a 45:5; Đnl 4:35). Cuộc thảo luận lý thuyết đó rốt cuộc chẳng dẫn tới kết quả nào khả quan, ngoài lời khích lệ bâng quơ: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!”

Vấn đề mà nhiều người chúng ta đặt ra trong tư cách là Kitô hữu, không nằm trong phạm trù suy tư lý thuyết, nhưng cụ thể và hiện sinh hơn: làm cách nào mà tôi có thể ‘yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, và hết sức lực ngươi’,ngay trong đời sống thường ngày? Thiết tưởng, khi Đức Giêsu đến trần gian và thành lập Hội Thánh, Người không nhằm mục đích dạy một điều, cho dầu rất căn bản đi chăng nữa, nhưng đã được ghi chép quá rõ ràng trong Sách Thánh Cựu Ước. Cuộc sống dương thế của Người, và nhất là cái chết Thập Giá, chính là để trả lời cho nghi vấn cụ thể mang tính hành động trên trên, điều mà Cựu Ước chỉ mới làm cách hết sức sơ sài.

Yêu mến, tự nó, không thể bị ép buộc bởi một mệnh lệnh từ bên ngoài: “ngươi phải yêu mến Đức Chúa”; tình yêu không thể được điều khiển bằng lý trí! Hơn nữa, ngay cả Đệ Nhị Luật cũng chỉ dám khuyên ‘hãy yêu mến Đức Chúa’. Khi ban hành Thập Giới, Đức Chúa Gia-vê đã trưng viện lý do: “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa cứu ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ” (Xh 20:2). Chính Thập Giới cũng không đòi ‘phải yêu mến Thiên Chúa’, mà chỉ qui định việc ‘phụng thờ Người’; vậy thì, khi xác định ‘điều răn’ này hẳn Đức Giêsu phải dựa trên một lý lẽ lớn hơn việc ‘đưa ngươi ra khỏi Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ’ rất nhiều. Đúng thế! tình yêu chỉ có thể bị cưỡng ép bởi tình yêu; vì chỉ có tình yêu mãnh liệt cháy bỏng, một khi được biểu lộ và minh chứng cách cụ thể, mới có sức trói buộc mà thôi. Đức Giêsu hiểu rất rõ điều này nên Người hằng mơ ước giờ phút Thập Giá, giờ phút mà Người gọi là ‘kairos’, tức là ‘giờ của Người’; vì chỉ trên thập giá, Người mới cống hiến được bằng chứng về một tình yêu tự hiến trọn vẹn: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15:13). Bằng cái chết tự hiến đó, Người mới có thể cuốn hút mọi người vào giao ước tình yêu song phương; “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12:32). Chỉ như thế, điều răn “phải yêu mến Đức Chúa” mới có được cái sức ràng buộc thật sự!

Nói như vậy cũng đồng thời là lời giải đáp cho một trong các vấn nạn mà từ lâu nay nhiều tín hữu, thậm chí cả tu sĩ linh mục vẫn hằng ấp ủ: ‘làm thế nào mà tôi có thể yêu mến Thiên Chúa hết lòng’. Nếu tình yêu không thể bị ép buộc, thì dầu nỗ lực hay cố gắng tới mấy, tôi cũng sẽ không bao giờ có thể yêu mến Thiên Chúa ‘hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, và hết sức lực’ mình! Điều duy nhất cho phép tôi ‘yêu hết lòng’ là nghiệm ra tình yêu Chúa hiến mình cho tôi càng sâu bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, để qua đó tôi sẽ cảm thấy mình bị thúc ép, bị lôi cuốn đáp trả tình yêu này. Phải chăng đó là nội dung của Giao Ước Mới: một ký kết tình yêu giữa Thập Giá và mỗi chúng ta? Tông đồ Gio-an đã dành nhiều nỗ lực để cảm nghiệm thứ tình yêu đó trước khi viết về giới luật yêu thương. Trong lá thư 1 ngài viết. “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biệu lộ như thế này… Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1 Ga 4:9-10). Phao-lô cũng nói tới một thứ tình yêu thúc bách: “Tình yêu Đức Kitô thôi thúc chúng tôi… Vì Đức Kitô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống, không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình” (2 Cr 5:14-15).

Vậy thì, ‘Yêu Chúa hết lòng’ phải xuất phát từ chiêm ngắm và cảm nghiệm Thập Giá! Mỗi khi cử hành Thánh Lễ, tôi có thật sự thâm tín rằng: đây là giờ phút tối ưu để tôi xây dựng ‘yêu mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, và hết sức lực’ không?

Lạy Chúa, Chúa không đòi hỏi con làm điều không thể. Khi ban điều răn ‘phải yêu mến Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn, hết trí khôn’ thì, chính Chúa đã hết lòng hết sức yêu thương con trước; xin cho con hằng biết chiêm ngắm Thập Giá, là bằng chứng tình yêu thương xót và nhân ái, tình yêu ‘hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, và hết sức lực’ Chúa đã dành cho con trước. Qua con đường chiêm ngắm này, con hy vọng sẽ ngày càng có thể tiến xa hơn trên con đường yêu mến Chúa. Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây